Pages

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

Cần lấy Hiến pháp 1946 và Tuyên ngôn độc lập làm nền tảng để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992

imageLS. Trần Quốc Thuận

(UV Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật
Mặt trận Tổ Quốc VN)

(Tham luận tại Hội thảo về sửa đổi Hiến pháp do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tổ chức tại TP HCM 30.11.2011)
Ban Công tác phía Nam, Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, có công văn số 98/CV-BCTPN ngày 02/11/2011 “Gợi một số nội dung định hướng tham gia chuyên đề Hội thảo”, trong đó nêu ra các tiêu đề như: Đảng lãnh đạo…; Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Sử dụng quyền lực nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp; Nguyên tắc dân chủ trong tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước; Hoàn thiện thiết chế Quốc hội; Chủ tịch nước… Tôi thấy tất cả các tiêu đề ấy đều rất xác đáng, cho thấy Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đã cảm nhận những vấn đề bất cập trong đời sống xã hội hiện nay và cần thiết phải mổ xẻ, góp ý, sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện Hiến Pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001).


Khi có bản Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001), thì tôi sẽ có điều kiện góp ý cụ thể.
Nay, tôi xin gợi lên một số ý kiến ban đầu như sau:
I. Thể chế Nghị quyết, văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI; làm rõ cơ chế mối quan hệ Đảng, Quốc hội và Nhân dân, thể hiện trong Hiến pháp:
Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001) quy định:
Theo Điều 2, “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Theo Điều 4, “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Theo Điều 83, “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Cần phải làm rõ nội hàm của các điều 2, 4 và 83 của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001) để thể chế cụ thể qui định của Nghị quyết XI của Đảng Cộng sản Việt Nam với các nội dung nêu trên.
Theo tài liệu Đại biểu Quốc hội khóa XIII 2011-2016 do Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội biên soạn (nxb Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011) thì cơ cấu Đại biểu Quốc hội là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam qua các khóa Quốc hội là như sau:
*Quốc hội khóa I: Bầu cử ngày 06/01/1946, có 333 đại biểu. Sau đó theo đề nghị của Chính phủ Quốc hội công nhận thêm 70 đại biểu không qua bầu cử từ các đảng phái chính trị khác: 43% là người không đảng phái.
*Quốc hội khóa II: Bầu cử ngày 08/05/1960, có 453 đại biểu, trong đó có 362 đại biểu do nhân dân trực tiếp bầu ra, 91 đại biểu Miền Nam lưu nhiệm:
+Đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm: 82, 30%.
*Quốc hội khóa III: Bầu cử ngày 26/04/1964, có 253 đại biểu, trong đó có 166 đại biểu do nhân dân trực tiếp bầu ra 87 đại biểu Miền Nam lưu nhiệm:
+Đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm: 80, 60%.
*Quốc hội khóa IV: Bầu cử ngày 11/04/1971, có 420 đại biểu.
+Đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm: 75, 4%.
*Quốc hội khóa V: Bầu cử ngày 06/04/1975, có 424 đại biểu.
+Đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm: 73%.
*Quốc hội khóa VI: Bầu cử ngày 25/04/1976, có 492 đại biểu.
+Đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm: 81, 40%.
*Quốc hội khóa VII: Bầu cử ngày 26/04/1981, có 496 đại biểu.
+Đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm: 84, 12%.
*Quốc hội khóa VIII: Bầu cử ngày 19/04/1987, có 496 đại biểu.
+Đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm: 93%.
*Quốc hội khóa IX: Bầu cử ngày 19/07/1992, có 395 đại biểu.
+Đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm: 91, 60%.
*Quốc hội khóa X: Bầu cử ngày 20/07/1997, có 450 đại biểu, trong đó có 03 đại biểu là người tự ứng cử trúng cử.
+Đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm: 85%.
*Quốc hội khóa XI: Bầu cử ngày 19/05/2002, có 498 đại biểu.
+Đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm: 89, 76%.
*Quốc hội khóa XII: Bầu cử ngày 20/05/2007, có 493 đại biểu, trong đó có 01 đại biểu là người tự ứng cử trúng cử.
+Đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm: 91, 28%.
*Quốc hội khóa XIII: Bầu cử ngày 22/05/2011, có 500 đại biểu, trong đó có 04 đại biểu là người tự ứng cử trúng cử.
+Đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm: 91, 60%.
Nhìn qua 13 khóa Quốc hội chỉ có khóa Quốc hội đầu tiên năm 1946, đại biểu Quốc hội là người có đảng phái chiếm 57%, và 57% này là bao gồm nhiều đảng phái khác nhau. Quốc hội khóa I đã ban hành Hiến pháp 1946 đoàn kết dân tộc, thể hiện được khát vọng của dân tộc là độc lập dân chủ, tự do; lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 8 năm.
Còn 12 khóa tiếp theo, khi Đảng Cộng sản Việt Nam đã cầm quyền, thì Đại biểu Quốc hội là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trong Quốc hội thấp nhất là 73-75, 40% (khóa IV và V); còn lại là trên 80%, có 4 khóa tỷ lệ này là trên 90% (khóa VIII, IX, XII và khóa XIII hiện nay).
Số đại biểu không là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là các vị chức sắc của các tôn giáo và vài vị nhân sĩ.
Theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011, thì “Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ (Điều 9).
Chúng ta đều biết lãnh đạo Quốc hội có “Đảng đoàn Quốc hội” và các Ủy ban, Hội đồng dân tộc của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đều có tổ chức Đảng; Trưởng đoàn, Phó Đoàn các Đoàn Đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố đều có là các vị lãnh đạo Đảng ở địa phương.
Cách cơ cấu, tổ chức vừa qua và hiện nay của Quốc hội cho thấy Quốc hội thực chất là hội nghị đảng viên mở rộng bao gồm cán bộ các cấp, các ngành trên phạm vi cả nước với Trung ương, không có đại biểu thật sự là nhân dân” đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Do đó Quốc hội không nghe được tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng, thể hiện được ý chí thật của toàn thể nhân dân, của cả dân tộc, mà chỉ qua “bộ lọc” của các đại biểu đảng viên.
Cần nhớ rằng lời văn, câu chữ ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên”. (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011)
Vấn đề đặt ra là làm sao Quốc hội phải thực sự là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân”, để nội dung hiến định ở Điều 2Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…” là qui định có hiệu lực thực tế.
Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011): “Trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản đó (8 phương hướng) phải đặc biệt chú trọng và giải quyết các mối quan hệ lớn:[…] giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, trang 72-73).
II. Thể chế các quyền con người trong Hiến pháp
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của con người.” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, trang 85).
Xin đối chiếu với các văn bản Hiến pháp từ năm 1946 đến nay.
Điều 10 Hiến pháp 1946: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận. Tự do xuất bản. Tự do tồ chức và hội họp. Tự do tín ngưỡng. Tự do cư trú. đi lại trong nước và ra nước ngoài”
Điều 25 Hiến pháp năm 1959: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó”
Điều 67 Hiến pháp năm 1980: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân.
Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó.
Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân”
Điều 53 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001): “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu dân ý”.
Điều 69 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001): “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật”.
Các nội dung qui định về quyền cơ bản của công dân “theo quy định của pháp luật” trong bốn văn bản Hiến pháp nêu trên, đồng thời được ghi trong các Nghị quyết IX và X của Đảng CSVN liên quan đến phát huy quyền dân chủ của nhân dân, đến nhân quyền nhưng đến nay, nếu tính từ Hiến pháp 1946 là 65 năm, nếu tính từ Hiến pháp 1992 (gọi là Hiến pháp thời kỳ “Đổi mới”) thì cũng đã 19 năm mà vẫn “treo”, chưa có luật qui định: (1) Luật Lập hội; (2) Luật Quyền được tiếp cận thông tin; (3) Luật Biểu tình; (4) Luật Trưng cầu dân ý; và (5) Luật Tòa án Hiến pháp.
Muốn thực hiện được qui định nêu trên, thì phải “học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tại sao trong phần mở đầu cho bản hùng văn Tuyên ngôn Độc lập ngày 02 tháng 09 năm 1945, Hồ Chí Minh trích Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”? Tại sao Hồ Chí Minh trích Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn tự do và bình đẳng về quyền lợi”? Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đó là lẽ phải không ai chối cãi được”?
III. Kết luận
Qua trình bày sơ lược một số ý tưởng ban đầu, cùng trích dẫn một số câu trong văn kiện Đại hội XI của Đảng và một số điều của bốn văn bản Hiến pháp, tôi đề nghị lấy Hiến pháp 1946 cùng tinh thần nội dung Tuyên ngôn độc lập làm nền tảng để biên tập Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001), thể chế tinh thần Nghị quyết XI của Đảng, nhất là quyền con người, làm cho Hiến pháp nước ta trở thành một Hiến pháp dân chủ, phù hợp với xu thế hội nhập và thời đại hiện nay của nhân loại, đảm bảo phát triển đất nước, ổn định chính trị-xã hội, thực hiện thành công mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có như thế, chúng ta mới có thể giữ gìn biên cương biển đảo, giành lại phần biển đảo đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
T. Q. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét