Pages

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Hội Đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu Ra Mắt Tại Tokyo

Âu Minh Dũng - RadioCTM
Ban thường vụ
Hội đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu
(RadioCTM - Tokyo) Một trong những thành công của Hội nghị Dân chủ hóa Á châu tại Nhật Bản vào ngày 25 và 26 tháng 11 năm 2011 là việc thành lập được một Hội Đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu (Asian Solidarity Council for Freedom and Democracy) với thành phần lãnh đạo gồm Tiến sĩ Pima Gyalpo (Tây Tạng), ông Lý Thái Hùng (Việt Nam), ông Tim Win (Miến Điện), ông Thừa Văn Lập (Trung Quốc) và ông Ihman Mahnut (Uyghur) để xúc tiến các hợp tác cụ thể và vận động thêm sự tham gia của những tổ chức, đảng phái khác của các dân tộc đang bị độc tài cai trị tại Á Châu.

Sau 2 tháng thành lập, hôm 28 tháng 1 năm 2012 vừa qua, Hội Đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu đã tổ chức một buổi ra mắt tại Câu lạc bộ Ký giả Ngoại quốc tại Nhật Bản (The Foreign Correspondents Club of Japan) để chính thức giới thiệu về nhân sự lãnh đạo và chương trình hành động của Hội Đồng.
Trước khoảng 100 quan khách Nhật và ký giả quốc tế đang làm việc tại Tokyo, Tiến sĩ Pima Gyalo (Chủ tịch Hội đồng) đã lên ngỏ lời cám ơn về những hợp tác quý báu mà Hội Đồng đã nhận được trong thời gian qua. Giáo sư Pima cho biết ngoài 5 nhân sự lãnh đạo như vừa kể trên, Hội đồng đã mời nhiều nhân vật tên tuổi khác tham gia vào Ủy ban Điều hành Trung ương và một Ban Cố vấn. Hội đồng Cố vấn này có các đại diện từ hội Phật giáo Nhật Bản, hội Luật sư Tokyo, hội Ký giả Ngoại quốc tại Nhật và một số nhân sĩ khác.

Tiến sĩ Pima cho biết đường hướng hoạt động của Hội Đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu là đấu tranh ôn hòa nhưng quyết liệt đối với các chế độ độc tài ở Á châu để mong sớm đem lại tự do, dân chủ cho các nước trong vùng, cụ thể là Tây Tạng, Uyghur, Nội Mông, Miến Điện, Việt Nam, Trung quốc. Hy vọng từ nay việc đấu tranh cho Tự do, Dân chủ hay tố cáo những vi phạm nhân quyền không còn đơn lẻ theo từng quốc gia nữa mà là một sự kết hợp chung trong tình liên đới. Chẳng hạn như những vụ người Việt Nam tố cáo chính quyền Hà Nội vi phạm nhân quyền, đàn áp người bất đồng chính kiến không còn là chuyện riêng của người Việt Nam nữa mà là chuyện chung của Hội Đồng. Có như thế áp lực mới mạnh để vận động thế giới lên tiếng buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải ngưng ngay những hành động đàn áp, bắt bớ người dân tùy tiện.

Riêng tại Nhật, Hội Đồng sẽ tổ chức những buổi nói chuyện về nhu cầu Dân Chủ Hóa Á Châu tại các trường đại học ở Nhật Bản để qua đó vận động sinh viên tham gia vào Ủy Ban. Tổ chức các sinh hoạt gây quỹ trong giới Nghiệp đoàn và các công ty để tạo một nguồn tài chánh hầu hỗ trợ các hoạt động.

Đại diện Miến Điện, Tiến sĩ Tim Win trong phần phát biểu đã khẳng định rằng tự do, dân chủ là xu hướng tất yếu của thời đại ngày nay mà không một chính quyền nào có thể ngăn cản nổi. Trong mấy tháng qua, tiến trình dân chủ hóa tại Miến đã có những bước tiến thấy rõ. Hy vọng trong một vài năm tới tự do, dân chủ sẽ thật sự đến với người dân Miến Điện. Khi đó chắc chắn Miến Điện sẽ có những đóng góp thiết thực và to lớn hơn cho Hội Đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu. Tiến sĩ Tim Win, đại diện Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ Miến đã chuyển lời chào mừng của bà Aung San Suu Kyi đến Hội Đồng. Bà kỳ vọng sẽ có cuộc gặp mặt với Ban lãnh đạo Hội Đồng trong tương lai.

Bài phát biểu của Ông Lý Thái Hùng
do ông Ngô Văn đại diện
Vì bị trở ngại công việc, ông Lý Thái Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu đã không thể đến Tokyo tham dự buổi họp báo này nên đã gửi bài phát biểu và nhờ ông Ngô Văn đọc trong buổi lễ. Ông Lý Thái Hùng cho rằng những diễn tiến dân chủ hóa tại Miến Điến hiện đang là điểm xuất phát của Mùa Xuân Á Châu và sự ra đời của Hồi Đồng Liên Đới Dân Chủ Á Châu chắc chắn sẽ tạo những thuận lợi cho thế liên kết tranh đấu của các phong trào dân chủ Á Châu trong thời gian tới. Ông Lý Thái Hùng cũng đã bày tỏ lòng cảm ơn đến chính giới, các đoàn thể, đảng phái, và nghiệp đoàn tại Nhật Bản đã hỗ trợ tích cực phong trào dân chủ Á Châu trong những ngày qua.

Dân biểu Mita
Trong phần phát biểu của một số đại diện quan khách, Dân biểu Mita đại diện lưỡng đảng Dân Chủ và Tự Do Dân Chủ Nhật nói rằng: “Trong Hội nghị Dân chủ hóa Á châu vào cuối tháng 11 năm ngoái, người Nhật đã lắng nghe nguyện vọng, quan điểm và đường lối của các dân tộc đang bị áp bức bởi những chế độ độc tài. Hôm nay đến phiên người Nhật tự hỏi sẽ làm gì để hỗ trợ cho công cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ mà dân tộc các nước Á Châu đang theo đuổi”. Trên cương vị một Dân biểu Quốc hội, ông cho biết sẽ lên tiếng yêu cầu chính phủ Nhật lên án các chính phủ đang vi phạm nhân quyền, đàn áp những người bất đồng chính kiến. Hơn thế nữa, ông cho rằng chính phủ Nhật còn phải có các biện pháp chế tài mạnh mẽ như đã từng làm đối với Miến Điện; đặc biệt khi có bằng chứng rõ ràng về tội chống nhân loại, diệt chủng của các nhà nước độc tài thì chính phủ Nhật phải lên tiếng truy tố ra tòa án quốc tế. Ông cho biết trước khi đến dự buổi họp báo ra mắt này, nhiều đồng viện của ông đã bày tỏ ý kiến như thế và nhờ ông chuyển lời đến Hội Đồng lời chào thân ái và hứa sẽ hiệp lực tối đa trong điều kiện cho phép.
Đại diện Phật giáo Nhật

Bình luận gia nổi tiếng Sekihei mở đầu bài phát biểu của ông như sau: “Tôi không phải là một vị tiên tri, nhưng tôi đoan chắc rằng sau Miến Điện là đến Việt Nam rồi mới đến Trung quốc”. Ông cũng nói: “Khi nào mà Trung quốc vẫn còn chế độ cộng sản ngự trị thì ngày đó thế giới nói chung và Á châu nói riêng vẫn còn bất ổn. Trước đây nhiều người Nhật không tin hoặc không muốn tin điều đó, nhưng nay đã quá rõ qua âm mưu và hành động muốn khống chế biển Đông mà Bắc Kinh đang từng bước thực hiện. Lương tâm con người bắt buộc chúng ta phải lên tiếng trước những bất công, ủng hộ những cuộc đấu tranh giành lại quyền làm người từ các chế độ độc tài. Im lặng coi như đồng lõa với kẻ ác”.

Ông Mishima, Giám đốc kênh
truyền hình Sakura Cable
Ông Mizushima, Giám đốc đài truyền hình Sakura Cable TV, kể lại vào năm ngoái, một nhóm phóng viên của đài đã theo sát các cuộc biểu tình của thanh niên Việt Nam chống Trung quốc xâm lăng biển đảo. Nhóm phóng viên này rất kinh ngạc, không hiểu tại sao nhà cầm quyền Hà Nội lại ngăn cấm các thanh niên này khi các cuộc biểu tình diễn ra rất ôn hòa, trật tự. Theo ông, đi biểu tình để bày tỏ ý chí bảo vệ đất nước mà cũng bị bắt thì quá vô lý, và có lẽ điều này chỉ có thể xảy ra ở nước cộng sản. Ông kết luận: “Nội chuyện đó thôi mà còn bị đàn áp huống hồ gì đến những việc khác. Đài truyền hình chúng tôi muốn mời quý vị lãnh đạo Hội đồng lên đài để trình bày cho nhiều người dân Nhật biết thêm về tình trạng vi phạm nhân quyền ở một số nước Á châu”.

Sau phần ra mắt Hội Đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu, theo truyền thống của Nhật trước khi chấm dứt, cả hội trường đứng dậy cùng nhau hô to ba lần câu HOAN HÔ TỰ DO – DÂN CHỦ Á CHÂU.

Âu Minh Dũng tường thuật từ Tokyo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét