Pages

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Báo chí Miến Điện đang được cởi trói từ từ

Một sạp báo ở Miến Điện.
Reuters
Anh Vũ

Thời gian gần đây báo chí Pháp quan tâm nhiều đến những bước đi đầu tiên của Miến Điện trên con đường dân chủ hóa đất nước. Đặc biệt từ gần một năm nay dư luận quốc tế đã ghi nhận nhiều cố gắng cải cách của chính quyền, trong đó có việc nới lỏng tự do ngôn luận. Đặc phái viên báo Libération hôm nay trở lại đề tài này qua bài viết về tình trạng kiểm duyệt báo chí ở Miến Điện.
Tác giả ghi nhận từ tháng Ba năm 2011, ông Thein Sein lên làm Tổng thống, dù chưa được tự do hoàn toàn nhưng báo chí Miến Điện đã có những dấu hiệu khởi sắc. Việc kiểm duyệt đã co hẹp bớt phạm vi. Bằng chứng là cơ quan đăng ký và kiểm soát báo chí đã xóa bỏ chế độ duyệt bài trước đối với 54 tờ báo, tạp chí thể thao, văn hóa hay những tờ báo chuyên khai thác người nổi tiếng. Tuy nhiên các tờ báo đưa tin thời sự chính trị thì vẫn không được nằm trong danh sách trên. Với nhiều tờ nhật báo hay tuần báo như vậy, trước khi ra vẫn còn phải chịu những bút phê, dấu gạch đỏ hay yêu cầu cắt bỏ ghi trên phiếu cho phép phát hành. Các nhà báo ở Miến Điện vẫn phải chơi trò « mèo đuổi chuột » với cơ quan kiểm duyệt.

Tác giả lấy ví dụ của tờ Thời báo Miến Điện (Myanmar Times), một tạp chí lớn đặt trụ sở tại Rangoon. Hôm 14 tháng Giêng vừa qua, tức là 24 giờ sau khi chính quyền trả tự do cho các tù chính trị, toàn bộ ban biên tập tờ báo dồn hết tâm trí để hoàn tất bốn trang phụ bản về đề tài nóng hổi vừa diễn ra. Nhưng những cố gắng của họ đến phút chót trước giờ lên bản in đã phải thay đổi, vì một bài viết về lời kêu gọi đối thoại chính trị của một lãnh đạo người sắc tộc Kachin bị gạch đỏ yêu cầu rút xuống. Lý do: đây là vấn đề nhạy cảm. Chưa hết, một trích dẫn phát biểu của bà Aung San Suu Kyi về thiện chí của giới quân sự trong cuộc cải cách cũng bị gạch bỏ.
Trưởng ban biên tập của Myanmar Times cho biết, như vậy là cũng đã đỡ nhiều, « cách đây 2 năm, 2/3 số trang của tờ báo bị ném vào sọt rác ». Tiếp cận với tòa soạn của tờ báo, tác giả được nghe không ít những câu chuyện về kiểm duyệt báo chí ở Miến Điện. Những chuyện như người kiểm duyệt so kè từng câu chữ như chữ « hòa giải » của bà Aung San Suu Kyi được đề nghị thay bằng từ «củng cố lại ». Hay như việc đăng ảnh của Than Shwe, một người đầy quyền lực trong tập đoàn quân sự trước đây cũng bị các cán bộ kiểm duyệt cân nhắc kỹ từ góc độ cho đến bố cục nội dung ảnh…
Một trường hợp khác được tác giả bài viết dẫn chứng, đó là của tờ Weekly Eleven News, tuần báo bằng tiếng Anh này có lượng phát hành 10 nghìn bản tại Miến Điện. Cứ thứ Sáu hàng tuần ban biên tập lại nhận trở lại đều đặn các bản thảo với những bút phê như « tù nhân chính trị » bị gạch, đề nghị thay bằng từ « tù nhân lương tâm ». Dù biết là sẽ bị kiểm duyệt nhưng các phóng viên của báo vẫn cứ thử dùng từ «tù nhân chính trị » biết đâu có thể đượt lọt qua. Tổng biên tập của tờ báo, ông Wai Phyo thừa nhận là công việc làm báo của họ như đang đi trên trứng. Ông cho biết, một đồng nghiệp của ông lãnh đạo một tờ tạp chí thể thao. Để chào mừng việc trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi hôm 13/11/2010, tờ báo đã chơi trò dùng các chữ in màu trên một tựa bài viết về bóng đá mà khi ghép lại người ta đọc thành chữ « Suu Free » - Suu tự do. Qua mắt được các nhà kiểm duyệt nhưng ngay sau đó tờ báo bị phạt đình bản 15 ngày. Theo tác giả bài viết thì hình phạt này còn là nhẹ so với những án tù cho các nhà báo can đảm trước đây.
Giờ đây việc kiểm duyệt đang có chiều hướng giảm nhẹ nhưng không phải báo chí đã hết bị giám sát. Thay vì yêu cầu cắt bỏ, người ta bắt đầu thấy các bút phê kiểu như « Nếu tổng biên tập chịu trách nhiệm về hậu quả, bài báo này có thể được đăng ».
Sau nhiều năm Cơ quan đăng ký và kiểm duyệt báo chí thuộc Bộ Nội vụ, nay được chuyển sang nằm dưới sự quản lý của Bộ Thông tin. Đây cũng có thể được coi là một dấu hiệu thay đổi tích cực. Tác giả bài báo cho biết ngay cả ông Tint Swe, lãnh đạo cơ quan kiểm duyệt báo chí của Miến Điện cũng nghĩ rằng kiểm duyệt báo chí thời đại internet như hiện nay đang trở nên lỗi thời. Bản thân ông hồi tháng 10 năm ngoái đã đề nghị xóa bỏ hẳn chế độ kiểm duyệt báo chí.
Những trở ngại cho công cuộc cải cách ở Miến Điện
Nhật báo Le Monde lại đề cập đến những trở ngại có thể gặp cho tiến trình cải tổ ở Miến Điện. Le Monde viết : « Sau một thời gian dài chỉ trích Miến Điện, lãnh đạo ngoại giao của các nước Mỹ, Anh, Pháp lần lượt kéo đến Rangoon để rồi tin tưởng đất nước này đang hướng tới một nền dân chủ. Niềm tin này càng chứng tỏ cuộc cạnh tranh kinh tế và cuộc tranh giành ảnh hưởng chính trị đang xuất hiện rõ nét dần trong khu vực chiến lược giàu tài nguyên này ». Nhưng người ta không tính đến những trở ngại đang dần hiện lên trong tiến trình đổi mới ở Miến Điện.
Trở ngại đầu tiên là vấn đề xung đột sắc tộc. Theo Le Monde, hôm 9 tháng Giêng, mặc dù Tổng thống Thein Sein đạt thỏa thuận ngừng bắn với các nhóm sắc tộc nổi dậy chủ yếu, thì ở miền bắc Miến Điện thì cuộc giao tranh giữa người Kachin và quân chính phủ vẫn nổ ra trở lại. Một nhà ngoại giao phương Tây tại Rangoon khẳng định vấn đề trung tâm hiện nay ở Miến Điện là sắc tộc. Các nhóm dân tộc thiểu số sẽ đối lập với cuộc cải cách hiện nay nếu họ không được công nhận trong một tổ chức mới của đất nước. Thế nhưng hiện nay chưa một cánh cửa nào mở ra cho các nhóm sắc tộc thiểu số.
Một trở ngại khác trong tiến trình chuyển tiếp của Miến Điện, đó là việc lãnh đạo điều hành đất nước trong một thể chế dân chủ. Theo tác giả bài viết, thì thể chế độc tài quân sự vừa chuyển đổi sang dân sự không có được nhân sự đủ khả năng xử lý các vấn đề của quá trình chuyển tiếp này. Chính phủ hiện nay cũng như phe đối lập không có đủ tài để biến đổi đất nước này ngay được. Thí dụ như các điều luật về lao động, công đoàn đã được thông qua nhưng cơ quan hành chính không biết áp dụng. Ngoài ra theo Le Monde, nếu như quân đội đã rút khỏi chính quyền, nhưng họ vẫn hiện diện khắp nơi, vẫn chiếm 25% ghế trong Quốc hội. Vài chục tướng lĩnh chỉ huy quân đội vừa mới đựoc chỉ định vào bộ máy chính phủ, liệu họ có sẵn sàng từ bỏ quyền chỉ huy vừa mới có được hay không ?
Bạo động lại bùng phát trong khu tự trị của người Tây Tạng
Báo Le Figaro chú ý đến các vụ bạo động đang bùng phát trong vùng tự trị của người Tây Tạng thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Từ đầu tuần này, trong vòng vài ngày khu vực này lại rơi vào vòng bạo lực tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Mọi thông tin từ khu vực xảy ra các vụ bạo lực này đều bị bịt kín. Nhưng nhiều nguồn tin cho biết đã có nhiều người biểu tình Tây Tạng bị chết trong các vụ xô xát với công an Trung Quốc. Từ tháng 3 năm ngoái tại, khu tự trị của người Tây Tạng này vẫn luôn thường trực bùng nổ căng thẳng xung đột giữa người Tây Tạng với chính quyền. Bạo động chết người đang diễn ra là diễn biến tiếp nối 16 vụ tự thiêu của các tu sĩ Tây Tạng từ tháng 3 năm 2011 để phản kháng lại chính sách của chính quyền Trung Quốc với người Tây Tạng. Theo Le Figaro, chính sách đối với dân tộc thiểu số của Bắc Kinh dựa trên việc đồng hóa các đặc thù của sắc tộc một lần nữa đang đứng trước thách thức khó khăn. Chính sách bàn tay sắt giờ đây chỉ càng làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dân chúng. Không thu phục được nhân tâm thì Bắc Kinh lại càng tăng cường kiểm soát.
Ai Cập: Mùa xuân Ả Rập vẫn còn dang dở
Một thời sự khác được các báo Pháp quan tâm nhiều, đó là không khí cách mạng dường như đang sôi sục trở lại ở Ai Cập, đặc biệt là tại quảng trường Tahrir lịch sử tại thủ đô Cairo hôm qua (25/01/2012).
Hôm qua người dân Ai Cập kỷ niệm đúng một năm ngày người dân nổi dậy lật đổ chế độ độc tài Hosni Moubarak. Le Figaro cho biết hàng chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn người hôm qua đã lại hội tụ về quảng trường Tahrir lịch sử để sống lại niềm vui mừng thắng lợi của cuộc cách mạng mùa xuân năm trước. Nhưng cũng không ít người bị hụt hẫng vì cảm thấy thành quả đấu tranh của họ bị giới quân sự tước đoạt.
Với những người thanh niên cách mạng thì ngày 25 tháng Giêng này không phải lúc để kỷ niệm, mà họ muốn đây là ngày đánh dấu sự khởi đầu mới của cuộc nổi dậy chống lại giới quân sự nắm quyền
Báo Libération nhận thấy một năm sau, trên quảng trường Tahrir người dân Ai Cập vẫn còn nhiều điều để bày tỏ. Trên quảng trường Tahrir hôm qua có mặt đầy đủ các thành phần đảng phái, phong trào chính trị và cảm nhận về ngày kỷ niệm này cũng rất khác nhau.
TheoLibération, đảng Huynh đệ Hồi giáo, đảng thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội, tỏ ra ôn hòa và tin tưởng vào quá trình chuyển tiếp quyền lực của đất nước. Tuy nhiên phong trào thanh niên, những tác nhân chính làm nên cuộc nổi dậy 25/1/2011 thì lại tỏ ra bi quan nhất. Với họ, còn quá sớm để nói đến việc ăn mừng vì cuộc cách mạng vẫn chưa chấm dứt. Họ cho rằng giới quân nhân vẫn nắm quyền, ý tưởng của cuộc cách mạng vẫn còn chưa được thực thi. Khẩu hiệu của họ vẫn mang nội dung như cách đây một năm, chỉ khác ở chỗ là thay vào cái tên Hosni Moubarak bây giờ là Tantaoui, vị tướng lãnh đạo Hội đồng quân sự tối cao Ai Cập.
Theo Libération, những người làm lên cuộc cách mạng mùa xuân 2011 vẫn tin tưởng vào một luồng gió mới. Họ đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện để ở lại quảng trường Tahrir.
Các báo cũng ghi nhận một sự vắng mặt đáng chú ý trong buổi lễ kỷ niệm hôm qua. Trên quảng trường Tahrir không thấy có một bóng cảnh sát nào. Chính quyền ý thức được sự có mặt của lực lượng giữ gìn trật tự lúc này sẽ là một sự khiêu khích, có thể dẫn tới bùng nổ xô xát với người biểu tình.
2011, một năm thành công kỷ lục của Apple
Trong năm 2011, doanh thu của nhà khổng lồ tin học Apple đạt mức kỷ lục, tăng 73%, lợi nhuận đạt 13,1 tỷ đô la. Nhà sản xuất các thiết bị công nghệ cao cấp của Thung lũng Silicon này vừa mới cho thông báo kết quả làm ăn tốt nhất của họ trong lịch sử 36 năm của hãng. Apple đã chứng minh mặc dù vừa mất đi nhà sáng lập tài ba Steve Job, nhưng họ vẫn tiếp tục thành công.
Apple đã bán ra 37,04 triệu iPhone (tăng 128%), 15,4 triệu iPad, 15,4 triệu iPod, 5,2 triệu máy tính Mac. Hứa hẹn trong năm 2012 công việc làm ăn của nhãn hiệu quả táo vẫn sẽ tiếp tục đà thuận lợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét