Pages

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Cần xử lý nghiêm PV bất chấp pháp luật trong lúc hành nghề

http://quechoablog.files.wordpress.com/2011/11/55403998-1-imageview-aspx-thumbnailid-518172.jpeg?w=300&h=168

“Trong vụ “giải cứu” xe độ thì Nguyễn Văn Khương (tức phóng viên Hoàng Khương) cũng thông qua Hòa để đưa tiền cho Đức… Thế nhưng vì sao cơ quan Công an chỉ khởi tố Đức, Hòa, Tuấn mà không khởi tố Khương. Chẳng lẽ nhà báo khi tác nghiệp thì được quyền “đưa hối lộ”?”, một độc giả đặt câu hỏi.
Sau khi Báo CAND đăng bài về hành vi “đưa hối lộ” của phóng viên Hoàng Khương, Báo Tuổi trẻ”, Tòa soạn nhận được khá nhiều thông tin phản hồi từ phía bạn đọc. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, các luật sư xung quanh hành vi “đưa hối lộ” của phóng viên Hoàng Khương, cũng như việc sử dụng nghiệp vụ trong quá trình điều tra thu thập thông tin của người làm báo…

Ông Mã Diệu Cương, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh: Nhà báo được quyền sử dụng nghiệp vụ để điều tra nhưng không thể vi phạm pháp luật
Trao đổi với chúng tôi, ông Mã Diệu Cương cho biết, khi đọc một số bài báo của phóng viên Hoàng Khương đăng trên Báo Tuổi trẻ, nhất là bài “Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua” (ra ngày 10/7/2011), ông rất trăn trở về cách nhìn nhận vấn đề của người viết báo. Theo ông, nếu ông là người thực hiện bài viết đó thì bên cạnh phản ánh tiêu cực của CSGT, ông sẽ kịch liệt lên án những kẻ đua xe trái phép, gây mất an ninh trật tự và đe dọa đến tính mạng của người dân. Đằng này, người viết tỏ ra rất “thông cảm” cho kẻ đua xe và khai thác triệt để những biểu hiện tiêu cực của người CSGT. Trong khi đó, chính người vi phạm và có ý định đưa hối lộ để được “giải tỏa” mới là nguyên nhân gây nên tệ nạn hối lộ.
Mặt khác, trong quá trình tác nghiệp, cụ thể là trong trường hợp này, khi anh phát hiện ra có hành vi đưa, nhận hối lộ giữa người thi hành công vụ và người vi phạm thì cách tốt nhất là anh nên trình báo cơ quan có thẩm quyền để bắt quả tang và xử lý cả người đưa và nhận hối lộ. Như thế thì mới công bằng, công tâm và đạt được hiệu quả tối đa trong giáo dục, răn đe nói chung.
Về việc xử lý hành vi của phóng viên Hoàng Khương, ông Cương cho rằng nó tùy thuộc vào quá trình điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan Công an. Vì những thông tin trên báo chưa nêu cụ thể, rõ ràng diễn tiến của vụ việc xảy ra như thế nào nên ông chưa thể nêu quan điểm của mình. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, nhà báo có quyền sử dụng nghiệp vụ để điều tra thu thập thông tin, nhưng nếu anh lợi dụng nhiệm vụ được giao, cố tình vi phạm pháp luật và bị phát hiện thì tùy theo mức độ vi phạm cũng phải bị xử lý như bao người khác…
Luật sư Nguyễn Văn Đức – Văn phòng Luật sư Vạn Lý (TP Cần Thơ): Cần xử lý phóng viên bất chấp pháp luật trong lúc hành nghề
Thực tế xã hội ngày nay phải “dũng cảm” nhìn nhận một thực tế là việc đưa và nhận hối lộ ngày càng phổ biến, tinh vi và biến tướng dưới nhiều hình thức. Vụ việc phóng viên Hoàng Khương có liên quan đến một vụ án đưa và nhận hối lộ vừa bị cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh điều tra, đang được dư luận đặc biệt quan tâm, theo tôi, đó chỉ là “phần nổi trong khối băng chìm”, bởi có người đưa hối lộ ắt hẳn tất yếu phải có người “làm luật” để được nhận hối lộ.
Nhìn nhận vấn đề liên quan đến phóng viên Nguyễn Văn Khương, theo tôi, báo chí, hay nói cụ thể nhà báo là người được xã hội ngày nay tôn vinh. Chính vì vậy, việc phóng viên trong lúc hành nghề, bất chấp việc có vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp hay không là điều cần xem lại. Độc giả không nghĩ rằng đằng sau những thông tin tưởng rằng vô tư, khách quan nhưng lại có những toan tính trước đó như thế. Còn về mặt pháp luật, đưa hối lộ là hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (trực tiếp hoặc qua trung gian) để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Chủ thể của tội phạm là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Do vậy, theo tôi, pháp luật nên dành sự răn đe nghiêm khắc và công bằng nhất cho hành vi này.
Bạn đọc Nguyễn Văn Tư, ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh: Bốn người vi phạm sao chỉ khởi tố 3?
Đọc qua thông tin trên Báo CAND về hành vi liên quan đưa hối lộ của phóng viên Hoàng Khương, tôi hiểu như thế này: Trong vụ “xóa hồ sơ” cho xe đầu kéo thì ông Trần Anh Tuấn (chủ xe) thông qua ông Tôn Thất Hòa mối nối với CSGT Huỳnh Minh Đức để đưa và nhận hối lộ nhằm lấy xe gây tai nạn ra sớm. Còn trong vụ “giải cứu” xe độ thì Nguyễn Văn Khương (tức phóng viên Hoàng Khương) cũng thông qua Hòa để đưa tiền cho Đức… Thế nhưng vì sao cơ quan Công an chỉ khởi tố Đức, Hòa, Tuấn mà không khởi tố Khương. Chẳng lẽ nhà báo khi tác nghiệp thì được quyền “đưa hối lộ”?
Bạn đọc Lê Thanh Quân, 17/6, khu phố 4, Tân Thới Hiệp, quận 12, TP Hồ Chí Minh: Một kiểu gài bẫy!
Tôi đã từng đọc khá nhiều bài báo về thể loại điều tra tiêu cực của lực lượng CSGT, trong đó có bài viết của phóng viên Hoàng Khương. Tôi rất cảm phục nhiều nhà báo phải ngày đêm đeo bám, ngụy trang, ẩn núp để quay lại cảnh CSGT “làm luật” trên đường. Qua những bài viết như vậy, lãnh đạo Công an các địa phương kịp thời chấn chỉnh lại đội ngũ, kỷ luật CSGT để răn đe, vì thế tình hình mãi lộ thuyên giảm. Thế nhưng cũng có một số bài báo mà khi đọc qua tôi có cảm giác là họ (phóng viên) cố tình tạo ra vi phạm để tiếp cận CSGT rồi dúi tiền lo lót và quay lại làm bằng chứng. Tôi cho rằng những thông tin như vậy là thiếu trung thực, không đúng với bản chất vụ việc và không thuyết phục được người đọc
Nhóm PV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét