Pages

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Trí thức Việt Nam ở đâu?

Đinh Vạn Vĩnh Phát
 

“… Chúng ta tôn vinh doanh nhân nhưng cũng có thể mạt sát họ là đồ con buôn, bọn hàng tôm hàng cá. Chúng ta vẫn còn phân biệt và chia rẽ nặng nề Bắc – Trung – Nam. Và chúng ta cũng bị giam cầm trong văn hóa bất dung ấy để có thể hòa giải với nhau. Cũng chính nó mà những phát biểu đứng đắn của trí tuệ chỉ làm cho trí thức Việt Nam thêm hằn học và đố kỵ nhau.”
Trí thức Việt Nam quan tâm những điều gì nhất? Sẽ có muôn vàn câu trả lời khác nhau nhưng có lẽ nhận được sự đồng tình lớn nhất sẽ là: Thành công trong sự nghiệp cá nhân.
Vậy “Thành công trong sự nghiệp cá nhân” là như thế nào? Nhiều người thì muốn thăng tiến trong công việc, được làm trưởng phòng, giám đốc… Kẻ thì muốn kiếm được nhiều tiền mới gọi là thành công, cho dù dùng bất cứ mánh khóe, thủ đoạn nào. Có người lại quan niệm hạnh phúc mới là đích đến của sự thành công trong sự nghiệp, tức vừa thành công vừa hạnh phúc.

Bỏ qua mọi khác biệt, mọi ý kiến, điểm chung nhất mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra được, đó là: Mọi người dân Việt Nam đều mưu cầu thành công và hạnh phúc cá nhân. Rất chân thành và đáng trân trọng, phải không? 1 căn nhà nhỏ ấm cúng (chừng 40 m2), 2 chiếc xe gắn máy cùng khoản thu nhập ổn định chừng $800/tháng cho gia đình 4 người liệu có đủ? Có thể hình mẫu trên là mơ ước của nhiều người, đặc biệt ở vùng nông thôn nhưng đối với nhiều người ở thành phố lớn như Saigon, Hà Nội… chừng đó là không đủ. Họ cần nhiều hơn. Không như lớp người doanh nhân làm giàu cho bản thân họ, trí thức Việt Nam vẫn chỉ làm công ăn lương, phục vụ Đảng – Nhà nước hệt như những nho sĩ thời phong kiến chỉ mong phục vụ tầng lớp quan lại và vua chúa. Do đó, để đạt được giấc mơ của mình, nhiều người không ngần ngại sử dụng mọi mánh khóe để thủ lợi. Một số tỏ ra bất lực vì không cạnh tranh nổi với những người có thân thế và quen biết, hoặc đơn giản chỉ đổ lỗi do cơ chế. Hầu hết đều tự kiếm tìm giải pháp cá nhân cho những vấn đề của mình. Hoàn toàn cá nhân, ngay cả ước mơ cũng đều cho thấy điều đó.
Nhiều người sẵn sàng chà đạp nhau để đạt được ước mơ của mình bất chấp người khác. Hệ thống các giá trị bị đảo lộn. Tất cả đều nhường bước trước chủ nghĩa thực dụng. Có tiền là có tất cả. Mọi thước đo đều quy về lợi ích bản thân đầu tiên.
Thật ngạc nhiên là suy nghĩ này cũng được áp dụng khi nói về vấn đề thời sự trên thế giới. Nếu đó chỉ là những luận điệu cũ mèm của báo chí chính thống thì chẳng có gì đáng nói, bởi vì họ được nhận những quyền lợi thiết thân để làm việc đó. Đằng này, hầu hết những người được coi là trí thức cũng có suy nghĩ như vậy. (Con số này chắc chắn lớn hơn nhiều so với những người dám tranh đấu cho dân chủ, bởi chỉ cần 1/50 số này ủng hộ thôi, phong trào dân chủ đã có thể đập tan chế độ này nhưng họ đã không làm thế). Họ tin rằng trong quan hệ quốc tế, Liên Hợp Quốc cũng chỉ là trò chơi của các nước lớn và các nhà nước chỉ quan hệ với nhau dựa trên lợi ích quốc gia.
Thoạt nghe có vẻ có lý, nhưng điều đó phản ánh tư duy lạc hậu, kiểu Chiến tranh lạnh. Không hề có tư duy hợp tác để cùng phát triển dựa trên một số giá trị chung phổ quát toàn nhân loại. Không hề có các giá trị Chân Thiện Mỹ mà con người tạo dựng để từ đó xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho loài người. Với họ, chính trị là trò chơi mạnh được, yếu thua, là cái gì đó thủ đoạn, xấu xa, và nó cũng chỉ phục vụ lợi ích cho một nhóm người nào đó. Chính vì thế, những người ham mê chính trị cũng là loại người muốn đoạt lợi ích của đám đông để phục vụ lợi ích của mình và nhóm người của mình.
Cũng bởi do văn hóa Việt Nam không cổ súy sự đối thoại dựa trên sự tương kính mà chúng ta vẫn còn giữ những suy nghĩ của thế kỷ 19: sự đấu tranh giai cấp. Già nua và cằn cỗi. Bất hạnh thay, đó cũng là suy nghĩ của hầu hết trí thức ở trong nước.
Văn hóa ao làng (mà chúng ta đã, đang thụ hưởng) không cổ súy cho việc trai làng này được quen biết và cưới gái làng khác. Hậu quả là chúng ta không có một sự liên đới với nhau. Mà đã không có sự liên đới thì chúng ta không thể tụ họp lại thành một tổ chức vững mạnh. Mạnh ai nấy sống. Điều cần thiết cho một cuộc canh tân đất nước không phải là những dự án chính trị phức tạp mà phải là dự án xóa bỏ những tàn dư, hủ tục trong văn hóa của chúng ta. Thứ văn hóa bất dung, không kết hợp được sự đoàn kết của mọi người trong sự tương kính cần phải có.
Chúng ta gào thét chúng ta yêu nước nhưng chúng ta cũng sẵn sàng gây gổ, đánh nhau nếu xảy ra va quẹt ngoài đường. Chúng ta tôn vinh doanh nhân nhưng cũng có thể mạt sát họ là đồ con buôn, bọn hàng tôm hàng cá. Chúng ta vẫn còn phân biệt và chia rẽ nặng nề Bắc – Trung – Nam. Và chúng ta cũng bị giam cầm trong văn hóa bất dung ấy để có thể hòa giải với nhau. Cũng chính nó mà những phát biểu đứng đắn của trí tuệ chỉ làm cho trí thức Việt Nam thêm hằn học và đố kỵ nhau.
Quyền lực là thứ mà trí thức Việt Nam thèm muốn và tôn sùng nhưng cố tỏ vẻ đạo mạo. Thay vì nhận lãnh trách nhiệm để lãnh đạo xã hội, dùng quyền lực để thực thi nhiệm vụ một cách có trách nhiệm cho đất nước thì trí thức Việt Nam lại tôn sùng những kẻ có quyền lực nhưng vô trách nhiệm.
Trí thức Việt Nam vẫn chỉ là những kẻ theo đuôi mà không hề có một tư tưởng nào của riêng mình. Chừng nào trí thức Việt Nam chưa rũ bỏ được cái cũi giam cầm để đứng dậy nhận lãnh trách nhiệm của mình, chừng đó Việt Nam còn thua kém trong lạc hậu và hèn yếu.
Saigon, ngày 22/12/2011
Đinh Vạn Vĩnh Phát

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét