Pages

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Miến Điện đang xích lại gần Việt Nam?

Hai vị tướng duyệt đội quân danh dự ở Hà Nội 14/11
Tổng tư lệnh quân đội Miến Điện hiện đang
 ở thăm Hà Nội
Báo chí Việt Nam cuối ngày thứ Hai 14/11 đồng loạt đưa tin về chuyến thăm của tân Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Miến Điện, Đại tướng Min Aung Hlaing, tới Hà Nội.
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tướng Min Aung Hlaing trong cương vị người đứng đầu quân đội quốc gia hiện đang ngấp nghé ghế chủ tịch luân phiên của khối Asean.

Irrawaddy, tờ báo nổi tiếng theo xu hướng dân chủ của người Miến Điện ở hải ngoại, vừa có bài phân tích tầm quan trọng của chuyến đi này.
Theo Irrawaddy, việc ông Min Aung Hlaing chọn Việt Nam thay vì Trung Quốc để xuất hành lần đầu đã phá vỡ tiền lệ của những người trong cương vị của ông và khiến nhiều người cho rằng Miến Điện đang có các hành động để dần rời xa và tách khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc.

Giới quan sát đã để ý tới điều này kể từ khi Naypidaw quyết định ngừng dự án đập thủy điện Myitsone mà Trung Quốc đầu tư hồi cuối tháng Chín, cho dù bị Bắc Kinh cực lực phản đối.
Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam cho hay Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tổ chức lễ đón long trọng dành cho Tướng Min Aung Hlaing, và đăng ảnh ông cùng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh duyệt đội quân danh dự hôm thứ Hai 14/11.
Báo này trích lời vị tướng Miến Điện nói muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam: "Myanmar luôn quan tâm theo dõi và nghiên cứu học tập những thành công của Việt Nam. Đó không chỉ là kinh nghiệm và thành tựu trong chiến tranh, mà trong công cuộc Đổi mới, Việt Nam cũng rất thành công."
Tướng Phùng Quang Thanh và Tướng Min Aung Hlaing cũng thống nhất với nhau về tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa hai nước.
Cựu Tổng tư lệnh quân đội Miến Điện Tin Oo, hiện là lãnh đạo đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ở Miến Điện, nói với tờ Irrawaddy rằng Naypidaw hiện đang gặp khó với Trung Quốc kể từ sau vụ đập Myitsone,vậy cho nên việc cử đoàn quân sự sang Hà Nội có thể là để "giành một sự vì nể nào đó từ Trung Quốc thông qua tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam".
Aung Lynn Htut, cựu quan chức tình báo Miến Điện, người đã đào tẩu sang Mỹ năm 2005 khi làm phó Đại sứ tại Washington D.C., nói tuy Việt Nam và Miến Điện không phải đồng minh về quân sự, quân đội hai nước đã có quan hệ thân chặt từ hồi cuộc chiến Việt Nam.
Ông Aung Lynn Htut được dẫn lời nói: “Chuyến thăm [của Tướng Min Aung Hlaing] rất quan trọng vì dường như nó cho thấy quân đội Miến Điện đang muốn có liên minh quân sự tại Đông Nam Á nhằm tìm giải pháp thay thế cho Trung Quốc, nước cung cấp nhiều vũ khí, khí tài cho Miến Điện".

Kinh nghiệm Đổi mới

Quan điểm này cũng được Aung Kyaw Zaw, nhà phân tích quan hệ Trung Quốc-Miến Điện, đồng tình.
Ông này nói trên tờ Irrawaddy rằng mục tiêu của chuyến đi chắc chắn là để ra tín hiệu cho quan hệ với Bắc Kinh: "Trung Quốc có thể sẽ lo lắng khi thấy tổng tư lệnh Miến Điện sang Việt Nam, nước vốn đã mâu thuẫn với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông".
"Miến Điện muốn chứng tỏ họ có thể đặt quan hệ với bất cứ nước nào, thậm chí có thể đặt mua trang thiết bị quốc phòng từ Việt Nam trong tương lai."
Trong khi ở Hà Nội, Đại tướng Min Aung Hlaing cũng hội kiến với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
Thông tấn xã Việt Nam cho hay trong khi "khẳng định ủng hộ trong việc tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Myanmar ủng hộ các doanh nghiệp của quân đội Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Myanmar, nhất là trên lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, sản xuất nông nghiệp…"
Các doanh nghiệp quân đội Việt Nam, vốn đã khá mạnh trong việc đầu tư vào các nước lân cận như Lào và Campuchia, dường như đang được bật đèn xanh để tiến vào thị trường Miến Điện giàu tiềm năng khoáng sản.
Một điều đáng chú ý nữa, là bên cạnh các chủ đề kinh tế - thương mại, các lãnh đạo Việt Nam khuyến khích Miến Điện và Việt Nam "ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương".
Sau nhiều năm trì hoãn, Miến Điện có thể sẽ được khối Asean trao chiếc ghế chủ tịch luân phiên của khối sau khi nước này đưa ra các động thái cởi mở hơn về chính trị.
Việt Nam tỏ ra nhanh nhạy khi Đại tướng Phùng Quang Thanh trình bày với Tổng tư lệnh Min Aung Laing về chủ đề Biển Đông ngay sau lễ đón ở Hà Nội. Ông Thanh nói "đây là vấn đề do lịch sử để lại, chủ trương của Việt Nam là giải quyết mọi tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế".
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm thứ Ba 15/11 cũng đã tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Miến Điện Wunna Maung Lwin bên lề hội nghị ngoại trưởng Asean ở Bali. Ông Phạm Bình Minh được nói đã "đề nghị một số biện pháp nhằm củng cố và tăng cường hợp tác song phương" với người đồng nhiệm Miến Điện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét