Pages

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Quyết định đưa Bà Bùi Thị Minh Hằng vào cơ sở giáo dục là trái pháp luật

Quyết định đưa Bà Bùi Thị Minh Hằng vào cơ sở giáo dục là trái pháp luật
VRNs (12.12.2011) – Sài Gòn – Thời gian gần đây, cách đối phó của nhà cầm quyền Hà Nội đối với những người biểu tình là bắt đưa về các cơ sở xã hội. Những người biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà trên đường trở về nhà sau khi nộp đơn đòi Tu viện đã bị đưa về câu lưu tại trung tâm phục hồi nhân phẩm Lộc Hà, huyện Đông Anh. Bà Bùi Thị Minh Hằng vì biểu tình phản đối đàn áp người ủng hộ Quốc hội ra luật biểu tình đã bị bắt tại Sài Gòn ngày 27.11.2011 và bị câu lưu tại Cơ sở Giáo dục Thanh Hà, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian 24 tháng.
Luật pháp quy định về việc này như thế nào? Nhà cầm quyền Hà Nội có vi phạm pháp luật khi câu lưu những người này tại hai cơ sở trên không?
Mời quý độc giả xem bài phân tích sau đây dựa trên các qui định của pháp luật hiện hành.
———————–
Đọc các bản tin và sao chụp “Thông báo tiếp nhận người có Quyết định đưa vào Cơ sở Giáo dục” của Giám đốc Cơ sở Giáo dục Thanh Hà gởi Bùi Trung Nhân, nếu đúng thực, thì Bà Bùi Thị Minh Hằng đã bị đưa vào Cơ sở Giáo dục (“CSGD“) trái pháp luật.
1. Bà Bùi Thị Minh Hằng không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD:
a- Căn cứ Điều 84 và khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính: “Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài, tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài, vi phạm trật tự, an toàn xã hội có tính chất thường xuyên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định“.
Theo quy định Luật cư trú “Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú”… (Điều 1) và “nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú (khoản 1 Điều 12). Mỗi người chỉ được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại một nơi (khoản 4 Điều 4). Sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi thường trú của công dân (khoản 1 Điều 24) và Sổ hộ khẩu được cấp khi công dân đăng ký thường trú (Điều 18).
Xin lưu ý, người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú (khoản 1 Điều 23);
b- Cụ thể trong trường hợp Bà Minh Hằng, giả thiết Bà có hành vi như vi phạm trật tự, an toàn xã hội… nhưng Bà Hằng chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và có nơi cư trú nhất định thì không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.
Như các quy định tại Luật cư trú nêu trên, căn cứ Thông báo của cơ sở giáo dục Thanh Hà đề rõ: Trại viên Bùi Thị Minh Hằng… NĐKNKTT (nơi đăng ký nhân khẩu thường trú): 106 Lê Hồng Phong, phường 4, TP. Vũng Tàu – Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bà Bùi Thị Minh Hằng đã có nơi cư trú nhất định là 106 Lê Hồng Phong, phường 4, TP.Vũng Tàu, tức nơi đăng ký thường trú. Chính Nhà nước, trên thực tế, cũng công nhận nơi cư trú nhất định này của Bà Hằng khi gởi Thông báo về địa chỉ này cho Ông Bùi Trung Nhân – con Bà Hằng.
Như vậy, việc UBND TP. Hà Nội đưa Bà Bùi Thị Minh Hằng – người chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và có nơi cư trú nhất định – vào CSGD Thanh Hà là trái pháp luật.
2. Vi phạm trình tự, thủ tục thi hành Quyết định:
Giả thiết TP. Hà Nội đã thực hiện đầy đủ các thủ tục đưa Bà Hằng vào CSGD theo quy định tại mục 3 Chương VII Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính như: lập hồ sơ đề nghị, thẩm tra, xét xuyệt tại Hội đồng tư vấn và ra quyết định… thì trình tự thủ tục thi hành Quyết định 5225 ngày 8/11/2011 của UBND TP.HCM cũng không phù hợp pháp luật. Cụ thể:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 86 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính: “Quyết định đưa vào CSGD có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và phải được gửi ngay cho người bị đưa vào CSGD…”. Và khoản 1 Điều 88 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định “Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày ra Quyết định, cơ quan Công an cấp Tỉnh có trách nhiệm đưa người phải chấp hành quyết định vào CSGD”.
Như vậy, việc Quyết định 5225 được ký ngày 08/11/2011 (nếu đúng – vì chúng tôi không có Quyết định này) mà mãi đến ngày 28/11/2011 Bà Hằng mới được giao Quyết định và mới bị đưa vào CSGD Thanh Hà là không phù hợp pháp luật.
3. Khiếu nại, tố cáo:
Trong trường hợp này, căn cứ quy định tại Điều 118, 119 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Bà Bùi Thị Minh Hằng có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính về việc áp dụng biện pháp đưa vào CSGD của UBND TP Hà Nội. Và “mọi công dân có quyền tố cáo về hành vi trái pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính”.
Truyền thông Chúa Cứu Thế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét