Blogger Mai Xuân Dũng
(Nguồn: dungmb64)
Ở Việt Nam, ai cũng biết có đến 70% vụ khiếu kiện là liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai.
Giáo dân Thái Hà tại một buổi thắp nến cầu nguyện. (Hình: Ian Timberlake/AFP/Getty Images) |
Thực tế cho thấy các vụ cưỡng chế gây ra vô số kiện tụng, kêu cứu của dân oan vượt cấp lên cơ quan công quyền cấp Trung Ương. Nhiều nơi, cơ quan bảo vệ luật pháp, bảo vệ nhân dân lại là thủ phạm tấn công người dân bằng dùi cui, hơi cay thậm chí bằng vũ khí gây nên những cái chết oan ức cho người dân như vụ công an bắn chết một em học sinh tại dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là một ví dụ.
Tại sao cơ quan công quyền hành xử như vậy? Ðằng sau các dự án này là cái gì, ai là kẻ được thụ hưởng các mối lợi khổng lồ từ đất đai trong các dự án này?
Cách giải thích của chính quyền thông qua cơ quan truyền thông nhà nước thường là: Việc giải tỏa, giải phóng mặt bằng còn có thiếu sót, nhiều nơi cán bộ chưa giải thích thấu đáo cho người dân, việc đền bù còn chưa thỏa đáng, v.v... Còn việc gây ra cái chết cho người dân là do “súng cướp cò” để rồi các vụ giết người, giết dân của công an được cho “chìm xuồng” hoặc xét xử theo kiểu đóng cửa bảo nhau.
Cách hành xử như vậy không có cách giải thích nào khác là kiểu luật rừng, hổ báo có quyền ăn thịt hươu nai, cấm kêu. Việc đó có ý nghĩa như một thông điệp của nhà cầm quyền gửi tới đám thuộc quyền là cứ bắn vào dân nếu cần, hậu quả đã có lãnh đạo lo. Dân kêu chứ gì? Huy động các cơ quan truyền thông lên án... Dân “chống người thi hành công vụ,” “bị các thế lực thù địch lợi dụng, xúi giục” là xong chuyện.
Nếu không có các món tiền lót tay, nếu không có những miếng đất được chia chác từ các dự án này thì chẳng cơ quan công quyền nào lại đi bảo vệ không công cho các chủ dự án đó. Việc rõ như ban ngày.
Ðiều đáng nói, cách giải quyết mâu thuẫn với dân theo kiểu nói trên đã diễn ra từ những năm cải cách ruộng đất trước đây cho đến bây giờ, ngày càng trắng trợn hơn, gây nên nỗi bức xúc ghê gớm trong dư luận xã hội. Vô hình trung các cơ quan công quyền từ chỗ có chức năng bảo vệ nhân dân, bảo vệ pháp luật đã tự trở thành kẻ đối đầu với nhân dân, đạp lên luật pháp chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi cho một nhúm kẻ có chức quyền đang tha hồ tham nhũng, chia chác tài nguyên, đất đai của đất nước, của nhân dân.
Ðáng lẽ, khi thời thế đã khác, nhờ Internet, người dân đã có hiểu biết về luật pháp thì các cơ quan công quyền phải “khôn ngoan” hơn nhưng ngược lại, họ tiếp tục lún sâu vào sai lầm, khoét sâu thêm cái hố ngăn cách giữa nhân dân và nhà nước. Bằng chứng rõ nhất là gần đây, để giải quyết các mâu thuẫn với nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng mà dân bây giờ gọi là công tác cướp đất, họ công khai tuyên chiến với dân, biến nhân dân thành “thế lực thù địch” thành những tên “khủng bố.”
Trong trường hợp đất đai có nguồn gốc là các cơ sở thờ tự của các tôn giáo thì họ dùng vũ lực “mượn” rồi coi như “chiến lợi phẩm,” mặc nhiên “chuyển đổi quyền sử dụng nhà, đất,” khi có điều kiện đem xẻ nhà đất “mượn” được đem bán từng phần hoặc toàn bộ. Ðương nhiên là để chia chác cho những kẻ có chức có quyền. Khi bị nạn nhân phản ứng, khiếu nại, họ dùng chiêu “quần chúng tự phát” được hỗ trợ bằng cả lực lượng an ninh, cảnh sát, truyền thông nhà nước để trấn áp nạn nhân như vụ đất đai của Nhà thờ Thái Hà, Hà Nội là điển hình. Người dân dù là Công Giáo hay không Công Giáo cũng dễ dàng nhìn rõ: quần chúng “tự phát” nào mà lại được trang bị loa điện, máy quay Camera chuyên dụng, công an vòng trong vòng ngoài để trấn áp mấy ông linh mục và mấy giáo dân tay không.
Kỳ quặc hơn, mấy ngày qua báo Thanh Niên, báo Hà Nội Mới cho đăng tải rất hoành tráng cuộc diễn tập chống “khủng bố” mà đối tượng “khủng bố” chẳng phải là bọn cướp mà là người dân “liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.” Thật hết chỗ nói, không hiểu các cơ quan công quyền, truyền thông có còn chút liêm sỉ nào nữa hay không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét