Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Việt Nam: Thay đổi với bàn tay sắt

Việc ông Nguyễn Thanh Nghị trở thành thứ
 trưởng gây nhiều quan tâm
Phóng viên Ben Bland của tờ Financial Times tại Hà Nội vừa có bài nhận định về vấn đề sử dụng người tài trong bối cảnh chính trị độc đảng ở Việt Nam.

Tác giả mở đầu bằng câu chuyện bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nghị, 35 tuổi, con trai của thủ tướng Dũng, thành thứ trưởng trẻ nhất của Việt Nam gần đây đã gây sửng sốt tại một chế độ đang phải chật vật thu hút nhân tài cần có để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng.

Đây là chuyện thật ngán ngẩm nhưng cũng quen tai và diễn ra chỉ vài ngày sau khi một công ty đầu tư do bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái của thủ tướng, làm chủ đã lấn sang mảng ngân hàng với sự hậu thuẫn của một trong những ngân hàng quốc doanh lớn nhất tại Việt Nam.


"Đây là những bước đi trơ trẽn," một người thuộc lớp lão thành của Đảng Cộng sản Việt Nam nói.
Người này cũng bất bình với thực trạng của thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi chính trị phe nhóm đang thay thế hệ thống chính trị trước đây vốn tìm kiếm sự đồng thuận nhiều hơn.
Giới ngoại giao nước ngoài và giới chỉ trích trong Đảng tin rằng ông Dũng đã củng cố vị trí của mình sau khi giành chiến lợi cho nhiệm kỳ thứ hai làm Thủ tướng trong năm nay bằng cách áp sát hơn giới an ninh nội vụ.
Đánh giá này cũng giống như nhận định của rất nhiều nhà báo Việt Nam và các nhà hoạt động xã hội dân sự, họ đổ lỗi cho phe cánh này đã trấn áp tự do ngôn luận và những tranh luận công khai tại một thời khắc hết sức quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh nhiều vấn đề tiếp tục chồng chất, những quan chức ưa nói thẳng đã phá lệ bằng cách biện luận rằng Đảng Cộng sản cầm quyền phải thay đổi để giải quyết những thách thức phức tạp của thế kỷ 21, cũng như thách thức của nền kinh tế đã hội nhập với toàn cầu.
'Đổi mới cái đầu'
Giới quan sát đánh giá ông Nguyễn Tấn Dũng được ngành an ninh hậu thuẫn
Phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Minh Cương, làm việc tại Vụ Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung Ương, nói tại một phiên tranh luận của Đảng Bộ về vai trò lãnh đạo rằng "nếu ông Bill Gates có làm việc tại Việt Nam thì chính ông sẽ không thể nào ngoi lên được ghế vụ trưởng trong chính phủ" bởi các tiêu chí cứng nhắc xét duyệt việc đề bạt đã bóp chết tài năng.

"Trước đây, Việt Nam đã phát triển bằng cách khai thác tài nguyên thiên nhiên hơn là sử dụng tư duy chiến lược để hiểu được làm sao có thể phát triển bền vững," ông nói Financial Times và nhấn mạnh rằng đây là quan điểm của ông như một nhà nghiên cứu, chứ không phải là lập trường chính thức của Đảng.

Ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cơ quan nghiên cứu của chính phủ, đồng ý rằng giới quan chức Việt Nam cần phải có cách tiếp cận hoàn toàn khác.

"Tái cơ cấu kinh tế nên phải được bắt đầu bằng việc đổi mới cái đầu," ông nói tại một diễn đàn của chính phủ hồi tháng trước. "Nếu chúng ta cứ bám vào cách nghĩ cũ, thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể thay đổi mô hình tăng trưởng của chúng ta được."

Tiến sỹ Đỗ Minh Cương nói rằng trong khi khu vực tư nhân làm tốt hơn nhiều trong việc tuyển dụng và giữ nhân viên người Việt có tài, bao gồm hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ở phương Tây về nước hàng năm, thì khu vực nhà nước và các cơ quan trong Đảng đang mất đi những người tốt bởi vì họ vẫn còn "đi theo cách làm cũ và trả lương thấp".

Ông ước tính rằng 17.000 người đã rời khỏi nhà nước sang làm cho khu vực tư nhân từ năm 2009 tới 2010 để được trả lương cao hơn, tự do sáng tạo hơn và được chủ lao động hỗ trợ nhiều hơn.
"Đảng Cộng sản cần có dân chủ thực sự, chứ không phải là bầu cử giả tạo"
Một Đảng viên
Fiachra McCana, trưởng nhóm nghiên cứu tại Ho Chi Minh City Securities, nói rằng – giống như ở Nhật Bản, nơi ông từng làm việc – nạn quan liêu quá mức và văn hóa chính trị dựa vào sự đồng thuận là cái nôi nuôi dưỡng thực trạng tránh làm gì có rủi ro.

"Chẳng ai khen bạn vì đã đưa ra được một ý tưởng nếu bạn đang là quan chức," ông nói.
"Nhưng nếu bạn không ngại rủi ro và rồi bất cứ điều gì đó trục trặc xảy ra thì sự nghiệp của bạn sẽ bị tổn hại. Thực sự là chỉ vào lúc có khủng hoảng thì bất kỳ hình thức cải cách mạnh bạo nào cũng sẽ có thể được chấp nhận. "

Trong khi Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức cấp viện khác đã cung cấp hàng trăm triệu đôla cho các quỹ “xây dựng năng lực", một số nhà quan sát tin rằng chỉ có tiền thôi là không đủ.

"Đảng Cộng sản cần có dân chủ thực sự, chứ không phải là bầu cử giả tạo nếu Đảng muốn thu hút và nuôi dưỡng các nhà lãnh đạo tài năng mà chúng ta cần cho tương lai", một đảng viên có thâm niên bị đuổi việc nói.
Ông từng làm tại một công ty nhà nước và là người có cách tiếp cận không theo khuôn khổ của môi trường làm việc này.
Bài viết được trích lược từ Bấm blog của Ben Bland, phóng viên thường trú của Financial Times tại Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét