Pages

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Bắc Hàn mặc niệm Kim Jong-il

Quảng trường Kim Nhật Thành trong lễ tưởng niệm
Tang lễ chấm dứt bằng một buổi tập hợp
khổng lồ của quân đội và người dân ở
Quảng trường Kim Nhật Thành
Bắc Triều Tiên bước sang ngày quốc tang thứ hai của cố lãnh đạo Kim Jong-il với ba phút mặc niệm trên toàn quốc vào giữa trưa.
Truyền hình nhà nước Bắc Hàn chiếu cảnh biển người dân và binh lính trên quảng trường Kim Nhật Thành ở trung tâm của Bình Nhưỡng trong lễ tưởng niệm vào ngày thứ Năm 29/12.

Kim Yong-nam, nhà lãnh đạo chính thức số 2 của đất nước, đọc điếu văn trước sự chứng kiến của Kim Jong-un, nhà lãnh đạo kế vị.
Đại tướng Kim Jong-un trong chiếc áo khoác sậm màu cúi đầu với vẻ mặt u buồn. Hai bên ông là các quan chức cấp cao của Đảng Lao động và quân đội và người cô ruột Kim Kyung-hee, cũng là một đại tướng và là ủy viên Bộ chính trị, người sẽ hỗ trợ ông trong quá trình chuyển giao quyền lực.

‘Mất mát to lớn nhất’

Truyền thông nhà nước mới đây nhất đã gọi Kim Jong-un là ‘lãnh đạo tối cao của đảng, nhà nước và quân đội’.
Sau ba phút mặc niệm, tàu và xe trên khắp đất nước cùng kéo còi tiễn biệt cố lãnh tụ.
“Trái tim vĩ đại của đồng chí Kim Jong-il đã ngừng đập… sự ra đi sớm mà chúng ta không mong đợi là mất mát to lớn nhất và không thể tưởng tượng nổi đối với đảng và sự nghiệp cách mạng,” điếu văn của Chủ tịch Quốc hội Kim Yong-nam có đoạn.
Ông nhấn mạnh những đóng góp của Kim Jong-il cho ‘hòa bình và ổn định thế giới trong thế kỷ 21’.
Người dân Bắc Hàn sẽ ‘biến đau thương thành sức mạnh và lòng quả cảm 1.000 lần hơn dưới sự lãnh đạo của đồng chí Kim Jong-un,” ông nói.
"Đồng chí Kim Jong-un tôn kính là nhà lãnh đạo tối cao của đảng và của quân đội ta. Đồng chí thừa hưởng trí thông minh, khả năng lãnh đạo, phẩm chất, đạo đức và lòng quả cảm của đồng chí Kim Jong-il."
Điếu văn của Kim Yong-nam, chủ tịch Quốc hội Bắc Hàn
“Đồng chí Kim Jong-un tôn kính là nhà lãnh đạo tối cao của đảng và của quân đội ta. Đồng chí thừa hưởng trí thông minh, khả năng lãnh đạo, phẩm chất, đạo đức và lòng quả cảm của đồng chí Kim Jong-il,” ông nói thêm.
Buổi lễ tưởng niệm trên Quảng trường Kim Nhật Thành được kết thúc bằng màn trình diễn bài ‘Quốc tế ca’ của dàn nhạc quân đội và một loạt phát đại bác.
Sau đó là ba phút mặc niệm trên toàn quốc. Cuối cùng, tàu bè và xe hỏa đồng loạt kéo còi tưởng niệm.
Các nghi thức này đánh dấu sự chấm dứt 13 ngày để tang ông Kim Jong-il, người đã cai trị Bắc Hàn trong suốt 17 năm.
Các cơ quan Liên Hiệp Quốc trên toàn thế giới cũng treo cờ rủ trong ngày quốc tang của Kim Jong-il hôm thứ Tư 28/12.
Người phát ngôn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York cho biết đại diện của Bình Nhưỡng đã đưa ra yêu cầu này và đây cũng là nghi thức bình thường ở Liên Hiệp Quốc dành cho tang lễ của bất cứ nguyên thủ nào.

Thay đổi nhận thức

Kim Jong-un đứng trên ban công nhìn ra quảng trường
Đại tướng Kim Jong-un giờ đây là lãnh đạo tối cao của đảng, nhà nước và quân đội Triều Tiên
Brian Myers, một chuyên gia về nghệ thuật tuyên truyền của Bắc Hàn ở trường Đại học Dongseo ở Busan, Hàn Quốc, cho biết thách thức lớn đối với bộ máy tuyên truyền của Bắc Hàn hiện nay là ‘thay đổi nhận thức của công chúng rằng vị tân lãnh đạo là cậu ấm được nuông chiều với các đặc quyền’.
“Hình ảnh Kim Jong-un bước nặng nề trong đau buồn bên xe tang trong thời tiết khắc nghiệt là một động thái rất rõ ràng [cho mục đích đó],” ông nhận xét.
Còn Kim Yeon-su, một chuyên gia về Triều Tiên ở Học viện quốc phòng quốc gia Hàn Quốc nói: “Thông điệp ở đây rất rõ ràng: Kim Jong-un giờ đây là người lãnh đạo đất nước và không có lựa chọn nào khác.”
Biên tập viên thời sự quốc tế của BBC ở Seoul John Simpson phân tích rằng người cô ruột Kim Kyung-hee và người dượng Chang Song-taek, vốn cũng là một nhân vật cấp cao trong bộ máy lãnh đạo của Bắc Hàn, sẽ hỗ trợ và hướng dẫn Kim Jong-un trong quá trình chuyển giao quyền lực.
"Thách thức lớn đối với bộ máy tuyên truyền của Bắc Hàn hiện nay là thay đổi nhận thức của công chúng rằng vị tân lãnh đạo là cậu ấm được nuông chiều với các đặc quyền."
GS Brian Myers, Đại học Dongseo, Hàn Quốc
“Liệu bộ máy lãnh đạo mới có cố gắng bưng bít Bắc Hàn một cách chặt chẽ như Kim Jong-il đã làm?,” ông đặt vấn đề.
“Vẫn còn quá sớm để có câu trả lời, nhưng có một sự thật lịch sử rằng một chế độ độc tài sẽ dễ bị tổn thương nhất nếu nó buông lỏng sự cai trị,” ông nói.
“Tuy nhiên nếu Bắc Hàn cố gắng duy trì sự cai trị tàn bạo đối với cuộc sống của người dân thì luôn có khả năng là cuối cùng người dân sẽ bị dồn ép quá mức,” ông nói thêm.
“Những ai đã từng đến Rumani dưới chế độ của nhà độc tài Nicolae Ceausescu vào mùa hè năm 1989 đều tin rằng sự tàn bạo của chế độ đã làm mất đi những bản năng cơ bản về tự do cá nhân ở những người dân bình thường,” ông dẫn chứng.
“Nhưng vào cuối tháng 12 năm đó người dân đã nổi dậy và nhà độc tài và người vợ cũng tàn bạo như ông đã bị hành quyết.”
“Thiết lập một chế độ độc tài thì dễ dàng hơn nhiều so với thay đổi cách thức mà nó hoạt động,” ông nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét