Pages

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Tham nhũng vây ngân hàng

Sơn Nhung

Trong năm 2010 và 9 tháng đầu năm 2011, cơ quan chức năng đã xử lý 69 vụ án, khởi tố 40 vụ liên quan đến 70 cán bộ ngân hàng
Thông tin trên được nêu ra tại hội nghị chuyên đề về “Phòng chống sai phạm, tham nhũng trong hoạt động tín dụng, ngân hàng (NH)” do Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) tổ chức ngày 30-11 ở TPHCM. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng, NH đang có chiều hướng tăng, diễn biến ngày càng phức tạp.

Tiếp tay làm “loạn” lãi suất
Khảo sát 30 vụ án xảy ra trên lĩnh vực hoạt động tín dụng, NH giai đoạn (2007 – 2011), Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho biết chủ thể phạm tội trong ngành NH thời gian qua có hai nhóm: Nhóm cán bộ NH và nhóm đối tượng ngoài ngành NH. Dù là ngoài ngành nhưng để thực hiện hành vi phạm tội thì đối tượng bên ngoài đều có sự thông đồng, cấu kết và được cán bộ NH tiếp tay.
Vụ gần đây nhất là một cán bộ NH thành lập các “công ty sân sau” để thực hiện đòn bẩy tài chính, chuyển tiền, ủy thác đầu tư cho các doanh nghiệp, các cá nhân nhằm tăng trưởng quy mô giả tạo, tiếp tay cho các hoạt động đầu cơ chứng khoán, bất động sản, tín dụng đen, làm lũng đoạn thị trường. Cũng theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, hành vi vi phạm này rất nghiêm trọng, đã phần nào đẩy lãi suất huy động lên cao, gây khó khăn cho Chính phủ, NH Nhà nước và các cơ quan quản lý trong điều hành kinh tế vĩ mô.
http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/12/01/tien.gif
Hoạt động tài chính ngân hàng lành mạnh sẽ góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng.

Theo đại tá Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46), trong năm 2010 và 9 tháng đầu năm 2011, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đã xử lý 69 vụ án, khởi tố 40 vụ, liên quan đến 70 cán bộ NH, thiệt hại hơn 8.000 tỉ đồng nhưng số tiền thu hồi chưa được 2.000 tỉ đồng. Đại tá Nguyễn Đức Thịnh cũng cho rằng các ngành cần sớm bắt tay vào thanh tra, kiểm tra các khoản nợ xấu để tránh thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước.
Có đại biểu cho rằng phần lớn những vụ sai phạm, tham nhũng trong NH là hành vi của người có chức vụ, đa số ở các NH quốc doanh, có vốn của Nhà nước chiếm đa số…
Ngân hàng bưng bít thông tin
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm, tham nhũng trong hoạt động tín dụng, NH gia tăng là do hệ thống NH thời gian qua phát triển “nóng” về lượng nhưng còn kém về chất, quản lý và quản trị rủi ro chưa tốt. Đáng nói hơn, theo một đại biểu ngành công an, công tác thanh tra, kiểm tra của chính NH đã không phát huy tác dụng. Các NH thương mại và NH Nhà nước đều có thanh tra nhưng hầu như chưa bao giờ các NH chuyển tài liệu về tình hình sai phạm của cán bộ NH sang để cơ quan công an xử lý.
Về việc này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, cho rằng: “Vì sợ giảm uy tín trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, sợ liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu nên một số tổ chức đã e ngại tố giác vi phạm… cũng như công khai thông tin. Nhiều vi phạm trong nội bộ bị bưng bít hoặc xử lý nội bộ, không chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền”.
Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, vì chú trọng về chỉ tiêu doanh thu, một số NH đã sẵn sàng áp dụng mọi hình thức kinh doanh để thu hút khách hàng. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ NH không vững về chuyên môn, nghiệp vụ và yếu kém về phẩm chất đạo đức… nên dễ bị lôi kéo, mua chuộc, từ đó dễ xảy ra phạm tội.
Sẽ xử lý mạnh tay hơn
Để ngăn chặn các hoạt động phạm pháp, theo đại tá Nguyễn Đức Thịnh, cần rà soát, điều chỉnh lại các văn bản quy định pháp luật nhằm tăng cường phối hợp quản lý và xử lý vi phạm. Cụ thể, NH Nhà nước cần điều chỉnh quy định hiện hành “khi có lệnh khởi tố vụ án thì cơ quan công an mới vào lấy hồ sơ được”; thay vào đó có cơ chế để cơ quan công an vào cuộc ngay từ đầu.
Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết tổng tài sản của các NH hiện nay đã chiếm 2,5 lần GDP, tổng dư nợ tăng 1,2 lần GDP. Với việc quản lý hệ thống ngày càng lớn mạnh như thế, trong khi nền kinh tế đang gặp khó khăn, doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, phá sản hàng loạt thì nợ xấu tăng lên là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ông cũng nhận trách nhiệm vì thời gian qua NH Nhà nước đã quản lý chưa tốt, để nợ xấu tăng, xảy ra sai phạm, tham nhũng trong ngành NH. Ông Bình cam kết tới đây sẽ tăng cường, giám sát và xử lý mạnh tay các hành vi vi phạm, nhất là vi phạm của cán bộ NH.
Phối hợp chặt với ngành công an
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, cho rằng các NH cần chủ động, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng ngành công an nhằm ngăn chặn hoạt động phạm pháp ở lĩnh vực tín dụng, NH; đừng để vụ việc xảy ra rồi mới xử lý.
Bên cạnh đó, các NH cần làm tốt công tác kiểm tra, giáo dục, chú trọng khâu tuyển chọn, đề bạt cán bộ, kiên quyết loại cán bộ có dấu hiệu, hành vi tham nhũng, xử lý nghiêm những người có trách nhiệm đứng đầu. Không thể có chuyện để thất thoát hàng ngàn tỉ đồng mà không ai bị kỷ luật gì.
Tái cấu trúc ngân hàng: Rất cấp bách
Ngày 30-11, tại Hà Nội, Học viện Tài chính đã tổ chức hội thảo tái cấu trúc NH, công ty bảo hiểm và công ty chứng khoán. Số liệu báo cáo của NH Nhà nước cho biết tính đến hết tháng 8-2011, nợ xấu của hệ thống NH thương mại chiếm 3,21%, tương đương 76.000 tỉ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ mất vốn) có nguy cơ tăng nhanh từ đầu quý III khiến các NH có nguy cơ mất trắng 33.000 tỉ đồng.
Trước thực trạng trên, theo TS Nguyễn Thị Mùi, Hiệu trưởng Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực thuộc VietinBank, việc tái cấu trúc NH là rất cấp bách. Theo đó, phải rà soát lại hoạt động NH và các công ty con để làm rõ mọi hoài nghi về công ty sân sau trong hoạt động NH cũng như có hay không nhóm lợi ích đứng sau gây lũng đoạn một số NH.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét