Pages

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Giao trứng cho ác

Nhã Nam
 
 
“…Khi công an tịch thu tiền hợp pháp của công dân, xử phạt họ và dùng báo chí để bêu riễu họ như vậy rõ ràng đã vi hiến. Nhà nước vừa thu lợi vừa được đánh, được chửi…”
Tịch thu 500.000 USD và hơn 10 tỉ đồng giao dịch trái phép” đó là tựa đề bài báo Tuổi Trẻ ngày 20/12/2011. Theo bài báo tường thuật từ nguồn của công an cung cấp: “C46B (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) phát hiện ông Vũ Quốc Đạt (phó giám đốc Công ty Minh Phúc – Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đang giao dịch trái phép với Huỳnh Thanh Nhất Hiếu và Phan Anh Huệ (nhân viên chi nhánh Công ty TNHH vàng Kim Mai, Q.1, TP.HCM) tại phòng giao dịch Phan Xích Long – Ngân hàng Eximbank (đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ 500.000 USD và hơn 10 tỉ đồng”. Bài báo còn cho biết ông Đạt và ông Hiếu còn bị phạt hành chính mỗi người 75.000.000đ.

Đây là một tin sốc với các nhiều người, nhất là các doanh nghiệp đang cần thanh toán bằng ngoại tệ. Dù không phải là lần đầu tiên những giao dịch ngoại tệ với số lượng lớn như thế đã bị bắt và tịch thu. Còn nhớ vào tháng 3 năm nay, tại Hà Nội đã có một vụ bắt giữ gần 400.000USD và 8,5 tỉ đồng cũng tại một chi nhánh của ngân hàng Eximbank. Vụ này được báo Thanh Niên với tựa đề “Phá vụ mua bán trái phép 400.000 USD” thuật lại như sau (trích): “Tại hiện trường, công an phát hiện và bắt quả tang Dương Thị Thùy Trang và Nguyễn Thị Thu Huyền đang giao cho Nguyễn Ngọc Tuấn và Đào Mạnh Quân số tiền 390.500 USD và nhận lại từ hai người mua gần 8,5 tỉ đồng.
Theo cơ quan điều tra, Trang và Huyền là nhân viên của Công ty TNHH đầu tư thương mại Khương và Lê do Lê Thanh Hương làm giám đốc. Tuấn và Quân là nhân viên cửa hàng vàng Thành Trung (110 Nguyễn Du, Hà Nội). Thời điểm bị bắt các đối tượng không xuất trình được giấy phép mua bán ngoại tệ. Cũng theo cơ quan điều tra, số tiền 390.500 USD là tiền gửi tiết kiệm của Lê Thanh Hương tại Eximbank Hà Nội. Hương đã ủy quyền cho Trang và Huyền rút số tiền trên và bán cho Nguyễn Ngọc Tuấn và Đào Mạnh Quân với giá 21.580 đồng/USD.
Quá trình điều tra bước đầu, các đối tượng trên đã khai nhận số tiền gần 8,5 tỉ đồng được Quân nhận từ bà Phạm Thị Hồng Oanh (vợ chủ cửa hàng vàng Thành Trung) để gửi ngân hàng. Cơ quan điều tra cũng làm rõ số tiền 390.500 USD gửi tiết kiệm của Hương tại Eximbank Hà Nội, có nguồn gốc từ việc bán căn hộ chung cư số 1804, Topaz 2, Saigon Pearl, 92 Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM”.
Cả hai vụ trên có nhiều điểm giống nhau: tiền (nội tệ và ngoại tệ) hợp pháp của công dân được nhà nước bảo hộ, (“Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, vốn và tài sản khác … Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân – Điều 58 Hiến Pháp hiện hành”) họ giao dịch qua hệ thống ngân hàng nhà nước Eximbank, bị bắt giữ và nêu tên tuổi, hình ảnh lên báo chí như những tên tội phạm. Cứ cho là giao dịch này đã vi phạm Quy định quản lý ngoại hối, nhưng đó chỉ là một vi phạm hành chính. Khi công an tịch thu tiền hợp pháp của công dân, xử phạt họ và dùng báo chí để bêu riễu họ như vậy rõ ràng đã vi hiến. Nhà nước vừa thu lợi vừa được đánh, được chửi – Nhân dân vừa mất của, vừa mang tiếng.
Thực tế ở Việt Nam ai cũng biết, số lượng kiều hối từ nước ngoài chuyển về cho thân nhân trong nước nhiều năm nay lên đến con số gần 10 tỷ USD, bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp cần giao dịch và thanh toán bằng ngoại tệ với số lượng lớn hàng ngày. Họ sẽ mua, bán số ngoại tệ đó ở đâu, trong khi tại Việt Nam tồn tại cả hệ thống mua bán chính thức và chợ đen. Việc giao dịch ngoại tệ ngoài hệ thống bị cấm có thể hiểu và chấp nhận. Song tỷ giá mua từ hệ thống chính thức luôn thấp hơn nhiều và khi bán giá vừa cao hơn vừa nhiêu khê rắc rối. Như thế, dân chúng phải chấp nhận thiệt thòi khi giao dịch ngoại tệ, một số người đành chấp nhận rủi ro cao khi giao dịch ngoại tệ ngoài chợ đen để đỡ rắc rối. Lẽ ra chỉ nên dựa theo Luật để phạt, không nên tịch thu và “răn đe” như thế.
Theo nhiều số liệu chính thức được công bố thì trong năm nay, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam có thời điểm chỉ còn tương đương số tiền cần cho 2 tháng để nhập hàng, nhà nước đang “khát ngoại tệ” một cách khủng khiếp. Có phải vì quá khát ngoại tệ, nhà nước đã dùng những biện pháp “bá đạo” như trên đối với người dân? Còn một điều khá rõ nữa từ hai vụ trên: Ngân hàng Eximbank (và có thể nhiều ngân hàng nhà nước khác) sẵn sàng “bán đứng” khách hàng của mình khi họ giao dịch với số ngoại tệ lớn vì với hàng triệu giao dịch ngoại tệ qua ngân hàng mỗi ngày, công an làm sao có thể bắt quả tang nhân dân đang phạm luật, nếu không phải từ những “cặp mắt rình mò” của chính ngân hàng mà họ đã tin tưởng?
Quả là giao trứng cho ác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét