Pages

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Sướng như "ông" điện

clip_image002
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Thương mại
Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN “kêu gào” thảm thiết: Chúng tôi đang lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng. Bình quân lương nhân viên chỉ có... 7,3 triệu đồng là quá thấp. PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Thương mại đã trò chuyện với KH&ĐS về vấn đề này.
Dân 3 triệu đồng, EVN 7 triệu đồng là cao
Vừa qua, tổng giám đốc EVN thông báo rằng họ đang lỗ nặng và lương nhân viên trung bình chỉ 7,3 triệu đồng. Theo đánh giá của ông, mức lương đó so với thu nhập hiện nay của người dân như thế nào?
Thu nhập trung bình của dân ta khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng. Nên mức 7,3 triệu đồng lương bình quân cho EVN là cao. Đấy mới chỉ là lương cứng mà “ông” EVN đưa ra.
Còn các khoản khác chắc chắn sẽ cao hơn nhiều nữa. Nhưng chúng ta cũng không quá khắt khe. Ngành điện sản xuất trong môi trường khó khăn. Họ phải đến đồi núi hoang vu, làm nhà máy, kỹ thuật cao nên vất vả... Đây là đơn vị độc quyền nên họ có thể trả mức lương nào tùy ý, và có thể hạch toán vào giá thành điện. Vì thế, để kết luận mức lương đó có cao quá hay không cần phải có đơn vị kiểm toán vào cuộc. Giờ nói thế nào cũng là võ đoán.
Nhưng với mức lương đó mà "ông" điện kêu than thảm thiết quá, ông có thấy thông cảm và chia sẻ không?


Trên thực tế, dù EVN độc quyền nhưng khi tư nhân hóa một số mảng lại không thành công. Có hô hào mở cửa, phá thế độc quyền cũng không ai dám vào, có vào rồi lại "chết". Ví dụ, kêu gọi các doanh nghiệp làm thủy điện để bán điện cho EVN. Mấy doanh nghiệp làm theo lời kêu gọi lại bị EVN độc quyền bắt chẹt giá thấp. Khổ nhất là mấy đơn vị tư nhân nhỏ, bỏ hết vốn liếng làm nhà máy điện để rồi bán với giá chỉ mấy trăm đồng/1KW. Còn các doanh nghiệp lớn như dầu khí, khoáng sản làm điện để bán thì không những giá thấp mà còn bị nợ dây dưa.


Kêu là một việc còn thực tế cho thấy không có ai kinh doanh sướng như ông điện. Toàn bộ vốn của ngành điện do ai? Là của Nhà nước, do dân đóng góp. Mọi ưu đãi đều dành cho ông, như đi vay tiền lãi suất thấp... Nhưng đáp lại điều đó quản lý không đạt kết quả. Các dự án xây dựng nhà máy điện hiệu quả không cao, thậm chí vạch ra nhưng không hoàn thành, phải trả lại. Tôi còn nhớ có năm EVN phải trả hàng loạt dự án lại cho Nhà nước. Đó là sự biểu hiện của quản lý yếu kém.
Ông nói vậy có chủ quan không khi mà thực tế thì lương bình quân ngành điện vẫn 7,3 triệu đồng, chưa có lãnh đạo nào của ngành điện từ chức vì quản lý yếu kém!
Lương cao chẳng qua là dùng tiền để giữ chân nhân viên. Nếu quản lý tốt thì nhân viên làm việc tốt, hiệu quả và đương nhiên được hưởng lương cao.
Nói giá điện Việt Nam thấp là võ đoán
Nhưng theo nhà điện thì lỗ đó là do Nhà nước chỉ đạo phải bán điện giá rẻ cho dân nên mới lỗ. Chứ nếu bán đúng giá, bán cắt cổ thì đã chẳng thua lỗ đến thế!
Đó cũng là một lý do. Nhưng thực tế EVN chưa hạch toán nên không thể nói thấp hay cao. Nếu so sánh giá điện Việt Nam với giá điện thế giới thì quá khập khiễng. Vì giá sản xuất điện nước ta thấp hơn thế giới, lương công nhân ở nước ngoài cao hơn, vật giá khác... Tôi thấy cách nói này là võ đoán. Nghe có vẻ thuận tai nhưng tính toán lại không phải vậy.
Nhưng cũng không thể đổ lỗi hết cho ngành điện bởi đó là cách quản lý doanh nghiệp nhà nước mang tính đặc thù của Việt Nam bấy lâu nay?
Đúng, đấy là biểu hiện của sự méo mó về quản lý của nước ta hiện nay. Lý lẽ thời bao cấp với chủ trương phát triển các doanh nghiệp nhà nước thì đã đành. Còn nay đã là thời kinh tế thị trường mà vẫn để độc quyền, đặc biệt từ A - Z là hoàn toàn sai. Điều này các nước phát triển trên thế giới đã trải qua. Họ cũng đã có lúc đầu tư nhiều cho doanh nghiệp nhà nước nhưng kết luận vẫn là chỉ duy trì trong những giai đoạn nhất định, không bao giờ duy trì lâu dài, bất chấp lỗ như Việt Nam. Theo đánh giá, sau 25 năm đổi mới hầu hết các doanh nghiệp nước ta đều làm ăn kém so với khối doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Và không chỉ có EVN mà có thể nhiều doanh nghiệp nhà nước khác cũng có thể có kết quả tương tự?
Theo tôi tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều có vấn đề. Nhà nước quên yếu tố cơ bản: Doanh nghiệp là tổ chức tìm kiếm lợi nhuận. Đặt tên là doanh nghiệp nhưng không đi theo mục tiêu ấy là không đúng. Trong khi, thực tế kinh doanh có thể họ vẫn có lợi nhưng chia chác nhau, làm thất thoát nên Nhà nước và người dân không được lợi.
Vậy dự kiến tăng giá điện để bù lỗ cho EVN, theo ông có hợp lý?
Nếu thu không đủ chi thì phải tăng giá. Nhưng điều đó phải dựa trên cơ sở hạch toán rõ, chứ không thể tù mù để tạo sức ép cho người dân hay Chính phủ. Phải làm cho ra nhẽ lỗ do đâu? Lỗ như thế nào? Nếu lỗ đúng do bù giá thì có thể tăng.
Không phải chức để sang trọng, hưởng lương cao

Nhà nước cũng đã có ý định thị trường hóa nhiều khâu cơ bản của sản xuất điện. Nhưng mỗi lần làm lại động chạm đến ngành điện thì họ từ chối. Như có lần định chia ngành điện ra thành nhiều tổng công ty, EVN không đồng ý mà quyết "ôm" trọn gói. Và quá trình này tính toán thế nào không ai biết. Vì thế cần xây dựng lại mô hình, thế cạnh tranh từng khâu một. Tập trung đầu tư rồi cho thuê đường dây truyền tải điện.


Tôi không chê nhưng cũng không bênh “ông” EVN. Tôi chỉ nghĩ rằng để điều hành sao cho có lãi cũng không hề đơn giản. Nếu ông được làm tổng giám đốc EVN thì ông sẽ xử lý thế nào?
Nếu làm tổng giám đốc tôi phải đặt trách nhiệm lên trên hết. Bởi đó không phải là cái chức để đó cho sang trọng, hưởng lương cao... Tổng giám đốc phải lo cho doanh nghiệp làm ăn hiệu quả kinh tế. Không ít chức tổng giám đốc hiện nay được mua bán, chạy chọt từ đó để có cơ hội đục khoét, làm lợi bản thân.
Cơ sở nào để ông nói điều đó?
Trong Quốc hội cũng đã chất vấn tình trạng mua quan bán chức. Đó là sự tuyển chọn chưa công bằng, công khai, chưa đúng với việc tuyển chọn người tài. Khi nhận chức phải gắn với trách nhiệm và cần được kiểm tra giám sát chặt chẽ. Còn hiện nay trên danh nghĩa, văn bản có quy định nhưng chỉ là chung chung, thiếu cụ thể.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ.
Thu Hiền (Thực hiện)
Nguồn: bee.net.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét