Pages

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Quá trình nhân quyền: 15 năm nhìn lại




Loretta Sanchez, Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ

Kính chào quý cử tri và quý vị,
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 15 năm kể từ khi tôi đại diện tiếng nói và mối quan tâm của cử tri thuộc Ðịa hạt 47 của Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ.

Dân Biểu Loretta Sanchez. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Tôi hân hạnh được đại diện cho một khu vực đa dạng với nhiều văn hóa và mối quan tâm. Có nhiều người hỏi tại sao tôi tranh đấu cho vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Trách nhiệm chính của một người dân biểu Quốc Hội là đại diện tiếng nói của các cử tri tại Washington, D.C. Tôi đã chứng kiến sự tranh đấu không mệt mỏi của cộng đồng Việt Nam chống lại những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Họ đã luôn ủng hộ và tin tưởng tôi sẽ đại diện tiếng nói của họ tại Quốc Hội. Vì lý do đó, tôi sẽ tiếp tục đặt vấn đề nhân quyền là một ưu tiên của tôi.

Trong suốt mười lăm năm, chúng ta luôn phấn đấu cho sự thay đổi; chống lại việc Việt Nam được hưởng PNTR (Vĩnh viễn Quan Hệ Thương Mãi Bình Thường), có những chiến dịch vận động Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bỏ Việt Nam vào lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt, không đồng ý cho Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mãi Thế Giới (WTO), cũng như kêu gọi Liên Hiệp Quốc và chính phủ Hoa Kỳ không nên ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Với những nỗ lực chung, chúng ta đã phát động chiến dịch bảo trợ tù nhân tôn giáo với Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo và chiến dịch bảo trợ tù nhân lương tâm với mục đích tăng cường sự nhận thức của công chúng về sự đàn áp nhân quyền của Cộng Sản Việt Nam. Chúng ta đã kêu gọi Bộ Ngoại Giao và đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đặt vấn đề nhân quyền lên hàng đầu trong mối quan hệ song phương. Cùng nhau chúng ta đã đưa ra nhiều dự luật tranh đấu cho nhân quyền liên quan đến Việt Nam cũng như quyền lợi của cộng đồng Việt Mỹ.
Vào năm 2009, chúng ta quyết định đặt “tự do kết nối” là một ưu tiên vì chứng kiến nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra những nỗ lực để thâm nhập vào tài khoản tư nhân trên Internet của các nhà bất đồng chính kiến, bắt giữ hàng trăm nhà hoạt động dân chủ, các dân oan, các thanh niên yêu nước và các nhà lãnh đạo tôn giáo. Họ luôn cố gắng dập tắt tiếng nói ôn hòa của những người yêu chuộng công bằng xã hội và tự do tín ngưỡng.
Ðây thật là một quá trình sinh hoạt đáng nhớ! Nhưng chúng ta phải tiếp tục đi tiếp trên con đường này, nhất là khi Ngoại Trưởng Hillary Clinton đang tập trung sự chú ý vào chính sách đối ngoại và kinh tế vùng Ðông Nam Á. Gần đây, Tổng Thống Obama đã chủ trì cuộc họp với các nhà lãnh đạo Á Châu và lần đầu tiên tham gia cuộc đàm phán thương mại tại diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC - cho thấy tầm quan trọng của Hoa Kỳ tại vùng này. Chúng ta đang gửi một thông điệp quan trọng về ý định không chỉ muốn khai thác nền kinh tế mà còn rất quan tâm về vấn đề nhân quyền. Như bà Ngoại Trưởng Clinton đã từng nói, chúng ta đang bước vào thời kỳ kinh tế mới quan trọng toàn cầu tại vùng Ðông Nam Á.
Vì sự chuyển biến này, tôi càng thấy tầm quan trọng của Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy những chương trình đầu tư trong việc bảo đảm tự do Internet, nới lỏng các hạn chế về tự do ngôn luận, và đảm bảo cải cách luật pháp để phù hợp với chủ trương giúp các công ty kinh doanh có thể phát triển tại Việt Nam. Chúng ta không thể phát triển nếu các công ty đầu tư lo lắng về dân quyền của họ sẽ bị đàn áp bất cứ lúc nào.
Cũng trong Tháng Mười Một, Hoa Kỳ và Việt Nam vừa kết thúc cuộc đối thoại hàng năm về vấn đề nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Viên chức Bộ Ngoại Giao cho rằng đây là một cuộc họp khó khăn hơn vì chúng ta đã chứng kiến một số bước thụt lùi từ phía nhà nước Việt Nam. Có nhiều lĩnh vực mà Hoa Kỳ thấy thất vọng vì những sự kiện đã diễn ra trong năm qua. Họ thất vọng khi thấy bên phía Việt Nam có suy thoái trong việc tôn trọng và cải thiện tình trạng nhân quyền trong nước.
Chúng ta phải tiếp tục làm việc với chính quyền Obama để gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng trong lúc chúng ta tăng cường mối quan hệ song phương với Việt Nam, Bộ Ngoại Giao cần phải thúc đẩy nhà cầm quyền Việt Nam chấp nhận cải tổ những bộ luật hình sự không bảo vệ quyền căn bản của người dân mà còn hạn chế quyền tự do chính trị. Tháng tới, tôi dự định sẽ đệ trình một nghị quyết kêu gọi nhà nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền và không nên lợi dụng các quy định an ninh quốc gia mơ hồ như Ðiều 79 và Ðiều 88 của Bộ luật hình sự Việt Nam, là cái cớ để bắt giữ các công dân ôn hòa yêu chuộng tự do dân chủ. Hoa Kỳ cần phải thiết lập tiêu chuẩn và đưa ra những biện pháp ngoại giao rõ ràng khi hợp tác với nhà cầm quyền Hà Nội nếu không cải thiện tình trạng đàn áp nhân quyền của họ.
Tôi sẽ tiếp tục dùng tiếng nói của tôi để lên tiếng cho sự tự do của các tù nhân chính trị, của 15 thanh niên yêu nước hiện đang bị giam giữ, cũng như chống lại những nỗ lực của nhà cầm quyền Hà Nội đối với tự do Internet. Theo tôi, các nhà hoạt động dân chủ, các luật sư nhân quyền, các thanh niên yêu nước, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các dân oan Việt Nam đều phục vụ đất nước với niềm tự hào trong niềm hy vọng cho sự công bằng xã hội và thăng tiến của đất nước họ. Trong mùa Lễ Tạ Ơn năm nay là thời điểm quan trọng để chúng ta cùng nhau cầu nguyện, cám ơn những tiếng nói lương tâm và cũng để cho chúng ta cùng nhau vinh danh sự hy sinh cao quý của họ đối với công cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ.
Cuối cùng, tôi xin kính chúc quý vị và gia quyến một mùa lễ đầm ấm và tràn đầy hạnh phúc. Chúng tôi luôn mong nhận được sự chia sẻ và ủng hộ của quý vị. Nếu quý vị còn điểm quan tâm hay thắc mắc, xin vui lòng liên lạc văn phòng chúng tôi tại Washington, D.C. số điện thoại 202-225-2965, hoặc gửi email cho chúng tôi trên trang nhà là www.lorettasanchez.house.gov.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét