Pages

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Hãy chứng minh đi, C hâu(*) ơi!

Vì tôi lớn hơn Châu đúng 10 tuổi, vậy xin được gọi Châu bằng tên như gọi đứa em, theo lễ giáo Bắc Kỳ với nhau, bởi Châu đúng là người Miền Bắc 100%, và tôi cũng vậy. Cũng xin nói ngay rằng tôi viết những dòng này không phải gửi đến Châu, mà muốn gửi đến tất cả những ai đã thẳng tay “ném đá” vào Châu trên mạng Internet trong những ngày qua. Nhưng có lẽ Châu cũng đồng ý với tôi là, đối với những nhận xét phê bình có trách nhiệm, có văn hóa, và có lý có tình thì chúng ta rất cần tôn trọng …
Cũng xin được nói trước là tôi không (hay đúng hơn là chưa) bao giờ có tư tưởng “thấy người sang bắt quàng làm họ” để dựa chút hơi danh, mong được mọi người chú ý. Điều đó không những chẳng thực tế mà còn rất đáng xấu hổ! Bởi vậy tôi sẽ viết ra với tư cách một người Việt nói với những người Việt, trong đó có Châu. Và với tư cách của một blogger công khai danh tính, có bài viết đăng trên hơn 70 trang Web tiếng Việt (không kể blog cá nhân) trên mạng Internet (đây không phải là thành tích, vì nếu không thích thì ngay ngày mai tôi sẵn sàng gác bút không viết nữa). Ai không thích thì đừng đọc, hoặc có thể thoải mái phê phán, vậy thôi, vì ngôn luận vốn là tự do, không ai có quyền ép buộc chuyện nói hay không nói.



GS Ngô Bảo Châu

Thực ra tôi cũng giống như số đông người Việt, chỉ mới biết đến Châu qua việc Châu đoạt giải Fields. Tôi vốn dốt Toán nên cũng không mặn mà gì với chuyện Châu chứng minh được cái Bổ Đề gì đó. Và tôi cũng thấy tiếc số tiền hàng vài trăm tỉ đầu tư vào cái Viên Toán Cao Cấp. Nhưng tôi biết học toán là vô cùng vất vả, ngay cả đối với những người có năng khiếu thiên phú về các môn khoa học Tự Nhiên. Vì vậy Châu đoạt giải Fields không thể do may mắn mà đích thực đó là mồ hôi và chất xám.

Là một người từng đi nhiều nước, tiếp xúc với nhiều những nhà khoa học hàng đầu thế giới, ngoài việc Châu học được thêm các kiến thức về khoa học (nhất là Toán học), chắc chắn Châu cũng học được (hay chính xác hơn là biết được) đời sống chính trị xã hội của một nước văn minh nó như thế nào. Có lẽ Châu cũng muốn đem điều gì đó học được về tinh hoa chính trị xã hội của thế giới tự do cho đất nước Việt Nam. Vì vậy không phải bỗng nhiên mà Châu đã có những câu phát biểu để đời như: “Bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”, hay “không có phản biện xã hội đã chết lâm sàng”, vv…
Không ai từ chối sự nổi tiếng, nhưng tôi dám chắc Châu đã có đủ sự nổi tiếng, không cần bắt buộc phải nổi tiếng nhờ những phát biểu trên báo nhà nước và trên mạng Internet. Vì vậy tôi đánh giá những phát biểu của Châu là có chủ đích và có chính kiến rõ ràng, mạch lạc. Chính trị xã hội gắn liền với cuộc sống, và tôi tin rằng ngoài môn Toán, Châu cũng chú ý đặc biệt đến chính trị xã hội.
Muốn trở thành một nhà chính trị thì phải có nhiều người ủng hộ, được dư luận quan tâm. Cách thông thường nhất, và là lợi thế cho các nhà chính trị đối lập, chính là nhờ vào vị trí xã hội đã có hoặc hiện có của họ. Vì đơn giản là họ không cần trải qua giai đoạn chứng minh tài năng cá nhân. Tôi lấy ví dụ là một cựu tướng lãnh hay một quan chức cao cấp trong chính phủ mà ra làm chính trị đối lập thì rất dễ thu phục lòng dân. Châu là một người có tầm vóc như thế, tuy không phải là một cựu tướng lãnh hay một nhà chính trị lâu năm.
Có người nói Châu ham tiền, ham tài sản và thích những ưu đãi của chính phủ Việt Nam dành cho mình. Thú thực là về tâm lý, chuyện tiền bạc và chức sắc không mấy ai chê cả. Những người nói “giá như Châu đừng nhận biệt thự, đừng nhận quản lý Viện Toán Cao Cấp vv..”, chưa chắc gì ở vào vị trí như Châu họ lại nói câu từ chối. Có khi cả đời họ chưa chắc đã làm được việc gì thiện nguyện cho xã hội ấy chứ. Thôi, kệ họ, tự do ngôn luận thì ai thích nói gì, thích chê gì, thậm chí thích chửi bới gì, đều là quyền của họ…
Tôi biết trong bối cảnh tự do về chính trị còn ngột ngạt như hiện nay ở Việt Nam, một người muốn làm một cái gì đó cho ra hồn, hòng xoay chuyển chế độ, không hề đơn giản. Như tôi chỉ mới xin gặp ông thủ tướng Phan Văn Khải (năm 2003) để chất vấn về tham nhũng và hiện tình đất nước thôi, mà đã bị coi là phản động, đi đâu cũng có công an an ninh đi kèm, thì những người “có chính kiến rõ ràng” khó mà có đất “làm ăn”.
Vì vậy nếu muốn, những người có tầm vóc hơn người phải có cách khác, tìm con đường nào đó công khai nhưng pháp luật và công an không thể với tới được. Con đường đó chỉ có số ít người có thể có, nhờ vào tiếng tăm, sự trong sạch và sự nổi tiếng. Châu là một người có đủ những điều kiện đó. Nếu lúc này Châu từ chối những đãi ngộ mà nhà nước Việt Nam dành cho mình thì đương nhiên trong con mắt nhà cầm quyền sẽ có nghi ngờ thù địch. Chi bằng vừa được tiếng vừa được… tiền là tốt nhất. Thiết nghĩ số tài sản dành cho Châu và cho Viện Toán Cao Cấp cũng chẳng là gì so với hàng chục tỉ USD ước tính mỗi năm thất thoát vì nạn tham nhũng…
Giống như Đông Âu, Ả Rập, và gần đây là Miến Điện, chế độ chính trị ở Việt Nam sẽ buộc phải thay đổi. Nhưng thay đổi như thế nào? Ai sẽ xứng đáng đứng ở vị trí đối lập với Đảng Cộng Sản? Chắc chắn chỉ có những người lãnh đạo chính trị chiếm được lòng người dân trong nước mới có thể có cơ hội đó. Bởi không có quần chúng thì một đảng phái hay một tổ chức chẳng khác nào một chú Ve Sầu bụng rỗng mà thôi. Vậy những phát biểu tạm gọi là “gây sốc” của Châu từ năm 2011 đến nay cũng có ít nhiều giá trị cho Châu ở vị thế chính trị xã hội. Không phải bỗng dưng mà mỗi lời nói của Châu đều được công luận hết sức chú ý như vậy.
Nếu những nhận định của tôi về Châu mà đúng thì có lẽ điều này sẽ gây bất lợi cho kế hoạch chính trị của Châu? Không hề có điều đó! Nếu ai nhận định như vậy thì quả là người thiếu sâu sắc! Cả một bộ máy công an an ninh khổng lồ của Việt Nam hiện nay không thiếu những người có đầu óc. Họ có thừa trình độ và kinh nghiệm để nắm bắt được những điều tôi nói. Một dẫn chứng là thang điểm chuẩn rất cao để trúng tuyển vào học tại các trường công an (nhất là Đại học An ninh) đã chọn ra nhiều những bộ óc thông minh cho ngành của họ.
Những nhân sĩ trí thức trong nước và cả ở nước ngoài về nước (như Châu) sẽ luôn là đối tượng quan tâm đặc biệt của bộ máy an ninh tình báo Việt Nam. Nhưng họ vẫn phải chấp nhận những thành phần ấy vì yêu cầu hội nhập (nhất là hội nhập về kinh tế). Và đương nhiên họ phải chấp nhận chuyện những tư tưởng Phi Cộng Sản “sống chung” trong môi trường xã hội với họ. Đó là thực trạng họ không thể đảo ngược! Những nhân sĩ trí thức yêu nước và có tư tưởng đối lập, trong và ngoài nước hãy nắm bắt điều đó.
Những phát biểu của Châu rõ ràng là có chủ đích chứ không phải nói để chơi! Ngay cả chuyện định nghĩa trí thức cũng còn nhiều vấn đề để bàn. Nhưng cuối cùng mục đích là gì, thì chỉ có một, đó là: Cống hiến cho xã hội. Vậy trí thức hay không trí thức, học vấn và trình độ chuyên môn cao hay thấp, vẫn phụ thuộc vào sự cống hiến để xác định vai trò trí thức. Bản thân Châu cũng có thể mắc sai lầm trong phát biểu, giống như Châu hẳn đã nhiều lần mắc sai lầm trong 15 năm “vật lộn” để chứng minh cái Bổ Đề hóc búa kia vậy. Nhưng rõ ràng là Châu chưa phạm bất cứ một sai lầm nghiêm trọng nào trong phát biểu.
Có người nói Châu chỉ có thể là quân cờ cho bên này (Dân chủ – Tự do) hoặc bên kia (Cộng Sản). Đó là những phát biểu duy ý chí. Chúng ta có thể dưới quyền người này hay trên người kia. Nhưng ví con người với quân cờ là một sự xúc phạm. Nhưng thôi, kệ họ! Trước sự tồn vong của dân tộc, trước nguy cơ đất nước Việt Nam trở thành một cái gì vô cùng kinh khủng. Chỉ có những người như Châu mới hội tụ đủ nhiều lợi thế để tạo ra một môi trường sinh hoạt chính trị Đa nguyên. Và từ môi trường ấy, Dân chủ đích thực mới có cơ hội đâm chồi nảy lộc.
Suy cho cùng, hiện nay chế độ Cộng Sản ở Việt Nam đang có toàn quyền (nhờ vũ lực) để cho phép ai làm người đối lập về chính trị với mình. Chắc họ cũng rất sợ sau này thất thế thì sẽ bị đối lập trả thù. Nhưng những người như Châu sẽ không có gì để trả thù chế độ. Và có lẽ chế độ Cộng Sản cũng “thích” được đối lập với những đối thủ chính trị có đẳng cấp trung thành, lại không phải cừu thù. Vì vậy tôi nghĩ những người trong sáng như Châu sẽ được họ chấp nhận trong trật tự. Và nếu điều đó xảy ra thì cũng là một cơ may cho đất nước Việt Nam. Hãy chứng minh đi, Châu ơi!
Lê Nguyên Hồng
29-01-2012
Theo Công Dân
Chú thích: (*) Giáo sư Ngô Bảo Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét