Pages

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Kim Jong-il: lãnh tụ kính yêu hay bạo chúa?

Người dân cúi đầu than khóc trước ảnh của Kim Jong-il và cha ông
Kim Jong-il để lại một đất nước nghèo đói và
lạc hậu cho những người đang than khóc ông
BBC tổng hợp các bài viết của các hãng thông tấn AFP và Reuters về di sản của Kim Jong-il để lại cho Bắc Hàn và tương lai của đất nước này nhân quốc tang của Kim Jong-il vào ngày 28/12.
Bị phương Tây chê cười và được người dân Bắc Hàn sợ hãi, Kim Jong-il đã cai trị đất nước này với bàn tay sắt trong suốt 17 năm với các nhà tù, chiến dịch tuyên truyền và những điều huyền bí lạ lùng mà vẫn tiếp tục được loan truyền sau khi ông ta chết.

Không giống như những hình ảnh châm biếm mà phương Tây mô tả ông như một tay chơi lập dị, ‘lãnh tụ kính yêu’ là một nhà cai trị tàn bạo và lão luyện về mặt chính trị – người cai trị một đất nước bị tàn phá bởi nạn đói và tuṭ hậu về kinh tế nhưng vẫn có tiền để phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Hàng trăm nghìn người dân của ông đã chết trong nạn đói khủng khiếp trong những năm 1990 và tình trạng thiếu lương thực trầm trọng vẫn tiếp diễn ở đất nước này.
Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc Unicef ước tính một phần ba trẻ em Bắc Hàn bị thiếu dinh dưỡng.
Theo sách sử chính thống của Bắc Hàn, Kim Jong-il được sinh vào năm 1942 trên đỉnh núi Paekdu, một ngọn núi linh thiêng đối với dân tộc Triều Tiên.
Tuy nhân, các sử gia độc lập cho rằng nơi sinh của ông thật ra là một trại du kích ở Nga nơi cha ông đang chiến đấu chống lại quân Nhật đang cai trị bán đảo Triều Tiên.
Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1964, Kim Jong-il bắt đầu leo lên các vị trí cao cấp trong Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền.
Ông được chỉ định làm người kế vị vào năm 1980 nhưng không nắm quyền chính thức cho đến năm 1994 khi cha ông là Kim Il-sung qua đời.

Đề tài châm biếm

Những người đã từng đến Bắc Hàn và những người Triều Tiên bỏ chạy khỏi đất nước mô tả ông là một tay chơi thích tu rượu cognac và rất thích điện ảnh phương tây, thức ăn ngon và phụ nữ.
Ông được tin có một bộ sưu tập 20.000 phim Hollywood và là người lên kế hoạch bắt cóc một đạo diễn Hàn Quốc và bạn gái ông này vào năm 1978.
Kim Jong-il là đề tài để phương tây châm biếm và chế nhạo và ông từng bị đả kích trong bộ phim hoạt hình hình nộm của Mỹ vào năm 2004 có tựa đề là ‘Team America’.
Nhưng ẩn sau những hình ảnh bên ngoài màu mè của ông với cặp kính đen to đùng là một quá khứ đen tối.
Kim Jong-il được cho là có vai trò trong việc lên kế hoạch vụ nổ bom vào năm 1983 ở Miến Điện giết chết 17 người Hàn Quốc cũng như vụ đánh bom một máy bay của hãng hàng không Korean Air vào năm 1987 làm chết toàn bộ 115 người trên máy bay.
Chế độ của ông ta đàn áp những người bất đồng và mở rộng hệ thống tù chính trị để giam giữ khoảng 200.000 tù nhân, theo tổ chức Ân xá quốc tế.
Sau khi chính thức lên nắm quyền, Kim Jong-il đã thúc đẩy Bắc Hàn tham gia vào thế giới bên ngoài với đỉnh điểm là hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử vào tháng 6 năm 2000 ở Bình Nhưỡng với Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Kim Dae-Jung.
Cùng năm đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi đó là bà Madeleine Albright đã đến thăm Bình Nhưỡng.

Quyết định sai lầm

Kim Jong-il thời trẻ
Thời kỳ cai trị của Kim Jong-il được đánh dấu bằng nạn đói khủng khiếp và tham vọng hạt nhân
Cả ông Kim Dae-Jung và bà Madeleine Albright đều mô tả ông là một nhà chính trị khôn ngoan. Riêng cựu Ngoại trưởng Albright còn cho là ông nắm tình hình rất tốt và ‘không ảo tưởng’.
Tuy nhiên quan hệ với phương Tây đã căng thẳng trở lại sau khi hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân mà Bắc Hàn ký với Hoa Kỳ vào năm 2002 tan vỡ. Năm 2009, Bắc Hàn từ bỏ các vòng đàm phán sáu bên và quyết tâm củng cố kho vũ khí hạt nhân của mình.
Bất chấp những dự đoán lan rộng rằng chế độ của ông sẽ sụp đổ, Kim Jong-il vẫn duy trì được sự cai trị của mình trong khi nền kinh tế chỉ huy của quốc gia cộng sản này suy tàn với những mâu thuẫn nội tại của nó và viện trợ của Liên Xô chấm dứt vào đầu những năm 1990.
Ông ta bị đột quỵ vào tháng 8 năm 2008. Một số nguồn tin cho rằng ông ta còn bị suy thận, tiểu đường̀ và cao huyết áp.
Các nhà phân tích cho rằng việc ra quyết định của ông ngày càng trở nên sai lầm vì hậu quả của cơn đột quỵ hay là vì ông muốn củng cố uy tín của người con trai thứ ba của ông, Kim Jong-un, như là người kế vị.
Trong số những sai lầm này có vụ tấn công một tàu chiến Hàn Quốc bằng thủy lôi vào năm 2010. Vụ đánh chìm tàu này, vốn Seoul và Washington buộc tội Bình Nhưỡng là thủ phạm, đã khiến Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn cũng như các biện pháp trả đũa từ Seoul.

‘Hùng cường và thịnh vượng’

Những năm tiếp theo sẽ đánh dấu giai đoạn mà Bắc Hàn tuyên bố sẽ chuyển thành một quốc gia ‘hùng cường và thịnh vượng’. Tuy nhiên đất nước này đang đối mặt với một cuộc chuyển giao nguy hiểm cho một lãnh đạo trẻ tuổi và không có kinh nghiệm vào một thời điểm mà các chế độ độc tài khắp thế giới đều sụp đổ.
Sự long trọng, sự phô trương sức mạnh quân sự và dân chúng than khóc tại tang lễ Kim Jong-il sẽ lặp lại những gì đã xảy ra trong tang lễ Kim Nhật Thành vào năm 1994.
Tương tự, cũng sẽ chẳng có thay đổi gì nhiều ở một quốc gia đang diễn ra một tình trạng mà nhiều nhà phân tích gọi là ‘Cuộc Trường chinh lùi’ trong hơn 20 năm qua.
Hùng cường thì có thể – Bắc Hàn được sự chống lưng của nước láng giềng Trung Quốc và đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và có tham vọng trở thành một cường quốc hạt nhân với một quân đội có đến 1,2 triệu quân – nhưng thịnh vượng thì không.
Trung bình người Bắc Hàn hiện nay chết sớm hơn 3 năm rưỡi so với khi hồi ‘Chủ tịch vĩnh viễn’ Kim Il-sung qua đời, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc.
Bắc Triều Tiên là một trong số các quốc gia khép kín nhất và nghèo khổ nhất trên thế giới – xếp hạng 194 trong tổng số 227 nước về thu nhập bình quân đầu người, theo số liệu của CIA.

Hy vọng ít ỏi

Thi thể Kim Jong-il trong quan tài kính
Kim Jong-il ra đi sau 17 năm nắm quyền tuyệt đối ở Bắc Triều Tiên
Liên Hiệp Quốc, vốn đang có một chương trình viện trợ cho nước này trong giai đoạn 2011-2015, nói rằng thách thức chủ yếu hiện nay của Bắc Hàn là ‘khôi phục nền kinh tế đến mức độ mà nước này đã đạt được vào trước những năm 1990’ và làm giảm nạn thiếu lương thực cho 1/3 trong tổng số 25 triệu người dân nước này.
Những dấu hiệu chuyển giao quyền lực kể từ khi Kim Jong-il qua đời vào ngày 17/12 cho thấy chính sách cứng rắn ‘quân sự trước tiên’ vẫn sẽ tiếp tục được duy trì và sẽ làm cho đất nước này lâm vào cảnh khó khăn hơn.
“Cho đến giờ, có ít lý do để mong đợi những thay đổi trong chính sách vì cơ cấu lãnh đạo về cơ bản vẫn giống hệt như trước,” Scott Snyder, một học giả chuyên về Triều Tiên ở Hội đồng Quan hệ đối ngoại, một cơ quan chiến lược của Mỹ, phân tích.
“Triển vọng về ổn định là không tốt, bởi vì sự kế vị của Kim Jong-un là rất khác so với Kim Jong-il,” ông nói.
Trong năm nay, các nhóm bất đồng chính kiến có trụ sở ở Nam Hàn, đã dẫn lời những người tị nạn ở Bắc Hàn và các doanh nhân Trung Quốc cho biết Kim Jong-un có liên hệ với sự trấn áp các hoạt động kinh doanh cũng như có chính sách khắc nghiệt hơn đối với những người bỏ chạy khỏi Bắc Hàn.
Những thông tin này không thể được kiểm chứng độc lập, nhưng một lần nữa cho thấy sự đàn áp mạnh tay hơn là khả năng dễ xảy ra hơn so với mở cửa kinh tế dưới thời kỳ của Kim Jong-un.
Nếu thế thì 200.000 người dân Triều Tiên mà tổ chức Ân xá quốc tế cho biết đang bị giam cầm trong các trại lao động cưỡng bức và phải chịu các hình thức tra tấn, đói khát và thậm chí hành quyết sẽ có ít cơ hội.
“Có thể sẽ có sự thanh lọc chính trị và bỏ tù, và tình trạng này có thể tiếp diễn trong một thời gian dài,” Pak Sang-hak, người đứng đầu một tổ chức hỗ trợ những người đào tẩu ở Seoul và bản thân là một người đào tẩu, nhận xét.
“Đó là vì sự bất ổn tương đối trong thời kỳ Kim Jong-un vừa lên nắm quyền. Có thể sẽ có đàn áp như là một cách thiết lập kỷ luật và làm cho người ta sợ hãi,” ông nói.

Không có nhận xét nào: