Pages

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Ý nghĩa lời tuyên bố của Hồ Cẩm Ðào về Hải Quân Trung Quốc

Hàng không mẫu hạm Variag của Trung Quốc

Hà Tường Cát


Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào trong lời phát biểu trước Quân ủy Trung Ương đảng Cộng sản hôm Thứ Ba, chỉ thị tiếp tục phát triển lực lượng hải quân và chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp xảy ra chiến tranh.
Mặc dầu không trực tiếp nhắm vào một đối tượng nào nhưng mọi người đều có thể hiểu “thế lực bên ngoài” chính yếu để Trung Quốc phải lo lắng đương đầu là Hoa Kỳ. Từ lâu Hoa Kỳ vẫn là cường quốc trong toàn thể vùng Thái Bình Dương và gần đây đã có một số động thái cụ thể nhằm tái khẳng định vai trò ấy, bao gồm sự xác định quyền lưu thông hàng hải tự do trên vùng biển quốc tế gần Trung Quốc như Hoàng Hải và Biển Ðông, việc loan báo kế hoạch phối trí thường trực thủy quân lục chiến ở Australia. Sự kiện Trung Quốc tuyên bố bành trướng hải quân không được Hoa Kỳ coi như một chiến lược mới và đáp lại Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ chỉ nói rằng Trung Quốc có quyền phát triển khả năng quốc phòng của họ nhưng nên thực hiện “một cách trong sáng.”

Quân lực Trung Quốc có nhân số lớn nhất thế giới, ước lượng 2.3 triệu, trong đó khoảng 300,000 hải quân trên hàng trăm chiến hạm trang bị vũ khí tân tiến, kể cả một hải đội tiềm thủy đĩnh nguyên tử và một hàng không mẫu hạm còn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Tuy nhiên lực lượng Hải Quân Trung Quốc chưa thể là đối thủ ngang sức của Hải Quân Hoa Kỳ gồm hơn 100 chiến hạm nổi và các tiềm thủy đĩnh nguyên tử cùng 6 trong số 11 hàng không mẫu hạm nguyên tử đặt căn cứ thường trực trong vùng Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh cuộc họp của Quân ủy Trung ương, phát biểu của Hồ Cẩm Ðào có ý nghĩa của một chỉ thị. Nhưng khi được truyền thông Trung Quốc loan tải rộng rãi, một điều chỉ có thể có khi hàm chứa một ý đồ, thì có thể coi đây là một lời răn đe. Nhưng trong ngắn hạn, lời đe dọa ấy chỉ mới có giá trị đối với các quốc gia trong khu vực, bao gồm Ðài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản và các quốc gia Ðông Nam Á hay xa hơn nữa tới Ấn Ðộ. Ngoại trừ Ấn Ðộ có lực lượng hải quân đáng kể với khoảng 130 chiến hạm bao gồm tiềm thủy đĩnh và một hàng không mẫu hạm chiến thuật, các nước Ðông Nam Á không đủ lực lượng là địch thủ của Trung Quốc trên biển.
Cho tới cuối thế kỷ 20, Trung Quốc vẫn chỉ được coi là một cường quốc quân sự trên bộ, với một lực lượng hải quân rất yếu, chính xác là một hải đội duyên phòng trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Tới thập niên 1980, Trung Quốc mới bắt đầu phát triển hải quân “nước xanh” ngoài hải quân “nước đục.” Ðến nay mặc dầu đã có thêm nhiều loại chiến hạm mới, Hải Quân Trung Quốc hãy còn là một lực lượng ở giữa hai lãnh vực cận duyên và viễn duyên. Dù có những chiến hạm có tầm hoạt động ngoài đại dương xa căn cứ, nhưng Trung Quốc chưa có đủ loại chiến hạm cần thiết để hình thành một hạm đội hành quân viễn duyên, đồng thời nhân sự chưa được huấn luyện đầy đủ và có kinh nghiệm trong tác chiến trên biển, kiểu cũ cũng như với kỹ thuật của thời đại mới.
Hải Quân Trung Quốc được tổ chức thành 3 hạm đội chính: hạm đội Bắc Hải, đặt căn cứ tại cảng Thanh Ðảo tỉnh Sơn Ðông, trách nhiệm vùng Hoàng Hải và vịnh Bột Hải; hạm đội Ðông Hải căn cứ tại Ninh Ba tỉnh Chiết Giang phụ trách vùng biển phía Ðông Trung Quốc bao gồm eo biển Ðài Loan và hạm đội Nam Hải căn cứ tại Trạm Giang tỉnh Quảng Ðông phụ trách vùng Biển Ðông.
Tổng cộng số chiến hạm nổi lớn nhỏ vào khoảng 200 trong đó có 25 khu trục hạm, 50 hộ tống hạm và hàng trăm tiểu đĩnh, tàu đổ bộ, tàu trợ chiến các loại. Một lực lượng đáng kể trong Hải Quân Trung Quốc là tàu ngầm, Trung Quốc có số tàu ngầm lớn nhất ở Á Châu với khoảng từ 8 đến 10 tiềm thủy đĩnh nguyên tử và 50 đến 60 tiềm thủy đĩnh dùng động cơ diesel-electric. Ngoài ra Trung Quốc có hàng ngàn tàu duyên phòng, cảnh sát biển, tàu bán quân sự tuần tra biển và thương thuyền có thể sử dụng cho công tác tiếp vận.
Người ta hay nói đến chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, được tân trang lại từ chiếc Variag mua của Ukraine, chưa có tên mới chính thức và hiện nay hãy còn trong thời kỳ thử nghiệm. Ðể giảm bớt sự chú ý của thế giới, Trung Quốc luôn luôn nói mẫu hạm này chỉ dùng vào mục đích huấn luyện. Lập luận này phù hợp với thực tế vì chiếc Variag bây giờ hay trong tương lai thật ra không có nhiều giá trị tác chiến.
Ngay cả khi Variag đã hoàn toàn sẵn sàng để sử dụng trong chiến đấu thì với số máy bay chiến đấu mang theo không quá 30 chiếc và chưa thành lập được một hải đội tùy tùng (kiểu hải đội đặc nhiệm của một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ), mẫu hạm này không thể hành quân xa và cũng không cần thiết cho những cuộc hải chiến nếu xảy ra ở eo biển Ðài Loan hay Biển Ðông là những khu vực nằm trong tầm hoạt động của những máy bay xuất phát từ căn cứ trên lục địa Trung Quốc. Như vậy sẽ còn rất lâu những hàng không mẫu hạm Trung Quốc mới là mối lo ngại đáng kể cho Hoa Kỳ cũng như các quốc gia trong khu vực.
Các khu trục hạm và hộ tống hạm mới nhất của Trung Quốc được trang bị đầy đủ những hệ thống vũ khí hiện đại là một lực lượng đáng chú ý hơn, tuy nhiên giá trị chiến đấu có lẽ có giới hạn. Một hải đội bao gồm toàn những chiến hạm này không thể là lực lượng xung kích viễn duyên trong chiến tranh. Còn tại khu vực, lực lượng này cũng không làm chủ được mặt biển khi đối phương có những chiến hạm kém hơn nhưng đủ khả năng đương đầu và gây tổn thất. Ðó là trường hợp nếu xung đột xảy ra ở Biển Ðông, đặc biệt là với Việt Nam, hiện có những hộ tống hạm phóng hỏa tiễn kiểu Gepard, Petya, tiềm thủy đĩnh và máy bay hải chiến Sukhoi Su-30MK2.
Ðiểm then chốt trong vấn đề bành trướng thế lực trên mặt biển là Trung Quốc không có những căn cứ tiếp vận ở hải ngoại để yểm trợ cho các chiến dịch hải quân viễn duyên. Vì vậy sự phát triển hải quân của Trung Quốc trong một thời gian dài nữa sẽ chỉ là mối lo ngại cho những quốc gia trong vùng Tây Thái Bình Dương. Trên biển, dù Trung Quốc có khả năng phá vỡ sự bao vây bởi Nhật Bản, Nam Hàn, Ðài Loan và các nước Ðông Nam Á, nhưng để hoàn thành mục tiêu này sẽ va chạm với Hoa Kỳ. Hiện tại, lúc nào Hoa Kỳ cũng sẵn có khoảng 50 chiến hạm ở Tây Thái Bình Dương gồm hàng không mẫu hạm, tiềm thủy đĩnh và những chiến hạm tác chiến khác đặt căn cứ ở Nhật Bản, Guam, Hawaii. Người ta không thấy là Trung Quốc có hy vọng chiến thắng hay ít nhất đạt được một lợi ích gì trong sự đụng độ với Hoa Kỳ, ngược lại Hoa Kỳ cũng phải bảo vệ quyền lợi quốc gia mình ở Châu Á và không thể lui bước vì áp lực quân sự của Trung Quốc. Do đó tất cả những tình thế căng thẳng có thể đến do sự phát triển hải quân của Trung Quốc sẽ chỉ mang tính cách áp lực tâm lý hơn là nguy cơ đưa đến chiến tranh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét