Pages

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Tại sao chúng ta phải tranh đấu cho Tự do – Dân chủ – Nhân quyền


Chu Chi Nam (danlambao)
 
Ông Elie Wiesel, Giải Nobel hòa bình năm 1986, người đã tranh đấu không ngừng nghỉ cho tự do, dân chủ, nhân quyền thế giới, đã viết:
“Tôi thề sẽ không bao giờ im tiếng, nếu ở đâu và còn khi nào, con người còn bị đau khổ và đọa đày. Chúng ta phải nhập cuộc. Trung lập chỉ có lợi cho kẻ áp bức. Do đó chúng ta phải can thiệp. Khi đời sống con người bị đọa đày, phẩm giá con người bị chà đạp, các biên thùy quốc gia không còn quan trọng nữa. Nơi nào con người bị hành hạ vì lý do tôn giáo, chính trị hay chủng tộc, nơi đó lập tức trở thành trung tâm của vũ trụ.
Nếu chỉ còn một tù nhân lương tâm bị giam giữ, quyền tự do của chính chúng ta cũng bị đe dọa. Các nạn nhân này chỉ đòi hỏi một điều, là họ biết rằng họ không bị cô đơn, không bị lãng quên; rằng khi họ không còn quyền được nói; chúng ta sẽ nói thay họ. Và nếu tự do của họ tùy thuộc vào cuộc đấu tranh của chúng ta, thì ngược lại, tự do của chúng ta cũng tùy thuộc vào số phận của họ.”
Vậy tự do, dân chủ, nhân quyền là gì? Tại sao chúng ta lại không thể đứng trung lập trước công cuộc đấu tranh này?
I. Tự do, dân chủ, nhân quyền là gì?
Tự do là những quyền căn bản của con người, đi từ quyền tự do đi lại, tự do sinh sống, tự do mưu cầu hạnh phúc, tự do ngôn luận đến tự do tín ngưỡng, tự do bầu cử, tự do chính trị, tự do kinh tế v.v… Những quyền này đã được ghi trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp nhận vào ngày 10/12/1948. Những quyền này là những quyền bẩm sinh, bất khả nhượng, như Lời Mở Đầu bản Tuyên Ngôn:
“Xét rằng sự công nhận nhân phẩm bẩm sinh của mọi người, thành viên của đại Gia đình Nhân loại; và sự công nhận những quyền bình đẳng bất khả nhượng; là nền tảng của tự do, công lý và của hòa bình thế giới;
“Xét rằng sự sao nhãng, khinh miệt và chà đạp những quyền căn bản của con người là những hành động man rợ, đi ngược lại lương tâm và lương tri của nhân loại; và một thế giới, mà trong đó mọi người đều được quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, không bị đe dọa bởi nghèo đói, thế giới đó phải được coi là ước vọng cao cả nhất của nhân loại;
“Xét rằng quả là cần thiết để những quyền căn bản của con người phải được bảo đảm bởi một nhà nước pháp quyền, để con người không bị áp bức, bóc lột; trong trường hợp ngược lại, thì con người có quyền nổi lên chống lại độc tài và áp bức.”
Như vậy, tự do và nhân quyền là một.
Dân chủ chúng ta có thể định nghĩa nhiều cách khác nhau như là một chế độ trong sáng, tam quyền phân lập rõ ràng; nhưng chúng ta cũng có thể định nghĩa là một chế độ, mà trong đó những quyền căn bản của con người được tôn trọng; trái với chế độ độc tài là chế độ, mà trong đó những quyền căn bản của con người bị khinh thường, chà đạp.
II. Những luận điệu, xảo ngữ, ngụy ngôn, ngụy biện về nhân quyền
Có một số người cho rằng nhân quyền là sản phẩm của Tây phương, người Đông phương không cần. Điều này hoàn toàn sai. Ngay một con chim kia chúng ta nhốt nó vào trong lồng, dù là lồng vàng, chúng ta cho nó ăn mọi thứ ngon; nó cũng muốn có tự do, bay khỏi lồng. Con chim còn vậy, huống chi là con người. Có con người nào dù Tây phương hay Đông phương, da vàng hay da đen, da trắng, ở Phi châu, Á châu hay Âu châu, có ai sinh ra lại muốn nhân quyền của mình bị chà đạp, bị tù tội, đánh đập vô duyên cớ hay không?
Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền là sản phẩm của văn minh nhân loại, như là những phát minh ra địa bàn, chữ viết, máy nổ, máy hơi nước, thuốc trụ sinh v.v.., mọi người đều có quyền được hưởng. Những kẻ đưa ra luận điệu trên chỉ là những kẻ bạo chúa, bạo quyền hay chân tay bộ hạ; chúng không từ chối dùng xe hơi, điện thoại cầm tay tối tân nhất, những phát minh y học để chữa bệnh, không từ chối những phát minh, tiến bộ khoa học của nhân loại; nhưng lại chối bỏ nhân quyền, viện lý này lý khác.
Hơn thế nữa, những nhà soạn thảo ra bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền đã lấy 2 câu châm ngôn Đông và Tây làm kim chỉ nam. Đó là “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”“Ne fais pas à un autre ce que tu ne veux pas qu’il te soit fait”, đều có nghĩa là “Anh hãy đừng làm cái gì cho người khác cái điều mà anh không muốn người ta làm cho anh”. Anh dùng bạo lực, cấm đoán người khác phát biểu ý kiến, anh vu khống người khác, rồi trù dập người ta. Thử hỏi chính anh, anh có muốn người khác làm ngược lại với anh như thế hay không?
III. Tại sao chúng ta không thể đứng trung lập trước những hành động vi phạm nhân quyền?
Vi phạm, coi khinh, chà đạp nhân quyền là những hành động cướp của giết người của những chế độ độc tài. Người ta còn có thể nói chà đạp nhân quyền còn nguy hiểm, tai hại, đáng kết án hơn những hành động cướp của giết người, vì đó là hành động cướp của giết người có tổ chức. Các cụ Đông phương có kể lại một câu chuyện: Một ông cụ, một hôm đi qua một khu rừng, thấy một bà cụ ngồi khóc, hỏi bà cụ tại sao khóc, thì được trả lời: “Vì hổ báo mới ăn thịt con tôi và chồng tôi. “Ông cụ nói: “Như vậy tại sao bà không dọn đi nơi khác để ở”, thì bà cụ đáp: “Ở nơi đây có hổ báo; nhưng vị quan cai trị vùng này hiền từ. Trong khi ở nơi khác không có hổ báo; nhưng vị quan cai trị ác ôn.” Câu chuyện trên có ngụ ý là một chính quyền độc tài, ác ôn còn giết người hơn cả hổ báo.
Thật vậy, ngược dòng lịch sử cận đại, xét hai chế độ độc tài phát xít Hitler và cộng sản, thì chúng ta rõ. Hitler đã giết 6 triệu dân Do thái, là một trong những nguyên do chính đưa đến Đại Chiến Thứ Nhì. Cộng sản đã giết 100 triệu dân trên thế giới, được chia ra như sau: Liên sô: 20 triệu; Trung Cộng: 65 triệu; Việt Nam: 1 triệu; Bắc Hàn: 2 triệu; Căm bốt: 2 triệu v.v.. (Theo S. Courtois, N. Werth, J.L. Margolin – Le Livre noir du Communisme – trang 8 – nhà xuất bản R. Lafont- Paris 1979 ).
Không nói đâu xa, ở Việt Nam, với chế độ cộng sản, hai lần dân Việt phải bỏ nước ra đi, tránh cộng sản như tránh hổ báo, ngoài 1 triệu nạn nhân như quyển sách trên vừa nêu, mà theo tôi thì quá ít, có thể gấp bao nhiêu lần; còn có những nạn nhân bị chết trên con đường tìm tự do, ở trong rừng sâu núi thẳm, ở trong lòng biển, dân Việt chạy cộng sản độc tài, chà đạp nhân quyền, bị rơi vào cảnh xác mẹ hay con bị vùi nông bên lề đường, xác ông hay xác cha bị chìm xâu trong lòng biển.
Đánh tư bản, mại sản, tham nhũng là cướp của dân. Việt Nam hiện nay theo cơ quan Trong Sáng Quốc Tế (the International Transparency Organization), thì là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới. Không cần nhìn đâu xa, tham nhũng, hối lộ, từ nhà trường đến bệnh viện, từ đường phố đến công sở được loan tin hàng ngày trên báo chí trong nước. Chính quyền kêu gọi ngày đêm chống tham nhũng, chống “quốc nạn”; nhưng càng kêu gào chống, thì tham nhũng càng lan tràn.
Vu khống, buộc tội vô duyên cớ, rồi bỏ tù, tra tấn, đánh đập người dân đó là giết người.
Bởi lẽ đó mà những hành động vi phạm nhân quyền là những hành động cướp của, giết người; nhưng là những hành động cướp của giết người có hệ thống, có tổ chức; những người còn lương tâm, lương tri không thể đứng trung lập.
Phải lên tiếng nói, như Elie Wiesel kêu gọi:

“Tôi thề không bao giờ im tiếng nếu ở đâu và khi nào con người còn bị đau khổ và đọa đày. Chúng ta phải nhập cuộc. Trung lập chỉ có lợi cho kẻ đàn áp. Im lặng là khuyến khích kẻ áp bức.”
Dân Việt, nhất là giới trẻ và trí thức, hãy can đảm nói lên tất cả những hành động vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Việt Nam hiện nay là một trong những nước vi phạm nhân quyền nhất thế giới. Trong phúc trình về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới vào đầu năm 2011, Human Rights Watch đã lên tiếng chỉ trích Việt Nam “tăng cường kiểm soát tự do ngôn luận trong năm 2010, sách nhiễu, bắt bớ và bỏ tù hàng loạt nhà văn, nhà vận động chính trị và những người phê phán chính phủ một cách ôn hòa”.
Paris ngày 07/12/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét