Pages

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

So găng tại Miến Điện

Một Bàn Cờ mới của Siêu Cường?
Chuyến viếng thăm quan trọng của Hillary Clinton, nhưng liệu có đưa đến thay đổi thực sự hay không?
The Economist – PBD dịch

Đi dép và mặc longyi, chiếc sà rông truyền thống của Miến Điện, Tổng Thống Thein Sein đã đón tiếp ngoại trưởng Hillary Clinton đến dinh vàng tô điểm cầu kỳ của ông ta tại tân thủ đô Naypyidaw của Miến Điện vào ngày 1 Tháng Mười Hai. Tại đây đã bắt đầu chuyến viếng thăm đầu tiên của một viên chức cao cấp của Hoa Kỳ từ hơn 50 năm qua. Buổi tiếp xúc diễn ra trong vòng thân mật và ông Thein Sein sốt sắng giải thích cho bà Cliton biết cách thức ông đang cố biến đổi nước này từ một nước độc đảng nghèo nàn thành một nước tương đối khá hơn. Sau buổi thảo luận “mang tính cách làm việc” (theo cách diễn tả của phía Hoa Kỳ) là bữa ăn trưa sơ sài gồm có bào ngư hầm và tôm càng rang tiêu. Sau đó trong ngày bà Clinton đã đến Ngưỡng Quang (Yangon) để gặp gỡ lần đầu tiên với bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đảng Liên Đoàn Dân Chủ Quốc Gia (NLD) và trên thực tế cũng là lãnh tụ của phe đối lập chính trị. Đây là thời điểm quyết định của Miến Điện sau nhiều thập niên bị cô lập và bị Tây Phương áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Điều quan trọng nhất của chuyến viếng thăm này là nhằm tán thành một tiến trình cải tổ đã bắt đầu từ cách đây một năm, nhưng đã tăng nhanh dần từ Tháng Tám, khi chính bà Suu Kyi đến Naypyidaw để gặp ông Thein Sein lần đầu tiên. Tuy tổng thống nước này có vẻ thật lòng về nhu cầu cần phải cải tổ Miến Điện, nhưng chính việc bà Suu Kyi sẵn sàng chấp nhận các biện pháp cải tổ này là chân thật mới giúp cho nước này có tiến triển nhanh như vậy.
Mỗi bên đều cần lẫn nhau. Một mặt thì ông Thein Sein, mới lên cầm quyền hồi Tháng Ba, rất muốn được bà Suu Kyi ủng hộ để thuyết phục các chính phủ Tây Phương và những người nghi ngờ. Chỉ khi đó thì Miến Điện mới có thể sử dụng được hệ thống tài chánh thế giới. Về phương diện này thì bà Clinton có một món quà nhỏ cho ông Thein Sein, là các chuyến viếng thăm gồm nhiều thành phần của Ngân Hàng Thế Giới và IMF (Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế) để thẩm định nhiều nhu cầu kinh tế của Miến Điện. Đây là bước đầu.
Mặt khác, bà Suu Kyi cũng cần các biện pháp cải tổ của ông Thein Sein có hiệu quả để đưa đảng NLD trở lại chính trường. Sau khi tẩy chay các cuộc tổng tuyển cử hồi năm ngoái, nói rằng các cuộc bầu cử này gian lận, đảng NLD vừa mới ghi danh lại là một chính đảng và sẽ vận động tranh cử trong các cuộc bầu cử điền khuyết sắp tới đây. Chính bà Suu Kyi sẽ ra tranh cử vào một trong khoảng 40 ghế quốc hội này. Nếu các cuộc bầu cử này được xem là tự do và công bằng, thì đó sẽ là một mốc quan trọng nữa trong tiến trình cải tổ. Và nếu đảng NLD được nhiều phiếu trong kỳ tổng tuyển cử tới vào năm 2015 thì còn có thể nói đến việc đưa bà Suu Kyi lên làm tổng thống.
Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để bàn đến chuyện này. Bà Clinton cũng nhận thấy là tiến trình cải tổ thật mong manh và có thể thất bại. Trước hết, khi có những nhân vật rõ ràng mang khuynh hướng cải tổ trong chế độ này, thì cũng có các thành phần bảo thủ cứng rắn. Họ sẽ không dễ gì mà từ bỏ quyền lực chính trị và kinh tế của quân đội. Một trong các bộ trưởng muốn cải tổ được biết đã nói như sau: “Có 60 người quyết định trong nước này: 20 người đã nhìn thấy ánh sáng, 20 người còn đang ngủ, và 20 người đang chờ xem nên ngả theo hướng nào.”
Ngoài ra, một số người trong phe đối lập lo ngại là việc bà Clinton vồn vã với chế độ này như vậy là quá sớm. Chẳng hạn như Myat Thu, một trong các lãnh tụ của phong trào sinh viên đã bị quân đội dập tắt vào năm 1988, nói rằng mối quan tâm chính phải là tình trạng vẫn còn hàng trăm, có lẽ đến hàng ngàn, tù nhân chính trị bị cầm tù. Ông ta lo ngại là nhà cầm quyền nay đã được đãi ngộ quá nhiều mà sẽ không còn cảm thấy cần thiết phải phóng thích thêm tù nhân nữa.
Tại chính Miến Điện, các vấn đề quốc nội là cấp bách nhất. Nhưng đối với chính quyền Miến Điện và Hoa Kỳ, chuyến viếng thăm của bà Clinton cũng diễn ra trong bối cảnh được cho là cả hai nước này đều lo âu về mức độ vươn lên nhanh chóng của nước láng giềng phía đông bắc của Miến Điện là Trung Cộng. Về phương diện này, không như vấn đề nhân quyền, thì cả hai phía có thể đồng ý với nhau nhiều hơn.
Vì không có nỗ lực cạnh tranh nào từ Tây Phương, Trung Cộng đã tha hồ nhởn nhơ thu góp các nguồn tài nguyên dồi dào của Miến Điện như gỗ cứng, cẩm thạch, đầu hỏa, khí đốt thiên nhiên và nhiều tài nguyên khác, thường là bất kể đến môi trường hoặc an sinh của người Miến Điện nào cản trở con đườn của họ. Kết quả là càng ngày người Miến Điện càng tỏ ra phẫn uất về hành động kềm kẹp Miến Điện của Trung Cộng. Ông Thein Sein rất nhạy bén về tình trạng này; hồi Tháng Chín ông ta đã ra lệnh ngưng công trình xây cất một dự án đập thủy điện của Trung Cộng vốn bị dân Miến Điện phản đối kịch liệt, và ông ta đang cố chuyển hướng mậu dịch và ngoại giao sang những nơi khác mà tránh bớt ảnh hưởng của Trung Cộng. Dạo gần đây ông ta đã đến thăm Ấn Độ trong khi tư lệnh quân đội là Min Aung Hlaing đến thăm Việt Nam.
Nay chính phủ Obama đã tuyên bố vùng Á Châu Thái Bình Dương là ưu tiên mới của Hoa Kỳ, và trong thế cờ chiến lược đang thành hình ở Đông Nam Á, Hoa Kỳ đang củng cố các mối liên minh vì Trung Cộng đang vươn lên. Nếu có thể khuyến khích được Miến Điện nghiêng hơn về Tây Phương thì đây sẽ là một thành quả lớn.
Về phần Trung Cộng thì họ đang thận trọng theo dõi tình hình. Giới truyền thông báo chí nhà nước hạn chế phổ biến tin tức trước khi có chuyến viếng thăm của bà Clinton, và ít nói đến tình trạng cạnh tranh nhau về Miến Điện. Tờ Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo) vốn thường mang khuynh hướng dân tộc cứng rắn đã trích lời một học giả bác bỏ nhận định của “giới báo chí Tây Phương” là Trung Cộng đang tranh giành Miến Điện với Hoa Kỳ. Nhưng trước đó một ngày thì tờ báo này đã đăng một bài nhận định phản ảnh đúng sắc thái của họ hơn mà nói rằng: “Tây Phương đã nắm lấy cơ hội để lôi kéo Miến Điện thân Trung Quốc ra khỏi ‘quỹ đạo Trung Quốc”.
Nhưng cũng đừng nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ thành công hết mọi mặt. Trong một hành động cho thấy nhạy bén về thời cơ, ba ngày trước chuyến viếng thăm của bà Clinton thì tư lệnh quân đội của Miến Điện đã được phó chủ tịch Tập Cận Bình, nhân vật có thể sẽ là chủ tịch nước sắp tới của Trung Cộng, đón tiếp tại Bắc Kinh. Họ đã thảo luận về việc tăng cường “mối hợp tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước này. Miến Điện đang đi hàng hai để chờ xem bên nào sẽ thắng thế trong Bàn Cờ Siêu Cường mới này.
Source: The Economist

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét