Pages

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Nhật Bản: Hội Nghị Dân Chủ Hóa Á Châu thành công mỹ mãn.

http://phamdinhtan.files.wordpress.com/2011/11/image001.jpg?w=300


Âu Minh Dũng (DienDanCTM)
Thành phần lãnh đạo Hội Đồng Liên Đới Tự Do
Dân Chủ Á Châu- (Từ trái qua phải:
ông Ihman Mahimut (Uyghur), ông Lý Thái Hùng (Việt Nam),
ông Tin Win (Miến Điện),Tiến sĩ Pima Gyalpo (Tây Tạng)
và 3 thành viên Ban tổ chức Hội Nghị
Hội Nghị Dân Chủ Hóa Á Châu Tại Nhật Bản Thành Công Mỹ Mãn.
*Công Bố Bản Tuyên Ngôn Dân Chủ Hóa Á Châu 2011.
*Thành Lập Hội ĐồngLiên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu.
Dưới chủ đề “Ngày Đẩy Mạnh Tiến Trình Dân Chủ Hóa Á Châu” do Ủy Ban Dân Chủ Hóa Á Châu Nhật Bản vận động và tổ chức đã diễn ra tốt đẹp vào hai ngày 25 và 26 tháng 11 vừa qua tại Tokyo.
Theo đánh giá của Ký Giả Watanabe, Nhật Báo Sankei Shimbun (một trong ba Nhật Báo hàng đầu tại Nhật), Hội Nghị đã diễn ra trong một bối cảnh rất đặc biệt với 3 nét đặc thù của tình hình: 1/ Sự bùng nổ của cuộc cách mạng Hoa Lài tại Bắc Phi vào đầu năm 2011; 2/Hoa Kỳ tích cực trở lại vùng Á Châu Thái Bình Dương kể từ tháng 8 năm 2011; 3/Những biến thái dân chủ hóa gần đây tại Miến Điện. Hơn nữa sự kiện Nhật Bản đứng ra tổ chức một Hội Nghị về dân chủ cho Á Châu sau nhiều năm im lặng là một tín hiệu khích lệ, cho thấy là dư luận Nhật bắt đầu chú ý đến việc hỗ trợ những phong trào dân chủ hóa tại một số quốc gia độc tài ở Á Châu.
Hội Nghị bắt đầu bằng một Hội Thảo Chính Trị về hiện tình và các nỗ lực đấu tranh của các lực lượng dân chủ tại Trung Quốc và Việt Nam diễn ra vào lúc 6 giờ chiều đến 9 giờ tối ngày 25 tháng 11, tại Viện Đại Học Takusoku, Tokyo, quy tụ khoảng 200 giáo sư, bình luận gia và đại diện các đoàn thể, nghiệp đoàn tham dự. Hai diễn giả chính của buổi Hội thảo chính trị là ông Thừa Văn Lập (Xu Wenli) chủ tịch đảng Dân Chủ Trung Quốc và ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân, cả hai đến từ Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Araki, chủ tịch Trung Tâm Quan hệ Quốc tế thuộc viện Đại Học Takusoku đã thay mặt Ban tổ chức trình bày mục tiêu của buổi hội thảo là nhằm giúp cho giới chính trị Nhật hiểu rõ hơn những gì đang xảy ra tại Trung Quốc và Việt Nam. Mỗi diễn giả đã chia xẻ khoảng 20 phút về tình hình và các nỗ lực tranh đấu của lực lượng mình và sau đó là phần trả lời những câu hỏi, quan tâm của cử tọa. Đa số các quan tâm xoáy nhiều vào một số vấn đề liên quan đến đàn áp sắc tộc tại Tân Cương, Tây Tạng, quan hệ Việt Trung và những xung đột biển Đông và nhất là chủ trương “trổi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Đa số cử tọa trong buổi Hội thảo đều đồng ý rằng vấn đề dân chủ hóa tại Trung Quốc và Việt Nam là chìa khóa quan trọng để xây dựng một Á Châu Thái Bình Dương ổn định và phát triển.
Hội Nghị Dân Chủ Hóa Á Châu chính thức khai mạc vào lúc 11 giờ sáng ngày 26 tháng 11 tại khuôn viên vận động trường Olympic Komazawa, Tokyo quy tụ đông đảo đại diện các đảng phái, đoàn thể xã hội và nhất là lực lượng nghiệp đoàn Lao động Nhật Bản cùng với đồng bào Việt Nam cư ngụ ở Tokyo và vùng phụ cận. Sau phần chào mừng Hội nghị với các màn trình diễn ca, vũ của các dân tộc Miến Điện, Uyghur, Nội Mông, Tây Tạng và Việt Nam, Bình luận gia Kasei, cố vấn các quan hệ đối ngoại cho Thủ tướng Nhật, chủ tịch Ủy ban Dân chủ hóa Á Châu đã đọc diễn văn khai mạc. Ông Kasei nhấn mạnh rằng việc tổ chức Hội Nghị này là một minh chứng cho thấy Nhật Bản không thể tiếp tục làm ngơ và đứng bên ngoài những diễn biến dân chủ hóa của Á Châu sau những biến động dân chủ hóa tại Bắc Phi.
Nữ Thượng Nghị Sĩ Yamatani Eriko, Chủ tịch Ủy ban môi trường Thượng Viện, đại diện cho hai chính đảng Dân Chủ (đang cầm quyền) và đảng Tự Do Dân Chủ chia xẻ rằng Nhật Bản tuy quan tâm và đề cao các giá trị nhân quyền, dân chủ nhưng đã thiếu sự tích cực lên tiếng công khai và hỗ trợ các cuộc đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ tại các nước độc tài Á Châu. Sự thiếu sót này nay đã được điền khuyết bằng sự ra đời của Ủy ban dân chủ hóa Á Châu với Hội nghị Dân chủ hóa 2011 là một khởi điểm cần được quảng bá rộng lớn hơn nữa trong dư luận người Nhật để có những vận động mạnh mẽ hơn trong tương lai. Thượng Nghị Sĩ Yamatani cho biết là bà sẽ tích cực vận động quốc hội để có những lên tiếng cụ thể ủng hộ các hoạt động của Ủy ban dân chủ hóa Á Châu.
Hội nghị đã tiếp tục với phần phát biểu theo thứ tự sau đây của đại diện các dân tộc đang bị chế độ độc tài áp bức tại Á Châu.
Ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân đã trình bày về những vi phạm nhân quyền và đàn áp dân chủ tại Việt Nam. Ông đã kêu gọi chính quyền và dư luận Nhật áp lực Cộng sản Việt Nam phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm, xóa bỏ hai điều luật phi dân chủ là 79 (âm mưu lật đổ chế độ) và 88 (tuyên truyền chống phá nhà nước) trong Bộ luật hình sự; đồng thời chấm dứt những kiểm soát mạng thông tin Internet.
Ông Tin Win, cựu lãnh đạo lực lượng sinh viên đấu tranh Miến năm 1988 và đại diện Liên Minh Dân Chủ Vì Quốc Gia Miến Điện (do bà Ang San Suu Kyu lãnh đạo) vùng Á Châu Thái Bình Dương đã chia xẻ rằng viễn cảnh dân chủ hóa Miến Điện đã hé mở khi mà chính quyền dân sự Miến đang có những đối thoại với lực lượng dân chủ để tiến đến việc hình thành một số định chế dân chủ trước các áp lực của Nhật Bản, Hoa Kỳ và ASEAN.
Tiến sĩ Pima Gyalpo, đại diện Chính phủ lưu vong Tây Tạng khu vực Á Châu Thái Bình Dương đã nói rằng truyền thống Phật giáo Tây Tạng không cho phép bất cứ ai, kể cả tu sĩ, tự thiêu vì đó là tài sản quý báu nhất của dân tộc. Thế nhưng sự kiện 6 nhà sư Tây Tạng liên tục tự thiêu trong vài tháng qua tại nhiều nơi ở Trung Quốc đã cho thấy sự đàn áp của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với dân tộc Tây Tạng ở mức báo động. Tiến Sĩ Gyalpo cho biết là chính phủ lưu vong Tây Tạng đang một mặt kêu gọi chấm dứt các cuộc tự thiêu và mặt khác vận động Liên Hiệp Quốc và một số quốc gia áp lực Bắc Kinh phải đối thoại với chính quyền lưu vong Tây Tạng, công nhận quyền tự chủ và tự quyết của dân tộc Tây Tạng.
Ông Ilhaqm Mahmut, đại diện Nghị Hội Thế Giới Người Uyghur đã tố cáo chính sách diệt chủng thâm độc của Bắc Kinh để xóa sạch dân tộc Uyghur trên các vùng đất Tân Cương. Ông Mahmut cho biết hiện có ít nhất 40 ngàn người Uyghur bị giam giữ trong các cuộc cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ và tự chủ trong năm vừa qua. Ông cho rằng sự đối xử bất bình đẳng của Bắc Kinh đối với các dân tộc thiểu số là căn nguyên của mọi bất ổn tại Trung Quốc.
Ông Olhunud Daichin, Tổng Bí Thư Đảng Liên Minh Tự Do Mông Cổ đã cho biết là có ít nhất 12 triệu người Nội Mông đã bị nhà cầm quyền Bắc Kinh sát hại dưới nhiều hình thức trong 5 thập niên qua. Người Nội Mông không chỉ tranh đấu giành lại quyền tự quyết dân tộc mà kiến tạo một quốc gia tự do tách ra khỏi Trung Quốc.
Ông Thừa Văn Lập (Xu Wenli), Chủ Tịch Đảng Dân Chủ Trung Quốc cho biết tham vọng của Bắc Kinh là thay thế Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới vào năm 2060. Tham vọng này che dấu dưới chính sách “phát triển hòa bình” mà thực chất là một mặt chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ và mặt khác là kiểm soát chặt chẽ công luận như thời Mao để có thể động viên toàn diện Trung Quốc vào cuộc bành trướng chủ nghĩa bá quyền. Ông Thừa Văn Lập cho rằng, không nhanh chóng dân chủ hóa Trung Quốc thì nguy cơ bùng nổ các cuộc xung đột sẽ xảy ra không chỉ trên biển Đông mà ngay trong nội tình Trung Quốc.
Sau phần phát biểu của các đại diện dân tộc tại Á Châu, Ban tổ chức đã giới thiệu một số người Nhật Bản đang có những hoạt động hỗ trợ các hoạt động dân chủ hóa tại Bắc Triều Tiên và Đài Loan. Đồng thời giới thiệu ba điện văn chúc mừng Hội nghị Dân Chủ Hóa Á Châu của bà Ang Sung San Kyu (Miến Điện), Đức Đạt Lai Lạt Ma (Lãnh đạo tinh thần dân tộc Tây Tạng) và Tổ Chức Human Right Wacht vùng Á Châu Thái Bình Dương.
Để Ủy ban Dân chủ hóa Á Châu tại Nhật có thể vận động chính quyền và nhân dân Nhật Bản ủng hộ các hoạt động của những dân tộc Á Châu có hiệu quả, Hội Nghị đã đi đến một biểu quyết quan trọng là thành lập Hội Đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu (Council for Freedom and Democracy Asia Solidarity) và đề cử 5 thành viên lãnh đạo gồm Tiến sĩ Pima Gyalpo (Tây Tạng), ông Lý Thái Hùng (Việt Nam), ông Tim Win (Miến Điện), ông Thừa Văn Lập (Trung Quốc) và ông Ihman Mahnut (Uyghur) để xúc tiến các hợp tác cụ thể và vận động thêm sự tham gia của những tổ chức, đảng phái của các dân tộc tại Á Châu.
Sau cùng, Hội Nghị đã công bố bản Tuyên Ngôn Dân Chủ Hóa Á Châu 2011, trong đó đã minh định: “Tự do, dân chủ và sự tự quyết dân tộc là một giá trị phổ cập cần phải được thể hiện tại Á Châu càng sớm càng tốt. Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ một chính quyền nào đàn áp quyền tự do ngôn luận, quyền hành động của người dân giữa theo giá trị phổ cập ấy. Những kẻ độc tài tiếp tục hành vi đàn áp, phải bị truy tố trước toà án quốc tế về tội vô nhân đạo và tất cả sẽ là đối tượng bị quốc tế chế tài… Chúng tôi là những người vận động dân chủ cho Á Châu cam kết cùng nhau hợp lực để thực hiện một nền dân chủ hòa hình, trong tự do cho Á Châu và tất cả văn hóa, truyền thống của các dân tộc Á Châu phải được tôn trọng”.
Bế mạc Hội Nghị Dân Chủ Hóa Á Châu là phần họp báo quy tụ các cơ quan truyền thông Nhật Bản với Bình luận gia Kasei đại diện Ủy ban dân chủ hóa Á Châu (Ban tổ chức) và 5 thành viên lãnh đạo tạm thời của Hội Đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Cho Á Châu. Các câu hỏi của ký giả Nhật Bản rất tích cực và đã chúc mừng sự thành công của Hội Nghị. Buổi họp báo kéo dài hơn 90 phút và kết thúc lúc 5 giờ 30 chiều ngày 26 tháng 11.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét