Pages

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Năm 2011 – Mỹ trở lại châu Á một cách ấn tượng và toàn diện

Nguyễn Ngọc Trường
(Toquoc)-Mỹ trở lại châu Á về quân sự, ngoại giao và kinh tế một cách ấn tượng – đặc trưng điều chỉnh chiến lược toàn cầu Mỹ, tác động mạnh tới châu Á.
Trong chuyến thăm châu Á 9 ngày tháng 11 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gây ấn tượng mạnh mẽ về quyết tâm tái can dự của Mỹ vào châu Á-Thái Bình Dương. Một lần nữa, nó khẳng định ông Obama quyết tâm trở thành “tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên” của Hoa Kỳ.
Nhìn từ một số góc độ, các điều chỉnh chiến lược của Mỹ lần này có nội dung quan trọng, bộc lộ mấy điểm chính:
Tăng cường hiện diện quân sự
Trong bài diễn văn trước Quốc hội Australia, Tổng thống Obama đã công bố kế hoạch “Mỹ trở lại Tây Thái Bình Dương”. Những năm 1970, Mỹ duy trì sự hiện diện của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương, xem như vậy là đủ để duy trì thế lực và bảo vệ quyền lợi của Mỹ.

Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành lực lượng thách thức bá quyền của Mỹ ở Đông Á-Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc áp đặt chủ quyền tại Biển Đông, gây sức ép quân sự đối với các nước tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này. Căn cứ tàu ngầm Tam Á (Hải Nam) đã khẳng định tầm quan trọng chiến lược của nó đối với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trung Quốc đẩy mạnh hiện diện tại các vùng biển xung quanh Nhật Bản, chặn tàu chiến của hải quân Mỹ thăm dò đáy biển trong hải phận quốc tế thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc… Những vụ việc này đẩy nhanh quá trình can dự của Mỹ.
http://www.toquoc.gov.vn/Portals/16/Attachments/37690___news__anh4_1.jpg
Năm 2011 nở rộ các cơ chế tham vấn Mỹ-Trung từ Thượng đỉnh tới cấp làm việc
Tại Canberra, Barack Obama làm sống lại Hiệp ước ANZUS giữa Australia-New Zealand- Mỹ, ký năm 1951 tại San Francisco với tuyên bố Mỹ sẽ triển khai 2500 quân đến đóng tại Darwin, một thành phố ở cực bắc Australia. Kế hoạch này phối hợp với việc chuyển quân Mỹ tại Okinawa tới Guam và Australia nhằm mở rộng lực lượng hải quân Mỹ để không tập trung quá đông tại một điểm dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của quân lực Trung Quốc trong trường hợp nổ ra chiến sự. Mặt khác, một chương trình chuyển quân từng bước sẽ tăng thế mặc cả của Mỹ trong tương lai.
Hiện nay,Mỹ duy trì hơn 40.000 quân tại Nhật Bản, 28.500 quân tại Hàn Quốc, gần 13.000 trên các chiến hạm ngoài khơi, nhưng phía Nam Thái Bình Dương vẫn còn trống. Sự hiện diện tại Darwin vừa thỏa thuận là nhằm bịt kín lỗ hổng này. Darwin nhìn ra một vùng biển theo chiều kim đồng hồ gồm Indonesia, Singapore (với hai eo biển chiến lược Sunda, Malacca), Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, vòng xuống qua đảo Guam, trở về Papua Niu Ghinê. Trung tâm vùng biển là Philippines và quần đảo Trường Sa nằm trên con đường huyết mạch từ Ấn Độ Dương vào Tây Thái Bình Dương. Các điểm trên đều nằm trong khoảng cách kiềm soát được từ căn cứ Darwin: Cách Indonesia 820 km, Malacca 3.500 km, Sunda 2.600 km và Trường Sa 4.500 km. Căn cứ Darwin là nơi tốt nhất để xuất phát các cuộc hành quân trong trường hợp cần bảo vệ các cứ điểm trên. So với các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc thì Darwin gần Đông Nam Á hơn.
Một nguồn tin trên trang mạng của báo Washington Post cho biết hải quân Mỹ đang kín đáo thành lập căn cứ các tàu chiến tại Singapore, cạnh các vùng nước tranh chấp thuộc Biển Đông. Đàm phán về thỏa thuận này đang trong giai đoạn cuối cùng nhằm đặt một số tàu chiến đấu mới của Mỹ tại vùng duyên hải, chuyên hoạt động trong vùng biển nông, tại căn cứ hải quân Changi của Singapore.
Đối với phía Đông Trung Quốc, tại Hàn Quốc, Mỹ cũng đã chuyển trụ sở và các đơn vị chiến đấu tới cơ sở quân sự mới tại Pyeongtaek, cách Rongcheng – thành phố phía Đông Trung Quốc, khoảng 340 km. Việc thay đổi này dự kiến sẽ được hoàn tất vào năm 2016 và sẽ biến Pyeongtaek trở thành trung tâm quân sự chính của Mỹ tại Hàn Quốc, đồng thời là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại nước ngoài với tổng diện tích là 14,6 km2 và là nơi quân đồn trú của Mỹ lên tới 44.000 binh sĩ.
Đồng thời, một kế hoạch được công bố mới đây về việc điều chuyển 8000 lính hải quân Mỹ trong đó có cả lực lượng chiến đấu từ Okinawa, một đảo ở phía Tây Nam Nhật Bản sang Guam.
Mỹ củng cố Guam thành căn cứ quân sự tiền tiêu hiện đại nhất của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Căn cứ này còn gần các điểm xung đột tiềm tàng ở Đông Á hơn cả Darwin. Thế trận như vậy đã được củng cố. Mục tiêu trước mắt của Mỹ là bảo vệ “tự do hàng hải” trên Biển Đông, bao gồm cả việc thu thập thông tin quân sự.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc lập tức khẳng định rằng, bất cứ biện pháp nào nhằm tăng cường và mở rộng đồng minh quân sự đều là sự thể hiện của tư duy chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, một số nhà phân tích Trung Quốc lại cho rằng việc tái triển khai lực lượng Mỹ có phải nhằm vào Trung Quốc như một địch thủ hay không, vẫn là điều còn tranh cãi. Có người cho rằng điều chỉnh lần này là cách để tăng cường ảnh hưởng của Washington tại khu vực hơn là nhằm mục tiêu cụ thể vào Trung Quốc.
Điều có thể chắc chắn là việc Mỹ đang đẩy nhanh điều chỉnh triển khai quân sự nhằm tăng cường cam kết của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. Chiến lược này có nghĩa là Mỹ phải bảo đảm với các đồng minh châu Á về cam kết an ninh của Mỹ. Đồng thời Mỹ cũng phải thu về nhiều lợi ích kinh tế hơn. Hiện nay với sự suy giảm ảnh hưởng kinh tế, Mỹ phải phát huy thế mạnh quân sự như một công cụ chính sách để có thế mặc cả.
Đẩy mạnh tiến công ngoại giao
Tổng thống Mỹ đã tận dụng mọi cơ hội trong chuyến thăm châu Á vừa rồi để nói với các nước rằng Washington là một chỗ dựa đáng tin cậy trong bàn cờ chính trị nước lớn ở khu vực đang bộc lộ rõ sự phân cực ngày càng sâu sắc.
Dưới sự lãnh đạo của Hillary Clinton, ngành ngoại giao Hoa Kỳ đã thể hiện tính chủ động tiến công, trong đó tích cực chuyển hướng chính sách đối ngoại sang châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ đã kích hoạt một chuỗi phản ứng dây chuyền, đồng thời lợi dụng khá triệt để những hệ quả tiêu cực do chủ trương và hành xử nhiều khi thô bạo của giới quân sự Trung Quốc gây ra trong quan hệ với các nước láng giềng khu vực để trở lại châu Á-Thái Bình Dương một cách thuận lợi.
Năm 2009, Mỹ thay đổi cách tiếp cận, đề ra chủ trương “trở lại Đông Nam Á” với việc ký kết Hiệp ước hợp tác hữu nghị với ASEAN. Năm 2010, Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông. Năm 2011 đánh dấu việc Mỹ trở lại châu Á-Thái Bình Dương một cách toàn diện.
Biển Đông là bước đột phá nổi bật nhất của chính sách Mỹ hai năm qua. Từ Biển Đông mà can dự vào Đông Nam Á và trở lại Tây Thái Bình Dương.
http://www.toquoc.gov.vn/Portals/16/Attachments/37690___news__AnhMy-PLP_taptran2011.jpg
Biển Đông – đột phá quan trọng trong chủ trương “trở lại châu Á”: Thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines tập trận 2011 tái chiếm đảo
Một nội dung quan trọng thứ hai là hình thành các liên minh phòng ngừa giữa các nước lớn. Mỹ-Nhật-Ấn lần đầu tiên thỏa thuận gặp nhau tại Washington để thảo luận một loạt vấn đề khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Với sự khuyến khích của Mỹ, các cặp quan hệ song phương và tay ba giữa các nước Nhật Bản, Ấn Độ và Australia cũng từng bước hình thành, tạo nên một cục diện mới đối trọng với các nỗ lực tích cực và toàn diện mà Trung Quốc triển khai trong thập kỷ vừa rồi, nhất là từ sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu làm suy yếu Mỹ, Nhật Bản và các nước phương Tây khác.
Còn có thể thấymột điểm nổi bật khác qua sự kiện còn mang tính thời sự nóng hổi, đó là cuộc đi thăm Myanmar của Ngoại trưởng Hillary Clinton. Nó đánh dấu sự trở lại cuộc chơi của phương Tây kể từ vụ trấn áp các lực lượng đối lập của giới quân sự Myanmar năm 1988. Cuối cùng Mỹ đã tìm được những sự lựa chọn khác. Chính quyền Myanmar đã mang lại cho Mỹ cơ hội trở lại nước này. Tại Myanmar, Ngoại trưởng Mỹ đã đánh bài ngửa: hãy thực hiện các cuộc cải cách và dân chủ hóa, phương Tây sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cấm vận.
Đồng thời, năm 2011 nở rộ các cơ chế Mỹ-Trung từ gặp gỡ Thượng đỉnh Washington và thượng đỉnh bên lề các diễn đàn đa phương APEC, G-20, EAS, cấp cao chiến lược và kinh tế, tới tham vấn cấp làm việc phòng ngừa sự cố rủi ro trên biển… Hợp tác Mỹ-Trung vẫn là ưu tiên trong các ưu tiên, pha trộn hợp tác và cạnh tranh, phòng ngừa đối địch… Các phối hợp quốc tế Mỹ-Trung bề ngoài thì trôi chảy, bên trong thì thận trọng. Về đối nội, không ít vấn đề bị chính trị hóa…
Can dự kinh tế và chuẩn bị cấu trúc quyền lực mới do Mỹ lãnh đạo
Mỹ trở lại châu Á lần này theo kiểu “nhà giàu thiếu tiền”. Ngoài tái bố trí quân sự, biện pháp chủ yếu là phát huy chủ nghĩa đa phương, chia sẻ trách nhiệm với đồng minh, củng cố đồng minh truyền thống, thiết lập các đối tác mới. Mục tiêu can dự kinh tế là hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế Mỹ, đồng thời chuẩn bị sân chơi mới, cấu trúc quyền lực kinh tế mới trong thế kỷ 21.
Đối tượng của toàn bộ các quá trình can dự quân sự, ngoại giao và kinh tế tại khu vực rộng lớn này là Trung Quốc. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Mỹ đang đặt nền móng cho một cấu trúc quyền lực mới, đối phó với Trung Quốc hoặc bao gồm Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định việc thúc đẩy TPP là trọng điểm của chiến lược trở lại châu Á của Mỹ. Tại Diễn đàn APEC vừa qua ở Hawaii, Mỹ đã tích cực thúc đẩy đàm phán Hiệp định hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một số học giả Trung Quốc cho rằng Mỹ đang ý đồ tiến hành chiến tranh lạnh kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương nhằm vào Trung Quốc.
Mỹ lấy TPP làm đột phá khẩu, thiết lập hệ thống hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, từ đó sẽ dựng nên “khu mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương” do Mỹ chủ đạo, tiến tới giành lấy ưu thế chiến lược toàn cầu. Mỹ một mặt không muốn bỏ qua cơ hội phát triển kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời dự định thông qua việc xây dựng khối kinh tế thương mại mới này để tiếp tục chủ đạo sự thay đổi cục diện chính trị, kinh tế trong tương lai trong thế kỷ 21, chí ít là trong thời kỳ “hậu khủng hoảng” kinh tế tài chính toàn cầu.
Cuộc chơi mới này không chỉ có Mỹ. Cũng không chỉ có Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh quyền chủ đạo. Còn có Ấn Độ, Nhật Bản, Nga. Còn có ASEAN, Australia và các nước lớn hoặc nước cỡ vừa khác. Có nhiều kịch bản với vô số hệ quả./.
http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Y-Kien-Binh-Luan/Nam-2011-My-Tro-Lai-Chau-A-Mot-Cach-An-Tuong-Va-Toan-Dien.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét