Pages

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Chết bởi Trung Quốc (3): Tiêu huỷ sản xuất, thao túng tiền tệ, Mỹ rút khỏi thị trường Trung Quốc

Chết bởi Trung Quốc (3): Tiêu huỷ sản xuất, thao túng tiền tệ, Mỹ rút khỏi thị trường Trung Quốc
VRNs (30.12.2011) – Sài Gòn – Chương 4: Chết Bởi Thủ Đoạn Hủy Diệt Hạ Tầng Sản Xuất Của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đã trở thành một cường quốc tài chánh và thương mại toàn cầu. Nhưng kinh tế gia Paul Krugman, khôi nguyên giải Nobel Kinh Tế cho rằng Trung Quốc đã không hành xử như những nền kinh tế lớn khác. Ngược lại, Trung Quốc đã theo đuổi một chính sách con buôn, duy trì thặng dư mậu dịch cao một cách giả tạo. Và trong thế giới suy thoái ngày hôm nay, chính sách đó, nói trắng ra, là chính sách săn mồi.

Suốt nhiều thập niên qua, ngồi trên lưng con ngựa gỗ tự do mậu dịch, một Trung Quốc “săn mồi” đã đánh cắp hàng triệu công việc sản xuất Hoa Kỳ ngay trước mắt của chúng ta. Nếu không bị đánh cắp thì tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ đã thấp hơn 5%, ngân sách Hoa Kỳ đã ổn định, và quốc gia một thời an bình này đã nhìn thấy một tương lai tươi sáng hơn bất kỳ viễn tượng nào mà chúng ta có thể hình dung. Tác giả đã đưa ra một số lý do dẫn đến hệ quả nói trên.
Thứ nhất là làm nền sản xuất của Hoa Kỳ chết dần mòn. Trong một thập niên vừa qua, Hoa Kỳ mất ít nhất là 10 triệu công ăn việc làm, điều này đã dẫn đến một số hệ quả làm suy yếu nền sản xuất. 1/ Trong vai trò khởi động, những công việc sản xuất đã tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn đối với các ngành dịch vụ. Cứ mỗi một Mỹ Kim của thành phẩm, Hoa Kỳ tạo ra gần một Mỹ Kim rưỡi trong những dịch vụ liên quan đến xây dựng, tài chánh, bán lẻ và giao thông. 2/Những công việc sản xuất cũng trả lương nhiều hơn – nhiều hơn nhiều – đặc biệt là đối với phụ nữ và các sắc dân. Mãi lực mạnh hơn của tầng lớp công nhân này đã là một kích thích quan yếu cho phần còn lại của nền kinh tế. 3/Hạ tầng sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích những phát minh kỹ thuật mà Hoa Kỳ cần để đẩy nền kinh tế của mình trong dài hạn. Khi những nhà sản xuất bỏ sang Trung Quốc, họ mang theo những ngân khoản nghiên cứu và phát triển – và mang đi cả khả năng phát minh của Hoa Kỳ…
Thứ hai là Trung Quốc dùng 8 thủ đoạn để phá hủy hạ tầng sản xuất của Hoa Kỳ. 1/Thiết lập một mạng lưới trợ cấp xuất khẩu bất hợp pháp; 2/Thao túng và duy trì hối xuất thấp của đồng nhân dân tệ; 3/Giả mạo trắng trợn, vi phạm bản quyền và công khai đánh cắp kho tàng tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ; 4/Đảng Cộng sản Trung Quốc khiến họ sẵn sàng đánh đổi sự thiệt hại môi trường to lớn với một chút lợi nhuận qua lợi thế cắt giảm chi phí sản xuất; 5/Coi thường những tiêu chuẩn về sức khoẻ và an toàn cho công nhân; 6/Hạn ngạch thuế quan bất hợp pháp và hạn chế xuất khẩu đối với những nguyên liệu thô chủ chốt từ A đến Z – từ antimon đến kềm (zinc) – như một thủ thuật nhằm tăng cường kiểm soát ngành luyện kim của thế giới và ngành công nghiệp nặng; 7/Thi hành những thủ đoạn phá giá để loại các đối thủ nước ngoài trong những thị trường tài nguyên chính yếu và sau đó khống chế người tiêu thụ; 8/Áp dụng “Chính sách bảo hộ Vạn Lý Tường Thành” – để ngăn chận những doanh nhân ngoại quốc không được xây dựng cơ xưởng trên đất Trung Quốc.
Tám thủ đoạn hủy diệt công việc do Trung Quốc tiến hành, không chỉ nhắm vào Hoa Kỳ mà còn ảnh hưởng đến sự trì trệ kinh tế tại Nhật Bản, khủng hoảng tài chánh tại Châu Âu, và hỗn loạn dân sự tại Mexico. Thủ đoạn này của Trung Quốc phát sinh từ chính sách con buôn và bảo vệ thị trường nội địa của Trung Quốc nhằm thống lĩnh thị trường thế giới, lãnh đạo sản xuất và muốn thế giới Tây Phương phải phục quị kinh tế đối với Thiên Triều.
Chương 5:Chết Bởi Sự Thao Túng Tiền Tệ Của Trung Quốc
Trung Quốc thao túng tiền tệ bằng cách cố tình “neo” đồng nhân dân tệ (yuan) đối với đồng Mỹ Kim ở một hối xuất cố định thấp hơn giá trị thật. Để hiểu tại sao điều này đã làm suy thoái nền kinh tế Hoa Kỳ, điều cốt yếu cần hiểu là nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào cũng đều bị chi phối bởi bốn yếu tố: tiêu thụ (Consumption – C), đầu tư kinh doanh (business Investment – I), chi tiêu công (Goverment spending – G) và tổng mậu dịch (net export = xuất khẩu – nhập khẩu). Biểu thị bằng toán học, Tổng sản lượng quốc gia GDP = C + I + G + (X-M).
Động lực tăng trưởng sau cùng – tổng mậu dịch – là quan trọng nhất khi chúng ta bàn về thao túng tiền tệ của Trung Quốc. Khi Hoa Kỳ lâm vào thâm hụt mậu dịch kinh niên với Trung Quốc, điều đó làm giảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ [GDP giảm khi (X-M) mang dấu âm]. Nhịp độ tăng trưởng chậm hơn này, kế đến, sẽ kéo giảm số lượng công việc làm mà Hoa Kỳ tạo ra.
Dĩ nhiên, khi kinh tế Hoa Kỳ chịu đựng sự tăng trưởng chậm và thất nghiệp cao thì Trung Quốc được hưởng kết quả ngược lại. Con Rồng vươn lên trong khi Hoa Kỳ suy thoái. Trong chương này, tác giả đã nêu lên ba vấn đề lớn:
Thứ nhất là kích thước thâm thủng mậu dịch giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nếu xét trên kích thước tuyệt đối (absolutue size), Hoa Kỳ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn xuất khẩu tới 1tỷ Mỹ Kim hằng ngày. Nếu xét trên kích thước tương đối (relative size), thâm thủng mậu dịch Trung – Mỹ thật đáng kinh ngạc: Trung Quốc chiếm hơn một nửa tổng số thâm thủng mậu dịch hàng năm về hàng hóa của Hoa Kỳ với thế giới và hơn 75% nếu không tính những nhập khẩu dầu hỏa. Nếu Hoa Kỳ muốn giảm tổng thể thâm thủng mậu dịch để gia tăng tốc độ tăng trưởng và tạo thêm nhiều việc làm hơn, điểm khởi đầu tốt nhất là phải cải tổ chính sách tiền tệ với Trung Quốc. Tầm ảnh hưởng thực tế của việc lệ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc lên mức tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ, điều này cũng làm người ta điên đầu. Hơn một thập niên qua, sự thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã lấy mất gần 0.5% tỷ lệ tăng trưởng của Tổng sản lượng nội địa (GDP) hàng năm.
Thứ hai là Trung Quốc đã tấn công Hoa Kỳ như thế nào. Trung Quốc dọa sẽ bán sạch 800 tỷ Mỹ Kim trái phiếu mà Hoa Kỳ đang nợ họ, nếu Hoa Thịnh Đốn áp dụng biện pháp trừng phạt. Nếu điều này xảy ra, đồng Mỹ Kim sụp đổ và chắc chắn gây thiệt hại lớn cho thị trường địa ốc và có thể đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ suy thoái hơn. Ngoài ra, Trung Quốc có thể đem quỹ dự trữ ngoại hối 2000 tỷ Mỹ Kim của họ mua quyền kiểm soát của những đại công ty Hoa Kỳ được liệt kê trên Chỉ Số Dow Jone của thị trường chứng khoán, bao gồm cả những đại công ty Microsoft, Exxon và Walmart, và vẫn còn dư tiền để mua đứt trên 50% cổ phần – tức quyền quyết định – của Apple, Intel và Ford. Chính khối lượng tích lũy ngoại hối khổng lồ đó bây giờ cho phép đảng Cộng sản Trung Quốc đủ sức đe dọa “tấn công” hệ thống tài chánh Hoa Kỳ. Trong thực tế, đã có chứng cứ rõ ràng rằng một Chú Sam khúm mún đã bắt đầu dâng hiến cho Trung Quốc ít nhất một vài chủ quyền chính trị của Mỹ do nguy cơ có thật của phương án tấn công tài chánh từ phía Trung Quốc.
Thứ ba là thế kẹt của Hoa Kỳ. Sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc không chỉ làm mất chủ quyền chính trị của Mỹ, nó còn làm người Mỹ tự sa vào “cái chết từ sự tiêu hoang”. Việc Trung Quốc bỏ tiền mua công khố phiếu của Hoa Kỳ chính là đã giúp các chính khách Hoa Kỳ tài trợ cho mức thâm hụt ngân sách khổng lồ. Sự kiện Trung Quốc giúp Hoa Kỳ tài trợ các chương trình như những kế hoạch kích thích tài chánh hàng loạt và việc in tiền dễ dàng của Ngân khố Hoa Kỳ không phải là sự mỉa mai nho nhỏ. Tựu trung, phần lớn bởi vì mức thâm thủng mậu dịch xuất huyết của Hoa Kỳ với Trung Quốc mà những chính trị gia Hoa Kỳ cảm thấy cần tiếp tục bơm hơi cho nền kinh tế với chi tiêu thâm thủng, thậm chí cả trong khi Hoa Kỳ tiếp tục lún ngày một sâu vào nợ nần với một chế độ độc tài toàn trị đang bòn rút cạn kiệt từ các nhượng bộ của Hoa Kỳ.
Chính sách thao túng tiền tệ của Trung Quốc, trong thực tế, không chỉ làm suy yếu nền kinh tế Hoa Kỳ mà nó còn đe dọa xé nát hệ thống kinh tế toàn cầu và khung điều hành tự do mậu dịch. Vấn đề là ở chỗ: bất cứ khi nào đồng đô la giảm so với các loại tiền khác như euro, real, won hay yen – một chuyện xảy ra khá thường xuyên ngày nay – thì đồng yuan cũng rớt giá theo. Sự rớt giá của đồng yuan so với các đồng tiền khác lại cung cấp cho chính sách bảo hộ của Trung Quốc một lợi thế lớn hơn đối với những đối thủ cạnh tranh khắp thế giới, từ Âu Châu và Brazil đến Nhật và Nam Hàn.
Qua tất cả những điều này – và bất chấp những lời kêu gọi từ các định chế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới yêu cầu Trung Quốc tăng giá tiền tệ – Trung Quốc vẫn giữ thái độ cứng rắn nhất chống lại việc cải tổ. Đường lối cứng rắn này bắt đầu ngay trên thượng tầng của giới lãnh đạo Trung Quốc; như một câu ngạn ngữ nói: “Cá ươn từ trên đầu xuống”.
Chương 6:Chết Bởi Sự Phản Bội Của Những Công Ty Hoa Kỳ.
Không có vấn đề danh dự đối với bọn cướp – và không có lòng yêu nước trong hàng ngũ những công ty Mỹ. Đó là thông điệp rõ ràng mà những công ty như GE, Caterpillar, và Evergreen Solar đang gửi đến nhân dân Hoa Kỳ trong những ngày gần đây, khi họ đóng cửa những nhà máy ở Hoa Kỳ để mở những công xưởng mới, tráng lệ, hiện đại trên xứ Con Rồng. Khi xuất nguồn sang Trung Quốc, các tập đoàn này không những tiếp tay xô đẩy quốc gia của mình xuống vực thẳm, mà còn đang ký những bản án tử hình cho chính tương lai của công ty mình. Trước đây không có tình trạng này.
Khi Trung Quốc lần đầu tiên gia nhập WTO và bắt đầu áp dụng chính sách bảo hộ để tấn công hạ tầng sản xuất của Hoa Kỳ, những giới lãnh đạo các xí nghiệp Hoa Kỳ đã sát cánh với công nhân để phản đối kịch liệt những thủ đoạn mậu dịch bất chính của Trung Quốc. Nhưng bây giờ, sau một thập niên, Liên minh Công – Thương của Hoa Kỳ đã chết, các chủ công ty và những tổ chức “Hoa Kỳ” như là Hội Nghị Bàn Tròn Doanh Nhân, Hiệp Hội Quốc Gia Chế Tạo và Phòng Thương Mại Hoa Kỳ biến thái từ những nhà phê bình gắt gao sang những kẻ bênh vực ngoan ngoãn cho chính sách lái buôn và bảo hộ của Trung Quốc vốn đang lũng đoạn nền kinh tế và công nhân Hoa Kỳ.
Sở dĩ các công ty Hoa Kỳ đứng về phía Trung Quốc vì hai lý do: Thứ nhất là khai thác mạng lưới tinh xảo qua trợ cấp xuất khẩu phi pháp của Trung Quốc, các chủ nhân Hoa Kỳ có thể sản xuất hàng rẻ hơn tại Trung Quốc, và nếu họ không làm thế thì những kẻ cạnh tranh của họ cũng sẽ làm. Thứ hai là các công ty Hoa Kỳ sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc để bán cho 1.3 tỷ người tiêu dùng ngay tại thị trường Trung Quốc. Nhưng để bán được hàng hóa tại thị trường Trung Quốc, các công ty Hoa Kỳ phải chấp nhận ba điều kiện bảo hộ như được nêu trong chính sách của Trung Quốc được gọi là “sáng tạo bản địa” (Indigenous Innovation).
Điều kiện bảo hộ thứ nhất đòi hỏi thiểu số sở hữu (minority ownership), tức là những công ty Hoa Kỳ phải liên doanh với một đối tác Trung Quốc và cổ phần không được chiếm quá 49% vốn xí nghiệp. Điều kiện này có nghĩa là công ty Hoa Kỳ mất quyền kiểm soát xí nghiệp.
Điều kiện bảo hộ thứ hai là các công ty Hoa Kỳ phải chuyển giao công nghiệp – tức tài sản trí tuệ của họ cho các đối tác Trung Quốc như một điều kiện gia nhập thị trường. Hệ quả thực tế của tình trạng này là đã giúp tán phát những công nghệ khác nhau, không chỉ cho đối tác Trung Quốc trực tiếp tham gia, mà còn cho chính quyền Trung Quốc và các đối thủ Trung Quốc có tiềm năng cạnh tranh khác.
Điều kiện thứ ba là bắt buộc các công ty phải xuất khẩu những cơ sở nghiên cứu và phát triển cho Trung Quốc. Đây là thủ đoạn bất chính nhất trong số tất cả những thủ đoạn vì không khác gì bán đi hạt ngô giống của Hoa Kỳ. Nếu nghiên cứu và phát triền được thực hiện ở Trung Quốc chứ không phải trên đất Mỹ thì đoán xem nước nào sẽ chiếm ưu thế trong việc tạo ra công ăn việc làm mới?
Tại điểm này, người ta thấy rõ ràng là tại sao bất kỳ công ty nào của Hoa Kỳ cũng đều từng bước rơi vào vòng tự hủy diệt khi chấp nhận ba điều kiện bảo hộ của Trung Quốc về sáng tạo bản địa (Indigenous Innovation). Khi một công ty Hoa Kỳ chuyển giao quyền tự trị của mình, chuyển giao những kỹ thuật và khả năng phát triển những kỹ thuật tương lai của mình, vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi những công ty Trung Quốc “tiêu hóa” (digest) được những kỹ thuật này và sử dụng chúng để cạnh tranh dễ dàng với những công ty Hoa Kỳ – không chỉ trên đất Trung Quốc, mà còn trên thị trường thế giới.
Dựa trên một số những điều kiện mà Trung Quốc đưa ra để “bắt chẹt” các công ty Hoa Kỳ đầu tư trên đất Trung Quốc, hai tác giả đã truy tìm một số những câu chuyện “dở khóc, dở cười” của 4 công ty Hoa Kỳ đang làm ăn trên đầt Tàu: Westinghouse (tập đoàn ngây thơ nhất); General Electronic (tập đoàn bị bệnh tâm thần); Catepillar (tập đoàn tiêu biểu nhất về nạn nhân ăn phải bả lái buôn của Trung Quốc) và Evergreen Solar (tập đoàn đã từng là Hy Vọng Xanh Vĩ Đại của chính quyền Obama, và bây giờ đang là một hỡi ôi về sự thất bại của các chính trị gia Hoa Kỳ trong việc bảo vệ các thương vụ của chúng ta trước sự xâm lấn của Trung Quốc).
Đoàn Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét