Pages

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Bán nước do thiếu hiểu biết về luật biển

luoi bo
Cuối tháng 11, tại diễn đàn Quốc Hội, Thủ tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày 4 giải pháp áp dụng trên Biển Đông mà vài phân tích gia quốc tế coi như có sự chuyển dịch.
Truyền thông quốc doanh đã được phép đăng lại bài của VNExpress mà không hề bình luận hoặc khơi mào cho một cuộc tranh luận công khai, rộng rãi về phần vấn, đáp giữa Thủ tướng và Đại biểu Quốc Hội liên quan đến giải pháp Biển Đông.
Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam và Trung Quốc nối lại vòng đàm phán về vùng cửa biển Vịnh Bắc Bộ, đã bế tắt từ năm 2006 đến 2009, dựa theo các nguyên tắc mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh hồi tháng 10.


Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ ký ngày 25-12-2000 được Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn vào 15-06-2004. Theo Nguyễn Tấn Dũng, Hiệp định đem lại sự công bằng vì Việt Nam được 53% mà các chuyên gia quốc tế tin chỉ có 45% nên làm mất 15,000 km2 và 2/3 lượng cá nước sâu và vị trí chiến lược do thiếu hiểu biết về lịch sử và Luật Biển 1982.
Suốt 27 năm, qua nhiều vòng đàm phán về phân định biên giới đất liền và Vịnh Bắc Bộ mà các chi tiết đều không được công bố để cho dư luận trong nước cũng như quốc tế nhận xét, phê bình nên dễ mắc sai lầm.
Trong Hiệp ước Pháp-Thanh 1887, Pháp đã cắt hơn bảy xã thuộc tổng Bát Tràng và hai xã của tổng Kiến Duyên, và mũi Bắc Luân (Paklung) của An Nam trao cho Trung Hoa để ký Công ước Constans.
Như thế, việc phân chia Vịnh Bắc Bộ có liên quan đến việc nhượng đất liền cho Trung Hoa sao Nhà nước Việt Nam chẳng đưa vào bàn đàm phán?
Điều 2 Công ước này viết: Đường kinh-tuyến Paris 105 độ 43 phút Đông, tức 108 độ 3 phút Greenwich, đi qua đông-điểm của đảo Trà-Cổ, làm thành đường biên-giới.
Đường thẳng Bắc Nam làm hải giới cho Trung Hoa và An Nam kéo dài từ Trà Cổ, biên giới Móng Cái/Quảng Tây, xuống tới phía Đông đảo Cồn Cỏ, thuộc tỉnh Hà Tĩnh, quy định phía Đông thuộc về Trung Hoa và phía Tây của An Nam.
Công ước Constans không còn phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) vì thế kỷ 19 chưa có quy định về Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và Thềm Lục địa (Continental Shelf).
Việc phân chia Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm Lục địa ở Vịnh Bắc Bộ đã không theo đúng các tiêu chí trong Luật Biển 1982.
Đảo Hải Nam dù lớn cũng không thể nào bình đẳng với đất liền Việt Nam theo như án lệ Libya/Malta năm 1985 của Tòa án Quốc tế về Luật Biển.
Dân số Việt Nam quanh vùng Vịnh lên tới 40 triệu người gấp 8 lần so với cư dân bán đảo Liễu Châu và đảo Hải Nam cộng lại sao được quyền bình đẳng về không gian mưu sinh?
Bờ biển Việt Nam trong Vịnh dài hơn phía Trung Quốc 1.5 lần và có trên 2,000 đảo nhỏ so với 5 của Hải Nam sao chẳng được phần chia tương xứng?
Nguyên tắc Phân chia hải phận theo Luật Biển 1982 dựa vào đường trung tuyến mà Đại học Texas và Luật sư Valencia đã vẽ khác với đường của Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000.
Bài học thiệt hại do thiếu liên kết dữ kiện lịch sử và không tôn trọng nghiêm chỉnh nguyên tắc phân chia hải phận của Luật Biển 1982 phải được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thừa nhận để rút kinh nghiệm cho vòng đàm phán bên ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Hà Nội tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ dựa theo thỏa thuận Nguyễn Phú Trọng-Hồ Cẩm Đào giống như đi trên bãi mìn.
Thứ nhất, Trung Quốc tiếp tục lấy đảo Hải Nam để phân chia Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm Lục địa với Việt Nam. Trường hợp này Trung Quốc sẽ chịu thiệt thòi khi càng đi về phía Nam.
Thứ hai, Bắc Kinh coi Đường Chữ U thuộc chủ quyền của Trung Quốc để đàm phán với Việt Nam. Nếu chấp nhận, Việt Nam sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất vì Trung Quốc sẽ chia chác từ ranh phía Tây của Lưỡi Bò đến bờ biển Việt Nam.
Thứ ba, Trung Quốc sẽ coi đảo Tri Tôn, trong Quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa), gần bờ biển tỉnh Quảng Ngãi nhất để đàm phán về Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm Lục địa thì vô cùng thiệt hại. Trung Quốc sẽ viện dẫn Công hàm của Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tức Bắc Việt) đồng ý tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc để dùng Tây Sa đàm phán vùng biển với Việt Nam.
Thứ tư, không hòn đảo nào trong 4 Quần đảo kể trên được Luật Biển 1982 thừa nhận tư cách ĐẢO vì chưa tự túc kinh tế, tự trị hành chính.
Cộng sản Việt Nam rất sai lầm khi coi tranh chấp Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) chỉ riêng với Trung Quốc nên cần giải pháp song phương.
Khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền năm 1958 đã bao gồm cả 4 Quần đảo Đông Sa (Pratas), Tây Sa (Paracels), Trung Sa (Scarborough Reefs), Nam Sa (Spratlys).
Đường Lưỡi Bò chiếm 85% diện tích Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) cũng bao gồm 4 Quần đảo đó. Chủ quyền Hoàng Sa cần được đặt trong giải pháp Biển Đông. Vì thế, Việt Nam không thể công nhận Đường Lưỡi Bò trong bất cứ tình huống nào.
Tranh chấp Biển Đông có thể kéo dài và rất khó tìm được giải pháp thỏa đáng. Nhưng, nếu Việt Nam thiếu thận trọng và không chịu thừa nhận sai lầm trong vụ đàm phán Vịnh Bắc Bộ sẽ sụp hố bên ngoài cửa Vịnh và xuống phía Nam sau đó.
Bắc Kinh công khai những điều đàm phán cho dư luận bàn tán xôn xao tạo nên tâm lý yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong khi Hà Nội cố tình che dấu và cấm dân chúng tranh luận về số phận tài sản thiêng liêng của dân tộc.
ĐẠI-DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét