Pages

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Chính quyền Trung Quốc tăng cường kiểm soát dân chúng

Làng Ô Khảm, Quảng Đông, một trong những điểm nóng
 ở Trung Quốc hiện nay.
Reuters
Trọng Thành

Nhật báo Libération có bài về Trung Quốc, với tựa đề trên trang nhất : « Trung Quốc : nền kinh tế hụt hơi, chế độ cứng rắn hơn ». Sự kiện đầu tiên là lực lượng an ninh kiểm soát các cửa biên giới, vừa nhận được tuần này một danh sách đen, bao gồm tên các chủ doanh nghiệp mắc nợ nhiều, và được lệnh ngăn không cho họ xuất ngoại.
Theo Libération, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự bất ổn ngày càng gia tăng của giới cầm quyền Trung Quốc, trước sự đình trệ của nền kinh tế nước này. Tín dụng ngày càng khan hiếm, xuất khẩu sụt giảm, đồng yuan liên tục hạ giá từ một tuần nay, giá bất động sản tụt, và sản lượng công nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ ba năm nay, trong khi đó, bãi công liên tục nổ ra. Đặc biệt là ở các tỉnh miền Nam, nơi tập trung các doanh nghiệp lớn, ngày càng có nhiều công nhân đấu tranh để đòi hỏi cải thiện điều kiện sống.

Cuộc phản kháng dữ dội mới đây tại thành phố Hải Môn (Quảng Đông), với sự tham gia của hàng trăm người dân, phản đối một nhà máy gây ô nhiễm, chỉ là một trong số 180 000 cuộc biểu tình, bãi công và đụng độ các loại giữa dân chúng với chính quyền trong năm 2010. Đây là con số thống kê do một giáo sư đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) đưa ra.
Mới đây, đảng CS Trung Quốc đã thành lập một cơ quan đặc biệt mang tên « Trung ương xã hội quản lý tổng hợp trị lý ủy viên hội », tạm dịch là Ủy ban trung ương kiểm soát việc quản lý xã hội. Ủy ban này được đặt dưới sự chỉ đạo của ông Chu Vĩnh Khang - ủy viên thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, nguyên Bộ trưởng Công an.
Theo ông Hồ Cẩm Đào, nhân vật số 1 của chế độ hiện hành tại Trung Quốc, mục tiêu của việc « quản lý xã hội » là nhằm « tăng cường tối đa các nhân tố tạo nên sự hài hòa và giảm thiểu các nhân tố gây bất hòa ». Đằng sau ngôn từ chính thức bóng bẩy này, « quản lý xã hội » bao gồm một loạt các biện pháp đàn áp, đe dọa, dàn hòa và kiểm soát nhằm ngăn chặn các rối loạn xã hội, hoặc hạn chế các hậu quả của những rối loạn này, nhờ vào hoạt động tuyên truyền hay kiểm duyệt các phương tiện truyền thông.
Ủy ban « quản lý xã hội » rất đặc biệt, nằm dưới sự điều hành của ông Chu Vĩnh Khang, có quyền huy động các bộ trong chính phủ và các cơ quan chính quyền các cấp khi cần, để có thể « kiểm soát dân cư một cách chặt chẽ ».
Được hình thành vào đầu năm nay, với mục tiêu kiểm soát giới ly khai chính trị, trong bối cảnh có nhiều kêu gọi tiến hành « Cách mạng Hoa Nhài theo kiểu Trung Quốc », gần đây ủy ban này nhận thêm nhiệm vụ trấn áp các vụ rối loạn xã hội, do nguyên nhân kinh tế suy thoái. Theo Libération, trong danh sách các đối tượng kiếm soát của ủy ban do ông Chu Vĩnh Khang điều hành, bên cạnh các nhà ly khai, những người tranh đấu dùng internet, giới trí thức, những người khiếu kiện, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân, chắc chắn sẽ còn có thêm những người lao động nhập cư, và có thể cả các chủ căn hộ.
Lý do là vì giá nhà đang hạ rất nhanh chóng, gây nhiều căng thẳng xã hội. Tháng trước, ở Thượng Hải, hàng chục người mới mua nhà đã tấn công một trụ sở bán nhà, vì công ty này đã dành cho các khách hàng vừa mới mua nhà sau họ, các căn hộ có giá thấp hơn rất nhiều.
Bong bóng bất động sản, với giá cả tăng lên từ 5 đến 10 lần trong vòng 10 năm nay, mà Bắc Kinh quyết định làm cho xẹp xuống, chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ quả, đặc biệt đối với các ngân hàng. Cuối tháng 11 vừa qua, Quỹ tiền tệ quốc tế đã đưa ra cảnh báo về tình trạng dễ tổn thương của hệ thống ngân hàng Trung Quốc, dựa một phần quan trọng vào bong bóng bất động sản, và phải chịu nhiều tác hại của kế hoạch chấn hưng kinh tế 400 tỷ euro năm 2008.
Cũng về Trung Quốc, trên Libération có bài phỏng vấn ông Geoffrey Crothall, người phát ngôn của tổ chức NGO China Labour Bulletin, với tựa đề « Các công nhân Trung Quốc ngày càng được tổ chức tốt hơn ». Người phát ngôn của China Labour Bulletin cho biết, trong thời gian tới tại Trung Quốc sẽ còn nhiều vụ bãi công hơn, so với số lượng 30.000 vụ bãi công và đình công hàng năm hiện nay. Chuyên gia bảo vệ người lao động Trung Quốc cho rằng, nỗ lực của chính quyền gia tăng kiểm soát các phản kháng của công nhân sẽ thất bại, bởi vì « chính quyền còn chưa hiểu được rằng, để giảm các xung đột trong lao động, cần phải thiết lập một hệ thống đối thoại giữa người lao động và ban lãnh đạo doanh nghiệp, và điều này chỉ có thể thực hiện được với các nghiệp đoàn thực sự đại diện cho quyền lợi của các công nhân ».
Putin bị nghi ngờ ngay cả trong giới cầm quyền
« Sự giận dữ của dân chúng Nga khiến chính quyền lo sợ » là tựa đề bài viết chính trong hồ sơ của Le Figaro về các biến chuyến dữ dội tại Nga trong những ngày gần đây, với cuộc biểu tình hàng chục ngàn người tham gia tại thủ đô. Le Figaro nêu ra nhận định : « Sau cuộc biểu tình khổng lồ ở Matxcơva, ông Putin vẫn còn muốn tin vào sự ủng hộ của một đa số thầm lặng ở Nga ».
Bài viết cho biết, sau cuộc biểu tình, đương kim thủ tướng Nga Putin không có phản ứng gì. Người phát ngôn của ông Putin tuyên bố, dù số lượng người phản đối rất đông, nhưng đa số dân Nga vẫn ủng hộ ông Putin. Tuy nhiên, Le Figaro dẫn lời nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng, các cuộc biểu tình gần đây cho thấy, ông Putin đã mất uy tín và chế độ hiện hành đã mất tính chính đáng. Thậm chí, ngay cả ông Vladislav Surkov, trong ban lãnh đạo Văn phòng Phủ tổng thống Nga, vốn được coi là một "nhà tuyên truyền chủ chốt của chế độ", cũng phải thừa nhận mức độ sâu sắc của các thay đổi đang diễn ra. Trả lời phỏng vấn báo Izvestia ngày thứ Sáu vừa rồi, ông nói : « Các nền tảng căn bản của xã hội đã rung chuyển. Ai còn muốn ủng hộ nạn tham nhũng, sự bất công và một hệ thống quyền lợi khép kín, nơi sự ngu xuẩn ngày càng gia tăng ? Không còn ai cả ! Ngay cả những người trong chính hệ thống này ».
Cũng về nước Nga, Libération ghi nhận sự kiện bất tuân phục ở ngay bên trong hệ thống cầm quyền, với việc các kênh truyền hình nhà nước đã truyền lại một cách tương đối trung thực các cuộc biểu tình vừa diễn ra, và chỉ thẳng việc những người biểu tình chỉ trích trực diện thủ tướng Putin, ứng cử viên có triển vọng nhất vào chức tổng thống Nga.
Bài « Nỗi nghi ngờ xâm nhập cả vào trong giới cầm quyền » phỏng vấn ông Thomas Gomarts, một chuyên gia hàng đầu về chính trị Nga thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp. Nhà chính trị học Pháp cũng ghi nhận tình trạng mất lòng tin nghiêm trọng đối với ông Putin ngay trong nội bộ giới cầm quyền.
Bắc Kinh và Tokyo muốn bớt phụ thuộc vào đô la
Trang nhất phụ trương kinh tế Les Echos thuật lại diễn biến mới trong quan hệ Trung – Nhật với chuyến công du của thủ tướng Nhật Noda, qua bài « Bắc Kinh và Tokyo muốn ít phụ thuộc hơn vào đồng đô la ». Tờ báo cho biết, vài tuần trước khi tham gia vào Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương – TPP, một định chế kinh tế khiến Trung Quốc lo ngại, Nhật Bản đã có động thái trấn an Trung Quốc, với việc cam kết sẽ cùng Trung Quốc khuyến khích việc sử dụng đồng yuan và đồng yen trong các thanh toán trực tiếp. Chính phủ Nhật tuyên bố năm tới sẽ mua các trái phiếu của Trung Quốc.
Được biết trong hiện tại, 60% thanh toán song phương Nhật – Trung được thực hiện bằng đôla. Hai bên hy vọng, nếu thực hiện được việc thanh toán trực tiếp này, các rũi ro tài chính và tổn phí sẽ giảm bớt. Bộ trưởng Thương mại Nhật hy vọng rằng, Hoa Kỳ sẽ không phản đối việc này.
Tìm thấy bức tranh tường nối tiếng của Leonard de Vinci
Le Figaro thông báo một tin đáng chú ý đối với những người quan tâm đến hội họa cổ điển : bức tranh tường khổng lồ của danh họa Ý Leonard de Vinci, mang tên "Trận đánh Anghiari", gần như chắc chắn nằm ở đằng sau một bức tường của cung điện Palazzo Vecchio, thành phố Florence.
Bức họa được vẽ vào năm 1504 để kỷ niệm chiến thắng của thành Florence trước quân đội Milan, vào năm 1440. Dấu vết để lại hiện nay về bức tranh tường cho đến nay, trước phát hiện này, chỉ còn lại có một vài phác thảo chuẩn bị và một bản tranh chép cỡ nhỏ.
Người tìm thấy bức tranh tường này là ông Maurizio Seracini, kỹ sư sinh học, giám đốc nghiên cứu tại đại học San Diego (California). Theo ông Seracini, danh họa Ý đã không hoàn thành được bức tranh rộng 17m x 7m, vì lý do kỹ thuật, nên bức tranh đã được dấu vào phía sau một bức tường. Người phát hiện ra bức tranh này cũng từng là nguyên mẫu của một nhân vật mà tiểu thuyết gia Dan Brown đã dựng lên trong tác phẩm Da Vinci Code. Ông Seracini cũng là người tham gia vào cuộc tìm kiếm mộ của Thành Cát Tư Hãn ở Mông Cổ.
Tuy nhiên, việc đưa bức tranh nổi tiếng này ra với công chúng đã trở thành một chủ đề tranh cãi gay gắt trong giới chuyên môn. Nhiều người lo ngại rằng, phần còn lại của bức tranh có thể sẽ bị phá hỏng trong quá trình tháo gỡ.
Trên trang nhất các nhật báo Pháp
Nhiều báo Pháp hôm nay quan tâm đến những diễn biến mới tại Nga. Le Figaro chạy tựa : « Sau cuộc biểu tình ở Matxcơva, hệ thống Putin rung chuyển », còn Libération giật tít : « Nước Nga : Không khí của mùa xuân ».
La Croix có loạt bài về ngày Giáng Sinh vừa qua trong hồ sơ « Điều hiển nhiên của Noel ». Tờ báo nêu bật hình ảnh của Giáo hoàng Benedicto 16, với lời nhắn nhủ : « Noel không phải là một phi vụ làm ăn, mà là dịp kỷ niệm đấng Cứu thế đến với trần gian ». Trang nhất của Le Figaro giới thiệu bài đầu tiên trong loạt bài phóng sự nói về cuộc tìm kiếm dấu vết của Chúa Giêsu, từ Bethleem đến Jerusalem.
Về dịp đón Noel tại Pháp, tờ L’Humanité chú ý đến việc các hiệp hội tăng cường giúp đỡ những người nghèo, những người vô gia cư, qua bài : « Các chân dung của một nước Pháp liên đới ». Còn Les Echos nêu lên một hiện tượng mới trong lĩnh vực tài chính, với hồ sơ « Cuộc khủng hoảng kinh tế kích thích sự ra đời của một thị trường tín dụng mới giữa các cá nhân với nhau ».

Không có nhận xét nào: