Pages

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Sẽ có từ chức trong vụ Hà Nội 'chặt cây'?

Cây xanh Hà Nội
Gỗ từ các cây xanh bị chặt sẽ có thể được 'bán đấu giá' sớm, theo một số tờ báo ở Việt Nam.
Một nhà phân tích chính sách công từ Việt Nam vừa đặt vấn đề chính quyền Hà Nội sẽ 'chịu trách nhiệm giải trình' ra sao, thậm chí có ai sẽ 'từ chức' không sau chiến dịch chặt cây xanh ồ ạt vừa mới bị đình chỉ ở thành phố này.
Trao đổi với BBC hôm 21/3/2015, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, chuyên gia về chính sách công tại Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam bình luận về phát biểu của một phó lãnh đạo ngành tuyên huấn của Thành ủy Hà Nội mới đây cho rằng không cần phải hỏi ý kiến người dân khi tiến hành chiến dịch chặt cây.

Ông nói:
"Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định như vừa rồi, một người có trách nhiệm như thế, ông Phó Ban tuyên giáo mà ông ấy trả lời như thế, rõ ràng là bất chấp dư luận và bất chấp quần chúng, trong khi phong trào dân chủ cần được tôn trọng, thì ông đã có phát biểu như thế.
"Những người đó phải có trách nhiệm giải trình, đồng thời phải có trách nhiệm và có lương tâm, không những chỉ xin lỗi mà thậm chí mong muốn của dư luận là ông nên từ chức.
"Có như vậy thì mới giữ được một chút uy tín còn lại của những người làm chính sách, hoạch định chính sách.
"Khi mà hoạch định chính sách đó là phải hướng tới người dân, vì lợi ích của người dân, vì lợi ích cộng đồng, thì ngược lại ông bất chấp, làm việc đó, ra quyết định như vậy thì không xứng đáng là những người làm chính sách.
"Và cá nhân tôi cũng ủng hộ ông ấy và trong bộ máy này phải có người chịu trách nhiệm việc này, chứ không phải chỉ có một người đứng lên xin lỗi chung chung, rồi lại đâu vẫn vào đấy.
"Đấy là ý kiến rất đông đảo của người dân Hà Nội chứ không chỉ riêng của chúng tôi, mà tôi biết được đông đảo quần chúng mong muốn phải có những hành động gọi là dũng cảm trong nháy nháy của những người làm chính sách và của những phát ngôn như vậy, phải chịu trách nhiệm và phải từ chức," Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công của Học viện Chính sách & Phát triển nêu quan điểm.

'Lợi ích nhóm?'

Mới đây xuất hiện một văn bản được cho là của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội do Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân, Nguyễn Thịnh Thành ký, cho biết chi tiết về các cơ quan, tổ chức và cá nhân đã "tham gia ủng hộ" cho việc chặt cây, trong đó riêng trên 17 tuyến phố thực hiện ở Hà Nội, có:
"Tập đoàn Vincom, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VP Bank), Công ty Cổ phần Thương mại Công nghệ Bình Minh, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Hà Thành, Công an Thành phố và một số tổ chức, cá nhân khác."
Bình luận về khả năng có 'lợi ích nhóm' nào không và ra sao đứng sau chiến dịch được cho là dự định chặt tới 6.700 cây xanh ở Hà Nội, mà trong đó có nhiều cây được tin là có giá trị cao riêng về mặt kinh tế, Phó Giáo sư Thọ nói:
"Các công ty này liệu có những lợi ích gì không trong việc tài trợ này? Và tài trợ như thế nào cũng chưa được sáng tỏ," ông Thọ nói về vụ họp báo của Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, ông Nguyễn Quốc Hùng chủ trì mới đây, hôm 20/3 về vụ việc.
"Vì một số câu hỏi đặt ra chưa được làm rõ ở cuộc họp báo này.
"Cái thứ hai, khi Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ngừng chặt cây xanh, thì dư luận vẫn đặt ra rằng thậm chí một số cây mà chặt trong đó người ta nghi ngờ có cả cây sưa rất quý hiếm, cũng như là một số cây nữa mà gỗ của nó đi đâu, thì hiện nay cũng là những câu hỏi chưa trả lời.
"Và thứ ba nữa là như thế liệu có những bàn tay nào để thúc đẩy việc này không, để làm cho chính quyền Hà Nội và cụ thể là Sở Xây dựng và công ty này dẫn đến một hành động gần như có nhiều phản tác dụng, bất chấp dư luận, không có ý thức mà cũng không có quy hoạch cây xanh, cũng như cả vấn đề môi trường nữa?
"Rõ ràng nhóm lợi ích ở đây người ta đương đặt ra câu hỏi lớn nhất mà hiện nay, trong cuộc họp báo này, chưa được giải thích", Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ nêu quan điểm với BBC.

'Thảm sát cây'

Hôm thứ Bảy, một tờ báo Việt Nam, tờ Tin nhanh Năng Lượng Mới ( PetroTimes) cũng nêu quan điểm chất vấn lãnh đạo Hà Nội về trách nhiệm liên quan chiến dịch chặt cây, mà tác giả bài viết với tựa đề "Có nên coi việc chặt cây xanh ở Hà Nội là "phá hoại có tổ chức" hay không?" gọi là một vụ "thảm sát cây".
Bài báo của tác giả Nguyễn Như Phong có đoạn với nhiều câu hỏi đặt ra:
"Có rất nhiều khuất tất trong vụ chặt hạ cây xanh này.
Cây xanh Hà Nội
Hà Nội đã ra quyết định tạm dừng chiến dịch 'chặt hạ cây xanh' với quy mô được cho là tới 6.700 cây.
"Chúng ta hoan nghênh tinh thần thẳng thắn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, và rất mong ông Chủ tịch cho điều tra làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân trong vụ " thảm sát" cây này.
"Điều người dân muốn được biết một cách minh bạch là:
"Ai là người ký duyệt cho vụ thảm sát cây này? Trước đó, đã có nghiên cứu khoa học nào về việc thay cây này chưa?
"Một việc lớn đến như vậy mà tới Chủ tịch còn không biết, vậy phải chăng Phó Chủ tịch đã lộng quyền?
"Số tiền phải bỏ ra thay cây là bao nhiêu? Và số cây này được mua từ đâu? Và cuối cùng là số gỗ của 6.700 cây (nếu được chặt sạch theo đúng kế hoạch) thì sẽ sử dụng thế nào? Bán cho ai?
"Và trước những hậu quả đã trông thấy, phải coi đây là một cuộc "phá hoại tài sản, phá hoại môi trường có tổ chức," tác giả Nguyễn Như Phong nêu quan điểm.
Được biết, hôm 20/3, lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã mở một cuộc họp báo về vụ chặt cây xanh, do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, ông Nguyễn Quốc Hùng chủ trì, hàng loạt các câu hỏi của các phóng viên đã được đặt ra, tuy nhiên, ông Phó Chủ tịch đã không trả lời bất cứ câu hỏi nào tại chỗ, theo phản ánh của truyền thông Việt Nam trong cuộc họp diễn ra vỏn vẹn khoảng 10 phút này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét