Pages

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

CHÍNH QUYỀN TRUNG CỘNG KHÔNG THỂ CÓ MỘT ĐƯỜNG LỐI CHÍNH TRỊ, NGOẠI GIAO HỢP LÝ …

VÌ KHÔNG DỰA TRÊN MỘT NỀN TẢNG TRIẾT LÝ VỮNG CHẮC, CHÍNH QUYỀN TRUNG CỘNG KHÔNG THỂ CÓ MỘT ĐƯỜNG LỐI CHÍNH TRỊ, NGOẠI GIAO HỢP LÝ, HỢP THỜI VÀ ĐÁNG TIN CẬY
Một nhà tư tưởng đã nói : « Tất cả đến từ triết lý. » Câu này đúng không những đúng cho mỗi cá nhân con người, mà đúng cho cả chính quyền của một quốc gia dân tộc.
Thật vậy, một người có một triết lý sống vững chắc, thì lúc đó họ mới có thể suy nghĩ, hướng dẫn hành động của mình phù hợp với triết lý sống đó. Họ mới trở thành hợp lý với chính mình, hợp lý với những người chung quanh và mới có thể gây được niềm tin : Niềm tin tự chính bản thân và niềm tin đến từ người chung quanh.
Đối với chính quyền của một quốc gia, dân tộc, nếu không có một triết sáng tỏ, rõ ràng, vững chắc, thì họ không thể hành động hợp lý, minh bạch rõ ràng, tất nhiên không thể gây được niềm tin cho chính dân họ, mà còn không gây được niềm tin với những nước, dân tộc khác.

Chính vì vậy mà có một nhà nghiên cứu về chính trị ngoại giao của Á châu, đặc biệt là của Trung cộng có viết :
« Chừng nào chính quyền Trung cộng không dựa trên một nền tảng triết học vững vàng, hợp lý, sáng tỏ, thì đường lối chính trị, ngoại giao của Trung cộng không hợp thời và đáng tin cậy. «
Chúng ta hãy cùng nhau xem xét vấn đề trên.
Triết lý, triết học là gì
Triết học là môn học nghiên cứu về vũ trụ và đời sống của vạn vật.
Triết lý là lý luận sâu xa, tất yếu phải có của mọi sự vật, mọi nguyên tắc, mọi lý do trên đời.
Theo Tây phương, chữ « philosophie « gồm 2 chữ: “ philo “ là yêu thích « ; « sophie « là sự khéo léo, khôn ngoan, biết cách sống, cách cư xử ( la sagesse) ; còn có nghĩa là sự hiểu biết ( le savoir ).
Nhà triết học ( le philosophe) là người có sự khôn ngoan, khéo léo, hiểu biết, có cái nhìn cao thượng và khóang đạt ( de hauteur de l’âme et de détachement ) ; là người thích suy nghĩ, luôn đặt những câu hỏi về con người, về vũ trụ và về cuộc sống.
Không cần đi sâu vào sách vở, những ai, vào tuổi đời đã quá nửa đời người, chúng ta hãy suy ngẫm bản thân chúng ta, xét người, xét việc chung quanh, theo như Khổng Tử nói : « Tận kỳ tâm, tri kỳ tính, ắt tri thiên « ( Suy nghĩ cái tâm của chính mình, thì sẽ biết tính mình và tất biết việc trời đất ), chúng nhận thấy rằng : những ai có một triết lý sống vững vàng, sáng tỏ, thì họ biết rõ họ muốn cái gì, làm cái gì, và điều họ muốn, họ làm có đúng hay không. Từ đó họ ung dung tự tại, tự tin, không mâu thuẫn với chính mình, hành xử khéo léo, hợp tình, hợp lý, gây được niềm tin đối với người.
Trái lại, người nào không có một triết lý sống vững vàng, nay thế này, mai thế khác, không biết rõ mình muốn gì, làm cái gì, đầy mâu thuẫn, không tự tin với chính mình, tất nhiên từ đó, không thể gây niềm tin với người.
Điều này không những đúng với cá nhân mà còn đúng với cả một chính quyền.
Một chính quyền hành động mà không dựa trên một nền tảng triết lý rõ ràng, không biết mình muốn cái gì, hành động cái gì, và điều mình muốn, mình hành động có đúng hay không, từ đó đi đến chỗ không gây được niềm tin trong dân, tất nhiên không thể có sự hỗ trợ của dân, và tất nhiên không thể nào có được một đường lối ngoại giao được sự tín nhiệm của những nước khác.
Từ điểm này, chúng ta xét chính quyền Trung cộng, hay nói đúng hơn Đảng Cộng sản, từ ngày thành lập cho tới ngày hôm nay.
1 ) Từ năm 1921 tới năm 1949
Đảng Cộng sản Tàu được thành lập năm 1921, tại Thượng Hải. Hai người quan trọng, mặc dầu buổi họp thành lập ban đầu vắng mặt, nhưng được mọi người tôn lên làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch là Trần độc Tú ( Chen Duxiu) và Lý đại Siêu ( Li Daizhao).
Trần độc Tú ( 1879 – 1942) : Người theo Tây học, Pháp học thì đúng hơn ngay từ lúc đầu. Con một vi đại quan quân sự vùng Mãn châu. Sau khi bố chết thì được ông nội nuôi nấng. Sau đó tới Hàng châu học nghề đóng tàu và dạy tiếng Pháp. Ông hoạt động chính trị cách mạng từ thời thanh niên. Sau phải trốn sang Nhật ( từ năm 1900 tới 1902), tại đây ông có học trường Sư phạm và đại hoc Wesada. Trở về nước năm 1903, ông dạy học ở một trường cao đẳng ở tỉnh An Huy. Từ năm 1907 tới 1910, người ta mất dấu tín về ông. Có giả thuyết cho rằng ông sang Pháp học đóng tàu. Ông không theo Tôn dật Tiên, vì ông chỉ trích chính sách bài người Mãn châu của ông này. Sau Cách mạng Tân Hợi 1911, ông đặc trách về giáo dục của tỉnh An Huy. Năm 1915, ông thành lập tờ báo Thanh Niên, có ảnh hưởng rất mạnh trong giới trí thức và sinh viên học sinh lúc bấy giờ. Tờ báo này có phụ đề bằng tiếng Pháp ( La Jeunesse), điều này chứng tỏ ông hoàn toàn theo tư tưởng Tây phương, chống lại tư tưởng của Khổng, theo như nội dung tờ báo, và có Pháp học.
Ông đóng một vai trò quan trọng trong Phong trào Sinh viên, học sinh biểu tình vào ngày 4/5/1919. Hai năm sau, Đảng cộng sản được thành lập (1921), ông được bầu làm chủ tịch.
Sau cuộc nổi dậy của cộng sản ở Thượng Hải bị thất bại vào năm 1927 bởi sự đàn áp của Tưởng giới Thạnh. Ông bị chỉ trích trong đảng và mất chức Chủ tịch, ít lâu sau bị trục xuất ra khỏi Đảng, sau đó ông theo Đệ Tứ quốc tế Cộng sản của Trotski, bị Tưởng bắt và chết năm 1942.
Lý đại Siêu (Li Daizhao), cũng là người theo Tây học. Sau đó ông nghiên cứu về chủ nghĩa Marx. Ông làm quản thủ thư viện Đại học Bắc kinh, là cha vợ (đầu ) của Mao và đã đưa Mao vào làm việc chung với mình.
Câu nói nổi tiếng của ông : « Ở những nước bị trị, đấu tranh giai cấp đồng nghĩa với đấu tranh giành độc lập « .
Phải công nhận rằng từ năm 1921 tới 1949, Đảng Cộng sản Tàu dựa rõ ràng trên lý thuyết Mác Lê Staline. Những người như Trần độc Tú, Lý đại Siêu và ngay cả Mao lúc đầu đều tin tưởng cuồng nhiệt lý thuyết trên. Tiếc rằng lý thuyết này chỉ là một cái gì cặn bã của nền văn hóa Tây phương. Ông Domenach, một nhà rất am tường về lịch sử, văn hóa, triết học Tàu, có nói rằng những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Tàu không đủ trình độ để thấu hiểu cái hay cái dở của văn hóa Tây phương, cũng như cái hay cái dở của văn hóa Đông phương, đã chối bỏ tất cả những cái hay của văn hóa Đông phương, vội vã nhập cảng cái cặn bã của văn hóa Tây phương là chủ nghĩa Mác. Giới trí thức Tây phương họ đã ý thức điều này, như ông Pierre Joseph Proudhon, người đã từng bút chiến với Marx, đã nói : « Chủ nghĩa của Marx, nếu được áp dụng, thì nó trở thành con sán lãi của xã hội. » Sau gần 100 năm thực hiện, chúng ta thấy lời nói trên quả là đúng, vì ở bất cứ xã hội cộng sản nào cũng bị mắc vào nạn tham nhũng hối lộ. Thêm vào đó, đảng cộng sản quả là con sán lãi, là một chính quyền thứ nhì, ăn lương và bổng lộc hơn cả chính quyền chính thức, mà lương và bổng lộc đó là đến từ thuế, lấy từ dân.
Ở đây tôi không thể đi sâu vào việc phê bình chủ nghĩa Marx Lénine Staline.
Ngay cả tập tài liệu mang tựa đề « Le Matérialisme dialectique et le Matérialisme historique « ( Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật sử quan ), được Staline viết vào tháng 9 năm 1938 và được những người cộng sản coi như Kinh Thánh, điển hình là nếu ai theo dõi lịch sử và hình ảnh của Đảng cộng sản Tàu, thì đều thấy hình ảnh Mao ngồi trước nhà, ở trụ sở vùng Diên An, cầm tập tài liệu mang tên tiếng Pháp này.
Nhiều người cho rằng đây là một tập tài liệu mang tính chất khoa học, nhưng thực tế chẳng khoa học một chút gì, chỉ là những cái phủ nhận và xác nhận vô căn cứ ( affirmation gratuite). Có dịp tôi sẽ phê bình rõ tập tài liệu này. Ở đây tôi chỉ đưa ra một vài dẫn chứng.
Như Staline viết :
« Contraire à la métaphysique, la dialectique regarde la nature non comme état de repos et d’immobilisme, de stagnation et d’immuabibité, mais comme un état de mouvement et de changement perpétuels, de renouvellement et de développement incessants, où toujours quelque chose nait et se développe, quelque chose se désagrère et disparaît « J. Staline – Les Questions du Lénisme – trang 787 – Nhà xuất bản Norman Béthume – Paris 1969).
( Trái với siêu hình, biện chứng pháp nhìn vạn vật không ở trạng thái tĩnh và bất động, mà như một trạng thái động và phát triển không ngừng, nơi đó lúc nào cũng có một cái gì đó sinh ra và phát triển, cái gì đó tan rã và biến mất.)
Nguyên ở đây Staline dùng chữ siêu hình để chỉ tất cả những triết lý, triết học khác với triết học duy vật biện chứng là cách vơ đũa cả nắm ; và có chắc rằng những triết học đó nhìn thế giới trong một trạng thái tĩnh hay không. Điều này chưa chứng minh mà đã quyết đoán ( affirmation gratuite ). Quyển sách của Staline có giá trị tuyên truyền, quảng cáo như quảng cáo dầu cù là, « Hàng tôi tốt nhất, tất cả hàng khác đều dở. Mại vô ! Triết lý duy vật biện chứng và duy vật sử quan là hay nhất. Tất cả triết lý khác là bỏ đi. Hãy theo chúng tôi ! « , hơn là một quyển có giá trị về khoa học và triết học.
Và còn nhiều đoạn văn tư tưởng khác mang cùng một lỗi này.
Theo khoa học, để kết luận một vấn đề, thì phải có đủ nguyên nhân ắt có và đủ, đây mới có nguyên nhân ắt có, thế mà Staline đã vội kết luận. Không có một tý gì là khoa học, tuy nhiên vẫn nghĩ mình là khoa học.
Trở về với Đảng Cộng sản Tàu, là trong thời gian đấu tranh cướp chính quyền, đảng này đã dựa rõ ràng, minh bạch, trên một lý thuyết chính trị, trái sai chưa cần nói tới.
2) Từ năm 1949 đến 1963
Thời gian đầu nắm chính quyền tới lúc tranh chấp Nga – Hoa bùng nổ. Trong thời gian này triết lý chính trị lúc ban đầu đã bắt đầu đi trật hướng.
Trật hướng ở chỗ không còn « Tình huynh đệ cộng sản « nữa, trong việc Trung cộng gửi quân sang chiếm Tây Tạng và việc tranh chấp Nga – Hoa.
Trung cộng tố cáo Liên Sô là đi theo chủ nghĩa xét lại ( révisionnisme), không theo chủ nghĩa chính thống của Marx. Nhưng xét cho cùng thì cả 2 nước, từ thời Lénine đã đi theo chủ nghĩa xét lại. Theo Marx thì cách mạng cộng sản chỉ có thể xẩy ra ở những nước có một nền kỹ nghệ phát triển cao, vì chỉ ở nơi đây mới có giai cấp vô sản. Trong khi đó thì Lénine làm cách mạng cộng sản trong một nước nửa kỹ nghệ, nửa canh nông. Mao làm cách mạng cộng sản ở một nước hoàn toàn canh nông. Nhất là chiến lược « Lấy nông thôn bao vây thành thị « của Mao là dựa vào nông dân để làm cách mạng, hoàn toàn trái với Marx.
Trên phương diện tranh luận lý thuyết, Đảng Cộng sản Tàu đã gửi một Phái đoàn hùng hậu, dẫn đầu bởi Đặng tiểu Bình, Thư Ký thứ nhất của Đảng, gồm có Lưu thiếu Kỳ, Chủ tịch nhà nước, Chu ân Lai, Thủ tướng chánh phủ, sang Moscou, vào tháng 10 năm 1963, để tranh luận với Liên Sô, trong kỳ họp Đại hội Đảng của nước này. Những luận điệu do Đặng tiểu Bình đưa ra, và về sau ông thường nhắc lại, đó là « Chỉ có chân lý thật khi nào được kiểm chứng bởi thực tế, thực tiễn. » Đây chỉ là quan điểm của chủ nghĩa duy thực tế, duy kinh nghiệm hạ cấp. Về khoa học ai cũng biết nếu lấy con mắt bình thường làm sao chúng ta có thể thấy được vi trùng hay các hành tinh cách trái đất cả tỷ cây số. Vì vậy chủ nghĩa duy kinh nghiệm, duy trực giác thật là hạn chế. Chính Tôn Tử của người Tàu đã nói :
« Cho nên nhắc được cái lông mùa thu, không phải là nhiều sức, trông thấy mặt trời, mặt trăng không phải là sáng mắt, nghe thấy tiếng sấm, tiếng sét không phải là sỏi tai… Cho nên sự thắng của người thiện chiến không có tiếng khôn ngoan, không có cái công mạnh mẽ » ( Tôn Ngô Binh pháp – Ngô văn Triện dịch – trang 74+75).
Có những chân lý không kiểm chứng được bằng thực tế, thực tiễn. Như chân lý toán học, một khoa học có tính khoa học nhất trong những khoa học, mà cuối đời Marx công nhận và bỏ công ra nghiên cứu.
Thật vậy, chúng ta lấy một phương trình : f(x) = 2x. Phương trình này, chân lý này đúng với bất cứ giá trị nào của X, đi từ cực tiểu tới cực đại. Trên đời này không có con số nào nói lên được cực tiểu và cực đại. Cũng như trong hình học, vòng tròn được định nhĩa là tổng số những điểm cách đều một điểm cố định là trung tâm. Ở trên đời này không có một cái vòng tròn nào mà có thể kiểm chứng, kiểm nghiệm được với định nghĩa trên, vì vòng tròn nào, nếu tính theo sai số cao nhất, cũng là « méo « so với định nghĩa trên.
Cũng như câu nói cũng của họ Đặng : « Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa « , mà Trung cộng và Cộng sản Việt Nam ngày hôm nay thường nhắc tới.
Câu này mâu thuẫn, vì kinh tế thị trường là kinh tế tự do, tư nhân, không bị chỉ huy, không thuộc về nhà nước. Còn kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa là kinh tế quốc doanh, không có tự do và do nhà nước ch ủ động.
3) Từ năm 1963 tới năm 1972
Đây là khoảng thời gian có những biến cố quan trọng về chính trị quốc nội cũng như quốc ngoại. Đó là Cách mạng Hồng Vệ Binh, tranh chấp Nga – Hoa tới mức cao điểm và việc Trung cộng bắt tay với Mỹ.
Cách mạng Hồng vệ binh có mang một phần triết lý ý thức hệ, đó là chủ trương cách mạng cộng sản triệt để và đấu tranh giai cấp đến cùng, mà sự thể hiện của nó sau này rõ ràng nhất là cuộc diệt chủng của tập đoàn Pol Pot, đã giết hơn 2 triệu dân trên tổng số hơn 5 triệu dân Căm bốt. Nhưng lý do chính của cuộc cách mạng này là cuộc tranh giành quyền hành giữa phe Mao trạch Đông và phe Lưu thiếu Kỳ, Đặng tiểu Bình và Chu ân Lai.
Ai cũng biết kế hoặch Đại Nhảy vọt, chủ trương bởi Mao, vào cuối những năm 50, đầu thập niên 60, bị thất bại. Thực tế Mao bị loại bỏ ra ngoài quyền hành. Quyền hành ở Tàu lúc bấy giờ thuộc về bộ ba Lưu – Đặng – Chu. Sau đó Mao dùng chiến lược « Hạ tầng ép thượng tầng « . Hạ tầng đây là sinh viên học sinh với sự yểm trợ của quân đội. Đó là ý nghĩa chính của cuộc cách mạng Hồng vệ binh. Nhưng cuộc cách mạng này đã đi quá lố, chính Mao về sau cũng không thể chấp nhận. Những sinh viên học sinh theo cách mạng đã hành xử như kiểu Soljennytsine nói : « Cộng sản là những người đến từ một hành tinh khác với mục đích duy nhất là phá hủy tất, chém giết tất những cái gì thuộc về hành tinh con người « .
Về ngoại giao, 2 sự kiện nổi bật của thời gian này, đó là cuộc tranh chấp Nga Hoa đi đến cao điểm, có lúc người ta ngĩ có cuộc chiến tranh lớn giữa Liên Sô và Trung cộng. Lợi dụng tình thế, Hoa kỳ đã nhảy vào, khai thác sự chia rẽ này, đi đến việc bắt tay giữa Trung cộng và Hoa Kỳ năm 1972.
Cuộc gặp gỡ này có rất nhiều nguyên do, nhưng trong đó có 2 nguyên do chính :
Thứ nhất, cả 2 nước Liên Sô và Trung cộng, mặc dầu nói đến « Tình huynh đệ cộng sản « , nhưng trên thực tế cả 2 nước đều là đế quốc, nước nào cũng muốn làm chủ phong trào cộng sản quốc tế. Vì vậy đi đến tranh chấp và nước nào cũng ngụy biện, tố cáo nước kia là theo chủ nghĩa xét lại. Nhưng cả 2 đều xét lại tư tưởng của Marx từ lâu.
Lý do thứ 2, đó là đến từ đầu óc giản tiện ( simpliste), nếu không nói là suy nghĩ một chiều, không suy đi, tính lại của giới lãnh đạo cộng sản Tàu, bắt đầu từ Mao, cho tới ngày hôm nay. Thú dụ điển hình : Mao nghĩ rằng chim chóc phá hoại mùa màng, nay phát động phong trào giết chim, bắt dân già trẻ lớn bé phải đi giết chim. Hậu quả, chim không còn, sâu bọ sinh sản, phá hoại mùa màng. Mao đơn giản nghĩ rằng một nước kỹ nghệ là một nước có tổng sản lượng sản xuất sắt thép cao, bắt mọi gia đình phải làm lò luyện thép, ngay cả lò luyện bỏ túi « nhỏ, mang nồi niêu xong chảo nấu chảy thành sắt. Sau đó sắt thép luyện ra thiếu phẩm chất, nay làm lại nồi niêu xong chảo cũng không xong. Vận động dân làm những việc vô bổ. Cũng như Mao đơn giản nghĩ rằng một cường quốc phải là một quốc gia có bom nguyên tử. Đây là một trong những lý do đưa đến tranh chấp Nga – Hoa, vì Nga không chịu giúp Trung cộng làm bom nguyên tử. Lợi dụng tình thế này, một cách gián tiếp, theo như một giả thuyết, Hoa Kỳ nhảy vào giúp Trung cộng làm bom nguyên tử, bằng cách để cho 2 nhà bác học nguyên tử Hoa Kỳ, gốc Tàu, trốn về Trung Cộng.
Nhiều người hoan hô tinh thần thực tế của Trung cộng trong việc bắt tay với Hoa Kỳ. Tôi không chối cãi. Nhưng theo tôi, trên nguyên tắc triết lý căn bản, triết lý chính trị, thì có điều sai trái. Đó là, về ngoại giao, trước đó thì Trung cộng chửi Hoa Kỳ với tất cả mọi ngôn từ, nào là « Hoa Kỳ, thế giới của sự bóc lột, của tội ác « , nào là « Hoa kỳ, con hổ giấy « , nay một sớm một chiều đổi giọng, làm như vậy không những dân không biết tin vào đâu, mà ngay cả những quốc gia trên thế giới cũng nghi ngờ chính quyền Trung cộng. Hành động đó, trên thực tế có nghĩa là từ bỏ triết học duy vật biện chứng, duy vật sử quan, mặc dầu ngay cho tới ngày hôm nay giới lãnh đạo Trung cộng vẫn hô hào là trung thành với « triết lý nền tảng này ».
4) Từ năm 1972 tới ngày hôm nay
Từ năm 1972 cho tới ngày hôm nay, có những biến cố quan trọng, đại để như sau : Mao chết năm 1976, Đặng thực sự nắm quyền năm 1978 và cuộc viếng thăm Hoa kỳ của ông vào cùng năm, chiến tranh biên giới Việt Hoa năm 1979, Biến cố Thiên An môn 1989. Sau đó Trung cộng công nhận cho Pháp Luân Công hoạt động, rồi lại cấm đoán và đàn áp. Ngày hôm nay thì Trung cộng, nửa muốn trở về tư tưởng Khổng Tử, nửa không.
Chúng ta cùng nhau đi vào từ từ, chi tiết của từng biến cố và nêu rõ sự thiếu vắng một nền triết lý căn bản để tựa lên của chính quyền Trung Cộng.
Trước đó, chiến tranh biên giới Nga Hoa, nay chiến tranh biên giới Việt Hoa chứng tỏ những lời nói « Thế giới đại đồng cộng sản « , « Tình huynh đệ xã hội chủ nghĩa, môi hở răng lạnh « chỉ là những danh từ xuông, và chỉ có lợi cho Hoa kỳ. Như chúng ta đã biết, vào lúc này là đang ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong thời gian này Hoa kỳ dùng chiến lược Be Bờ của Paul Nitzé và Georges Kennan, gồm có 2 thời kỳ : thời kỳ phòng thủ, be bờ và thời kỳ tấn công. Phòng thủ từ cuối Thế Chiến thứ 2 cho tới năm 1972, qua cuộc gặp gỡ Mao Nixon ở Thượng hải. Tấn công từ 1972 tới khi chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1989, khi bức tường Bá linh bị phá vỡ. Có lợi cho Hoa kỳ, vì để tấn công, Hoa kỳ đã dùng chiến tranh tâm lý, mở thêm những đài phát thanh hướng về những nước cộng sản, và đồng thời nói lên cho dân trên thế giới biết rằng ý thức hệ cộng sản, chế độ cộng sản là sai lầm, không mang lại ấm no cho dân, mà chỉ mang lại nghèo đói và bất công ; không mang lại hòa bình, tình huynh đệ cộng sản, mà chỉ mang lại chiến tranh và chết chóc ; không phải môi hở, răng lạnh, mà răng cắn vào môi.
Về biến cố Thiên An Môn, ngày hôm nay chúng ta càng rõ, nhất là với quyển Nhật ký của Triệu tử Dương, đương kim Tổng bí thư đảng lúc bấy giờ. Nếu xét trên bình diện triết lý, ý thức hệ, thì đó là một ý định đặt lại giá trị của triết lý ý thức hệ Mác Lê, chủ trương độc khuynh, chỉ có một ý thức hệ, chủ trương độc đảng, chỉ có một đảng, mà muốn bắt kịp con tàu tiến bộ triết lý ý thức hệ thế giới, chủ trương đa khuynh, đa đảng.
Phong trào Thiên an môn thất bại, không phải là không có sự ủng hộ của dân và thanh niên, học sinh, sinh viên, công chức, mà là vì có sự cấu kết của một số cán bộ chóp bu, thượng tầng, tiêu biểu bới Đặng tiểu Bình, Lý Bằng, Dương thiệu Côn và một nhóm quân đội bảo thủ.
Theo ông Ruan Ming, người đã từ lâu trong Đoàn Thanh niên Cộng sản, là cộng sự viên đắc lực của Hồ diệu Bang, cựu Tổng bí Thư đảng, người đã từng viết bài diễn văn nổi tiếng cho Đặng tiểu Bình, vào kỳ họp Trung Ương lần thứ 3, của Đại hội thứ 11 của Đảng cộng sản Tàu, vào năm 1978 :
« Trong cuộc diễn biến của Phong trào dân chủ 1989, tám mươi phần trăm cán bộ trung cấp của Đảng và của Chính quyền đều có cảm tình và ủng hộ Phong trào. Bảy mươi phần trăm Bộ trưởng và Thứ Trưởng cũng ủng hộ. Điều này chứng tỏ rất rõ vào ngày 15 và ngày 18, khi những nhân vật nổi tiếng của mọi tầng lớp bày tỏ công khai lập trường của họ, mong muốn rằng chính quyền công nhận lòng yêu nước của sinh viên, mong muốn chính quyền tiếp tục đối thoại với họ và không dùng phương pháp mạnh. Những người đầu tiên bày tỏ bất đồng trong việc dùng bạo lực quân đội, chính là ba vị Phó Chủ tịch quân sự của Ủy Ban Thường vụ của Quốc hội, cũng như 800 tướng về hưu đã chống đối việc dùng quân đội để đàn áp. » ( Ruan Ming – Deng XiaoPing – Chronique d’un empire : 1978-1990 – trang 258 – nhà xuất bản Philippe Picquier – Paris – 1992).
Cuộc đàn áp đẫm máu Thiên an Môn 1989, một lần nữa chứng tỏ triết lý bảo thủ quân chủ phong kiến rồi quân chủ tập trung tới quân chủ cộng sản, vì chế độ, ý thức hệ cộng sản, chỉ là mặt trái mặt phải của một đồng tiền quân chủ, mà đại diện chỉ là một thiểu số chóp bu, ngày xưa là vua và một thiểu số quan lại bảo thủ, ngày nay là Bộ Chính trị, thiểu số này rất phản động, không nghĩ đến quyền lợi của dân, làm bất cứ việc gì, với bất cứ giá nào, ngay cả giết sinh viên, học sinh, để bảo vệ chức quyền của mình. Chính ở điểm này tôi cho rằng, cho tới ngày hôm nay, mặc dù có sự tăng trưởng, nhưng tương lai nước Tàu vẫn còn bấp bênh. Đúng như lời ông François Mittérand, cự Tổng Thống Pháp, nói vào ngay sau Biến cố Thiên An Môn :
« Một chính quyền dùng súng bắn vào sinh viên, học sinh, thì chẳng khác nào dùng súng bắn vào tương lai của mình. »
Một biến cố quan trọng trong thời gian từ 1972 cho tới ngày hôm nay, ngay sau biến cố Thiên an môn, là chính quyền Trung cộng cho phép Pháp Luân công hoạt động, sau đó lại cấm và bắt, bỏ tù những người theo triết lý này.
Pháp luân công là một triết lý sống đơn giản, thực tiễn, dựa trên những triết lý, tôn giáo, tư tưởng cổ truyền của Tàu. Theo đó con người phải sống lương thiện, ăn hiền, ở lành, không giết người, làm việc chi hại đến người, không nói dối, lừa gạt. Thêm vào đó, Pháp luân công cho rằng con người là tổng thể, là cái gì hòa hợp nhịp nhàng giữa thể xác và tinh thần. Chính vì vậy họ chủ trương cần phải có tập thể dục, hít thở điều hòa, « Một tinh thần tốt đẹp, luơng thiện trong một thân thể khỏe mạnh, quân bình. »
Triết lý này đã được phần lớn dân và cán bộ đảng, nhà nước đi theo. Nhưng chính vì vậy lại đe dọa triết lý Mác Lê Mao, nên chính quyền phải vội cấm đoán, rồi triệt hạ, bỏ tù những ai theo triết lý này, như chúng ta thấy ngày hôm nay.
Biến cố quan trọng nữa trong thời gian này là Chính quyền Trung cộng quyết định phục hồi tư tưởng Khổng học, đã cho thiết lập cả trăm viện nghiên cứu Khổng học tại trong và ngoài nước.
Điều này chứng tỏ rằng đã có những người trong Đảng ý thức rằng ý thức hệ, nền triêt lý Mác Lê Mao đã lỗi thời, phải thay thế bằng một ý thức hệ khác (1). Tuy nhiên cũng có người chống lại, vì ý thức hệ của Khổng Tử có thể nói là hoàn toàn trái ngược lại với ý thức hệ Mác Lê Mao. Chấp nhận cái này có nghĩa là triệt bỏ cái kia. Chính vì vậy, mà cách đây mấy tháng, vào tháng 8, tự nhiên bức tượng khổng lồ của Khổng Tử bị mất một cách âm thầm ở quảng trường Thiên An Môn ; nhưng một thời gian sau lại được dựng lại. Có giả thuyết cho rằng, vì có sự tranh chấp trong đảng, ở mức độ cao, nên mới có hiện tượng này, chứ dân thường làm sao dám làm và đâu có phương tiện để làm. Tôi nghiêng về giả thuyết này. Chẳng khác nào như việc đối xử với Pháp luân công.
Sự lúng túng đi tìm một triết lý căn bản, một ý thức hệ hợp lý, hợp thời hãy còn là một vấn đề nan giải cho chính quyền Trung cộng hiện nay.
Cách đây hơn 200 năm, Napoléon đã nói : « Nước Tàu là một con hổ đang ngủ. Khi nó thức dậy thì thế giới sẽ rung chuyển ». Rồi vào những năm 70, một nhà trí thức Pháp, ông Alain Peyrefitte viết quyển sách mang tựa đề : « Khi nước Tàu thức giấc … », đã trở thành sách bán chạy nhất vào thời bấy giờ. Nhất là gần đây qua bản tường trình của Quỹ Tiền tệ thế giới (FMI), theo đó sản lượng tính theo đầu người hàng năm, tính theo giá trị tiền tệ là 5 000$ ; nhưng tính theo khả thế mua bán, thì là hơn 7 000$, nhân với hơn 1,3 tỷ người, thì tổng sản lượng quốc gia là vào khoảng 10 000 tỷ ; và theo dự đoán của FMI, chỉ cần năm sau năm, thì tổng sản lượng của Trung cộng sẽ bắt kịp Hoa Kỳ và vượt Hoa Kỳ. Từ đó nhiều người liên tưởng đến hiện tượng quá khứ : Hoa Kỳ bắt kịp tổng sản lượng của Anh quốc vào đúng năm 1900, thế rồi liền sau đó Hoa Kỳ trở thành đại cường quốc trên nhiều lãnh vực, chiến thắng Đệ Nhất, Đệ Nhị Thế Chiến và Chiến Tranh Lạnh. Cũng từ đó nhiều người suy đoán là Trung Cộng sẽ trở thành đại cường quốc, sẽ tạo nên nhiều cuộc chiến tranh và làm lay chuyển thế giới.
Cái nhìn của tôi có đôi phần ngược lại. Theo tôi Trung cộng hiện nay mới chập chững bước vào nền văn minh thương mại, mà lại là một thứ thương mại rừng rú, làm mất niềm tin không những ngay với chính dân họ, mà còn mất niềm tin với nhiều quốc gia trên thế giới. Và với niềm tin thì người ta có thể làm nên bất cứ một cái gì, như một câu nói : « Với niềm tin người ta có thể phá vỡ những thành trì hay cũng có thể xây dựng lên những thành trì. Không có niềm tin thì người ta không làm được gì cả. »
Thêm vào đó chính quyền Trung cộng vẫn bám lấy ý thức hệ cộng sản Mác Lê Mao, mặc dầu biết rõ ý thức hệ triết lý này đã lỗi thời.
Và theo tôi nghĩ, để có niềm tin cho một con người và ngay cả cho một chính quyền, một quốc gia, dân tộc, thì phải có một căn bản triết lý vững vàng, hợp thời. Giới lãnh đạo và ngay cả giới trí thức Trung cộng không đủ trình độ để tạo nên một triết lý ý thức hệ mới, muốn bỏ ý thức hệ của Marx không xong, muốn lấy ý thức hệ của Pháp Luân Công, của Khổng giáo, của Nho giáo cũng không được, vì trái với tư tưởng của Mao. Chính Mao đã nói : « Khổng Tử chỉ là con chó giữ nhà cho chế độ phong kiến ; «
Trong tình trạng đó, mặc dầu kinh tế Tàu có phát triển gần đây, nhưng theo tôi nghĩ, thì con hổ Tàu chưa thực thức tỉnh, vì không có một triết lý hành động hợp lý, hợp thời, nói chi đến làm rung chuyển thế giới.
Paris ngày 18/12/2011
Chu chi Nam
(1) Xin đọc thêm những bài « Sự khác biệt giữa Khổng giáo và cộng sản.. « , cùng những bài viết về Trung cộng, trên : http://perso.orange.fr/chuchinam/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét