Pages

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Những nhà bất đồng chính kiến nổi bật năm 2011

AFP PHOTO
Công an áp giải TS Cù Huy Hà Vũ đến
 tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sáng
 ngày 4-4-2011.
Định Nguyên, thông tín viên RFA

“Bất Đồng Chính Kiến” là một thuật ngữ chỉ danh cho những người đưa ra phân tích, phản biện những chính sách của đảng không thật sự phù hợp với hiện tình đất nước, dưới hình thức ôn hòa.

Nhưng họ lại bị quy kết “tuyên truyền chống phá nhà nước”, “âm mưu lật đổ chính quyền”, để rồi bị bắt, bị kết án. Định Nguyên lược thuật những bản án nổi bật trong năm 2011 như sau.

Một sức ép đầy uy lực

Trước hết, xin đề cập tới vụ án Của TS luật Cù Huy Hà Vũ. Đây là một vụ án, mà theo LS Trần Lâm, nguyên thẩm phán tòa án tối cao, cho rằng:“Vụ việc trở nên càng căng thẳng hơn khi phong trào trong và ngoài nước ủng hộ ông Vũ mạnh mẽ chưa từng thấy, như một sức ép đầy uy lực.”


Có một số lý do khiến cho vụ án của TS Hà Vũ trở thành một vụ án quan trọng nhất trong hàng ngũ những nhà bất đồng chính kiến bị kết án trong lịch sử đương đại của Việt Nam.Thứ nhất, Cù Huy Hà Vũ thuộc dòng dõi thế gia khai quốc công thần của triều đại Hồ Chí Minh. Thứ hai, gia đình ông Vũ quyết liệt đấu tranh với chính quyền trong nước cũng như tranh thủ dư luận quốc tế để đòi trả tự do cho ông. Đặc biệt là vợ ông, LS Nguyễn Thị Dương Hà và em gái ông, bà Cù Thị Xuân Bích.
Quy luật của đấu tranh, bất kỳ một cuộc đấu tranh nào cũng có sự hy sinh. Những con người uy tín như vậy họ đã dám lên tiếng và hy sinh.
LS Lê Thị Công Nhân
Thêm nữa, lần đầu tiên các luật sư biện hộ cho ông yêu cầu phải có mặt của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại phiên tòa với tư cách đại diện cho “nạn Nhân”và là “nguyên đơn” của vụ án. Cuối cùng là sự ủng hộ rộng rãi của mọi giai tầng xã hội. Vào ngày 25 tháng Giêng năm 2011, đài RFA gửi một lá thư đến Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị “ông Hà Vũ phải được thả ngay lập tức, và cáo buộc dành cho ông phải bị hủy bỏ, và ông Hà Vũ phải được phép bày tỏ chính kiến của mình mà không bị can thiệp trong tương lai.” Cũng nên nhắc lại vụ “Khách sạn Mạch Lâm” mà nhà nước Việt Nam dàn dựng nhằm triệt hạ uy tín của ông là “cú đánh bẩn” khó quên đối với dư luận.
Ông bị xếp loại thành phần “đối đầu với đảng và nhà nước” kể từ cái nhìn của ông về công cuộc “giải phóng miền nam”, kết thúc vào ngày 30/4/1975, khi ông trả lời phỏng vấn của đài VOA, Hoa Kỳ: “Tuy nhiên tại thời điểm hiện nay thì quan niệm đó chắc chắn không chỉ là lỗi thời mà còn là phản động theo đúng nghĩa đen của từ này vì ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã công khai đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.” Đến đỉnh điểm là kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vi phạm pháp luật khi cho Trung Quốc khai thác bô xít ở Tây Nguyên.
Nhưng trên hết là trái tim của ông dành cho quê hương và dân tộc. Qua những bài viết ông cho thấy: Việt Nam, về nội hướng, một xã hội đang dần băng hoại do luật pháp bị sử dụng một cách tùy tiện phục vụ cho mưu đồ cai trị hơn là phát triển đất nước; về ngoại hướng, “những thế lực thù địch đang âm mưu diễn biến hòa bình” lãnh thổ và biển đảo của quốc gia.
Cù Huy Hà Vũ bị bắt ngày 05/11/2010. Ngày 04/4/2011, TS Vũ bị kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế. Ông thản nhiên nhìn bản án mà chính quyền gông vào cổ ông như là “cuộc đối đầu chính trị giữa 2 bên, một bên là Đảng Cộng Sản Việt Nam mà ông cho là "chậm trễ như thể cố tình cưỡng lại việc thực hiện một Nhà nước Việt Nam pháp quyền", và bên kia là "Cù Huy Hà Vũ như một tiếng nói đại diện cho tất cả những tiếng nói đòi xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền."
Nhận định về TS luật Cù Huy Hà Vũ, TS Nguyễn Thanh Giang cho đó là một con người thật sự dũng cảm. Ông nói:
“LS Cù Huy Hà Vũ là một trong những người dũng cảm nhất. Ông đã nói được những vấn đề lớn. Ông khuyên đảng, nhà nước hãy chống tham nhũng một cách có hiệu quả. Ông khuyên là phải có thái độ đúng mực đối với sự xâm lấn của Trung Quốc để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải của đất nước. Và, đặc biệt ông rất phản ứng với chuyện đưa Trung Quốc vào khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Như vậy không chỉ là tàn hại về kinh tế, phá hoại môi trường mà đặc biệt nghiêm trọng vì chỗ ấy là vị trí chiến lược có thể dẫn đến mất nước. Ông có cái tầm lớn và thật sự dũng cảm.”

Những bản án khắc nghiệt


hung-hanh250.jpg
Bức tranh chân dung Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng của Họa sĩ Trần Lân. Courtesy Họa sĩ Trần Lân.
Trường hợp Đỗ Thị Minh Hạnh là trường hợp khá đặc biệt. Chị xuất thân từ gia đình có công với cách mạng. Khi chị bị bắt, gia đình dựa vào quan hệ này cố xoay trở để giảm án cho chị. Nhưng chị đã khẳng khái từ chối. Chị cho rằng: “Má lấy thành tích cách mạng của gia đình để được hưởng những quyền lợi, để được giảm án, chính là điều làm sỉ nhục đối với con, vô tình làm nhục con.”

Từ xuất phát điểm này, chị trở thành nhà bất đồng chính kiến khi tuổi đời còn rất trẻ.
Năm 20 mươi tuổi bị bắt giam ở Hà Nội vì tội giúp đỡ dân oan kêu cứu. Năm 22 tuổi, chị tham gia giúp đỡ, hướng dẫn phong trào công nhân đình công tranh đấu với giới chủ ở nhiều xí nghiệp công ty. Năm 24 tuổi cố bí mật vượt đường bộ qua Căm Bốt, Thái Lan để đến Mã Lai tham dự Đại Hội kỳ 2 của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động VN. Đặc biệt chị là thành viên của Ủy Ban Hành Động Vì Dân Chủ Việt Nam với bí danh Hải Yến trên cương vị phát ngôn viên.
Nhưng thành tích nổi bật nhất làm cho chị trở thành “bị cáo” là vụ đình công của công nhân công ty giày Mỹ Phong tại Trà Vinh. Nhận được lời kêu cứu từ công nhân chị và hai người bạn, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, len lỏi vào cơ xưởng công ty, vận động công nhân đình công để phản đối giới chủ ăn chận tiền lương và tiền thưởng tết vào tháng 1/2010. Cuộc đình công kèo dài một tuần và kết thúc thành công. Điều quan trọng, lần đầu tiên vấn đề tổ chức công đoàn đòi hỏi phải thuộc về công nhân. Điều 6 trên tờ truyền đơn kêu gọi đình công, nhóm của chị nêu rõ: “Công đoàn công ty phải do chúng tôi bầu ra và chúng tôi sẽ trả lương bằng công đoàn phí đóng hằng tháng. Công đoàn phí phải do chúng tôi bầu ra và nắm giữ.”
Má lấy thành tích cách mạng của gia đình để được hưởng những quyền lợi, để được giảm án, chính là điều làm sỉ nhục đối với con, vô tình làm nhục con.
Đỗ Thị Minh Hạnh
Một bản án khắc nghiệt đã áp lên đầu ba người: Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm; Đỗ thị Mỹ Hạnh 7 năm và Đoàn Huy Chương (tức Nguyễn Tấn Hoành), chủ tịch Hiệp Hội Công Nông, người đã từng bị ở tù 18 tháng vào năm 2006 về tội rải truyền đơn, nay bị kêu án 7 năm.
Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất trong những khuôn mặt bất đồng chính kiến là nhà báo Nguyễn Văn Hải, tức Blogger Điếu Cày. Ông là sáng lập viên và thành viên chủ chốt của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do và trang web Dân Báo. Nơi quy tụ những người có tâm huyết với đất nước, đặc biệt là những hoạt động chống đối sự bành trướng gây hấn của Trung Quốc đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam.Ngày 19/4/2008, ông Nguyễn Văn Hải bị bắt tại thành phố Đà Lạt mà lý do ai cũng biết là tham gia biểu tình chống Trung Quốc nhưng bản án cho ông lại quy vào tội trốn thuế.
Điều đáng nói là sau khi mãn án ông vẫn bị bí mật giam giữ. Vợ ông là bà Dương Thị Tân đã gõ cửa mọi cơ quan hữu trách, không một ai trả lời, không một ai cho bà biết điều tối thiểu là sức khỏe của ông Điếu Cày hiện nay như thế nào, khi có tin ông bị mất một tay? Bà Tân cho biết tình trạng hiện nay của ông Điếu Cày như sau:
“Vẫn như trước, họ né tránh mọi câu hỏi của tôi và họ không có một văn bản trả lời chính thức nào cả. Họ nói chị muốn gì thì về làm đơn. Thực sự thì đơn của tôi đã quá nhiều, tôi bảo bây giờ tôi hỏi trực tiếp nếu anh không có quyền giải quyết thì cho tôi gặp lãnh đạo. Nhưng họ cũng không cho.”

dieu-cay-3rfa-305.jpg
Bà Dương Thị Tân và ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày) chụp năm 2004. File Photo.
Vụ án của Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức, là 2 trong nhóm 4 người bị nhà nước ghép vào tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” là vụ án gây nhiều tranh cãi nhất. Họ đều là những người thành danh và thành công trong xã hội về hai phương diện sở học và doanh nghiệp.

Bản án dành cho họ làm dư luận hết sức phẫn nộ. Trần Huỳnh Duy Thức là người bị kết án nặng nề nhất với 16 năm tù, 5 năm quản chế. LS Lê Công Định 5 năm tù và 3 năm quản chế.
Những ngày cuối năm 2011, nguồn tin từ gia đình luật sư Lê Công Định cho biết ông sẽ được phóng thích làm người ta hy vọng trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức có cơ may được xem xét lại.
Thân phụ ông đã gởi đơn đến các quan chức cấp cao của chính phủ, quốc hội và gần đây nhất thân phụ ông Thức đã gởi thư cho ông Obama, Tổng Thống Hoa Kỳ, với hy vọng con ông được đối xử bình đẳng như các người chung vụ hay ít ra phải giảm bớt mức án mà ai cũng thấy rằng vô lý.
Tình hình đàn áp những người đấu tranh không bao giờ chấm dứt tuy nhiên theo LS Lê Thị Công Nhân sự đấu tranh tất yếu sẽ thành công. Vấn đề là thời gian:
“Quy luật của đấu tranh, bất kỳ một cuộc đấu tranh nào cũng có sự hy sinh. Những con người uy tín như vậy họ đã dám lên tiếng và hy sinh, tôi nghĩ tương lai của phong trào đấu tranh cho dân chủ chắc chắn sẽ thắng lợi, và thắng lợi đó cũng sẽ đến sớm thôi. Đối với vận mệnh của cả một dân tộc với cả trăm triệu người thì đơn vị thời gian cũng sẽ lâu dài một chút.”
Trong năm 2011 còn rất nhiều nhà đấu tranh dân chủ nhân quyền vẫn còn trong vòng tù tội, như: LM Nguyễn Văn Lý, Lê Thăng Long, Phạm Minh Hoàng, Tạ Phong Tần, nguyên trung tá Trần Anh Kim..v..v. Chỉ mong sao ngày càng ít đi những nhà tranh đấu khi chính quyền Việt Nam hiều rõ xu thế tôn trọng quyền làm người và thực thi dân chủ là không thể cưỡng lại và từng bước thay đổi cách đối xử với những con người có lòng thiết tha với dân tộc đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét