Pages

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

“Đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”


http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/thumb/9/9c/DuongTrungQuoc.jpg/385px-DuongTrungQuoc.jpgDương Trung Quốc
“… Hãy hình dung lúc ấy trong công sở treo những khẩu hiệu: “Công chức là người giúp dân, không phải là quan”, “Vào công sở chớ khúm núm sợ sệt, mà cũng không lấc cấc, ngạo nghễ. Mạnh dạn hỏi han: đấy là quyền của dân. Hỏi han cho lễ độ: đấy là bổn phận của dân”; “Phải tuân theo lời chỉ dẫn của các viên chức”; “Đem tiền hối lộ là bất chính”; “Không được để cho viên chức đối đãi khinh rẻ, mày tao hay bắt chầu chực quá đáng”; “Bị oan ức phải kêu, phải tranh đấu, không được nhẫn nhục chịu im”.
“Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là ngày đầu tiên trong lịch sử VN mà nhân dân ta bắt đầu tận dụng, hưởng quyền dân chủ của mình…”.
Đó là câu mở đầu lời kêu gọi toàn dân tham gia đi bầu Quốc hội đầu tiên trong lịch sử đất nước, cách đây 60 năm. Lời hiệu triệu của nhà lãnh tụ cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc cũng lại là người thiết kế công cuộc xây dựng đất nước “đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ” rất giản dị nhưng tinh tế.

Đọc kỹ những lời phát biểu cũng như qua việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn lịch sử đầy sóng gió này mới thấy thấm thía nội dung câu viết “nhân dân ta bắt đầu tận dụng, hưởng quyền dân chủ của mình”. Quan điểm của Hồ Chí Minh là dân phải biết tận dụng thì mới hưởng được cái “thần linh pháp quyền” mà một phần tư thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc đã nói tới trong Yêu cầu ca, bài văn vần quốc ngữ diễn giải nội dung những yêu sách thay mặt những người yêu nước VN gửi tới Hòa hội Versailles ở Pháp (1919).
.
109113.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ trước Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất ngày 2-3-1946
Ý nghĩa lớn lao của cuộc cách mạng diễn ra năm tháng trước cuộc tổng tuyển cử không chỉ là đánh đổ chế độ thuộc địa 80 năm, ách phát xít năm năm, mà vô cùng quan trọng là nó cũng kết thúc luôn cả chế độ phong kiến đã tồn tại tự ngàn năm. Lựa chọn con đường phát triển cùng thể chế chính trị là bản chất của một cuộc cách mạng. Trung thành với thể chế hình thành từ một cuộc cách mạng của toàn dân là thước đo cho sự kế thừa và phát triển.
Do vậy, cuộc tổng tuyển cử và kết quả là một Quốc hội do dân bầu ra theo chế độ “phổ thông đầu phiếu” không chỉ biểu trưng cho một ý chí mang tính đại diện (khối đại đoàn kết toàn dân) mà còn là những phương thức và kỹ năng để người dân có thể “tận dụng” để “hưởng quyền dân chủ” của mình. Nói cách khác, để những “thần dân” (chỉ biết tuân phục người cầm quyền) trở thành những “công dân” ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình để thực hiện quyền làm chủ thông qua thiết chế chính trị đã được xác định là “dân chủ – cộng hòa”.
Chỉ một ngày sau lễ độc lập (3-9-1945), tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến cái nguyên lý tối cao cũng rất thực tiễn của cách mạng là nước độc lập tự do mà dân không có hạnh phúc thì cũng vô nghĩa, đồng thời xác định những nhiệm vụ cấp bách nhất là chống nạn đói, nạn dốt, sớm có hiến pháp. Và tiếp đó, một nhiệm vụ khá đặc biệt là phải bắt tay vào “một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện cần – kiệm – liêm – chính”.
Hãy suy ngẫm về ý tưởng của nhà lãnh đạo: bằng cách thực hiện bốn chữ (bốn phẩm chất) vốn là gốc đạo lý ứng xử của nhà nho để giáo dục lại tinh thần nhân dân. Đọc kỹ, quan sát kỹ sẽ thấy đó là việc giáo dục tinh thần dân chủ. Chính vào mùa xuân năm Bính Tuất, Bác Hồ phát động phong trào “Đời sống mới” gần như song hành với sự hình thành của Quốc hội.
Việc xóa nạn mù chữ kế thừa phong trào truyền bá quốc ngữ khiến chỉ trong một thời gian ngắn hàng triệu người dân biết đọc, biết viết, biết định đoạt vận mệnh đất nước bằng lá phiếu. Những sắc lệnh nhằm bãi bỏ những tàn tích trói buộc của chế độ cũ và ban hành những quyền tự do mới, và rất nhiều phương thức hoạt động xã hội làm thay đổi cả cung cách sống của người dân, mang lại một phong khí cho một dân tộc đã nhận ra giá trị của độc lập và tự do. Một ví dụ rất sinh động, hưởng ứng phong trào “Đời sống mới”, Hội Văn hóa cứu quốc phát động phong trào sáng tác… khẩu hiệu để treo ở các không gian khác nhau: ngoài đường, trong chợ, trường học, bệnh viện…
Hãy hình dung lúc ấy trong công sở treo những khẩu hiệu: “Công chức là người giúp dân, không phải là quan”, “Vào công sở chớ khúm núm sợ sệt, mà cũng không lấc cấc, ngạo nghễ. Mạnh dạn hỏi han: đấy là quyền của dân. Hỏi han cho lễ độ: đấy là bổn phận của dân”; “Phải tuân theo lời chỉ dẫn của các viên chức”; “Đem tiền hối lộ là bất chính”; “Không được để cho viên chức đối đãi khinh rẻ, mày tao hay bắt chầu chực quá đáng”; “Bị oan ức phải kêu, phải tranh đấu, không được nhẫn nhục chịu im”…
Hay ở các bệnh viện: “Thầy thuốc là người nhân từ giúp bệnh nhân, không phải là ông quan phong kiến”; “Làm thầy thuốc, bà đỡ, y tá mà không đủ lương tâm là đáng khinh bỉ”; “Hãy phản đối những sự gắt gỏng, chửi mắng bệnh nhân”; “Không được tin bậy bạ, phải nghe và chỉ nghe lời thầy thuốc”…
Còn ở ngoài đường phố: “Phải tuân lời cảnh sát”; “Cảnh sát là bạn của dân chúng, không phải là tên lính chỉ vụt và chửi!”…
Qua hơn nửa thế kỷ, bao nhiêu khẩu hiệu vừa kể đã là lạc hậu?
Được mở ra từ 60 năm trước, “con đường mới mẻ” ấy vẫn chính là “sự nghiệp giáo dục lại tinh thần nhân dân”, hóa thân từ ý thức “thần dân truyền thống” sang ý thức “công dân hiện đại”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét