Pages

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Buồn vui “nghề” làm báo mạng Internet tự do

Nói là nghề cho oai, nhưng ngoại trừ những trang báo điện tử chuyên nghiêp, mà đại đa số là của nhà nước Việt Nam hiện nay, còn lại tất cả các trang Website tự do tiếng Việt (không đi theo bất cứ “lề” nào), đều là do mọi người tự nguyện dấn thân. Họ bao gồm đủ mọi tầng lớp và lứa tuổi. Nhưng nhiều nhất có lẽ là cánh mày râu.
Đối với dân IT thì thế nào gọi là trang Web, thế nào gọi là trang blog, không có gì khó hiểu. Thực ra các trang blog cũng là những Website, nhưng nó gọn hơn, dung lượng nhỏ hơn, và nó thường là những trang “con” độc lập của Website “mẹ”. Quan trọng nhất là các trang blog là những Website động, luôn đổi mới thông tin nhanh chóng và dễ dàng. Đó là điểm mạnh vượt trội của các trang blog.


Blog – nguồn vui của “cư dân” Internet
Định nghĩa thế nào là nhà báo đã có. Nhưng đối với thế giới Internet, định nghĩa này sẽ phải mở rộng, bởi đặc thù thông tin mạng. Bất cứ ai xuất bản thông tin, chuyển tải thông tin đều là làm công việc của báo chí. Vì vậy các cụm từ Nhà báo công dân, Nhà báo nhân dân, Dân làm nhà báo vv.., không có gì là xa lạ nữa…
Ở trên nhắc đến hai chữ “dấn thân”, nghĩa là đây là chuyện của những người làm tin, đưa thông tin về các vấn đề thời sự, chính trị, xã hội lên mạng Internet. Còn đối với những trang không dính dáng gì đến những lĩnh vực kể trên thì cũng xin không nhắc tới, tránh bị loãng chuyện.
Tôi có một anh bạn mới tập tọe viết blog khoảng hơn 1 năm nay, nhưng anh ta sớm trở thành một tay “ghiền” viết blog, và là dân “lướt Web” thượng thặng. Mới gặp nhau uống Cà Phê hôm trước, trông anh ta gầy sọp đi, chỉ còn đôi mắt là sáng. Anh ta nói mỗi ngày chỉ ngủ khoảng vài tiếng đồng hồ, còn lại thời gian dành cho thông tin… Internet. Không biết cô vợ anh ấy sẽ nghĩ gì? Nhưng cái mà chắc chắn anh bạn tôi giành được, chính là “danh hiệu” người làm báo mạng Internet.
Tôi cũng có quen biết một số thành viên quản trị các trang báo mạng, như http://danchimviet.info/ , http://baotoquoc.com/ , http://namuctuanbao.net/ , http://hung-viet.org/, vv… Biết rằng họ đã làm cái công việc vất vả này mười mấy năm nay. Nếu chỉ tính riêng thì giờ đọc bài, biên tập rồi post lên mạng cũng đã đủ “bở hơi tai”, chưa kể đến thời gian viết bài. Không biết họ kiếm sống bằng gì? Hay là họ không bao giờ… ngủ?
Có lẽ nên thay chữ “nghề” bằng chữ “nghiệp” thì đúng hơn cho người làm báo mạng. Nghiệp ở đây là sự nghiệp, đôi khi chẳng liên quan với nghề. Dẫu sự nghiệp luôn gắn với thành công cũng như thất bại, nhưng một khi đã xác định công việc nào đó dành cho sự nghiệp thì người ta sẵn sàng dồn tất cả tâm huyết và năng lực vào công việc ấy. Sự nghiệp của người đưa tin tự do trên mạng Internet hôm nay là sự nghiệp giải phóng tư duy cho con người. Tháo gỡ những rào cản thông tin mà những thế lực thống trị đang cố tình bưng bít…
Nếu không tin vào sự thành công của mình thì có lẽ rất nhiều người làm báo mạng đã phải bỏ việc giữa chừng, vì áp lực thường trực trong công việc là rất lớn. Bên cạnh đó, khi họ đã gia nhập đại gia đình Internet, những thông tin mà họ phổ biến sẽ được công luận đánh giá. Họ buộc phải chấp nhận những phản hồi, phê bình, chỉ trích, thậm chí là lên án, cũng là chuyện thường tình. Nhưng chuyện đó cũng chính là một áp lực đáng kể.
Đối với những người ngày đêm gò lưng viết blog, một bài viết hay bản tin của họ post lên mạng sẽ được bạn đọc đón nhận theo cách nào lại là điều nhiều người viết băn khoăn. Trình độ dân trí về chính trị xã hội trên mạng Internet cũng đủ mọi thang bậc. Bởi vậy mới có chuyện kẻ khen người chê, người hiểu thế này kẻ hiểu thế khác. Nhưng có lẽ buồn nhất cho người làm báo mạng là “bị” đọc những comment chẳng liên quan gì đến nội dung bài mình viết…
Ngoài những điều liên quan đến bạn đọc, những nhà quản trị mạng lại luôn phải đối mặt với nạn tấn công của các Hacker giấu mặt. Rất nhiều những trang tin nổi tiếng đã bị đánh sập, thậm chí là hàng chục lần. Mỗi lần như vậy họ lại phải khắc phục hậu quả: Bỏ tiền ra thuê kỹ thuật sửa chữa hoặc gò lưng mày mò tự phục hồi, mà gần như 100% chi phí là tiền túi, chẳng có ai bao cấp. Nếu bạn đọc coi mỗi bài viết là một món ăn, mỗi trang mạng là một mâm cơm tinh thần, thì hẳn là họ sẽ đồng cảm biết bao với người làm báo không công…
Buồn vui nghề làm báo mạng Internet thì còn nhiều. Có người vui đến phát khóc vì bài của mình được một trang mạng có tiếng đăng tải, có người sướng rơn vì trang của mình mỗi ngày lại có thêm hàng trăm bạn đọc. Nhưng lại có người vừa post 1 bài mới thì đã phải đóng cửa trang của mình vì lý do chính trị (như giáo sư Ngô Bảo Châu), vì áp lực của công an (như blog Trang Hạ, blog Ô Sin, blog Đỗ Bất Nhị, blog Tô Oanh vv…).
Nghề làm báo là nghề sống với cộng đồng, bởi vậy họ dễ tiếp cận đến vinh quang, nhưng cũng đối mặt với nhiều nguy hiểm. Làm báo mạng còn nguy hiểm hơn, hàng loạt các blogger như Điếu Cày, Anh Ba Sài Gòn, Vi Đức Hồi, Phạm Minh Hoàng vv.., đã bị bắt bớ, kết tội, vì họ đã đưa thông tin tự do lên mạng Internet. Nếu như bạn đọc nào cũng nhận thấy những hy sinh lớn lao đó của những người làm báo mạng Internet thì đáng quý biết bao!
Lê Nguyên Hồng
20-12-2011
Theo Công Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét