Thời sinh viên đi học tôi rất thích bài 'Một đời người một rừng cây' của nhạc sỹ Trần Long Ẩn với những câu:
"Và tôi vẫn nhớ hoài một loại cây
"Sống gần nhau thân mới thẳng
"Có một cây là có rừng
"Và rừng sẽ lên xanh
"Rừng giữ đất quê hương"
Bài hát cũng có những câu nói về cách làm người, dám nhận những việc khó khăn về mình và rạch ròi giữa "đục" và "trong".
Những hành động của nhiều người dân nhằm minh bạch hóa việc chặt cây ở Hà Nội dường như thể hiện liên hệ giữa con người và thiên nhiên cũng như lựa chọn một cách hành xử mà nhạc sỹ Trần Long Ẩn gọi là "không chịu sống đời nhỏ nhoi" còn người hâm mộ coi là "sống vì mọi người, sống có trách nhiệm, không lẩn tránh, biết gánh vác, ... không cam chịu, an phận thủ thường."
Dậy sóng mạng xã hội
Việc chặt hàng trăm cây trong tổng số 6.700 đã lên kế hoạch để thay thế với kinh phí thay thế cây khoảng 70 tỷ đồng đã gặp nhiều phản đối.
Trang '6.700 người vì 6.700 cây' đã được 40.000 người ủng hộ trên Facebook sau ba ngày.
Người khởi xướng trang Facebook này được giới thiệu là một "người nội trợ yêu Hà Nội" và mục tiêu của trang là nhằm để "thúc đẩy sự minh bạch" và "sự hợp tác giữa người dân và chính quyền", thể hiện qua 3 yêu sách rất rõ ràng: "tạm dừng", "công khai" và "trưng cầu dân ý".
Trong khi đó 'Giáo sư Cù Trọng Xoay', một diễn viên hài truyền hình, tên thật là Đinh Tiến Dũng, cựu Chủ tịch Hội sinh viên khoa Nông học của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, đã 'chế lại' bài hát 'Hà Nội những công trình' của cố nhạc sỹ Quốc Trường với những ca từ:
"Nay ta cưa cây đi rồi "Chắc sẽ nhớ mãi khôn nguôi "Hà Nội rồi sẽ trơ bê tông "Như bị vặt lông"
Bài hát chế lại đã được hơn 40.000 lượt xem sau một ngày tải lên YouTube.
Một loạt những nhân vật có tên tuổi cũng đã lên tiếng chất vấn quyết định chặt hạ hàng ngàn cây.
Thư ngỏ của nhà báo Trần Đăng Tuấn, Tổng giám đốc công ty AVG, gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Thế Thảo hôm 16/3 đã được hơn 6.000 người like và 800 người chia sẻ.
Thông báo của nghệ sỹ Chiều Xuân trên Facebook của về chuyện chính nghệ sỹ "gào khóc như mụ điên bảo vệ cây" được gần 10.000 người like và 200 chia sẻ sau vài giờ hôm 20/3.
Người mẫu Hà Anh cũng tuyên bố phá lệ và viết về chuyện cần bảo vệ cây xanh.
Trong khi đó những câu hỏi khó cho chính quyền Hà Nội của Giáo sư Ngô Bảo Châu được BBC tiếng Việt đăng tải lại cũng được hơn 8.500 người thích và hơn 600 người chia sẻ.
Chặt cây đúng hay sai?
Trước mắt Hà Nội đã có quyết định dừng việc chặt cây để xem xét lại sau khi có phản ứng trái chiều.
Nhưng tại họp báo chiều 20/3, đại diện chính quyền thủ đô đã không thể trả lời được nhiều câu hỏi của các phóng viên tham dự, theo VnExpress.
Trang tin này viết: "Hàng chục câu hỏi về dự án đã được các cơ quan báo chí đưa ra: Quyết định dừng chặt hạ trong thời gian bao lâu? Thành phố nói đa phần người dân đồng thuận, vậy việc điều tra xã hội học, số liệu cụ thể như thế nào? Xã hội hoá như thế nào? Ai thẩm định cây để chặt? Minh bạch giá thành chặt bỏ, thay thế cây mới, xử lý gỗ sau chặt như thế nào?...
Trước đó chính quyền nói kinh phí để thay thế 6.700 cây xanh ở mức hơn 73 tỷ đồng trong khi chi phí chặt cây được bảo trợ bởi các "nhà tài trợ" mà đại diện ủy ban Hà Nội nói đã "nôn nóng" và góp phần gây ra những phản ứng không thuận.
Nhưng cũng có những ý kiến nói rằng việc phải hy sinh "thậm chí cả hàng cây cổ thụ ... nếu muốn lột xác để phát triển".
Một ý kiến chia sẻ khác trên Facebook cũng có vẻ ủng hộ việc loại bỏ một số cây:
"Tôi lớn lên trên một con phố ở quận trung tâm Hà Nội. Ác mộng tuổi thơ tôi là hàng cây xà cừ cổ thụ. Ưu điểm của cây xà cừ là cành lá xum xuê rợp bóng mát... Là nơi cho ve sầu tụ họp cùng xướng hợp ca rộn rã những trưa hè. Nhược điểm của nó là bộ rễ chùm ăn nổi cùng với tháng năm sẽ làm cho mặt vỉa hè chồi sụt nhấp nhô.
Ngoài ra, rễ chùm không ăn sâu cho cây bám chắc vào lòng đất, nên cây xà cừ càng cao thì càng gây nhiều nguy cơ cho những mái nhà núp dưới tán lá của nó. Dù năm nào người ta cũng cưa bớt cành của xà cừ trước mùa bão..."
Ngoài ra, rễ chùm không ăn sâu cho cây bám chắc vào lòng đất, nên cây xà cừ càng cao thì càng gây nhiều nguy cơ cho những mái nhà núp dưới tán lá của nó. Dù năm nào người ta cũng cưa bớt cành của xà cừ trước mùa bão..."
Còn Tiến sỹ Phó Đức Tùng, chuyên gia quy hoạch đô thị, lại có phân tích rõ ràng các loại cây ở Hà Nội theo các thời kỳ khác nhau và cho rằng khả năng tái tạo lại được các cây cao như thời Pháp là khó xảy ra do "thời nay, đường phố chật hẹp, đất bị nén chặt, đầy các loại ống ở hạ tầng, các loài cây không còn đủ không gian cho bộ rễ và cho cành lá."
Nhưng có lẽ những lời nói và hành động liên quan tới việc chặt 6.700 cây có ý nghĩa vượt lên trên số phận của mấy ngàn cây xanh.
Đó là chuyện người dân biết quyền của mình, sẵn sàng thách thức những việc làm không theo lộ trình minh bạch và biết cách thách thức một cách hiệu quả như nhà báo Huy Đức viết trên Facebook:
"Mừng, không phải vì Hà Nội cho dừng việc chặt cây mà vì cách mà người dân Hà Nội đã cùng lên tiếng.
"Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà nếu người dân ý thức được vai trò của mình thì chính quyền không còn có thể muốn làm gì thì làm được nữa.
"Trong một quốc gia mà xã hội dân sự lớn mạnh thì nhà nước cũng sẽ bị buộc phải trưởng thành."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét