Trung Quốc vừa giành được quyền tiếp cận tới hàng triệu thùng dầu, sau khi được chấp thuận cho khai thác dầu tại Afghanistan.
Nơi này ước tính có trữ lượng chừng 87 triệu thùng dầu.
Thỏa thuận được đưa ra vào lúc Trung Quốc đang muốn mở rộng các nguồn dầu khí cho mình, giữa lúc nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước tăng cao.
"Nội các Afghanistan đã yêu cầu Bộ trưởng Mỏ tài nguyên Wahidullah Shahrani ký hợp đồng khai thác dầu ở Amu Darya với hãng Dầu khí Quốc gia Trung Quốc," văn phòng tổng thống Afghanistan nói trong một tuyên bố.
Hãng CNPC thuộc sở hữu nhà nước sẽ tiến hành việc khai thác cùng một đối tác địa phương, tập đoàn Watan Group.
"Đặt cược"
Tuy hiện có rất nhiều bình luận quanh tiềm năng trữ lượng tài nguyên thiên nhiên tại Afghanistan nhưng các phân tích gia nói hiện còn quá sớm để đưa ra dự đoán về khả năng thu lời của liên doanh này.
"Về mặt nào đó thì có thể nói họ đang đặt cược," Tony Regan từ Tri-Zen, một tổ chức tư vấn đặt trụ sở tại Singapore nói với BBC.
Ông Regan giải thích rằng CNPC sẽ phải chi một khoản tiền đáng kể để thăm dò trước khi có thể biết được trữ lượng dầu có thể có ở nơi này.
"Trung Quốc đang muốn hướng tới việc đầu tư ở quy mô to lớn hơn nhiều. Tham vọng đó có thể gồm cả các dự án hạ tầng, kể cả dự án xây dựng tàu cao tốc vào thời điểm thích hợp."
Charles Chaw, tổ chức China Knowledge Consulting
Tăng đầu tư
Việc giành được chuẩn thuận là một chiến thắng lớn đối với Trung Quốc, bởi nước này lâu nay đã tìm cách đầu tư vào Afghanistan giàu trữ lượng tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên, các phân tích gia nói rằng các nguồn trữ lượng không chỉ là lĩnh vực duy nhất mà Trung Quốc muốn đầu tư vào.
"Thỏa thuận sẽ là một cách để [Trung Quốc] có thể đặt chân vào nước này," Charles Chaw từ tổ chức tư vấn China Knowledge Consulting nói.
Cuộc chiến đang diễn ra tại Afghanistan đã khiến cho cơ sở hạ tầng và nền kinh tế nước này bị hư hại.
Các phân tích gia nói rằng khi hòa bình trở lại, Afghanistan sẽ cần rất nhiều hoạt động tái thiết nhằm thúc đẩy việc tăng trưởng kinh tế trong những năm tới, và đó chính là điều mà Trung Quốc rất muốn giành được.
"Trung Quốc đang muốn hướng tới việc đầu tư ở quy mô to lớn hơn nhiều," ông Chaw nói.
"Tham vọng đó có thể gồm cả các dự án hạ tầng, kể cả dự án xây dựng tàu cao tốc vào thời điểm thích hợp."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét