Pages

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Cuối năm nhìn lại, tiếc nhớ gì và hi vọng gì?

Nhà báo tự do Bùi Văn Phú

Gửi cho BBC Tiếng Việt từ San Jose

“Trong lịch sử cận đại, cứ khoảng hai thập niên thế giới lại chứng kiến những cuộc cách mạng dân chủ ở nhiều quốc gia. Hạt mầm dân chủ đã lỡ cơ hội nảy sinh trên đất Việt vào những thập niên 1970 và 1990. Thập niên 2010 này phong trào dân chủ đang lan ra từ Tunisia, Ai-Cập sang Lybia, Syria. Hy vọng năm mới cách mạng dân chủ sẽ đến với Đông Á, ở đó hương hoa tự do đang bắt đầu lên mầm ở Miến Điện và sẽ lan toả sang Việt Nam.”
Những ngày cuối năm 2011 thế giới đón nhận tin về cái chết của hai lãnh đạo, một cựu tổng thống và một đương kim chủ tịch.
Bên trời Âu, cựu tổng thống Cộng hòa Tiệp Václav Havel qua đời để lại nhiều thương tiếc cho những người yêu dân chủ. Ông khởi xướng cuộc cách mạng Nhung cách đây hơn hai thập niên qua những tranh đấu chính trị ôn hoà đưa đến tự do, dân chủ cho Đông Âu.

Xuất thân từ một nhà làm văn học, là một kịch tác gia nhưng không vì thế mà Vaclav Havel không quan tâm đến chính trị, đến nước Tiệp dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản và ông đã không ngần ngại lên tiếng tranh đấu cho những quyền căn bản của con người. Havel đã cùng với hàng trăm trí thức, văn nghệ sĩ Tiệp soạn Hiến chương 77 đặt nền tảng tranh đấu ôn hoà cho dân chủ tại Tiệp. Cái giá ông phải trả là nhiều năm tù. Nhưng ông và các bạn đồng hành không sờn lòng.
Cuối cùng dân chủ đã thắng độc tài. Với thành công của cách mạng Nhung tại Tiệp vào năm 1989, đến đầu thập niên 1990 của thế kỉ trước luồng gió dân chủ đã thổi qua Đông Âu cuốn trôi đi những chế độ cộng sản. Nước Tiệp chia lại thành Cộng hoà Tiệp và Cộng hoà Slovakia. Những cuộc bầu cử tự do được tổ chức, Vaclav Havel được bầu chọn làm tổng thống hai nhiệm kì, từ 1993 đến 2003, của nước Tiệp mới trong tự do dân chủ.
Cựu tổng thống Vaclav Havel qua đời ngày 18-12-2011, hưởng thọ 75 tuổi. Nhiều người hoạt động cho dân chủ ở Việt Nam biểu tỏ lòng thương tiếc vì ông đã chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ cho công cuộc đấu tranh của họ.
Bên Đông Á, Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-il đột ngột từ trần ngày 17-12-2011 ở tuổi 69 là sự kiện khá bất ngờ, dù rằng nhiều năm qua đã có những đồn đoán về tình trạng sức khoẻ rất yếu của ông.
Lên nắm quyền do cha truyền con nối từ năm 1994 và tiếp tục chính sách của người cha bằng cai trị độc đoán, khép kín đất nước, đưa Bắc Hàn vào tình trạng nghèo đói cùng cực khiến cả triệu dân chết, cùng lúc đe doạ các nước lân bang Nam Hàn, Nhật Bản với vũ khí nguyên tử. Kim Jong-il chẳng được nể trọng vì hay gây hấn quân sự với Nam Hàn và đã tổ chức khủng bố, ám sát nhắm vào lãnh đạo Nam Hàn. Chỉ vì bản tính bất thường của lãnh đạo Bắc Hàn mà thế giới không thể không quan tâm.
Cái chết của Kim Jong-il có bất ngờ, nhưng ngạc nhiên hơn là quyền hành lại được chuyển sang cho người con là Kim Jong-un với tuổi đời mới 27.
Giới quan sát có người mang chút hy vọng sẽ có những thay đổi ở Bắc Hàn vì Kim Jong-un đã du học Thụy Sĩ và với những tiếp cận ở phương Tây sẽ cho nhà lãnh đạo trẻ một tầm nhìn khác hơn thế hệ ông nội và cha. Nhưng nhìn lại lịch sử cận đại, lãnh tụ trong các chế độ cộng sản dù có theo học ở phương Tây cũng không có gì đảm bảo cho tính nhân bản trong cách cai trị. Pol Pot từng du học Pháp và khi nắm quyền đã ra lệnh giết bất kì ai mang dáng dấp hay có tư tưởng được coi là thành phần trí thức của Kampuchia.
Nếu người nối ngôi lãnh đạo Bắc Hàn tiếp tục chính sách của ông và cha đã để lại, với tuổi đời còn trẻ như thế thì dân tộc Bắc Hàn sẽ tiếp tục sống trong cô lập, nghèo đói ít nhất cũng cả nửa thế kỉ tới.
Tin Kim Jong-il qua đời được người nữ xướng ngôn viên truyền hình Bắc Hàn loan đi trong nước mắt. Từ đó hình ảnh cả triệu người dân Bắc Hàn khóc lãnh tụ một cách thảm thiết, sướt mướt được truyền đi trông như những người con đang khóc cha, khóc mẹ qua đời.
Trên các mạng thông tin của người Việt có chuyền cho nhau xem khúc phim dân Bắc Hàn khóc Kim Jong-il với lời bình luận ngắn: “Không thể làm khác hơn.”
Lời bình rất chính xác. Với cách cai trị độc đoán của lãnh đạo Bắc Hàn từ hơn nửa thế kỉ qua, người dân ở đó không thể làm khác hơn, không thể không khóc “Lãnh tụ Kính yêu” vì nếu không làm thế thì cơ hội bị đi cải tạo hay vào ngục tối là rất cao.
Chủ tịch Kim Jong-il chết thế giới ít động lòng. Nhà nước Bắc Hàn cũng chẳng muốn đón tiếp lãnh đạo hay đoàn ngoại giao các nước tới dự tang lễ và không cho truyền thông nước ngoài vào như bao chục năm nay. Cái chết không làm mấy ai cảm thấy luyến tiếc mà chỉ thương cho 25 triệu dân Bắc Hàn sống trong sự kìm kẹp của lãnh đạo cộng sản giáo điều từ hơn nửa thế kỉ qua.
Nhìn về Việt Nam
Nhìn về đất nước Việt Nam, tuy người dân có cuộc sống khá hơn dân Bắc Hàn nhưng bàn tay thô bạo của đàn áp vẫn hiển hiện khắp nơi. Nhiều người tham gia biểu tình bảo vệ biển quê hương, nhiều tu sĩ, tín đồ tranh đấu cho tự do tôn giáo đã bị an ninh bắt giữ hay sách nhiễu. Nhiều người tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ vẫn đang bị giam cầm như Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Bùi Thị Hằng, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Tiến Trung.
Những đàn áp người biểu tình trong năm qua để Bắc Kinh khỏi phiền lòng là sự kiện đáng ghi nhớ tại Việt Nam.
Trước những gây hấn trên biển Đông, từ tháng Sáu đã có tụ họp biểu tình phản đối Trung Quốc vào các sáng Chủ Nhật ở Sài Gòn và Hà Nội. Lần đầu ở Sài Gòn có nhiều nghìn người tham gia. Sau đó với các cuộc biểu tình nhỏ hơn tại Hà Nội bị công an ngăn cản và dẹp ngay. Điều này cho thấy Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn với lãnh đạo Việt Nam. Trong khi đó về mặt kinh tế, nhiều cơ sở tài chánh của Việt Nam đang được Trung Quốc đổ tiền vào và những dự án quan trọng đều do Trung Quốc khai thác.
Hai sự kiện trong năm qua làm nổi bật lên ảnh hưởng của Trung Quốc liên quan đến y phục và lá cờ. Một là khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón tiếp lãnh đạo Trung Quốc ông mặc y phục, từ bộ quần áo đến chiếc cà-vạt, giống như khách đang thăm. Hai là sự kiện cờ Trung Quốc với 6 ngôi sao đã hai lần xuất hiện tại Việt Nam, một lần trên đài truyền hình Hà Nội vào tháng Mười khi đưa tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc. Tuần trước, khi đón Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, thiếu nhi Việt cầm trên tay những lá cờ 6 sao, thay vì 5 sao là cờ chính thức của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Ngôi sao thứ sáu được những người chống Trung Quốc cho đó là dấu chỉ Việt Nam cũng là một phần của Trung Quốc.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam lên tiếng lá cờ là sơ suất kỹ thuật. Nhưng lỗi lầm này xảy ra đến hai lần khiến nhiều người càng tin Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn đối với lãnh đạo Hà Nội.
Trong năm qua, vì bị Trung Quốc chèn ép và nhiều lần gây hấn trên biển Đông nên Việt Nam đã tranh thủ tìm bạn chiến lược là các nước trong khu vực mà đa số là những chế độ dân chủ. Hơn lúc nào hết Việt Nam lại đang muốn kết thân hơn nữa với Hoa Kỳ. Những động thái đó mang đến hy vọng về một nước Việt tự do, dân chủ hơn.
Trong lịch sử cận đại, cứ khoảng hai thập niên thế giới lại chứng kiến những cuộc cách mạng dân chủ ở nhiều quốc gia. Hạt mầm dân chủ đã lỡ cơ hội nảy sinh trên đất Việt vào những thập niên 1970 và 1990. Thập niên 2010 này phong trào dân chủ đang lan ra từ Tunisia, Ai-Cập sang Lybia, Syria.
Hy vọng năm mới cách mạng dân chủ sẽ đến với Đông Á, ở đó hương hoa tự do đang bắt đầu lên mầm ở Miến Điện và sẽ lan toả sang Việt Nam.
Bài viết thể hiện cách nhìn riêng của tác giả là một nhà báo độc lập sống tại vùng Vịnh San Francisco.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét