Pages

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Vì sao nói khác làm trong Tự do Tôn giáo?

AFP photo
Người dân viếng chùa Vĩnh Nghiêm vào
dịp đầu năm mới
Khánh An, phóng viên RFA
2011-12-12
Kỳ trước, Hùng ở Hà Nội, Tiến và Hiếu ở Sài Gòn và thầy Chơn Minh đến từ Cà Mau kể về sự khác biệt trong thực tế so với những tuyên bố của nhà nước về vấn đề tự do tôn giáo.


Trước tiên là ý kiến tiếp theo kỳ trước của thầy Chơn Minh:

Chính sách của đảng “chỉ biết còn đảng còn mình” không cần biết đến các tôn giáo vì sao? Vì tôn giáo họ cho là thuốc phiện, nhưng mà họ đâu biết rằng chính tôn giáo là tinh thần dân tộc, là sự chia sẻ, là ngọn đuốc để giữ ấm tâm hồn của người con Việt cũng như những con người đang còn bị giá lạnh ở bên ngoài bởi những chính sách hà khắc của các chế độ. Từ năm (19)45 và năm (19)54 bắt đầu thành lập nhà nước cộng sản tại đất nước Việt Nam thì đã có những phong trào đàn áp tôn giáo một cách dã man: Phật Giáo có, Thiên Chúa Giáo có, và sau này là Tin Lành. Đơn cử là bắt đầu từ năm 1975 họ tìm họ phá tổ chức Phật Giáo lớn nhất ở Miền Nam lúc bấy giờ, đó là tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một tổ chức có bề dày lịch sử đấu tranh cùng với dân tộc Việt Nam.


Chính người cộng sản hơn ai hết họ hiểu rằng ngay sự thành công của họ năm 1975 cũng có một phần đóng góp không nhỏ của Phật Giáo, đó là sự khởi đầu của năm 1963 chống chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm. Những năm 1966-1967, những cuộc xuống đường của Phật Giáo để đòi tiếng nói tự do tôn giáo thực sự là người cộng sản đã mượn những cuộc xuống đường đó để rồi họ len lỏi vào rồi họ cho rằng họ có đóng góp, nhưng mà họ đâu biết rằng tất cả những cái đó là tiếng nói của lòng người, tiếng nói của người dân Việt, tiếng nói của những người con Phật, họ nói lên tiếng nói của sự thật nên họ mới lên tiếng như vậy. Người cộng sản vin vào điều đó và họ thành công. Khi họ thành công thì chính họ lại “ăn cháo đá bát”. Tôi nói thật sự điều đó không ngoa.
Tất cả các tín đồ Phật Giáo thuần túy phải nói là truyền thống sinh hoạt theo với truyền thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đều cay đắng mà nghĩ rằng sau năm 1975 người ra ra đường vẫy cờ chào đón người cộng sản họ nghĩ rằng người cộng sản đem lại cho Phật Giáo một niềm tin mới, một cách sống mới nhưng rồi cuối cùng chính người cộng sản lại đàn áp họ, chà đạp họ. Nên cái chính sách mà hiện nay gọi là “chính sách tự do tôn giáo”, hòa thượng Thích Trí Quảng xây cất một cái chùa rất to ở bên quận 2 với số tiền lên tới vài trăm tỷ, hoặc là ở trên Bình Dương người ta xây một ngôi chùa thật to để cho du lịch, tất cả những ngôi chùa đó chỉ mang dáng vẻ của một ngôi chùa thôi còn bên trong thì đó là những cơ sở du lịch để họ quyên tiền.
Cái vấn đề ở đây là họ không muốn người dân phải vì tinh thần bác ái, từ bi hoặc bình đẳng của một tôn giáo làm cho người dân họ nghiêng vềtinh thần dân tộc, mà chỉ biết về đảng thôi.
Thầy Chơn Minh
Họ quyên tiền bất hợp pháp. Họ không phải là những tổ chức tôn giáo mà đó là cái cách mị dân, cái cách để mua vui cho người dân. Họ nghĩ rằng họ làm như vậy thì người dân sẽ thấy rằng “Ừ, chúng tôi đang có tự do tôn giáo. Chúng tôi tự do cất chùa, cất nhà thờ”. Hàng loạt nhà thờ được cất lên mà nhà thờ được cất lên là phải có bàn tay của nhà nước nhúng vô.
Bây giờ cô Khánh An có biết không, ở Việt Nam để cất được một ngôi chùa thì ông thầy, ví dụ để cất được một ngôi chánh điện khoảng một tỷ thì ông thầy phải mất hết 500 triệu để mà lo lót giấy tờ. Tại sao tiền của Phật tử người ta lo cho cất chùa mà lại phải tốn một số tiền rất lớn (để đút lót) để có một ngôi chùa như vậy? Có phải đó là tự do tôn giáo hay không? Đừng hỏi rằng tại sao ở Việt Nam chùa quá nhiều, nhà thờ cũng quá nhiều mà lại không có tự do tôn giáo. Sự thực không phải như vậy, đó là chính sách mị dân, chính sách mua vui của người cộng sản đối với tôn giáo thôi chớ họ không có thật sự cho phép tự do tôn giáo đâu.

Xung đột về chủ thuyết

Khánh An: Vâng. Từ những điểm, những diễn biến, sự kiện mà các bạn trình bày thì mình thấy rõ ràng là nó không có giống như là những điều mà đảng và nhà nước Việt nam luôn tuyên bố. Thế thì nguyên nhân tại sao lại có một sự mâu thuẫn như thế?
034_1626717-250.jpg
Bên trong một nhà thờ ở Sài Gòn. AFP photo
Hiếu:
Theo quan điểm cá nhân em, tôn giáo là một cái lãnh vực ảnh hưởng tới xã hội nhất, tới đời sống tinh thần của nhân dân nhất, nên chính quyền không muốn tôn giáo có sự ảnh hưởng đến nhân dân mà chỉ muốn đảng và nhà nước ảnh hưởng tới nhân dân thôi. Cho nên giữa tôn giáo và chính quyền có một cái sự giống như là tranh chấp, nhưng mà chính quyền thì họ có quyền lực, họ có đủ điều kiện để mà đàn áp.

Còn riêng tôn giáo thì chỉ muốn thờ đấng mà mình tôn sùng, mình theo thôi, nên chính quyền không muốn cái ảnh hưởng đó sâu sắc đến xã hội, đến nhân dân. Chính quyền họ chỉ muốn họ độc tôn thôi, họ chỉ muốn nhân dân tôn thờ chính họ, chính cái đảng của họ, nên họ thẳng tay đàn áp tôn giáo, sẵn sàng bêu xấu tôn giáo hoặc làm những điều giống như là gây chia rẽ nội bộ, ví dụ như chính người của tôn giáo đó chống lại những người khác trong tôn giáo đó, giống như thầy Chơn Minh có nói đó.
Khánh An: Vâng. Đó là ý kiến của Hiếu. Thế còn những người khác?
Hùng: Cái sự đàn áp tôn giáo nó diễn ra đấy thì nó có nhiều lý do, nhưng mà một trong những lý do cơ bản nhất mà theo em nghĩ thì đấy là sự xung đột về các chủ thuyết. Hiện tại cái thể chế chính trị cũng như cái xã hội đặt trên thể chế chính trị ở tại Việt Nam, rõ ràng là cái chủ thuyết được áp dụng là chủ thuyết của cộng sản, chủ thuyết vô thần, lấy tư tưởng Mác-xít Lê-nin làm đường hướng để mà phát triển, thì rõ ràng là từ cái chủ thuyết đấy thì đã có sự mâu thuẫn rồi. Tức là cái chủ thuyết đó rõ ràng là vô thần, đúng không, mà ở đây thì một tôn giáo nào đấy cũng tin là có Thượng Đế, thì bắt đầu mâu thuẫn là từ đấy rồi.
Thế còn sau này về vấn đề đàn áp tôn giáo đang diễn ra thì cũng còn có nhiều lý do bên cạnh khác nữa. Nhưng mà em nghĩ là lý do sâu sắc nhất thì vẫn là ở đấy (chủ thuyết vô thần), còn về các mặt về lợi ích, về đất đai, về các tổn thất do bên thể chế chính trị thì nó lại là cũng tùy những hoàn cảnh khác nhau mà có những việc xảy ra theo những hướng khác nhau. Cũng không hẳn tất cả các việc đàn áp là liên quan đến đất đai.
Chủ thuyết của cộng sản là chủ thuyết vô thần, mà ở đây thì một tôn giáo nào đấy cũng tin là có Thượng Đế, thì bắt đầu có mâu thuẫn.
Hùng ở Hà Nội
Em đơn cử như vụ giáo xứ Mỹ Lộc vừa rồi chẳng hạn, cái đó rõ ràng không phải là một hiện tượng tranh chấp đất đai gì cả. Thứ nhất là ở đấy là một vùng quê, vùng đất chung quanh đấy còn rộng, thì tất nhiên nói như thế không hẳn là chính quyền nó sẵn sang nhường đất đai cho tôn giáo một cách thoải mái, nhưng mà nó không đến nỗi căng thẳng như là vụ việc ở Thái Hà, thì em nghĩ rằng vấn đề đất đai không phải là quan trọng nhất, nằm sau cái đó là cái gì?
Nằm sau cái đó, theo bản thân em, thì đó chính là một hành vi muốn đàn áp, muốn khống chế sự phát triển của tôn giáo, cái đó rõ ràng. Nói đến đây thì phải coi lại từ đầu, tức là cái sự xung đột về chủ thuyết. Em nghĩ cái đó là điều quan trọng nhất.

Sợ ảnh hưởng quyền lực

Khánh An: Vâng. Cảm ơn ý kiến của anh Hùng. Còn những người khác thì sao ạ? Có đồng ý với ý kiến của anh Hùng hay không?

000_Del281122-250.jpg
Một buổi thắp nến cầu nguyện của giáo dân xứ Thái Hà. AFP
Tiến:
Theo quan điểm của em thì việc đàn áp tôn giáo nó có nhiều nguyên nhân lắm. Giống như đơn cử trong việc của Pháp Luân Công đi thì việc bắt đầu gây khó dễ cho các học viên Pháp Luân Công mà tiêu biểu nhất, vụ nổi bật gần đây là vụ xét xử hai anh Trung và Thành là hai học viên Pháp Luân Công phát sóng truyền tin tức về sự thật các cuộc đàn áp học viên Pháp Luân Công qua bên cho người dân Trung Quốc nghe, vì bên đó thông tin bị Đảng Cộng Sản Trung Quốc khống chế hết cho nên người dân chỉ được nghe thông tin một chiều thôi. Do sự việc này không có dính dáng đến Việt Nam cả, nhưng mà vụ xét xử này bắt nguồn từ một công hàm từ Trung Quốc qua là “cần phải xét xử nghiêm minh”. Về nguyên nhân đàn áp Pháp Luân Công thì nó xuất phát từ tình hình kinh tế với lại mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc với nhau.

Còn nói về những quan điểm, về cách đối xử với những tôn giáo khác thì theo em nghĩ là thứ nhất chế độ nào người ta cũng lo sợ quyền lực của mình bị lung lay. Cũng như mọi người thấy rằng về đạo Phật thì số người theo rất là nhiều, đó là một điều mà quả thật, khi có nhiều người quá thì đảng cầm quyền người ta khó có thể khống chế được. Cho nên xuất phát từ cái tâm lo sợ đó mà người ta muốn kiểm soát ngay từ đầu đi, giống như là cái gì đó ngay từ đầu khởi lên thì người ta phải nắm chắc được nó và người ta kiểm soát được nó.
Khánh An: Vâng. Bây giờ thì chắc là mời thấy Chân Minh ạ. Thầy Chân Minh có ý kiến như thế nào sau khi nghe những ý kiến mà các bạn đưa ra về nguyên nhân của việc chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo?
Thầy Chơn Minh: Tôi muốn nói tới vấn đề là người cộng sản chủ thuyết vô thần của Các-mác Ăng-ghen đưa ra để xây dựng nền tảng của tư tưởng cộng sản. Thật sự ra họ ở Phương Tây mà, họ xuất thân từ đạo Chính Thống Giáo, Công Giáo thì họ cũng biết rất rõ về tính chất của một tôn giáo đối với người dân, đối với tinh thần dân tộc.
Cho nên khi họ xây dựng tư tưởng người cộng sản để “đấu tranh giai cấp”, họ gọi là “đấu tranh giai cấp để giải phóng nô lệ, giải phóng dân tộc”, đó là những ngôn từ của họ nói, thì đều mang cái tính chất là xóa bỏ niềm tin tôn giáo đi vì họ biết rằng tôn giáo là cái gì đó rất là sâu xa, rất là sâu sắc, nó gắn liền với tinh thần dân tộc, gắn liền với con người.
Cho nên theo họ thì họ thấy rằng nếu để tôn giáo, để cái tinh thần tôn giáo, cái tư tưởng tôn giáo nằm trong tinh thần đấu tranh thì người đấu tranh họ sẽ lấy tính từ bi, bác ái ra và sẽ xa rời tính đấu tranh đi. Đó là cái điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai, khi họ thành công rồi thì họ lại càng không muốn người dân đi theo tư tưởng của một tôn giáo, vì tôn giáo là từ bi, là bác ái, là tình thương và sự chia sẻ, và bên cạnh đó là tính công bằng giữa con người với con người, đó là cái mà người cộng sản họ không bao giờ muốn. Họ chỉ muốn rằng cái nào lãnh đạo là lãnh đạo, cái nào dân đen là dân đen, không thể nào nhập chung, ví dụ đảng là đảng, còn dân là dân, cái họ cho là “nhà nước của dân, do dân và vì dân” đều là sáo rỗng hết.
Đạo Phật thì có số người theo rất là nhiều, đảng cầm quyền khó có thểkhống chế được, cho nên xuất phát từ cái tâm lý lo sợ đó mà người ta muốn kiểm soát ngay từ đầu.
Tiến ở Sài Gòn
Không bao giờ có cái chuyện “nhà nước của dân, do dân, vì dân” ở trong chế độ cộng sản cả, mà là “nhà nước của đảng, do đảng và vì đảng” mà thôi. Cái vấn đề ở đây là họ không muốn người dân phải vì tinh thần bác ái, từ bi hoặc bình đẳng của một tôn giáo làm cho người dân họ nghiêng về tinh thần dân tộc, mà chỉ biết về đảng thôi. Đảng là trên hết vì đảng là người lãnh đạo, đảng là người thúc đẩy phong trào đấu tranh thì đảng có quyền, và như vậy thì tôn giáo không thể nào cầm quyền.
Nhưng mà họ sai lầm vì tôn giáo không bao giờ muốn cầm quyền. Tôn giáo chỉ dạy con người ta đi đến chỗ tình thương bao la, chia sẻ cho nhau, chứ tôn giáo không bao giờ gây hiềm khích thù địch nhau. Nhưng người cộng sản thì khác, họ nghĩ rằng nếu như tôn giáo mà mạnh đi thì tinh thần từ bi, bác ái, rộng lượng, bình đẳng của tôn giáo sẽ đè bẹp cái tinh thần đấu tranh của họ, cho nên họ không muốn tôn giáo phát triển mạnh là ở chỗ đó.
Khánh An: Quý vị vừa nghe phân tích của thầy Chơn Minh, thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Đã đến lúc Café Wifi phải tạm dừng rồi, Khánh An và các khách mời hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét