Pages

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Tôn giáo Việt Nam và cộng sản Hà Nội

Võ Long Triều

Lenin dạy đồng chí đảng viên của ông: Tôn giáo là á phiện của quần chúng. Do đó phải bài trừ tôn giáo để thay thế bằng “xã hội chủ nghĩa Mác-Lê” vào lòng tin của quần chúng. Mao Trạch Ðông diệt tôn giáo bằng cách thành lập tôn giáo quốc doanh và thẳng tay đàn áp, cấm đoán.
Cộng sản Hà Nội học thuộc nguyên tắc hành động của quan thầy Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam gặp nhiều trở ngại trong việc thực hiện vì hai lý do. Thứ nhứt, dân tộc Việt Nam có lòng tín ngưỡng rất sâu đậm về Trời Ðất, Chúa, Phật, Thánh Thần, niềm tin đó ghi vào tâm trí của người Việt. Thứ hai, dư luận quốc tế ngày nay hướng về sự tiến hóa của nhân loại trên con đường tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng.
Thật vậy, sự bang giao quốc tế từ thế kỷ hai mươi bước sang thế kỷ hai mươi mốt các quốc gia trở thành cường quốc, thường công khai khuyến cáo hay ngấm ngầm kêu gọi phải tôn trọng nhân quyền. Mọi sự viện trợ tài chánh, quân sự, văn hóa đều kèm theo điều kiện phải nới rộng nhân quyền. Truyền thông báo chí luôn luôn chỉ trích gắt gao mọi sự vi phạm nhân quyền trên thế giới. Thậm chí dư luận còn công khai xếp hạng các quốc gia nào vi phạm nhân quyền nặng nhứt. Ủy Hội Quốc Tế Nhân Quyền tổ chức đại hội thường niên cho phép đại diện các quốc gia có diễn đàn công khai tố cáo những vi phạm với bằng chứng của nhiều chế độ độc tài gian ác.

Trong lúc cộng sản Hà Nội chủ trương diệt tôn giáo nhưng bề ngoài cũng phải tỏ ra có thiện chí, đặc biệt đối với Hoa Kỳ, vì sợ Bộ Ngoại Giao đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước phải đặt biệt lưu ý (Countries of Particular Concerns) theo đề nghị của một số dân biểu, nghị sĩ Mỹ. Vì vậy mà Hà Nội giả vờ tham gia vòng đối thoại Mỹ-Việt thứ 16 về vấn đề nhân quyền tại Washington hai ngày 9 và 10 tháng 11 vừa qua. Tại đây Mỹ khuyến cáo Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và yêu cầu ngưng sách nhiễu các nhà bất đồng chính kiến. Sau khi ghi nhận sự khuyến cáo, Hà Nội khẳng định vấn đề nhân quyền có tiến bộ ở Việt Nam. Nhưng một tuần sau, ngày 18 tháng 11, 2011, Hà Nội đàn áp dã man giáo dân Thái Hà đến nỗi tùy viên đại sứ quán Mỹ, ông Michael Orana, tuyên bố rất “ngỡ ngàng” về thái độ trở mặt nhanh chóng của Hà Nội, khi ông Orana đến thăm các linh mục, tu sĩ, và giáo dân Thái Hà.
Nói về tín ngưỡng của người Việt Nam, nhìn qua người ta thấy làng xã nào cũng có Ðình thờ Thần, Miễu thờ Thánh hay vong hồn linh thiêng, Chùa thờ Phật, Thánh đường thờ Chúa. Nhiều nơi có Thánh thất Cao Ðài, Phật Giáo Hòa Hảo. Ðó là chưa kể đạo Dừa ở cồn Phụng, Bến Tre, đạo Nanh, đạo Vuốt, đạo Nhỏ... ở các tỉnh Châu Ðốc, Long Xuyên. Tín ngưỡng của quần chúng còn thể hiện qua thầy Pháp lên đồng chữa bệnh, đôi khi bệnh ngặt nghèo hết phương cứu chữa, người dân quê tuyệt vọng bước ra sân “cắn cỏ kêu Trời” xin cứu giúp, sự hy vọng cuối cùng chỉ còn biết miệng ngậm cỏ của Ðất gởi lời van xin cho Trời. Tất cả đều chứng minh lòng tín ngưỡng của người Việt Nam bất diệt.
Cộng sản Hà Nội mới vào Nam bắn chết nhiều giáo dân Công Giáo trên đường Trương Minh Giảng đang xuống tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn ủng hộ Ðức Cha Nguyễn Văn Thuận. Sau đó công an chiếm trọn Thánh Thất Cao Ðài Tây Ninh, theo tin đồn trong thánh thất có chôn giấu súng đạn. Công an bắt hết tu sĩ đồng thời trú ngụ luôn tại đó một thời gian dài. Mãi cho đến khi tìm được tín đồ chịu theo nhà nước và một số công an trá hình, thành lập ban trị sự. Từ đó Cao Ðài Tây Ninh bị “quốc doanh” hóa gần như hoàn toàn. Công an bắt ông đạo Dừa cầm tù cho đến chết, hết giáo chủ đạo không còn!
Nói về Hòa Hảo, nhà cầm quyền Hà Nội bắt ông Nguyễn Văn Lía, một tín đồ Hòa Hảo thuộc hàng lãnh đạo, đánh ông gẫy sườn, kêu án 5 năm tù ở và ông Trần Hoài Ân lãnh 3 năm tù ở. Phát ngôn viên Tòa Ðại Sứ Mỹ tại Hà Nội, ông Beau Miller, tuyên bố với đài BBC: “Hoa Kỳ lo ngại về phán quyết án tù đối với hai tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo này và yêu cầu Việt Nam trả tự do cho hai ông Lía và Aạn.”
Ðối với Phật Giáo Hòa Hảo mối thù cộng sản Hà Nội giết Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ vẫn là thù “bất cộng đái thiên.” Hà Nội biết rõ điều đó nên ngay lúc còn chiến tranh đã móc nối nhiều kẻ phản bội để thay thế ban lãnh đạo nhưng không thành, bởi lẽ Giáo Hội Hòa Hảo thu gọn ở các tỉnh miền Tây nên tín đồ biết nhau gần hết, những kẻ phản bội Ðức Thầy bị vạch mặt, chỉ tên dễ dàng. Xâm nhập không được thì chỉ còn nước thẳng tay đàn áp. Tín đồ bị đánh đập mang thương tích trầm trọng, bị tù đày, chết chóc... Bao nhiêu năm qua, cộng sản Hà Nội chưa diệt được tôn giáo Hòa Hảo và sẽ không bao giờ diệt được bởi vì mối hận thù giết thầy còn đó lại chồng chất thêm bao nhiêu oán hờn do sự đàn áp dã man lâu nay.
Song song việc bắt giam Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, Hà Nội bắt giam các vị lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt, cố Ðại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Ðại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ. Ðồng thời cho công an và đảng viên giả dạng thầy tu xâm nhập, lập chùa kết thành một thứ Phật Giáo “quốc doanh.” Công tác quốc doanh hóa Phật Giáo tương đối dễ dàng bởi lẽ hệ thống tổ chức của Phật Giáo không chặt chẽ. Do đó, Phật Giáo bị phân hóa nhưng vẫn bất diệt vì Ðại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ còn đang lãnh đạo, đặc biệt còn có Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt ở hải ngoại.
Xét về Công Giáo “quốc doanh” thì phải công nhận có vài tên công khai xé rào, hoặc nội tuyến theo một đường dài bởi lẽ muốn trở thành linh mục Công Giáo phải trải qua sáu niên học còn phải chịu thử thách nhiều điều mới được nhận chức nên vấn đề nội tuyến gặp khó khăn nhiều. Không phải ai cũng có thể tự xưng linh mục. Hai tên quen thuộc tay sai đắc lực của cộng sản được dư luận biết đến nhiều là Linh Mục Phan Khắc Từ, biệt danh là “linh mục đổ rác.” Sự kiện Linh Mục Từ chọn nghề theo xe đổ rác thay vì phục vụ trong một họ đạo đủ nói lên thái độ và xu hướng, tư tưởng của ông trong thời Ðệ Nhị Cộng Hòa. Và Linh Mục Trương Bá Cần (tên thật trong đảng là Trần Bá Cương) khôn ngoan nắm giữ giáo xứ Vườn Xoài tại Sài Gòn để có nơi rao giảng và hoạt động. Dĩ nhiên, hãy còn nhiều linh mục tỏ vẻ tiến bộ, trí thức khuynh tả, ngả về phía xã hội chủ nghĩa như hai LM Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan. Tuy nhiên họ là những người trí thức có tri thức khi biết mình sai lầm, tự nhận và sửa sai, thay đổi lập trường, khác với một vài ông thiên cộng hay ủng hộ nhà nước để hưởng chế độ “Xin Cho.” Những hạng linh mục đó là thiểu số không đáng kể. Tưởng cũng nên nhắc đến một số đông tu sĩ tự ghép mình trong khuôn khổ tu hành theo sát quan niệm “đạo và đời,” hai thế giới riêng biệt nên không hề dám nói ngược, hành động ngược ý nhà cầm quyền nhân danh việc đời không can dự đến việc đạo cho dù của cải giáo hội bị tịch thu, họ cho đó là quyền của nhà nước, tu sĩ giáo dân bị đánh đập vô cớ, trong lòng họ xót thương nhưng không dám phản đối.
Dù sao Công Giáo vẫn là một cái gai đau nhức đối với nhà nước cộng sản. Bởi vì giáo dân chưa phải là đa số trong quần chúng nhưng là những công dân luôn luôn vâng lời, nghe theo tu sĩ lãnh đạo. Sức mạnh quần chúng là ở chỗ đó. Mỗi khi giáo sĩ kêu gọi xuống đường là có hàng ngàn người, hàng trăm ngàn nếu cần. Cái gai nhà nước muốn nhổ không được là do đó.
Tóm lại ba tôn giáo nhà nước cộng sản muốn tiêu diệt hay quốc doanh hóa theo kiểu Tàu Cộng không được là Hòa Hảo, Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt và Công Giáo.
Ngược lại một ngày nào áp lực của sự đàn áp làm dân không còn chịu được, ngày nào nhà nước tỏ ra quá hèn nhát cho phép giặc Tàu hà hiếp dân mình quá đáng, và ngày nào sự bất công lan tràn đến mức độ Chúa Phật cũng bất bình thì các tôn giáo sẽ đồng thanh hợp lực phản đối công khai, cùng nhau xuống đường hàng ngàn, hàng trăm ngàn người, liên tục... Chừng đó dư luận quốc tế xôn xao, bàn tán và ủng hộ sẽ dẫn đến kết quả là Bộ Chính Trị cộng sản Hà Nội sẽ bị quét sạch, trả lại tự do dân chủ nhân quyền cho đồng bào.
Tự do không ai cho, không tự nhiên mà có, nó là kết quả của sự hy sinh can đảm, của sự đoàn kết một lòng đòi cho bằng được dân chủ, tự do nhân quyền với bất cứ giá nào như ở Tunisia, Ai Cập, Lybia, Syria và những nơi nào nữa.
20 tháng 12, 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét