Pages

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Người Việt hải ngoại làm gì nếu có cuộc đại suy thoái toàn cầu?

Nhất Hướng

Cuộc suy thoái kinh tế khởi sự từ năm 2008 tại Hoa Kỳ khi các đại công ty tài chánh như Lehman Brothers, Bear Stearn, Thornburg v.v… khai phá sản kéo theo cả trăm nhà băng lớn nhỏ bị đóng cửa. Cuộc suy thoái kinh tế trở nên trầm trọng khi cơ quan đánh giá Standard & Poor’s hạ điểm tín dụng của nền kinh tế Hoa Kỳ xuống một nấc làm giới đầu tư mất niềm tin thị trường chứng khoán tuột dốc. Nay, thì mọi con mắt của giới đầu tư hiện đang hướng về Châu Âu về Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ái Nhĩ Lan là những quốc gia có nền kinh tế suy yếu có cơ vỡ nợ.
Kenneth Rogoff, Kinh tế gia thuộc đại học Haward đã tiên đoán ngay vào lúc khởi đầu: “Cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài, sẽ trở nên tồi tệ và sẽ lan rộng qua lãnh vực tiền tệ khắp thế giới”. Ông vừa tuyên bố thêm sau khi 17 thành viên của Khối Châu Âu họp vào ngày 26/10/2001: “Việc Khối Châu Âu giảm 50% nợ cho Hy Lạp cũng không đủ sức vực Hy lạp ra khỏi cuộc khủng hoảng tiền tệ”.

Với món nợ trên 400 tỷ euros nếu Hy Lạp không trả nổi, khai phá sản và rút chân ra khỏi Khối Châu Âu thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều nước khác, đặc biệt là Ý với món nợ là 1900 tỷ euros dù đã bàn cãi nhiều nhưng các thành viên Khối Châu Âu vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết. Nguyên nhân nợ ngập đầu của các nước Châu Âu là do chi nhiều hơn thu. Ở Hy Lạp, số giờ làm việc một tuần là 25, số tuổi để về hưu là 55, Chính quyền và giới chủ không có quyền sa thải công nhân, thuế đất thuế nhà chỉ đánh tượng trưng trong lúc thu nhập chính là du lịch thì chẳng ma nào dám đi du lịch trong thời gian cả thế giới đang đi vào cuộc suy thoái.
Ngoài cuộc khủng hoảng tài chánh, 2 nước Hy Lạp và Ý lại đang chìm ngập trong cuộc khủng hoảng chính trị rất sâu đậm. Hai chiếc ghế của thủ tướng Hy Lạp George Papandreous và thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đang bị lung lay tận gốc rễ.
Có thể vì bất mãn với việc giảm nợ chưa đủ của Khối Châu Âu hay vì áp lực của các đảng phái đối lập và các cuộc biểu tình khắp Hy Lạp, Thủ Tướng George Papandreous tuyên bố vào ngày 31/10/2011 sẽ đem gói cứu trợ của Khối Châu Âu (130 triệu Euros) ra trưng cầu dân ý. Lời tuyên bố này làm chao đảo thị trường chứng khoán toàn thế giới trong tuần qua và làm tức giận các thành viên trong Khối Âu Châu khi họ đang họp liên tục để tìm cách trấn an và ổn định thị trường. Tổng thống Pháp Sarkozy và thủ tướng Đức Chancellar Angela Merkel đồng tuyên bố: “Việc ổn định thị trường và Khối Châu Âu là việc quan trọng còn Hy Lạp ở trong hay ngoài Khối Châu Âu là không cần thiết”. Một số thành viên khác đòi đuổi Hy Lạp ra khỏi Khối Châu Âu. Sáu thành viên cao cấp trong chính phủ kêu gọi ông từ chức. Ông ta hủy bỏ việc trưng cầu dân ý và chỉ thắng sít sao (153/147) trong cuộc bầu của quốc hội vào ngày thứ sáu 4/11/2011 để tín nhiệm ông tiếp tục ở lại chức vụ để thành lập một nội các mới đoàn kết hơn nhưng đảng đối lập lớn nhất Hy Lạp lại vừa tuyên bố tẩy chay không tham gia nếu thủ tướng còn hiện diện.
Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi là một người giàu sụ, sẵn tiền của nên ăn chơi vung vít. Ông già gân này có lần cho biết đã từng đụng độ với 3 kiều nữ trong vòng 1 đêm, đang dính vào vụ bê bối tình dục với một kiều nữ dưới 18 tuổi chưa gỡ ra, nay lại thêm mất ghế trong quốc hội biến đảng cầm quyền thành thiểu số. Cuộc biểu tình to lớn tại Rome trong ngày chúa nhật vừa qua cho chúng ta thấy ngày về vui thú điền viên của ông ta chẳng bao xa.
Kinh tế thường đi đôi với chính trị. Kinh tế sụp đổ thường kéo các lãnh tụ chính trị đổ nhào theo. Nếu hai vị thủ tướng của Hy Lạp và Ý ra đi sẽ kéo theo một thời gian xáo trộn trong hai quốc gia ấy. Lẽ dĩ nhiên toàn Khối Châu Âu sẽ không đứng vững khi Hy Lạp và Ý sụp đổ.
Nếu Châu Âu đi vào một cuộc đại suy thoái thì sẽ kéo cả toàn bộ thế giới đi vào đại suy thoái nhất là Hoa Kỳ nơi có nền kinh tế đang trên đà suy thoái chưa vực dậy được mà lại liên hệ mật thiết với Khối Châu Âu với việc trao đổi thương mại trên 400 tỷ mỗi năm, đang đầu tư khoảng 5.000 tỷ đô và mua các công khố phiếu gần 2.000 tỷ đô.
Chuyện tương lai là chuyện không thể biết trước được. Bài viết này cũng không nhắm mục đích bàn chuyện cuộc đại suy thoái có xảy ra hay không xảy ra trong tương lai mà chỉ nêu ra một vài ý kiến của người viết về cách bảo vệ, cách đầu tư số vốn có được để Người Việt Hải Ngoại tùy theo sự suy nghĩ và trường hợp của mình mà áp dụng. Những ý kiến này không thể được cho là đúng mà cũng chẳng có thể bị sai vì nó còn tùy thuộc vào thời gian thi hành và tình hình ngoại cảnh.
Để trở thành Người Việt Hải Ngoại, chúng ta phải trả bằng máu và nước mắt. Để có được một đời sống ổn định hay số vốn chúng ta phải hy sinh đôi lúc phải cày một ngày 3 dóp nên việc bảo vệ và đầu tư số vốn đó là một việc cần bàn. Việc bàn hay hay bàn dở thì sẽ tính sau mà việc có bàn là quan trọng và cần thiết trong thời gian dầu sôi lửa bỏng như hiện nay để mỗi người có thêm một số ý kiến trước khi quyết định về số vốn mình đang có.
Ý kiến 1: đừng nghe lời dụ dỗ: Các quĩ đầu tư đang dùng những trang mạng của mình dụ dỗ người đầu tư đầu tư vào những cổ phiếu nhà băng để họ có thể mua xuống với số lượng lớn (có thể họ đã nắm chắc cuộc đại suy thoái chắc chắn sẽ xảy ra).
Ý Kiến 2: Án binh bất động: Nếu bạn có được một số vốn chưa đầu tư thì nên án binh bất động để đợi cuộc đại suy thoái xảy ra mới bắt đầu đầu tư.
Ý kiến 3: Di chuyển đến nơi an toàn: Những số vốn nằm trong tiền để dành như tiền 401k nên di chuyển vào những fund an toàn như Interest Income, Bond đợi khi cuộc đại suy thoái xảy ra thì di chuyển về lại những fund như small caps, large caps v.v…
Ý kiến 4: Không chơi trò Risk and Reward (có nguy hiểm mới được đãi ngộ). Phương pháp đầu tư này thường được áp dụng cho những người có số vốn thật lớn, họ sẽ trích ra một số vốn nhỏ để đầu tư vào những cổ phiếu nguy hiểm.
Ý kiến 5 : Không áp dụng chữ If và Will trong đầu tư : Cách đầu tư tệ nhất và dễ mất vốn nhất là dùng chữ nếu và chữ sẽ nếu sự việc không đi đúng như mình nghĩ thì mình sẽ mất tiền.
Khi cuộc đại suy thoái toàn cầu đã xảy ra thì:
Ý kiến 6: Đừng nôn nao đầu tư, vì cuộc suy thoái sẽ kéo dài bao lâu không biết nhưng nếu nôn nao đầu tư liền thì sẽ mất tiền.
Ý Kiến 7: Tìm đáy để đầu tư, không ai có thể biết được giá trị một cổ phiếu lúc nào chạm đáy để mua. Cách hay nhất là mua 1 phần tiền vào lúc mình nghĩ đã chạm đáy và mua phần còn lại nếu nó đi xuống thêm nữa và … chờ đợi.
Ý Kiến 8: Tìm loại đầu tư: Khi cuộc đại suy thoái toàn cầu xảy ra, cổ phiếu nhà băng sẽ bị mất giá nhiều nhất vì đây là cuộc suy thoái về tiền tệ thì nên đầu tư vào cổ phiếu nhà băng, trong ngắn hạn thì mua cổ phiếu nhà băng Hoa Kỳ vì Hoa Kỳ sẽ phục hồi trước. Trong dài hạn và muốn lợi lớn thì nên mua cổ phiếu nhà băng Châu Âu.
Ông Warrant Buffet là một nhà đầu tư giỏi nhất thế giới có lời khuyên: Đầu tư vào thị trường chứng khoán điều thứ nhất cần phải biết là đừng bao giờ để thua tiền. Điều thứ 2 là phải nhớ điều thứ nhất. Ông còn dạy thêm rằng: Lúc mọi người lo sợ là lúc mình biết tham lam.
Cuộc đại suy thoái toàn cầu xảy ra sẽ làm mọi người lo sợ thì Người Việt Hải Ngoại phải biết tham lam. Nếu không biết thì hỏi ý kiến nhau thì sẽ biết.
© Nhất Hướng Nguyễn Kim Anh
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét