Pages

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Chìa khóa mở cánh cửa kinh tế Bắc Hàn

Một số doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn
thành đạt tại Bắc Hàn.
Tony Michell
Euro-Asian Business Consultancy Ltd.
 
 
Bắc Hàn và Nam Hàn không có nhiều điểm giống nhau. Điểm chung có lẽ chỉ là về địa lý, cùng nằm trên bán đảo Triều Tiên.
Bắc Hàn có khoảng 25 triệu dân (nước có dân số đông thứ 48 trên thế giới), so với 48 triệu dân tại Nam Hàn.

Một số trong những khác biệt rõ nét nhất là thu nhập đầu người của người dân hai miền Nam Bắc.

Người Nam Hàn có thu nhập bình quân đầu người 20.000 đôla, trong khi người Bắc Hàn thu nhập khoảng 1.000 đôla mỗi năm.                    

Vì Bắc Hàn hiếm khi đưa ra thống kê nên số thực của GDP chỉ có thể phỏng đoán mà thôi.

Trên thực tế, kinh tế Bắc Hàn tăng trưởng âm trong hai năm qua, sau nhiều năm tăng trưởng dương.
Tuy nhiên, xét về tổng GDP, kích cỡ của nền kinh tế Bắc Hàn tương đương với Iraq trước khi có chiến tranh.


Nguồn tài nguyên

Trước năm 1945, Nam Hàn là nước chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong khi Bắc Hàn là quốc gia công nghiệp.

Tình hình đã đảo ngược khi Nam Hàn có nông nghiệp chỉ khoảng 2% GDP so với khoảng 20-25% ​​kinh tế Bắc Hàn phụ thuộc vào nông nghiệp.
Tuy nhiên, Bắc Hàn với nền kinh tế tập trung, vẫn có ngành công nghiệp nặng, và cũng có đáng kể nguồn tài nguyên và khoáng sản, bao gồm mỏ vàng, quặng sắt, và hàng loạt loại đất hiếm cũng như uranium.

Trong nhiều lĩnh vực, Bắc Hàn từng là nước cộng sản thành công nhất, với tăng trưởng cao (xét trong khuôn khổ của một nước cộng sản) cũng như tỷ lệ đảng viên cao.

Trên thực tế, GDP bình quân đầu người của Bắc Hàn cao hơn của Nam Hàn cho đến giữa những năm 1970.
Vậy khi nhìn vào Bắc Hàn thì người ta thấy có cơ hội gì về kinh doanh?
"Bài học rút ra là đừng bao giờ thanh toán bằng đồng đôla qua hệ thống ngân hàng New York"
Vấn đề đầu tiên, trừ khi bạn là công dân Trung Quốc, là khó khăn trong việc xin thị thực.

Một khi vào được Bắc Hàn thì bạn sau đó phải đối mặt với vấn đề "phong tỏa của Mỹ", theo cách gọi của Bắc Hàn.

Đối phó với lệnh cấm vận thương mại này chắc chắn là quá trình mất thời gian để học hỏi, theo kinh nghiệm bản thân tôi.

Trong năm 1994, Bộ Tài chính Mỹ tịch thu 4.000 đôla tiền của tôi khi tôi chuyển tiền để trang trải chi phí hoạt động hàng tháng cho văn phòng tư vấn của tôi ở Bắc Hàn.

Số tiền này một vài năm sau cũng được hoàn trả, khi quan hệ Hoa Kỳ và Bắc Hàn giảm căng thẳng đôi chút dưới thời chính quyền của Tổng thống Bill Clinton.

Vậy bài học là gì? Không bao giờ dùng đồng đôla phải thanh toán qua hệ thống ngân hàng New York.

Để tránh sự cố kiểu này, người Bắc Hàn đã dùng đồng euro như ngoại tệ ở mức kỷ lục từ đầu thập niên trước.

Chế tài phạt của Mỹ

Điều này khá ổn vào cuối thập niên trước khi đồng đôla và đồng euro không chênh nhau nhiều.
Tuy nhiên, người nước ngoài kinh doanh ở Bình Nhưỡng thấy đắt đỏ hơn khi đồng euro bắt đầu lên giá.
Hầu hết, nếu không phải tất cả, các công ty đa quốc gia phương Tây tránh kinh doanh trực tiếp với Bắc Hàn vì họ sợ bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ phạt.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nhỏ hơn, cho dù từ phương Tây hay nhiều khi là từ Trung Quốc, mọi chuyện không khó khăn tới như vậy.
Khủng hoảng giai đoạn 1995-1999 khiến cả triệu người Bắc Hàn chết đói.
Nhưng hầu hết các sản phẩm có tiềm năng sử dụng kép – tức là có thể được quân đội sử dụng - bao gồm máy vi tính, có thể thuộc hạng mục cấm được xuất khẩu từ hầu hết các quốc gia vào Bắc Hàn.

May mắn thay cho Bắc Hàn là những hạn chế này, có từ thời Chiến tranh Lạnh, lại không được áp dụng ở Trung Quốc. Do đó đối với một doanh nghiệp nhỏ, Bắc Hàn có các cơ hội kinh doanh toàn diện.

Hàng ngàn doanh nghiệp Trung Quốc đã vào Bắc Hàn và kiếm tiền rất tốt.

Một số ít các công ty phương Tây cũng làm như vậy, khi mở các nhà hàng cỡ nhỏ và các doanh nghiệp khác, bao gồm khách sạn, điện thoại di động và các hoạt động tín dụng vi mô.

Cơ hội sẽ gia tăng nếu Bắc Hàn có thể cải thiện nền kinh tế.

Bắc Hàn, với lực lượng lao động chuyên cần và lương không cao, và các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có tiềm năng để phát triển nếu được phép thâm nhập vào các thị trường trên thế giới và tự do vay vốn.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo tập thể mới của Bắc Hàn đang phải đối mặt với một số nhiệm vụ.

Đầu tiên là làm thế nào để đảm bảo người dân có đủ lương thực và thực phẩm.
Nhà tài trợ mệt mỏi

Đã có những nỗ lực nhằm tăng sản lượng lương thực kể từ giai đoạn khủng hoảng hồi 1995-1999, thời kỳ kinh tế tiều tụy khiến một triệu người Bắc Hàn chết đói (mặc dù nhiều người đưa con số cao hơn gấp ba lần).

Trong những năm 1990, Chương trình Lương thực Thế giới và nhiều tổ chức phi chính phủ đã ra tay giúp đỡ Bắc Hàn.

Tuy nhiên, 2011 là năm các các nhà tài trợ mệt mỏi, và Nam Hàn đã không cung cấp lương thực hoặc phân bón cho Bắc Hàn kể từ khi Tổng thống Lee lên nắm quyền vào năm 2008.

Hoa Kỳ trong năm nay đã cung cấp viện trợ lại cho Bình Nhưỡng. Bắc Hàn cần phát triển, chứ không phải viện trợ, nhưng các chính phủ phương Tây hiện nay trừng phạt Bắc Hàn bằng cách chỉ viện trợ khẩn cấp mà không cấp viện trợ phát triển.
Ông Kim thăm một cơ sở chế biến thực phẩm tại Bình Nhưỡng (tháng 9/2011).
Nhiệm vụ thứ hai là tiếp tục những bước cải cách của năm 2002, theo đó đưa ra cơ chế thị trường trên quy mô hạn chế.

Người ta thấy có sự chấp nhận một cách miễn cưỡng rằng lực đẩy thị trường có thể đảm bảo cung cho thực phẩm cho mọi người trong khi hệ thống phân phối nhà nước không thể gánh vác được bổn phận này.

Tuy nhiên, tăng trưởng để dẫn tới sự khác biệt về tài sản và chủ nghĩa cá nhân khiến giới bảo thủ tại Bắc Hàn lo ngại.
Nhiệm vụ thứ ba là để đối phó với sự phong tỏa kinh tế của Hoa Kỳ. Việc phong tỏa được thực thi qua các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc, áp đặt khi Bắc Hàn lần đầu tiên thử vũ khí hạt nhân.

Bắc Hàn tin rằng vũ khí hạt nhân của họ là công cụ phòng thủ chính để chống lại một thế giới thù địch, và sẽ bỏ vũ khí này khi Hoa Kỳ ký hiệp ước hòa bình "kết thúc" chiến tranh Triều Tiên 60 năm trước đây.

Bắc Hàn nói rằng hiệp ước này vẫn còn ở dạng hiệp ước đình chiến.

Ưu tiên

Nhiệm vụ thứ tư là khuyến khích kinh nghiệm có được như Khu công nghiệp Kaesong, là sự hợp tác phát triển kinh tế với Nam Hàn.

Tại đây, khoảng 123 công ty Nam Hàn sử dụng lao động lương thấp và có kỹ năng của hơn 48.000 người Bắc Hàn để sản xuất sản phẩm cho thị trường Nam Hàn và cho các thị trường khác.

Trong tháng này đã có cuộc họp giữa các doanh nhân từ Nam Hàn và Bắc Hàn để thảo luận về hướng làm thế nào để mở rộng khu công nghiệp này.

Cuối cùng - và là ưu tiên cho giới lãnh đạo mới của Bắc Hàn - sẽ là nhiệm vụ tiếp tục việc xây dựng lại các ngành công nghiệp bị hạn chế và tu sửa các tòa nhà lớn ở Bình Nhưỡng để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của ông Kim Il-sung.
Đó là một chương trình tái thiết mà giới lãnh đạo tin là sẽ đảm bảo cho người dân Bắc Hàn rằng đất nước của họ đang trở thành một nước tiên tiến.

Tony Michell là chủ tịch Công Euro-Asian Business Consultancy Ltd.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét