Pages

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

André Menras dấn thân vì các ngư dân trong cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc

Trần Hữu Khánh dịch từ Midi Libre. – Boxitvn
clip_image001
André Menras ở Hà Nội bên cạnh phiên bản một cột mốc biên giới.
(Photo AFP/HOANG DINH NAM)

André Menras, dân Biterrois [chỉ các vùng thuộc miền Nam nước Pháp, ven Địa Trung Hải – người dịch], là người yêu Việt Nam cuồng nhiệt. Là một giáo chức Nhà nước nghỉ hưu và chủ tịch Hiệp hội ADEP Pháp – Việt, ông còn là nhà đấu tranh không tuân theo bất cứ quy chuẩn nào trong việc dấn thân cho đất nước mà ông đã nhận làm tổ quốc thứ hai của mình. Năm 2009, ông là một trong số rất hiếm hoi người nước ngoài được chính tay Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết trao quốc tịch Việt Nam, vì đã sát cánh cùng nhân dân Việt Nam “trong thời kỳ gian khổ nhất”.

Sự nghiệp mới của ông lần này hướng về các ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi thuộc miền Trung Việt Nam, những người đang ở tâm điểm của cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Ông đã quyết định tôn vinh những ngư dân này bằng bộ phim tài liệu do mình thực hiện, có tựa đề là “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát”, bộ phim mà theo ông đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam bật đèn xanh. Tuy nhiên, ông cho biết buổi trình chiếu đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng Mười Một vừa qua đã bị Công an hủy bỏ một cách “thô bạo”.
“Nỗi đau mất mát” đưa ra từng lời chứng của các ngư dân và các góa phụ; họ kể lại những cuộc tấn công của hải quân Trung Quốc đối với tàu Việt Nam, việc bắt giam thủy thủ đoàn và đòi tiền chuộc. “ Đó là một hành động khủng bố thực sự”, con người nhiệt huyết ở tuổi sáu mươi ấy nhấn mạnh. Ông cũng khẳng định quyết tâm làm cho mọi người hiểu rõ về tình cảnh của những người mà ông mô tả như “những anh hùng của đời thường”.
Đây là một đề tài hết sức tế nhị, mặc dù tình trạng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã lắng dịu với sự nhún mình từ phía Việt Nam.
Tháng Giêng tới đây, André Menras sẽ công chiếu bộ phim của mình ở Paris cũng như cậy nhờ vào Internet để tiếp tục phổ biến phim, mặc dù tính đến nay bộ phim đã được 35 000 lượt người vào xem trên Youtube.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.
Được đăng bởi bauxitevn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét