Pages

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Biển Đông : Điểm nóng trong chiến lược quốc phòng Úc

Thủy quân Lục chiến Mỹ và Úc nghe phát biểu của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại căn cứ Darwin, ngày 17/11/2011.
Thủy quân Lục chiến Mỹ và Úc nghe phát biểu
của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại căn cứ
Darwin, ngày 17/11/2011.

REUTERS/Larry Downing
Lưu Tường Quang / Tú Anh – RFI

Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở phía bắc, canh chừng tình hình bất ổn tại Biển Đông, gia tăng hiện diện quân sự tại Ấn Độ Đương, đó là những mục tiêu mà hải quân Úc phải đảm trách trong chiến lược tái phối trí quốc phòng đang được chuẩn bị. Sức mạnh đang lên của Trung Quốc được xem là mối đe dọa.

Theo Reuters, hôm nay 30/01/2012, các nhà hoạch định chiến lược quốc phòng Úc thúc giục quân đội phải tăng cường lực lượng tại vùng bắc Úc, nơi có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên từ kim loại đến dầu khí. Trang bị thêm tàu tấn công và đổ bộ. Quân đội Úc cũng cần phải sẵn sàng đối phó với những bất ổn và thách thức tại Á châu, đồng thời phải gia tăng « hiện diện » tại Ấn Độ Dương.
Trong khuôn khổ chuẩn bị một chiến lược quốc phòng mới cho hai thập niên tới, Úc có kế hoạch nâng lực lượng tàu ngầm lên 12 chiếc, trang bị thêm ba khu trục hạm có khả năng không chiến, mua 100 chiến đấu cơ tàng hình F35 của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Stephan Smith tuyên bố với báo chí là tình trạng phòng thủ lỏng lẻo ở bắc Úc sẽ làm hỏng chiến lược quốc phòng của Úc.
Vì những nhu cầu cấp thiết nào mà Úc phải tái phối trí lực lượng võ trang song song với kế hoạch nâng cấp liên minh quân sự với Hoa Kỳ, cho phép Mỹ lập một căn cứ Thủy quân Lục chiến tại bắc Úc ?
Từ Sydney, nhà báo Lưu Tường Quang phân tích :
« Úc đã duyệt xét việc tái phối trí quốc phòng để đi cùng nhịp với việc tái phối trí và « định vị » quốc phòng của Hoa Kỳ xem Á châu là tụ điểm quan trọng. Sự tái phối trí mà bộ trưởng Quốc phòng Stephan Smith nêu ra hôm nay là kết quả tạm thời của cuộc duyệt xét tương tự như vậy của bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Điểm quan trọng mà ta cần chú ý là sự tái phối trí, tăng cường hiện diện của hải quân và hải quân tại miền bắc và tây bắc Úc là để đáp ứng thực tế chuyển đổi kinh tế.
Vào cuối thế kỷ 20, Úc là quốc gia công nghệ sản xuất và nông nghiệp, tất cả những tài nguyên lớn nằm ở đông nam và tây nam, chung quanh Sydney và Perth. Vào đầu thế kỷ 21, trọng tâm của nền kinh tế Úc là vấn đề khai thác tài nguyên phần lớn ở phía bắc. Do đó, sự hiện diện quan trọng của quốc phòng, của hải quân , không quân, bộ binh là để bảo vệ thực tế kinh tế này.
Ngoài ra nó còn vấn đề địa chính trị. Miền bắc và tây bắc Úc nhìn thẳng về Biển Đông và tiếp giáp với Ấn Độ Dương.
Trong bạch thư quốc phòng 2009, Úc gián tiếp xem Trung Quốc là mối đe dọa cho tới năm 2030 và đặc biệt là đe dọa từ Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang phát triển sự hiện diện quan trọng của hải quân. Điều quan tâm của Úc là phải bảo vệ an ninh, bảo vệ giao thông hàng hải. Chúng ta không lấy làm lạ khi Úc coi miền bắc là quan trọng vì đấy là cái điểm nóng có thể xảy ra xung đột ở Biển Đông Việt Nam.
Tuy Úc không coi Ấn Độ là mối đe dọa, nhưng đứng về phương diện kế hoạch quốc phòng thì Úc cần phải tập trung bảo vệ quyền lợi quốc gia bất kể là đe dọa đó có hay không có và đến từ nước nào ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét