Đấu tranh giai cấp????????????????????????????????????????????Ai?
SGTT.VN -Ban soạn thảo trình rằng dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi vừa đưa ra xin ý kiến Quốc hội được xây dựng trên quan điểm, mục tiêu “bảo vệ người lao động, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng lao động”, “tạo điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hoà và ổn định”.
Cho đến nay, có thể nói, chế định tiền lương tối thiểu là công cụ mạnh nhất mà các nhà làm luật sử dụng để bảo vệ người lao động. Lương tối thiểu do Chính phủ ấn định, điều chỉnh theo giá sinh hoạt, nhằm “bảo đảm cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích luỹ tái sản xuất sức lao động”. Các khảo sát xã hội và nhiều đại biểu cho rằng với mức lương tối thiểu hiện hành không đủ đảm bảo mức sống tối thiểu cho lao động giản đơn. Sự điều chỉnh lương tối thiểu theo giá sinh hoạt (vốn tăng rất cao trong thời gian qua) mang tính cứng nhắc, chậm chạp. Ngay trong phạm vi thẩm quyền, nhiệm vụ, Chính phủ cũng chưa làm tốt sứ mạng của mình. Những đề xuất để mức lương tối thiểu tự động điều chỉnh theo sự tăng giá sinh hoạt có tác dụng cải thiện sự cứng nhắc bấy lâu, nhưng chỉ mang ý nghĩa thực thi luật định hiện thời. Đang có sự vận động thay đổi quan niệm về mức sống tối thiểu, không chỉ gói gọn trong cái ăn, cái mặc, đi lại, mà phải tính nhiều hơn đến học hành, giải trí và tích luỹ.
Thực ra, lương tối thiểu không có ý nghĩa đóng khung là tiền lương của người lao động, nó chỉ là “căn cứ để tính các mức lương cho các loại lao động khác (ngoài giản đơn) nhưng dù vậy, rất nhiều các doanh nghiệp lạm dụng, xoay quanh nó, ít ra là với mục đích lấy đó làm căn cứ để đóng ít hơn tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quy định, kỳ vọng doanh nghiệp chỉ lấy lương tối thiểu làm “căn cứ” đã và đang vượt xa tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, đặt ra nhu cầu phải có một cơ chế thúc ép hữu hiệu hơn “sự thoả thuận giữa hai bên” (mà từng người lao động vốn yếu thế hơn). Đến khi đó, lương tối thiểu sẽ chỉ còn là chế định bảo vệ cho nhóm người nào đó yếu thế nhất trong quan hệ lao động mà thôi.
“Xây dựng luật mà người vi phạm phổ biến và không xử lý được hoặc không nỡ xử lý thì phải chăng nên nhìn nhận từ nhiều yếu tố, trong đó… xây dựng luật là một điều kiện thực thi pháp luật”.Đại biểu Phan Văn Tường |
Từ năm 2006 đến tháng 7.2010 cả nước có 2.127 cuộc đình công. Riêng chín tháng đầu năm 2011 có tới 750 cuộc. Hầu hết các cuộc đình công này là bất hợp pháp theo nghĩa không tuân thủ theo quy trình, thủ tục quy định trong luật Lao động. Nhưng, có một nghịch lý , tuy bất hợp pháp nhưng những người đình công không bị xử lý. Trong khi đó, người sử dụng lao động đã đáp ứng toàn bộ hoặc một phần các yêu cầu của người lao động.
Đại biểu Phan Văn Tường cho rằng “Xây dựng luật mà người vi phạm phổ biến và không xử lý được hoặc không nỡ xử lý thì phải chăng nên nhìn nhận từ nhiều yếu tố, trong đó… xây dựng luật là một điều kiện thực thi pháp luật”. Trực tiếp vào chuyện đình công, ông nói: “Nhiều người cho rằng đình công là khủng hoảng nhất thời và lành mạnh để tiến tới duy trì mối quan hệ lâu dài. Vì vậy, trong xây dựng luật không có khuyến khích, cổ vũ đình công nhưng cũng không nên hạn chế đình công bằng những quy trình, thủ tục rườm rà, vòng vèo mà thực chất là… không muốn đình công”. Trên tinh thần này, ông đề nghị bỏ quy định về việc phải lấy ý kiến tập thể lao động về việc đình công sau khi đã không đồng ý với phương án hoà giải của hội đồng trọng tài lao động và sửa những điều khác có liên quan theo hướng để người lao động dễ thực hiện quyền này hơn.
Theo quy định, đình công phải do ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo, đối với doanh nghiệp chưa có ban chấp hành công đoàn cơ sở thì do đại diện được tập thể lao động cử. Tổ chức công đoàn hiện nay rất yếu về độ phủ, tính đại diện, cán bộ công đoàn lãnh lương của người sử dụng lao động nên có sự xung đột giữa lợi ích và nhiệm vụ. Ngoài ra, theo uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm tra dự thảo luật công đoàn (sửa đổi) cũng được đưa ra lấy ý kiến dịp này, có ý kiến cho rằng nếu quy định công đoàn là một tổ chức chính trị – xã hội có chức năng như dự thảo luật này, thì việc giao cho công đoàn trách nhiệm “tổ chức và lãnh đạo đình công” là không phù hợp, khó thực hiện. Thực tế này đặt ra những thách thức khác để có thể hiện thực hoá quyền đình công.
“Thực tế” là từ được nhiều đại biểu nhắc đến trong quá trình thảo luận dự thảo luật lao động. Nhìn vào thực tế đời sống người lao động, thực tế đấu tranh của họ với người sử dụng lao động để điều chỉnh, nếu không, luật chỉ là những quy định tồn tại trên giấy. Hàng trăm hàng ngàn cuộc đình công vẫn cứ sẽ diễn ra vì cho đến nay, đó là phương thức hiệu quả nhất.
Nguyên Lê
http://sgtt.vn/Goc-nhin/156112/Nhin-vao-thuc-te-de-bao-ve-nguoi-lao-dong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét