Pages

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Việc Petrolimex chi sai nguyên tắc hơn 516,1 tỷ đồng: Petrolimex chi sai sao Nhà nước lại bù lỗ?

http://www.cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/phuonglien/5_chi2319.jpgĐăng Trường
 
 
Hơn 516,1 tỷ đồng là số tiền chi trả sai quy định tại Thông tư 234/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính nhưng Petrolimex lại đánh lận sang khoản lỗ. Từ chỗ lẽ ra phải xử lý, truy thu lại biến thành khoản tiền Nhà nước trích ngân sách bù lỗ, chi trả cho Petrolimex.
Chi sai nhưng lại gộp vào khoản lỗ
Căn cứ Công văn số 16098/BTC-VP, ngày 25/11/2011 của Bộ Tài chính gửi các cơ quan thông tấn, báo chí về việc thông tin điều hành giá mặt hàng điện, xăng dầu thì hiện tại, Petrolimex đang lỗ 1.840 tỷ đồng. Tại công văn này, Bộ Tài chính cho biết: Theo báo cáo quyết toán hợp nhất 6 tháng đầu năm 2011 của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (gồm văn phòng Tổng Công ty và 42 công ty thành viên) kinh doanh xăng dầu lỗ 1.840 tỷ đồng.

Sau khi rà soát bước đầu về kết quả kinh doanh của Tổng Công ty, Bộ Tài chính xét thấy: nếu không có những nguyên nhân chủ quan như việc Tổng Công ty chi trả thù lao cho đại lý, tổng đại lý vượt chi phí kinh doanh định mức theo quy định và nguyên nhân khách quan là tỷ giá ngoại tệ tăng thì kinh doanh xăng dầu không lỗ lớn như vậy.
Cụ thể, trong số lỗ 1.840 tỷ đồng thì: Nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu là do sự biến động tăng của tỷ giá ngoại tệ. Nguồn xăng dầu Tổng Công ty cung ứng cho thị trường nội địa từ đầu năm đến 15/9/2011 chủ yếu là nhập khẩu, chiếm 75,81% tổng khối lượng nhập khẩu và mua trong nước. Tổng lượng ngoại tệ nhập xăng dầu của Tổng Công ty phải vay (và có một phần mua) của ngân hàng để thanh toán cho nhà cung cấp xăng dầu nước ngoài từ đầu năm đến 15/9/2011 là 3.979 triệu USD, trong đó 6 tháng đầu năm là 2.974 triệu USD.
Với số ngoại tệ lớn như trên, sự biến động của tỷ giá ngoại tệ đã phát sinh chênh lệch tỷ giá ở nhiều thời điểm khác nhau (thời điểm vay, trả nợ và thanh toán cho nhà cung cấp), đặc biệt là đợt điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 11/2/2011 với biên độ lớn (tăng 9,3%). Tính ra bình quân trong 6 tháng đầu năm 2011, một USD nhập khẩu xăng dầu, lỗ chênh lệch tỷ giá bình quân là 485 VND/USD.
Vì vậy, trong 6 tháng đã làm phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá (sau khi đã bù trừ lãi chênh lệch tỷ giá) của Petrolimex là 1.425 tỷ đồng, chiếm 77,5% tổng số lỗ kinh doanh xăng dầu (trong tổng lỗ kinh doanh xăng dầu là 1.840 tỷ đồng).
Nguyên nhân thứ hai, về thù lao dành cho đại lý, tổng đại lý, Bộ Tài chính xác định: Trong quá trình thực hiện bán hàng 6 tháng đầu năm 2011, mức chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế phát sinh của Petrolimex vượt so với chi phí kinh doanh định mức quy định tại tại Thông tư 234/2009/TT-BTC, tổng số tiền là: 516.168.061.612 đồng. “Việc này là do Tổng Công ty đã chi phí thù lao đại lý cho tổng đại lý, đại lý có thời điểm cao, thậm chí có thời điểm cao hơn mức chi phí kinh doanh xăng dầu định mức (600 đồng/lít với xăng, diezen, dầu hỏa; 400 đồng/kg với mazut)”.
Như vậy, trong hai nguyên nhân làm Petrolimex lỗ 1.840 tỷ đồng thì nguyên nhân biến động tỷ giá USD là khách quan, không có gì bàn thêm. Thế nhưng, nguyên nhân thứ hai làm lỗ hơn 516,1 tỷ đồng là vấn đề phải làm rõ. Việc chi trả gây đội giá trên 516,1 tỷ đồng có dấu hiệu hành vi làm trái quy định Nhà nước, gây thất thoát khoản tiền lớn.
Văn bản của Bộ Tài chính khẳng định “Trong quá trình thực hiện bán hàng 6 tháng đầu năm 2011, mức chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế phát sinh của Petrolimex vượt so với chi phí kinh doanh định mức quy định tại Thông tư 234/2009/TT-BTC”.
Căn cứ Thông tư 234/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính, quy định như sau:
Chi phí kinh doanh định mứclà chi phí lưu thông xăng dầu (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ) trong nước của các thương nhân đầu mối (đã bao gồm chi phí dành cho tổng đại lý, đại lý) để tính giá cơ sở theo mức tối đa, trong đó:
- Chi phí bán lẻ bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với xăng, dầu diezen, dầu hoả tối đa: 600 đồng/lít.
- Chi phí bán buôn bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với dầu mazut tối đa: 400 đồng/kg.
Các mức chi phí kinh doanh định mức tối đa trên sẽ được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh phù hợp với thực tế kinh doanh của các thương nhân đầu mối trong từng thời kỳ.
Thông tư quy định, lợi nhuận định mức trước thuế là lợi nhuận kinh doanh xăng dầu trong nước của các thương nhân đầu mối để tính giá cơ sở theo mức tối đa là 300 đồng/lít, kg và sẽ được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh phù hợp với thực tế kinh doanh của các thương nhân đầu mối trong từng thời kỳ. Lợi nhuận thực tế thu được trong kinh doanh phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của các thương nhân.
Cần làm rõ và xử lý
Việc Tổng Công ty đã chi phí thù lao đại lý cho tổng đại lý, đại lý vượt quá định mức nói trên (quá 600 đồng/lít đối với chi phí bán lẻ xăng, dầu, diezen, dầu hỏa; quá 400 đồng/kg đối với bán buôn dầu mazut; quá 300 đồng/lít với lợi nhuận định mức) là hành vi chi trả sai nguyên tắc, sai quy định pháp luật.
.

Việc chi trả sai nguyên tắc chỉ là một trong nhiều bức xúc về xăng dầu.
.
Khi Thông tư này đang có hiệu lực thi hành, chưa có sự điều chỉnh thì tất cả việc chi trả lợi nhuận định mức, chi phí bán buôn, bán lẻ đều phải tuân thủ. Mọi hành vi làm trái quy định của Thông tư đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Do đó, không thể nói đơn giản: Petrolimex lỗ hơn 516,1 tỷ đồng do chi trả “cao hơn quy định”. Việc sử dụng từ ngữ như vậy là không đúng với bản chất, mà chính xác ở đây là chi trả sai nguyên tắc, sai quy định, vi phạm pháp luật, cụ thể là vi phạm quy định tại Thông tư 234/2009/TT-BTC. Doanh nghiệp phải làm đúng quy định Nhà nước, dù chi sai một đồng cũng phải xác định rõ, đằng này việc chi sai trái, gây thất thoát hơn 516,1 tỷ đồng mà vẫn giải thích theo cách trên là không thể được.
Theo đó, con số hơn 516,1 tỷ đồng không thể tính gộp vào khoản lỗ để tính tổng số lỗ 1.840 tỷ đồng. Số lỗ của Petrolimex tính ở khâu chênh lệch tỷ giá. Việc gộp cả hai khoản này vào một để tính tổng lỗ là cách làm “lập lờ đánh lận”, bởi lâu nay các khoản lỗ của xăng dầu đều được Nhà nước trích ngân sách bù đắp.
Đánh lận theo cách trên, từ chỗ hơn 516,1 tỷ đồng là số tiền chi trả sai quy định, theo luật phải xử lý, truy thu lại biến thành khoản tiền Nhà nước phải trích ngân sách chi trả cho Petrolimex? Nếu tiếp tục tái diễn thực trạng này sẽ tạo tiền lệ xấu: hợp pháp hóa hành vi phạm pháp. Khi đó, việc chi trả sai nguyên tắc không chỉ dừng lại ở hàng trăm tỷ đồng nói trên mà còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Vì những lẽ trên, đề nghị Bộ Tài chính làm rõ khoản chi sai quy định này tại Petrolimex. Cá nhân, tổ chức nào chỉ đạo chi trả sai quy định, gây thất thoát hơn 516,1 tỷ đồng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đồng thời số tiền chi trả sai phải truy thu, không thể lấy ngân sách bù lỗ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét