Pages

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

“Người tiền sử” – từ hang đá về… thủ đô!

http://www2.vietbao.vn/images/vn2/khoa-hoc/20048570_images124264_hopsototuong.jpgTheo: Tuần Việt Nam

Khi leo núi rã rời để viết phóng sự “Gặp “người tiền sử” trong hang đá Mông Ân” (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) – quả là tôi đã rất sửng sốt, có cái gì đó hoang mang trước thảm cảnh.
Sao đến thập niên thứ hai của thế kỷ XXI rồi, mà một người già cô đơn, hai đứa trẻ tận khổ gầy sọm và trần truồng kia vẫn phải ở trong lỗ đá như người nguyên thủy, không hộ khẩu, không được hưởng bất cứ sự quan tâm nào của xã hội nhân ái? Tôi viết và tự hứa trên báo rằng sẽ sớm trở lại, xây nhà cho họ trước khi những cơn gió buốt óc của miền đá tai mèo năm 2011 ập đến. Bấy giờ, tôi hạ quyết tâm hứa thế, cũng chỉ vì quá xúc động mà thôi, chứ chưa thể hình dung được, tiền ấy sẽ lấy ở đâu…
Đến cuối tháng 10.2011, thật bất ngờ, Sùng A Páo và đàn con đã được một tổ chức nhân đạo đón về Hà Nội nuôi dưỡng, dăm bảy chục triệu đang xúc tiến đưa vào sổ tiết kiệm tặng người về từ mái đá hoang vu.

Giấc mơ được là… công dân
Nhớ mãi buổi chiều lộng nắng và những dốc núi mà mỗi lần ngước lên tôi đều bị rơi mất phom mũ đang đội trên đầu ấy. Bà Hoàng Thị Bình – Đại biểu Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng – chợt trầm buồn chỉ tay về cái màu đen hun hút giữa rừng xanh của đỉnh trời xã Mông Ân. Mắt tôi bị hút mãi vào cái vùng thăm thẳm tăm tối ấy. Có cảm giác như nó là một cái hang không đáy trong “Tây du ký” thì đúng hơn. Anh cán bộ huyện thở dài: “Ta có cảm giác “lỗ đen”, là bởi vì gia đình ông Sùng A Páo ở trong mái đá quá lâu, khói bếp họ đun đã ám tầng tầng lớp lớp vào màu đá xám. Nó đen nhóng nhánh như nhựa đường (hắc ín) khắp cả một vách núi lớn”.
Một bữa cơm của bố con ông Páo khi còn ở hang đá Mông Ân.
Gần 60 tuổi, ông Páo và bà vợ thiểu năng trí tuệ với 3 đứa con cứ sống như “người tiền sử” trong mái đá tự nhiên, biệt lập giữa núi rừng. Ngôi nhà cũ sập, họ phải dời vào mái đá tá túc qua ngày. Đứa con thứ hai ăn mấy con cá khô rẻ tiền mua ở chợ huyện, rồi bị nhiễm độc, phát bệnh kiết lỵ mà chết. Vợ trước của ông theo trai, rồi buồn tình ăn lá ngón tự tử. Vợ sau dù ngớ ngẩn nhưng được cái trẻ trung (chưa đầy 30 tuổi), nên bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc đã vài năm.
Đúng là tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn cái thằng bé Sùng A Đại ba – bốn tuổi đầu ở trong hang núi trần truồng như… hoang thú. Rồi cảnh Sùng A Lự men theo bờ suối, ngược các triền núi hoang trọc, cố sức cõng bó củi khổng lồ dài thượt đi đổi lấy hai cuộn mì khô trắng ởn trị giá 10 nghìn đồng. Con đường lên vách núi nương thân của bố con A Páo ấy, tôi xắn quần, chống gậy trèo cạn một buổi chiều mới đi hết, thế mà cậu bé 7 tuổi thất học A Lự ngày nào cũng phải cõng bó củi to bằng… bố nó, đi đổi lấy cái ăn, nuôi bố già, nuôi mình và em trai.
Bà Hoàng Thị Bình thì buồn bã hơn sau khi cùng tôi vào diện kiến UBND xã Mông Ân. Ông Páo không có hộ khẩu, ở trong hang đá cùng vợ và đàn con, không được đi bầu cử, cũng không được hưởng bất cứ sự đối đãi nhân ái nào như một công dân chân chính. Xã đùn trách nhiệm cho thị trấn Pác Miều, thị trấn lại đẩy cho xã. Ông Páo thì bảo, sống làm người ở hang đá đã hết cỡ khổ rồi, làm sao ông biết mình sẽ làm thế nào được công nhận là người của xã hay thị trấn. Sau khi phóng sự “Gặp “người tiền sử” trong hang đá Mông Ân” đăng tải, chính quyền cơ sở đã sốt sắng đi “khắc phục hậu quả”, rồi trao cho ông Páo một cái hộ khẩu đỏ chót.
Vài chục triệu được các nhà hảo tâm gửi về. Các đoàn từ thiện leo núi tơi tới. Huyện có vẻ cũng lăn tăn xem lại mình, cho nên mới quyết định đưa ra thêm 15 triệu đồng nữa ủng hộ cha con A Páo, coi như “vốn đối ứng” để cứu độ gia đình “người tiền sử”. Đặc biệt, ông Trần Duyên Hải – Giám đốc Trung tâm dạy nghề nhân đạo ở Khâm Thiên, Hà Nội – đã lên Cao Bằng đón ông Páo và 2 người con về chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy nghề.
“Người rừng” đi xem Hà Nội và ngủ ở đồn công an
Mất vợ, lại thấy đồn cô vợ trẻ của mình bị người ta dắt đi ăn phở ngoài chợ huyện rồi chở bằng xe máy đi làm gái bán dâm ở nước ngoài, nên giờ ông Páo đề phòng lắm. Sau hơn 2 ngày thuê ôtô chạy ròng rã từ Hà Nội, vượt đèo dốc vào Mông Ân, cán bộ trung tâm sững sờ khi hay tin ông Páo kiên quyết không đi theo những người muốn cứu giúp cuộc đời mình.
Đại diện trung tâm thật không thể ngờ đến tình huống khó tin này. Lãnh đạo huyện Bảo Lâm và xã Mông Ân phải vào tận đỉnh núi ám khói “người rừng” để thuyết phục. Vừa rồi, rời hang núi với mỗi người một bộ quần áo của nhà hảo tâm, ngoái đầu lại, ông Páo lẩm bẩm, “hóa ra chẳng có gì để mang theo, lúc đi khỏi hang rồi mới biết mình quá nghèo, chỉ có hai con gà đang nuôi, một con vừa biết gáy…”. A Đại nhìn thấy ôtô, cứ khóc ngằn ngặt, nó bảo “con trâu to quá” không dám đến gần. Cả nhà A Páo, chưa ai ra khỏi huyện Bảo Lâm một lần nào.
Ba bố con ông Páo được chăm sóc và học nghề tại Hà Nội. Ảnh: Đ.D.H
Xe đi từ sáng hôm trước đến 2h hôm sau thì về đến trung tâm nhân đạo của ông Hải ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Thủ đô đón chào gia đình ông Páo bằng một bữa cơm no nê, họ ăn như chưa bao giờ được ăn. Ông Páo bước đi thập thễnh, bồng bềnh, bởi như ông nói: Ông leo núi quen rồi, chân đi thì tay phải vịn vào cây mới dễ đi. Hà Nội không có cây để vịn. Đứng nhìn đường một lúc thì kêu mỏi cổ, bởi xe nào cũng lạ, cứ nhìn theo từng cái xe, nhìn kỹ theo một cái xe hay một người “lạ hoắc” thì phải ngoái đầu từ trái sang phải hoặc từ phải sang trái một lần, thế là mỏi sái cổ.
Ông Páo thử đi ra phố. Bà Bình, các phóng viên tốt bụng của đài Cao Bằng là Hoài Phương – Đàm Trình phải tá hỏa kinh hãi khi chợt thấy Sùng A Páo biến mất. Hai đứa trẻ đứng khóc ngao ngao. Người ta bủa nhau ra để tìm. Mấy tiếng sau, bà Bình đến một khu bùng binh lớn chỗ Cầu Giấy thì thấy một người đen đúa, lơ ngơ, quần áo xộc xệch đang dò dẫm, giật cục cắt ngang hàng xe cộ nườm nượp mà… lượn. Họ chặn lại, bà Bình hỏi bằng tiếng Mông, “đi đâu thế hả ông anh?”, “ta đi xem Hà Nội, nó lắm người quá. Đường về không dễ tìm như ở Mông Ân, Pác Miều quê ta”.
Xe máy của trung tâm đến đón. Chưa ngồi xe bao giờ, nên ông nhảy phắt một cái như leo lên lưng trâu, cu cậu đón “người rừng” loạng choạng ngã nhào. Về lại trung tâm được vài hôm, Sùng A Páo biến mất. Dù quản lý “người trong mái đá” rất chặt, nhưng hôm ấy ông Páo xin “ưu tiên” một chút, bởi ông cảm thấy mình đã thuộc đường quanh trung tâm lắm rồi. Ông Páo muốn làm gì đó cho đỡ buồn bực, “ta xin đi đổ rác cho các người”.
Ông Páo đi đổ rác nửa ngày chưa về. Giám đốc Hải có vẻ điềm đạm: “Tôi đã tính kỹ, để trong ngực túi áo của ông cái cạcvidít của tôi và của trung tâm, mặt sau có sơ đồ chỉ dẫn đường hẳn hoi. Nếu ông lạc thì kiểu gì cũng tìm hoặc nhờ người tìm cho được đường về”. Chờ mãi, nóng ruột quá. Lên phòng ông Páo kiểm tra, thì thấy cái áo có nhét hai tờ cạcvidít thể hiện sự cao kiến của ông Hải nằm tơi bời dưới sàn nhà. Ông Páo đi đổ rác đã 1 ngày chưa về.
Ông Hải cho người in ảnh chân dung ông Páo đi dán và phát ở các nơi để nhờ tìm kiếm người già lạc lối. Học viên ở trung tâm thì toàn người khuyết tật, cũng phải huy động đi tìm. Giáo viên thì bắt đi… xe ôm cho nó cơ động, hang cùng ngõ hẻm cứ lượn, ông nào lơ ngơ là sáp đến nhòm. Một ngày, rồi một đêm, rồi một ngày nữa lại đang trôi qua.
Tất cả căng như dây đàn. Chợt có học viên là người câm đi xe buýt tìm kiếm phát hiện một ông nhẩn nha lượn qua đầu xe buýt ở địa phận quận Thanh Xuân, dọc đường Nguyễn Trãi. Cậu này nhảy xuống, kéo ông già Páo về. Ông Páo vốn có tinh thần cảnh giác cao với bọn đi xe máy, đi ôtô (giống bọn đã bắt vợ ông!), nên ông bỏ chạy rồi ú ớ kêu cứu. Học viên câm cứ ú ớ, ông Páo càng ú ớ phát “sóng ngắn” tiếng Mông. Tất cả náo loạn.
Phải bám theo ông Páo, phải bút đàm nhờ liên lạc và cầu cứu, khó khăn lắm họ mới triệu tập được ông Páo về đoàn tụ với các con. Thật không ai ngờ A Páo đi đổ rác rồi thấy ngõ phố nào cũng giống nhau, rồi đi tìm con ngõ có hai đứa con mình đang ở… lại mất mấy ngày. Ông cứ đi, cứ tìm những cái ngõ nhỏ hun hút cong cong, xuyên từ quận Đống Đa, sang quận Cầu Giấy, sang cả quận Thanh Xuân; thấy ngõ nào cũng bé xíu, cong cong hun hút và nhô nhúc những người.
Rồi ông lọ mọ lạc vào… một đồn công an, ông bảo mình là Páo, nhưng không biết mình đang tìm phố nào ngõ nào, không biết mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Rồi ông ngủ nhờ ở đồn công an một đêm dài dằng dặc. “Công an nó cho ta 20 nghìn đồng, ta mua bánh mì ăn. Cơm và bánh mì ở Hà Nội đắt lắm. Nhưng ta vẫn mua được 2 cái bánh mì, còn hai cái phần thằng A Đại và A Lự đây” – A Páo tự hào thò hai chiếc bánh mì bột nở vẫn nằm bẹp gí trong túi quần ra, cười hể hả. Anh chị em ở trung tâm nhân đạo được trận hú hồn.
Gặp lại PV Lao Động đến trao tiền Tấm lòng vàng, ông Páo nắm tay lắc lắc, xúc động, nức nở: “Ta nhớ con lắm, nhớ Mông Ân lắm. Xuống Hà Nội ta có tất cả. Thằng Lự, thằng Đại sẽ lấy vợ ở đây, ta sẽ sống mãi cho đến khi già và chết ở những chỗ như thế này thôi. Không về hang đá nữa đâu”. Bây giờ, “người tiền sử” nói tiếng Kinh đã sõi hơn.
Theo Lao động
Kỳ 1: Gặp “người tiền sử” trong hang đá Mông Ân
Câu chuyện sững sờ về một gia đình phải vào mái đá hoang vu giữa bốn bề núi non để sống vật vạ qua ngày đó đã khiến chúng tôi hạ quyết tâm ngược đồng rừng.
Từ thị xã tỉnh lỵ Cao Bằng, mất gần một ngày đường gian khó thì vào đến huyện Bảo Lâm – miền đất hẻo lánh giáp với Mèo Vạc.
Nghỉ một đêm, hôm sau xe cứ dựng ngược mà leo dốc đá mấy chầu nữa thì đến trụ sở UBND xã Mông Ân. Các đồng chí cán bộ xã – cách đó mấy ngày đã được chúng tôi nhờ xác tín nguồn tin về “người tiền sử” – kể: “Phải rồi, họ ở mái đá, cô vợ bị người ta lừa về chợ, cho ăn phở và bộ quần áo mới rồi ốp lên xe máy bán sang bên kia biên giới rồi. Một con của họ đã chết – vì đói quá, lại ăn uống mất vệ sinh. Đứa 7 tuổi, hằng ngày vác củi xuống chợ bán, mua mì sợi và mì tôm về nuôi bố già và cậu em trần truồng lem luốc…”.
Khóc với “người rừng” 7 tuổi
Trù liệu chuyến vượt mấy khúc suối, mấy quả đồi giữa trưa nắng không phải chuyện đùa, tôi rủ cả các phóng viên địa phương theo cùng – một bạn người Mông, một bạn người Tày. Anh bạn người Mông kiêm nhiệm vụ phiên dịch. Đi bộ cả tiếng đồng hồ, đứng từ xa, nhìn bằng ống nhòm, cái mái đá đen thui muội than “nhà ông Páo” vẫn vời vợi. Chợt thấy nhò ra một cậu bé ở truồng, chơi bên mép vực sâu hun hút, bốn bề là đá tai mèo sắc nhọn. Cả mái đá “người tiền sử” đen nhoáy, óng ánh muội than củi đã lưu cữu khá lâu. Nó như một tác phẩm nghệ thuật ám ảnh.
…Gần đến hang núi ông Páo sống, thì thấy từ bìa núi nhò ra một vác củi xiên xiên lao dần xuống phía suối. Sùng A Lự (7 tuổi) đang thực hiện công việc của một “tiều phu nhí”. Cậu bé ngã dúi dụi, bó củi lăn, nó ngồi nhìn. Không cười, không khóc. Bó củi 10 nghìn đây rồi, tôi lẩm bẩm. Cậu bé cố lết đi, lại ngã. Tôi 36 tuổi, leo núi 3 ngày không mệt, nhưng cũng phải lên gồng mới cõng nổi “vác củi đổi mì tôm” của cậu bé Lự 7 tuổi.
Ông Páo và bé Đại sống trong vách đá giữa chon von đỉnh núi.
Trong nhà không còn hạt gạo, Lự theo tôi về hang núi rồi kiên quyết đi bán củi kẻo trời đã quá trưa, tối lấy gì mà ăn. Chúng tôi ngậm ngùi nhìn cậu bé da bọc xương xiên xiên chúi theo vác củi trên bìa núi hoang. (Nhưng, lúc về gặp lại Lự ở bờ suối, nhìn nó cầm tòng teng bó mì sợi, mỗi gói giá 5 nghìn đồng, là thành quả của nửa ngày đi chặt, nửa ngày vác củi qua bao ngọn núi, chúng tôi mới thật sự cùng… bật khóc).
Bà con ở chợ thị trấn bảo, Lự mang củi xuống, nhìn củi tươi mà lại toàn gỗ tạp như vậy, chẳng ai muốn mua đâu. Bây giờ họ chủ yếu đun bếp gas hoặc than tổ ong. Song, Lự nó bé như con chuột nhắt, thương quá, họ bèn phân công nhau mua, trả nó 10 nghìn, cho nó ăn no để nó về hang núi kẻo trời sắp tối. Anh Hoàng Văn Yên – ở khu 1, Pác Miều – cho biết: Nhà ông Páo từng có những dịp 3 ngày không có gì ăn, đói thảm thiết. Nhìn hang đá đau xót quá, anh cho họ mượn một con bò để nuôi nó đẻ ra bò con làm vốn, nhưng rồi trộm cũng bắt mất cả bò.
Ông Páo toàn ăn cơm với ớt và đu đủ hái trên núi. Một lần, mua cá hồng rẻ tiền bảo quản bằng hóa chất độc hại về, nấu cho đứa bé ăn, nó bị đi ngoài và chết. Bà Âu Thị Hảo – 67 tuổi, nhà ở khu 2, Pác Miều, người thường xuyên đi nương, gặp cậu bé 7 tuổi vác bó củi khổng lồ bò xuôi dốc núi – thì gạt nước mắt khi nghe tin chúng tôi đi kiến nghị làm hộ khẩu, dựng nhà cho ông Páo và đưa hai đứa trẻ ra khỏi mái đá: “Có lần tôi thấy Lự đi bán củi, nó nằm gục dọc đường vì đói quá không đi được. Nó bảo tôi, bà ơi, cháu đói và khát quá. Tôi kêu lên, ối giời ơi, bó củi to bà còn không vác được, cháu bỏ bớt củi đi rồi vác vài thanh xuống chợ thôi. Về nhà bà mà ăn cơm đã cháu ơi!”.
Vợ ông Páo bị lừa bán vì… một bát phở
Cái hang núi gia đình ông Páo đang “ngự” ngẫm ra thì cũng khá hữu tình. Vách đá cao vút, trắng loang lổ, nửa non vách bị khói bếp lúc nào cũng ủ lửa của gia đình “thời tiền sử” này nhuộm đen nhóng nhánh. Tre pheo phủ bên trên đỉnh núi, vài cây cổ thụ tỏa bóng mát ở một góc đá tai mèo. Trước cửa hang hủm vào lòng núi, có một bãi sân bằng phẳng, rìa mép vực là lớp đá tai mèo phún sắc. Đẹp thì đẹp vậy, nhưng đó là vẻ đẹp buốt lòng. Bởi nơi này cô lập hầu như hoàn toàn với cuộc sống văn minh. Việc đầu tiên của chúng tôi, sau khi chào hỏi ông Páo, là đi mặc áo cho bé 3 tuổi Sùng A Đại đang trần truồng.
Sùng A Đại ở truồng tự do nghịch đất trên núi.
Khi tôi đến, ông Páo đang lụi cụi dùng nêm gỗ và khúc gỗ để tách các cây tươi vừa đẵn ngoài rừng ra thành các thanh củi dài chừng hơn 2m. Ông và Lự đi đẵn, ông tách, bó, Lự vác đi bán, vừa bán vừa xin bà con bố thí ở dưới chợ huyện. Không có búa, cách tách củi của ông cũng là cách làm của… thời nguyên thủy. Ông vuốt mồ hôi, cứ ngơ ngác không hiểu tại sao có người đến thăm mình. Chúng tôi bảo, có cậu bé quen Lự khi nó xuống chợ bán củi, cậu bé đó lên thăm mái đá và khóc rồi hứa sẽ đưa… bố cậu ta lên giúp đỡ nhà Lự, vì Lự nghèo và khổ quá. Nhớ ra cậu bé hay cho Lự mì tôm đó, ông Páo trở nên thân thiện hẳn. Ông cứ nắm tay Quang – bạn tôi, người dẫn đường (bố cậu bé đã lên thăm Lự) – nói lời cảm ơn bằng tiếng Mông.
Tại sao ông Páo và vợ con phải vào mái đá sống bấy lâu nay? Phải nói thẳng là ông Páo đã bị bỏ rơi thì đúng hơn. Ông chỉ nhớ mình khoảng 60 tuổi, cán bộ xã Mông Ân cũng so độ tuổi tác (vì ông Páo không có bất cứ thứ giấy tờ nào) và ước chừng ông Páo ngần ấy tuổi. Ông Páo già sọm, quần rách bươm. Con ông thì trần truồng. Cả nhà không ai đi dép. Điều bất ngờ là cán bộ, nhân chứng và bản thân ông đều cho biết, ông từng có lần lượt tới 3 bà vợ. Vợ cả người xã Thái Học, huyện Bảo Lâm, lấy nhau được 1 năm thì bà ăn lá ngón tự tử. Vợ hai đẻ với ông được 8 người con – 5 trai, 3 gái. Bà đã chết vào năm 1981.
Vợ ba ông mới lấy cách đây độ 8 năm, cô này sinh năm 1984, đẻ với ông được 3 người con. Cô vợ ba của ông Páo có vấn đề về tâm thần, hằng ngày chỉ biết vác củi xuống chợ bán kiếm mấy đồng mua rau và gạo. Nhưng cách đây chừng 1 năm, cô ta bị mấy người “bên Mèo Vạc” tìm vào làm quen, rồi dụ dỗ. “Họ cho ăn bát phở, tắm rửa, thay cho một bộ quần áo mới, rồi đưa lên xe máy đi mất. Nó bán sang Trung Quốc rồi” – ông Páo kể rằng khi ông đi tìm vợ thì các bà bán hàng ở chợ bảo thế. Và, khoảng 10 nhân chứng cùng lãnh đạo xã Mông Ân cũng kể với chúng tôi chi tiết này.
Ông Páo đã từng có một ngôi nhà, nhưng “đã bán lấy 20 nghìn đồng, đổi lấy hai chai rượu uống rồi” – cán bộ xã đi tìm hiểu theo đề nghị của nhóm nhà báo chúng tôi cho biết như thế. Còn ông Páo kể: “Tôi bán nhà 80 nghìn đồng, một người mua mấy tấm cỏ tranh cũ lợp trên mái, một người mua cọc gỗ. Nhà ấy cũng rách đến mức không ở được nữa, trong khi họ đòi tiền nợ ghê quá, tôi đành phải bán. Cái nền nhà cũng của người khác mà”.
Con trai ông ở tít trong xã Đức Hạnh xa xôi của huyện Bảo Lâm, cậu ấy từng đưa ông Páo vào Đức Hạnh sống một thời gian. Sau vì nhiều mâu thuẫn, ông phải quay về Mông Ân, vào mái đá sống. Thằng Lự con ông đã vẹo lưng cõng củi chính thức làm nghề tiều phu! Nó không biết chữ, dù đã quá tuổi đến trường từ hơn 1 năm nay.
Tại sao bây giờ ông Páo không có hộ khẩu? “Tôi đã được sinh ra ở xã Lý Bôn, lớn lên ở Thái Học (các xã của huyện Bảo Lâm). Bố tôi tên là Sùng A Chinh, chết ở huyện Bảo Lạc. Mẹ tôi tên là Vàng Thị Thu, mộ bà nằm ở quả núi bên kia, giờ đứng nói chuyện với anh tôi cũng vẫn nhìn thấy mộ bà. Giấy tờ, chứng minh thư của tôi cũng đã từng có, tôi nhớ chứ. Nhưng hồi bà vợ hai của tôi chết, nhà đông người đến viếng quá, thất lạc mất hết. Riêng hộ khẩu, tôi từng xin nhập vào thị trấn Pác Miều từ năm 1979, đưa giấy tờ cho ông Hiền, là ủy viên ủy ban, nhà ở đầu cầu của thị trấn, ông ấy giờ chết rồi. Tôi đã 2 lần đi xin nhập khẩu, nhưng cán bộ bảo, ông là người địa phương mà, ông cứ ở đi, ông không ăn cắp ăn trộm là được”.
Trời về chiều, gió lạnh căm, mây phủ ùn ùn. Hang núi rét mướt lạ lùng, ngọn lửa thốc lên, mái hang óng ánh đen như ma quái. Tựa vào mái đá, ông Páo dùng bạt nylon, xếp tre gỗ, quây một góc sàn trải phên liếp để nằm. Tôi ngồi thử, thấy nó là một cái ổ thì đúng hơn! Ngọn đèn dầu kia, về đêm nó cháy leo lét, có lẽ chỉ làm tăng cảm giác cô quạnh của gia đình “tiền sử” gồm ông già và hai đứa trẻ có mẹ bị bán mất tích. Chúng tôi không nỡ rời bước để ném lại cho trời đem và núi rừng hoang thẳm bịt bùng này 3 con người không chứng minh thư, không giấy khai sinh, không hộ khẩu, không được hưởng bất cứ các chính sách hỗ trợ nhân ái mà họ đáng được hưởng.
Chợt nghĩ chút tiền mà các trí thức nghèo chúng tôi để lại thực ra là quá lớn đối với ông Páo. Song, đêm nay bố con ông vẫn đói, vẫn nhạt nhẽo ăn hai túm mì sợi cuộn trị giá 10 nghìn đồng do thằng Lự vừa đổi bó củi tươi, gỗ tạp mang về. Bởi nếu cầm tiền đi chợ và quay về thì trời đã sắp chuyển sang… ngày mới, trong khi chúng tôi không mang theo đồ ăn thức uống. Họ chan, húp thứ mì trắng bệch nấu với nước suối rồi chuẩn bị để lụi cụi bò vào “ổ” trong vách đá lạnh ngắt kia.
Quá thương cảm, chúng tôi mạnh dạn hứa, lần sau lên sẽ quyên góp dựng cho gia đình tận khổ này một nếp nhà. (Quý độc giả có đóng góp dựng nhà cho ông Páo, xin gửi về Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động, điện thoại tòa soạn: 04.38252441).
Đỗ Doãn Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét