Pages

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Sự nghi ngờ lố bịch

Lam Giang
 
 
Trái ngược với xã hội Dân chủ, chế độ độc tài nghi ngờ và kìm kẹp tất cả, vì chúng sợ phải chia sẽ quyền lực độc tôn đang có được. Đó là thái độ xấu xa và lố bịch của một nhà nước cầm quyền đối với nhân dân mình và mọi tầng lớp xã hội. Từ đó mà những hành động vi phạm nhân quyền diễn ra thường xuyên và ngày càng gia tăng trong một xã hội mà chế độ độc tài cai trị, nắm giữ và chi phối mọi hoạt động xã hội.
Như một bản năng của một thể chế độc tài hoang dã, việc ngày càng tập trung sức mạnh quản lý và đàn áp vào bộ máy nhà nước là một nhu cầu thiết yếu của họ. Các quyền tự do, dân chủ ư? Nhân quyền ư? Sự nhân ái và vị tha ư? Tất cả những điều đó không có ý nghĩa gì trong con mắt của những kẻ độc tài đang trong cơn khát và say quyền lực. Những nhu cầu và đòi hỏi thiết yếu của người dân bị bỏ ngoài tai, hạnh phúc của nhân dân và chủ quyền đất nước không quan trọng bằng sự tồn tại của chế độ. Từ đó mà nảy sinh ra thái độ nghi ngờ sai trái và lố bịch kia:

Đối với Tôn giáo: Các tôn giáo tồn tại là để thực thi tín ngưỡng mà họ theo đuổi, đó là một nhu cầu tự do và thiết yếu của con người, ai cũng có quyền lựa chọn hay không lựa chọn một tôn giáo nào. Tín ngưỡng tôn giáo thể hiện cuộc sống tâm linh và tình cảm, cũng như những quan niệm về thế giới quan mà chúng ta đang sống. Các tín đồ tôn giáo vì có cùng một tín ngưỡng và quan niệm sống mà họ có một sự đoàn kết và thương yêu lẫn nhau, được hợp nhất trong một cộng đoàn độc lập. Vì thế mà họ trở thành một thế lực xã hội đông đảo và mạnh mẽ, bảo vệ và thực thi sự phát triển cho tôn giáo của mình. Đặc điểm đó đã khiến cho nhà nước độc tài nghi ngại, họ lo sợ cộng đồng người tôn giáo gây cản trở và ảnh hưởng tới quyền lực mà họ đang có. Họ sợ các tôn giáo chống lại những bất công và sai trái của chế độ độc tài gây ra. Quan trọng hơn cả là sự đoàn kết, đó là điều mà các tôn giáo có được, nhưng kẻ độc tài lại rất lo sợ điều đó. Sự tồn tại của chế độ độc tài là dựa trên sự chia rẽ và kìm kẹp nhân dân, vì chúng sợ rằng một khi nhân dân đoàn kết thì sẽ đấu tranh lật đổ chế độ bất công và phi lý mà chúng đã dựng nên. Vì thế mà nhà nước tìm cách kìm kẹp và khống chế các tôn giáo. Để thực hiện được điều đó họ theo dõi và giám sát các hoạt động tôn giáo, chia rẽ những người theo đạo, lôi kéo các chức sắc tôn giáo về phía chế độ. Đàn áp tất cả những người theo đạo mà không nghe theo sự chỉ đạo của nhà nước, đó là phải đem đức tin của mình đặt dưới chân chủ nghĩa Mác và lý tưởng cộng sản vô thần. Có hẳn một lực lượng công an tôn giáo chuyên theo dõi, kìm kèm và đàn áp tôn giáo khi cần thiết.
Đối với các tổ chức xã hội, chính trị: Các tổ chức xã hội, chính trị tồn tại là để thực hiện các trách nhiệm xã hội của mình. Họ đại diện cho một tầng lớp hay lực lượng xã hội nhất định. Sự xuất hiện của các tổ chức nói trên là để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tầng lớp hay giới mà họ đại diện, phát triển về mọi mặt cho tổ chức của mình. Vì thế mà về mặt nguyên tắc, các tổ chức chính trị – xã hội chỉ đại diện và phải chịu trách nhiệm trước giới và thành tầng lớp mà họ đại diện, nói cách khác là các thành viên của mình. Chính vì vậy mà các tổ chức tồn tại và độc lập với nhà nước hiện hành, không thể bị sự lãnh đạo hay chi phối của chính quyền. Việc đảm bảo cho các tổ chức đó được tồn tại một cách hợp pháp và độc lập là trách nhiệm của nhà nước, vì điều đó giúp cho các quyền của con người được bảo đảm và bảo vệ. Vậy mà nhà nước Việt Nam lại tìm cách nắm lấy và quản lý về mọi mặt đối với các tổ chức chính trị – xã hội. Tất cả các tổ chức chính trị – xã hội đều do họ lập ra và chi phối, chịu sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Vì thế mà các tổ chức này thay vì đại diện cho các thành viên của mình lại trở thành những những cánh tay nối dài và là tai mắt của đảng Cộng sản. Từ đó mà những thành viên mà đáng ra sẽ được tổ chức của mình đại diện và bảo vệ nay đã bị cướp mất quyền lợi của mình. Thành phần lãnh đạo của các tổ chức này do nhà nước cộng sản chọn lựa để làm theo sự chỉ đạo và điều hành của họ.
Các nhà đấu tranh cho Dân chủ: Đây là những người đi tiên phong trong việc bảo vệ nhân quyền và chống lại sự sai trái và bất công của chế độ độc tài. Các nhà dân chủ bị nhà nước cấm đoán mọi hoạt động yêu nước hợp pháp của mình, bị cô lập và đàn áp. Họ luôn bị theo dõi và gây cản trở trong việc thực thi các quyền căn bản của con người: Đó là quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do đi lại, tự do báo chí. Phần lớn những người trong số họ đã bị những án tù bất công vì những hành động yêu nước và thức tỉnh nhân dân mình. Các tổ chức nhân quyền quốc tế, nhiều quốc gia tiến bộ đã lên tiếng phản đối chế độ độc tài về những hành vi đàn áp đó nhưng họ đã làm ngơ và ngày càng mạnh tay hơn trong việc đàn áp dân chủ.
Tầng lớp tri thức tiến bộ: “Nhân tài là nguyên khí của quốc gia”, đó là phương châm xây dựng đất nước của các triều đại Phong kiến Việt Nam xưa. Cha ông ta đã coi việc trọng dụng hiền tài để xây dựng và phát triển đất nước là một chiến lược đúng đắn và trách nhiệm. Những người có tri thức là lực lượng tiên phong và cốt lõi để phát triển đất nước, họ cũng là niềm tự hào của một đất nước bằng việc làm vẻ vang cho dân tộc mình. Trái với điều đó, chính quyền độc tài ngày nay đàn áp và bắt giam những người trí thức có tâm huyết đã dũng cảm nói lên chính kiến của mình, đó là những tiếng nói có trách nhiệm đối với đất nước và nhân dân. Những người trí thức muốn tham gia ý kiến để xây dựng đất nước Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ và văn minh đều được đối xử tàn tệ.
Đối với các thành phần khác: Giai cấp công nhân bị kìm kẹp bởi tổ chức Công đoàn do nhà nước thành lập và quản lý. Mọi nỗ lực để thành lập Công đoàn độc lập để đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân đều bị đàn áp và đặt ngoài vòng pháp luật. Nên nhớ rằng giai cấp công nhân được nhà nước Cộng sản trước đây tuyên bố là giai cấp tiên phong và lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo nhà nước. Giai cấp nông dân bị đặt trong một cái lồng gọi là Hội Nông Dân Việt Nam cũng do nhà nước thành lập và quản lý. Nói tóm lại, mọi tầng lớp xã hội đều bị sự quản lý của một tổ chức do nhà nước lập nên và quản lý, vì vậy mọi quyền lợi của họ đã bị chế độ độc tài cướp mất, từ đó mà họ bị kìm kẹp và chia rẽ một cách tuyệt đối.
Những sự thực nói trên cho chúng ta thấy rõ sự nghi ngờ một cách lố bịch và cố ý của nhà nước Cộng sản đối với nhân dân mình. Họ làm như vậy để cướp đi các quyền cơ bản của người dân, chi rẽ họ để đảm bảo quyền lực tuyệt đối của nhà nước độc tài. Tất cả những hành động đó đều là tội ác không thể tha thứ của chế độ độc tài phi nhân mà cả nhân loại đều lên án và muốn lật đổ.
Việt Nam ngày 28/10/2011
Lam Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét