Pages

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Tuyên truyền, truyền thông và sự thật (3)

Cần Thơ – Một xã hội tuyên truyền vừa không thể biết sử dụng truyền thông vừa đương nhiên có xu hướng chống lại sự thật.
Tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng chính thức tại Việt Nam như Tivi, Radio, báo, tạp chí, sách, phim ảnh và cả văn nghệ nữa đều là cơ quan hay phương tiện tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam. Tuyên truyền theo Từ điển Tiếng Việt do Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia tổ chức bản thảo, được Nhà xuất bản Văn hoá Sài Gòn phát hành năm 2006, trang 1258 viết: “Tuyên truyền: Giải thích rộng rãi để thuyết phục mọi người tán thành, làm theo:tuyên truyền đường lối chính sách, tuyên truyền xuyên tạc“, và tuyên truyền viên là người thực hiện công tác tuyên truyền.

Với định nghĩa này, mục tiêu của tuyên truyền là làm cho người ta đón nhận, tin, ủng hộ và thực hiện theo một chính sách nào đó. Điều này giả thiết chính sách luôn luôn đúng, và cũng giả thiết người làm chính sách không có nhu cầu lắng nghe ý kiếh phản hồi, đồng thời những người làm chính sách cùng với những người làm tuyên truyền và các cơ quan hay phương tiện tuyên truyền xem người đọc, người nghe và người xem là những người có cái đầu như thùng thiết để đổ vào mà thôi, chứ không có não để suy nghĩ hay phản biện gì.
Thủ đoạn tuyên truyền này của Đảng cộng sản Việt Nam đã tỏ ra sử dụng rất thành công trong thời chiến, và cũng gặt hái được một số kết quả tương đối trong thời bình, khi chưa có mạng lưới thông tin toàn cầu. Nhưng từ khi Internet phát triển và trở nên phổ biến thì thủ đoạn tuyên truyền lúc thắng lúc thua, càng ngày phần thua càng rõ.
Điều đáng nhớ nhất là những con người tham gia bộ máy tuyên truyền đều không phải chịu trách nhiệm về những gì mình ép người khác phải nghe, phải tin, kể cả khi nó sai hoàn toàn. Vì sao? Bởi vì chính họ cũng không hề được phản biện, ngay khi họ thấy rõ những điều họ buộc phải tuyên truyền sai lầm hoàn toàn, giả dối mọi nẻo, nhưng vẫn không được cải chính, không thể không nói, nếu còn muốn “đong gạo” từ túi tiền thuế của dân do Đảng phân phát.
Chuyện cũ chuyện mới

Cha giám tỉnh DCCT VN thăm Đức tổng Kiệt tại Đan viện Châu Sơn
Vào hạ tuần tháng 9 năm 2008, Đài truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) đã trích một phần của một câu trong phần phát biểu dài của Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt (Đức tổng Kiệt), nguyên tổng giám mục Hà Nội, nói với Ông chủ tịch UBND Hà Nội: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”, rồi sau đó bình luận rằng Đức Kiệt là người phản quốc, “nợ nhân dân một lời xin lỗi”. Rất nhiều người dân, nhất là các cán bộ đảng viên ở bậc trung cấp trở xuống tin theo và phản ứng gay gắt với Đức tổng Kiệt qua trung gian những người Công giáo.
Một chị buôn đồng nát (mua bán ve chai), gốc Ninh Bình, đang tạm cư kiếm sống gần khu vực nhà thờ Thái Hà, sau một ngày đi thu mua phế liệu về đã vào khóc với các cha DCCT Thái Hà và cho biết cả ngày hôm nay không buôn bán được già cả. Đi đâu, người ta thấy chị đeo thánh giá, biết là người Công giáo thì tức khắc chửi rủa y như VTV. Có người còn chỉ vào mặt chị nói: “Mày là con ngu nên mới theo thằng Kiệt. Mày như thế, con mày sao lớn được”.
Nhiều tu sĩ, giáo sĩ cũng tin những gì VTV nói. Thậm chí, người viết đã trực tiếp nghe một linh mục bình luận: “Làm lớn phải khéo léo trong ăn nói, nói cho người ta bắt bẻ thì hỏng”.
Khi Toà giám mục Hà Nội công bố toàn văn lời phát biểu của Đức tổng Kiệt với Ông chủ tịch UBND HN Nguyễn Thế Thảo thì mọi người mới vỡ lẽ, nguyên câu của vị Giám chức này là: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế”.
Đầy đủ câu phát biểu này là lời của một người yêu nước, ước mong đất nước mình gia tăng chỉ số tín nhiệm quốc tế nhờ phát triển mọi mặt chứ không hề có ý miệt thị quê hương Việt Nam.
Tuy sự thật đã được công bố, nhưng chính sách của lãnh đạo Hà Nội là bằng mọi giá phải bứng cho được Đức tổng Kiệt ra khỏi Hà Nội, nên họ huy đồng toàn lực của hệ thống tuyên truyền ở Việt Nam để đánh Đức tổng Kiệt. Họ còn dùng nhiều biện pháp khác nữa để thực hiện cho bằng được ý định đó, nhưng trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ bàn đến thủ đoạn tuyên truyền mà thôi. Hàng ngày từ sáng đến tối trên VTV, HTV Hà Nội lẫn Sài Gòn, các báo từ trung ương đến địa phương, từ cơ quan thuộc Đảng đến thuộc các ban ngành đoàn thể đều nhất tề tuyên truyền thuyết phục dân chúng rằng Đức tổng Kiệt sai và phải lên án, phải dạy cho ông giám mục này một bài học xứng đáng.
Đến nay, hơn 700 cơ quan báo chí các loại tuyên truyền tại Việt Nam chưa hề có một lời xin lỗi nào về chuyện sai quấy này. Ngoài một cá nhân !
Giáo sư Hà Văn Thịnh, một trong những người đã tham gia chiến dịch tuyên truyền trực tiếp đánh Đức tổng Kiệt, ngày 28.09.2011 đã công bố bức thư xin lỗi như sau:
“Hôm nay (27.9.2011), đọc – nghe từ blog Anh Ba Sàm, tôi được biết những gì mình viết về TGM ngày nào (đăng trên báo Lao Động, nhan đề Đáng rủa sả thay) là một sai lầm và, ở mức độ nào đó, có thể coi là một tội ác khó có thể biện minh. Tôi muốn cầu xin một sự thứ tha nhưng chắc chắn rằng sự day dứt của lương tâm thì chẳng thể nào nguôi ngoai được…
Qua đây, cũng xin nói cho rõ “vụ” này. Hồi ấy, tôi là cộng tác viên thường xuyên của báo Lao Động. Viết với đam mê và trách nhiệm thực sự của nghĩ suy là mình luôn bảo vệ cái đúng, chống lại những điều sai (ấu trĩ, ngây ngô, ngu dốt…; để cho độc giả và quý vị xa gần phán xét, mặc nhiên tôi không phàn nàn hay khiếu nại). Một lần, tôi nhận được điện thoại của ông Tô Quang Phán, Phó TBT (nay là Tổng BT Hà Nội Mới), nói rằng Tổng GM Ngô Quang Kiệt tuyên bố cầm hộ chiếu Việt Nam thấy nhục nhã, hãy viết ngay một bài bình luận về sự kiện trên….
Nhận được lệnh, với thông tin 8 chữ, tôi viết liền cho kịp bài báo để mai đăng, sau khi đã đọc lại toàn bộ Kinh Thánh. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu nổi, vì sao chỉ sau có mấy tiếng đồng hồ, vừa đọc Kinh Thánh lại vừa viết ra được bài báo tổng hòa và tận cùng của nỗi đau, sự xấu hổ mà không hề có một thoáng mảy may băn khoăn về chuyện đúng, sai? Xem ra, sự đui dốt, thỏa thê khó tìm thấy giới hạn.
Bây giờ, tôi biết tôi xứng đáng bị rủa sả bởi những lời tàn tệ. Tôi viết bài này để xin một sự thứ tha, chắc rằng Chúa Nhân Từ sẽ tha thứ cho tôi, coi như đó là một tai nạn của lỗi lầm và xuẩn ngốc; nhưng, những bạn đọc yêu mến sự thật và công lý thì chẳng thế, bao giờ…
Tôi đã như một kẻ đui mù thách đấu với Tổng GM Ngô Quang Kiệt chỉ bằng cái sinh tử lệnh có 8 chữ, tức là bằng đúng một nửa của 16 chữ vàng cắt dán! Lỗi lầm và đau xót đang được đo bằng sự ê chề. Tôi chỉ còn biết sùng kính ngước nhìn lên và nói tới hai chữ: Cầu Xin!
Huế, 28.9.2011 - Hà Văn Thịnh”
Chuyện Thái Hà hôm nay
Mấy năm nay, mỗi khi có dịp gặp cán bộ tôn giáo, kể cả công an tôn giáo, đều nghe họ lập đi lập lại điệp khúc: “Sự đổi mới về tôn giáo của Đảng ta được thể hiện qua các quan điểm: Một
Nhà nguyện, nơi thờ phượng Thiên Chúa đã bị chiếm dụng và biến thành nơi ăn chơi sa đoạ
là, khẳng định tôn giáo là vấn đề tồn tại lâu dài. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, các nguồn gốc nảy sinh tôn giáo vẫn tồn tại và tác động thường xuyên tới sự phát triển của các tôn giáo. Do không nhận thức đúng đắn quy luật này, cộng với những mặc cảm, định kiến về tôn giáo, nên trước đây đã có nơi, có lúc, chúng ta có chủ trương, biện pháp đối xử thô bạo với tôn giáo, tìm cách thu hẹp, hạn chế các hoạt động tôn giáo. Vì vậy đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa chính quyền với tôn giáo, làm mất lòng tin của quần chúng tín đồ, chức sắc các tôn giáo với Đảng và Nhà nước” (Báo Lao Động).
Nhưng thực tế thì khác, bởi đó chỉ là tuyên truyền. Người tuyên truyền lẫn người đưa ra chính sách chẳng ai chịu trách nhiệm cả, mà chỉ nhằm đánh lừa nhân dân mà thôi. Nếu không đúng như vậy thì tại sao lại chiếm dụng một cơ sở tu hành trong suốt 40 năm qua. Giai đoạn 1961 đến 1971 do chiến tranh nên chưa có điều kiện xây dựng, nên tạm thời mượn để phục vụ công ích thì cha già Bích đã tạm thời cho mượn, nhưng sau đó 40 năm, nhất là đã hoà bình 36 năm, và đặc biệt 10 năm trở lại đây, kinh tế luôn luôn tăng trưởng vượt bực, trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong khi vực, mà không đủ sức xây dựng cơ sở mới đạt tiêu chuẩn về vệ sinh ý tế, đảm bảo cho việc khám và chữa bệnh của nhân dân sao? Đó là chưa nói đến việc trong quá trình sử dụng, với tính cách cá nhân hay tổ chức, nhiều cán bộ, y bác sĩ đã phá bỏ những công trình tôn giáo trong tu viện. Biến nơi thánh thiêng là nhà nguyện thành sàn nhảy đầm cho cán bộ. Đều này đang gây phản cảm rất mạnh cho cộng đồng mạng trong và ngoài nước mấy hôm nay.
Nghị quyết Đảng đã ra từ lâu rồi, đến bao giờ UBND HN mới thực hiện cho Thái Hà đây? Đến bao giờ UBND Đống Đa thôi không quấy nhiễu tôn giáo nữa?
Hôm qua, sau những bài trên HNM và HTV HN, chính quyền quận Đống Đa đã ra tay như trên www.chuacuuthe.com đã đăng quyết định xử phạt hành chính cha Giuse Nguyễn Văn Phượng 1.500.000 đồng và tịch thu bảng đèn LED của Tu viện-Giáo xứ Thái Hà.
Quyết định xử phạt số 5487 QĐ-XPHC quy kết Nhà thờ Thái Hà vi phạm điểm p, khoản 3 Điều 7 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP tức “viết, tán phát, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân…“, nhưng trong thực tế chúng tôi thấy DCCT HN – GX TH chi đăng nội dung bảng điện tử là “Yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội trả lại Tu viện đang mượn làm bệnh viện Đống Đa cho Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và trả lại Hồ Ba Giang cho Giáo xứ Thái Hà“. Đây là sự thật và là tiếng kêu cứu. Nếu kết tội thì UBND Đống Đa phải chỉ ra nội dung trên đã xuyên tạc, bịa đặt gì? đã vu cáo gì? Và làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân nào?
Với quyết định xử phạt hành chính này, cha Giuse Nguyễn Văn Phượng có đủ bằng chứng pháp lý để kiện UBND quận Đống Đa ra toà.
Truyền thông và sự thật
Hạn từ Truyền thông, cũng theo sách Từ điển đã dẫn, trang 1242, thì truyền thông là “truyền thông tin qua các phương tiện nào đó″. Đọc qua, nhiều người dễ thấy giống tuyên truyền nhưng thực ra khác xa. Tuyên truyền đặt mục tiêu ở “thuyết phục”, còn truyền thông đặt mục tiêu ở “truyền thông tin”, không hề có ý định thuyết phục ai tin mình, hay kêu gọi người ta ủng hộ mình hoặc xúi các thụ giả lên án ai. Đối với truyền thông, việc tin, ủng hộ, lên án ai, cái gì là chuyện của người người đọc, người nghe, người xem dựa trên vốn sống khả năng của họ. Và do đó, người làm truyền thông phải giữ ở tư thế đưa tin (Reporter) không thiên lệch, và nhất là không bao giờ cho mình có quyền suy nghĩ đúng hơn các thụ giả truyền thông để lên lớp, dạy dỗ.
Truyền thông lúc này là gởi sự thật đến với khán thính giả, độc giả của mình. Người làm truyền thông giống như ly thuỷ tinh trắng trong suốt. Đổ nước đỏ vào ly thì người ta thấy đó là nước đỏ, cho nước bùn đen vào người ta biết đó là bùn đen. Không thể dùng thủ đoạn bịt lý để rồi lừa hay đánh đố thụ giả rằng trong lý là nước trà hay nước đá, mà trong thực tế nhiều khi chẳng có tí nước nào.
Công dân Việt Nam sẽ phải tiếp tục lãnh đủ mọi sự tuyên truyền vô trách nhiệm của các báo đài, cũng như sẵn sàng chịu đựng những chính sách sai lầm nhưng vẫn cứ mãi tuyên truyền là đỉnh cao trí tuệ, nếu vẫn cứ im lặng chờ thời.
K. Thuyên
Nguồn: VRNs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét