“… Như vậy, tròn một năm từ khi đưa vào sử dụng, hai công trình “thiên niên kỷ” đã hư hỏng. Mắt thường cũng thấy bậc đá, đài phun nước… trong Công viên Hòa Bình đã vỡ, hỏng, dù đây là công trình được đầu tư vốn khá cao: hơn 280 tỉ đồng. Còn tại Bảo tàng Hà Nội, công trình có mức đầu tư tới… 2.800 tỉ đồng thì phát hiện nền nhà bong tróc, trần nhà thấm dột!”
Cuối tuần rồi người Hà Nội và các quan chức Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã trịnh trọng tung hoa mừng “đại thọ” cho Nhà hát lớn Hà Nội, một công trình vượt mọi thăng trầm của lịch sử.
Ông bộ trưởng nhấn mạnh: “Trong suốt một thế kỷ qua, Nhà hát lớn Hà Nội tồn tại như một biểu tượng về không gian kiến trúc và lịch sử văn hóa”…
Cũng cuối tuần rồi, Sở Xây dựng Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội về kết quả kiểm tra công tác bảo hành các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Qua kiểm tra 12 dự án, Sở phát hiện có một số dự án xuất hiện những khiếm khuyết trong thời gian bảo hành như công trình bị thấm dột; gạch lát nền nhà, bậc tam cấp bị nứt, tách; một số thiết bị vệ sinh, điện, hệ thống cửa, vách kính… cần thay thế. Ngoài ra, một số công trình trong quá trình khai thác đã phát sinh nhiều vấn đề bất hợp lý về công năng sử dụng, như hệ thống cung cấp điện, nước, thông gió, trang thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu. Trong số các dự án này có hai dự án được Sở đặc biệt “chăm sóc” là Bảo tàng Hà Nội và Công viên Hòa Bình, bởi đây là hai công trình có số vốn đầu tư lớn, sớm… xuống cấp và đã từng được Bộ Xây dựng thanh tra!
Như vậy, tròn một năm từ khi đưa vào sử dụng, hai công trình “thiên niên kỷ” đã hư hỏng. Mắt thường cũng thấy bậc đá, đài phun nước… trong Công viên Hòa Bình đã vỡ, hỏng, dù đây là công trình được đầu tư vốn khá cao: hơn 280 tỉ đồng. Còn tại Bảo tàng Hà Nội, công trình có mức đầu tư tới… 2.800 tỉ đồng thì phát hiện nền nhà bong tróc, trần nhà thấm dột!.
Nhà hát lớn Hà Nội với tuổi thọ trăm năm là công trình được hai kiến trúc sư Broyer và Harvy (Pháp) thiết kế, xây dựng chỉ với kinh phí 2 triệu franc! Dĩ nhiên không có sự so sánh nào là hoàn hảo, song những người yêu Hà Nội không thể không liên tưởng về chúng bởi Nhà hát lớn và các công trình “1.000 năm” đều là công trình xây dựng nhân tạo tại cùng một vùng đất, chịu chung một hình thái khí hậu và có chung chức năng, đối tượng phục vụ. Vì thế sự sớm xuống cấp cùng sự kém thẩm mỹ và kém tiện dụng công năng của các công trình “thiên niên kỷ” sẽ trở thành sự nhạo báng trình độ và sự hổ thẹn danh dự của những người thiết kế, thi công, giám sát công trình khi cùng ngước nhìn sự lịch lãm trường tồn của Nhà hát lớn.
Một năm, 100 năm và 1.000 năm, có nhiều công trình là niềm kiêu hãnh thì cũng có nhiều nỗi đắng cay!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét