Bản tin của AFP dẫn lời cha Matthew Vũ Khởi Phụng nói có đến 300 giáo dân đã đọc kinh cầu nguyện vào đêm thứ Tư 16/11 bên trong khuôn viên nhà thờ trong lúc chính quyền khởi công.
Trong khi đó, nói với BBC chiều nay, luật sư theo Công giáo Lê Quốc Quân từ Hà Nội cho hay giáo xứ đang giữ thái độ "ôn hòa".
"Các cha bảo con chiên nên ở trong nhà thờ. Phía bên ngoài có nhiều lực lượng: công nhân, dân phòng, công an, đặc biệt cả cảnh sát cơ động rất đông."
"Trước đây người ta làm gì thì đều xin phép nhà thờ, dù là xây một bức tường, chặt một cái cây, họ đều xin phép mình với tư cách chủ sở hữu khu đất."
Đòi trả tu viện
Sự việc bắt đầu căng thẳng sau khi Giáo xứ Thái Hà cáo buộc dự án xây dựng trạm xử lý nước thải là cớ để "chiếm đoạt khối nhà tu viện dùng làm bệnh viện Đống Đa".
Nggày 25/10, linh mục Nguyễn Văn Phượng, thay mặt giáo xứ, gửi đơn cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu trả lại tu viện Dòng Chúa Cứu Thế.
Lá đơn nói tổng diện tích của tu viện, thành lập năm 1928, là hơn 61.000 mét vuông.
"Nhà thờ mong muốn cùng bệnh viện và cấp cao hơn thảo luận trả lại toàn bộ vùng đất tu viện và chuyển bệnh viện đi nơi khác. Nhà thờ có thể sẵn sàng nhượng lại toàn bộ khu vực Ba Giang để bệnh viện chuyển sang đấy."
Luật sư Lê Quốc Quân
"Một thời gian sau, Chính quyền đã dùng ngôi nhà này làm Bệnh xá Đống Đa. Những năm 70, Nhà nước đã chiếm bất hợp pháp tòa nhà còn lại của Tu viện để làm Bệnh viện Đống Đa mà không có bất cứ một căn cứ pháp luật nào."
Đến ngày 3/11, Linh mục Nguyễn Văn Phượng có đơn khởi kiện chính quyền quận Đống Đa về quyết định phạt tiền ông và đòi Nhà thờ Thái Hà tháo dỡ bảng điện tử chạy dòng chữ đòi chính quyền trả lại đất "mượn" của Nhà thờ.
Đơn khởi kiện đề ngày 3/11/2011 nói quyết định phạt tiền 1,5 triệu đồng và "tịch thu tang vật vi phạm là Bảng điện tử" đã "xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà thờ Thái Hà".
Trong khi đó, chính quyền Hà Nội nói trạm xử lý nước thải ở Bệnh viện Đống Đa đáp ứng nhu cầu "cấp thiết".
Ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Sở Y tế Hà Nội, nói với báo An ninh Thủ đô rằng dự án đã có từ năm 2008.
Theo ông Tiến, "trạm xử lý nước thải của bệnh viện Đống Đa vừa giúp xử lý triệt để chất thải, vừa hạn chế tối đa tác động đối với môi trường".
Căng thẳng
Cha Matthew Vũ Khởi Phụng nói với hãng tin AFP rằng căng thẳng đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008 khi giáo dân Thái Hà tổ chức một loạt sự kiện phản đối.
Khi đó, giáo dân tụ tập hàng đêm tại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng mà nhà nước giao cho công ty May Chiến Thắng quản lý để đòi lại nơi mà họ cho rằng thuộc quyền sở hữu của Giáo xứ Thái Hà.
Sự kiện năm 2008 chứng kiến tòa án kết án tù treo với bảy giáo dân bị cáo buộc ‘hủy hoại tài sản’ và ‘gây rối trật tự công cộng’.
Luật sư Lê Quốc Quân nói với BBC rằng quan điểm mới nhất từ Giáo xứ Thái Hà là "nhà thờ vẫn đồng ý cho tiến hành xử lý nước thải, nhưng phải có sự thông qua của nhà thờ".
"Nhà thờ phải được tham gia giám sát cả quá trình," ông Quân giải thích.
Đáng chú ý, dường như có sự thay đổi trong quan điểm của Giáo xứ Thái Hà khi để ngỏ khả năng nhượng lại một khu vực kiện tụng khác, Ba Giang, cho khu đất của bệnh viện.
Ông Quân cho hay: "Nhà thờ mong muốn cùng bệnh viện và cấp cao hơn thảo luận trả lại toàn bộ vùng đất tu viện và chuyển bệnh viện đi nơi khác."
"Nhà thờ có thể sẵn sàng nhượng lại toàn bộ khu vực Ba Giang để bệnh viện chuyển sang đấy."
Luật sư Quân nói phía giáo xứ "muốn dàn xếp ôn hòa, nhẹ nhàng".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét