Pages

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Kinh tế toàn cầu và Việt Nam đầu năm 2012

Việt Nam cần đổi “cơ cấu thể chế”

TS Phạm Ðỗ Chí 

LTS - Tiến sĩ Phạm Ðỗ Chí nguyên là chuyên viên kinh tế cao cấp của Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), từng là đại diện thường trú của IMF tại Togo, Lào. Ông từng giảng dạy tại American University, Washington. Tiến sĩ Chí cũng có thời gian dài làm việc tại Việt Nam. Ông nguyên là giám đốc công ty tư vấn kinh tế Potomac Investments & Research Associates, nguyên phó giám đốc quỹ đầu tư Vinacapital. Ông cũng là tác giả và chủ biên của nhiều tác phẩm nghiên cứu về kinh tế Việt Nam, được xuất bản trong nước. Ông tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại đại học University of Pennsylvania. Bài viết dưới đây được đăng với sự cho phép của tác giả.
WESTMINSTER -Các dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ đã khả quan hơn, nhưng, những trở ngại mới trong tiến trình cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ là một đòn giáng thẳng vào sự cải thiện này.

Thượng Nghị Sĩ Max Baucus (Dân Chủ-Montana), chủ tịch Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện, trả lời báo giới sau khi siêu ủy ban cắt giảm ngân sách không đạt được thỏa thuận. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)


Kinh tế: Ánh sáng cuối đường hầm?

Theo các số liệu của Bộ Tài Chính Mỹ, tổng nợ chính phủ của Mỹ đã vượt con số $15,000 tỷ, mức nợ công này rất không ổn trong bối cảnh nước này vẫn tiếp tục tranh cãi về cách thức cắt giảm chi tiêu.
-Trong tháng 10, doanh số thị trường xe mới của Mỹ tăng khá mạnh, với mức tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng công nghiệp tiếp tục đi lên, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm đều.
-Bộ Thương Mại Mỹ công bố tổng doanh số bán lẻ tháng 10/2011 tăng 0.5% sau khi tăng 1.1% trong tháng 9/2011, cao hơn mức 0.3% các chuyên gia dự báo.
-Chỉ số của lĩnh vực sản xuất tại New York tháng 11/2011 tăng, chấm dứt 5 tháng suy giảm liên tiếp. Trong khi đó Fed cho rằng triển vọng của những tháng tiếp theo rất lạc quan.
-Doanh số bán nhà mới tại Mỹ tháng 10/2011 tăng và nguồn cung nhà rơi xuống mức thấp nhất tính từ tháng 4/2010, như vậy lĩnh vực nhà đất Mỹ tiếp tục hồi phục.
-Doanh số bán hàng dịp “Black Friday” năm nay tại Mỹ tăng cao nhất kể từ năm 2007, trái ngược với nhiều dự đoán trước đó về ám ảnh kinh tế sẽ ảnh hưởng nhu cầu chi tiêu của người dân. Ðó là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Mỹ trong thời điểm hiện nay.
-Theo báo cáo của Bộ Lao Ðộng Mỹ công bố ngày 2/12, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm khá ấn tượng từ 9% trong tháng 10 xuống 8.6% trong tháng 11, cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009 tới nay. Ðây là tín hiệu tích cực về sự phục hồi của kinh tế Mỹ, nhưng vẫn chưa thật vững chắc vì bức tranh tổng thể của thị trường lao động này vẫn chưa rõ hẳn, số công ăn việc làm mới được tạo ra chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ.
Tuy nhiên, Mỹ không thể lấy lại niềm tin của mọi người về sức mạnh tài chính trong dài hạn nếu nước này không có một kế hoạch đáng tín cậy để cắt giảm chi tiêu ngân sách, đặc biệt là chi phí trong quốc phòng, và nâng cao doanh thu.

Cơn bão nợ Âu Châu

Nguy cơ kinh tế Eurozone tái suy thoái do cơn bão nợ công tái phát vào cuối năm nay (xem các thông tin đính kèm trong bài) đang ngày càng lộ rõ trong khi Trung Quốc lờ đi việc hỗ trợ Châu Âu giải quyết khủng hoảng. Tăng trưởng của kinh tế khu vực đồng tiền chung Châu Âu không theo kịp Mỹ. Các quyết định nhằm giải quyết khó khăn của Châu Âu bị trì hoãn bởi các nhà lãnh đạo không xác định được những khó khăn của khu vực bắt đầu như thế nào và nguyên nhân tại sao. Chính sách thắt lưng buộc bụng chỉ làm cho căn bệnh của châu Âu tồi tệ hơn.
Cuộc khủng hoảng nợ và ngân hàng ngày càng lan rộng hơn trước tới các nền kinh tế chủ chốt của châu Âu với hồi chuông cảnh báo ở nước Pháp sau khi bị hạ bậc tín nhiệm tín dụng quốc gia.
Việc kinh tế Ðức và Pháp tăng trưởng mạnh hơn giúp kinh tế khu vực đồng Euro vẫn giữ được tăng trưởng trong quý 3/2011 nhưng không làm giảm được nỗi sợ về suy thoái kinh tế đang lớn dần trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tăng trưởng của kinh tế Ðức và Pháp giúp bù lại tăng trưởng kém tại nhóm nền kinh tế chịu nhiều tác động từ khủng hoảng như Hy Lạp và Bồ Ðào Nha.
Việc lợi suất trái phiếu chính phủ các nước thuộc khu vực tiền Euro (ngoại trừ Ðức) tăng cho thấy cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực kéo dài 2 năm nay đang bước vào giai đoạn nguy hiểm. Ngày 17/11/2011, lợi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha thời hạn 10 năm tăng lên mức cao khoảng 6.78%, mức cao nhất từ khi khu vực Euro bắt đầu hoạt động, chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha và Ðức lên đến 441 điểm cơ bản.
Italy, nước có nền kinh tế lớn thứ 8 trên thế giới, đã vượt qua Hy Lạp để trở thành mối họa lớn đối với sự ổn định của nền kinh tế 17 nước thuộc eurozone. Gói các biện pháp cải cách tài chính khẩn cấp của Italy nhiều khả năng sẽ không giúp nước này duy trì được tỷ lệ lãi suất trái phiếu chính phủ ở mức mà các thị trường tài chính có thể chấp nhận được. Lợi suất trái phiếu chính phủ Italy tăng lên mức cao kỷ lục trong 15 năm, nền kinh tế lớn thứ 3 tại khu vực tiền Euro và là tâm điểm của khủng hoảng nợ công khu vực sẽ đối đầu thêm nhiều khó khăn nữa. Thực trạng vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp nỗ lực ngăn khủng hoảng lan rộng của các nhà hoạch định chính sách Italy.
Ðối với Tây Ban Nha, thị trường hết sức lo lắng về lĩnh vực ngân hàng, khủng hoảng nợ công, thất nghiệp cao, tăng trưởng GDP kém và nhiều bất ổn xã hội có thể xảy ra. Trên thực tế, lợi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha thời hạn 10 năm lên mức 6.38%, mức cao nhất trong 1 năm. Khả năng thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha sẽ cao hơn mức mục tiêu 6% GDP năm 2011. Tây Ban Nha sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ tuổi hiện lên tới 50%.
Nhiều doanh nghiệp lớn của Anh hoặc có trụ sở tại Anh đang chịu những tác động nặng nề do cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực Eurozone khiến doanh số và lợi nhuận giảm sút, tín dụng bị đóng băng và đầu tư cắt giảm.
Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody khẳng định việc khủng hoảng nợ tại khu vực này và khủng hoảng ngân hàng căng thẳng hơn đang đe dọa đến xếp hạng tín dụng của tất cả các nước thuộc khu vực. Ngày 26/11, S&P hạ xếp hạng tín dụng của Bỉ lần đầu trong 13 năm, S&P tính toán thâm hụt ngân sách của Bỉ sẽ ở mức 3.6% GDP trong năm 2011 từ mức 4.1% vào năm 2010.
Sau Ireland, Bồ Ðào Nha, Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha, tiếng chuông cảnh báo khủng hoảng nợ công đã rung lên cả ở Pháp, dấy lên lo ngại khi hiểm họa này lan nhanh tới các nền kinh tế chủ chốt của châu Âu. Ðồng thời đó cũng là dấu hiệu cho thấy Khu vực tiền Euro đang đối mặt với “tình trạng nguy kịch”.
-Pháp đang nằm trong “vòng nguy hiểm” khi phí tổn vay mượn của Paris đã tăng tới mức được xem là “không thể chống đỡ nổi”. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Pháp đã tăng 50 điểm. Hiện lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Pháp là 3.46%, cao gấp đôi so với Ðức.
-Tình hình nợ công của Pháp có phần còn rủi ro hơn cả Italy, bởi lẽ chủ các khoản nợ chính phủ Italy là những nhà đầu tư trong nước, trong khi đó Pháp lại chủ yếu vay nợ nước ngoài.
-Theo điều tra của Cơ Quan Thống Kê Quốc Gia Pháp (Insee) thì tinh thần của các chủ doanh nghiệp Pháp tiếp tục đi xuống trong tháng 11, các doanh nghiệp hạn chế đầu tư, việc làm mới không được tạo thêm.
-Trong quý 4, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp có khả năng giảm sút. Hầu hết các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng. Ðặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp có xu hướng sụt giảm, đây là yếu tố gây lo ngại đặc biệt.
-Ðầu tháng 12, chính phủ Pháp đã công bố các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới nhằm tiết kiệm thêm 7 tỷ Euro ($9.34 tỷ) trong năm 2012, từ đó giảm thâm hụt ngân sách xuống 4.5%, từ mức dự kiến 5.7% trong năm nay. Chính phủ Pháp cũng hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2012 xuống còn 1% (so với 2.25% đưa ra trước đó), song Ủy ban châu Âu (EC) còn dự báo bi quan hơn nhiều về kinh tế Pháp với mức tăng trưởng chỉ đạt khoảng 0.6%.
Thực trạng kinh tế Hy Lạp vẫn đang rất khó khăn cho dù chính phủ mới đã cam kết sẽ nỗ lực hết sức để chèo lái đất nước vượt qua khủng hoảng.
-Các nhà lãnh đạo Eurozone đã nhất trí với kế hoạch cứu trợ mới dành cho Athens, trong đó cho vay mới 100 tỷ euro và dành 30 tỷ euro cho tái cấp vốn ngân hàng. Thêm vào đó, các nhà đầu tư tư nhân đồng ý xóa 50% nợ cho Hy Lạp, tương đương với gánh chịu thiệt hại 100 tỷ euro trong núi nợ 350 tỷ euro. Tuy nhiên, kế hoạch đó và việc giải ngân đợt 6 trong gói cứu trợ chung thứ nhất trị giá 110 tỷ euro mà Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Liên Minh Châu Âu (EU) đưa ra hồi tháng 5/2010, vẫn bị đình lại với lý do chính phủ Hy Lạp chậm trễ trong việc thực hiện các cải cách đã cam kết.
-Theo Bộ Tài Chính Hy Lạp, trong 10 tháng đầu năm nay nguồn thu từ thuế đã giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi ngân sách lại tăng 5.8%, khiến tình hình tài chính công thêm căng thẳng.
-Ngân hàng trung ương Hy Lạp dự báo năm nay kinh tế có thể giảm 5.5% và tốc độ giảm năm tới sẽ thấp hơn (-2.8%). Tỷ lệ thất nghiệp năm nay sẽ gần mức 17%, nhưng có thể vượt 18% vào năm tới. Hơn nữa, sự phục hồi kinh tế, được dự tính vào năm 2012 theo các điều kiện đặt ra trong gói cứu trợ chung IMF/EU, được lùi sang năm 2013 với dự đoán tốc độ tăng trưởng không vượt 1%.
Viện Tài Chính Quốc Tế (IIF), tổ chức hàng đầu của ngành ngân hàng thế giới, khẳng định kinh tế khu vực tiền Euro thực sự đã suy thoái, và khẳng định thêm rằng tình hình tại 17 nước thuộc khu vực đã đi xuống nhanh chóng. IIF tính toán kinh tế khu vực quý 4/2011 sụt giảm 2% so với cùng kỳ năm 2010.

Các biến chuyển chờ đợi ở Á Châu

Khủng hoảng tại châu Âu và tình hình lũ lụt ở Thái Lan vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến các nước châu Á. Tuy nhiên nhóm các nước châu Á mới nổi nhìn chung vẫn phát triển ổn định trong khi các nước này đang kìm hãm nhu cầu tiêu dùng nội địa để đối phó với tình trạng lạm phát, và chưa thấy có rủi ro sụt giá.
Các số liệu mới nhất dường như cho thấy kinh tế Trung Quốc đã “hạ cánh an toàn” nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Trung Quốc hiện đã tạm thời kềm chế được lạm phát, nhưng trong quá trình hạn chế lạm phát tăng cao, chính phủ đã khiến nền kinh tế nói chung thiệt hại không ít, rủi ro kinh tế tăng trưởng chậm lại trở nên lớn hơn rất nhiều. Hệ thống tài chính Trung Quốc đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong bối cảnh giá bất động sản sụt giảm mạnh, lĩnh vực cho vay tư nhân bùng nổ và các khoản nợ xấu gia tăng.
Theo một tài liệu mới đây của Financial Times, số lượng các giao dịch bất động sản tại Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp cực kỳ nguy hiểm. Với khoảng 40% nhu cầu liên quan trực tiếp đến lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đang hạ nhiệt, ngành thép chịu tác động nặng nề nhất. Lĩnh vực xây dựng tăng trưởng chậm lại do biện pháp hạn chế của chính phủ đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở và tín dụng thắt chặt. Lượng nhà tồn kho hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, giá bất động sản tháng 10/2011 hạ sâu nhất từ đầu năm 2011, tuy mức hạ mới là 0.23%. Thị trường lo sợ về khả năng bong bóng bất động sản Trung Quốc xì hơi, có thể sẽ lại xảy ra một cuộc khủng hoảng có quy mô và tác hại tồi tệ như cuộc khủng hoảng hiện nay tại châu Âu. Trung Quốc hạ nhiệt thị trường bất động sản bằng cách áp giá trần, thành phố Chu Hải đã trở thành địa phương đầu tiên áp dụng mức giá trần cho giao dịch nhà ở.
Với lãi suất có khi lên tới 5%/tháng, hay 70%/năm, mạng lưới các tổ chức cho vay ngầm nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước và phát triển rất nhanh. Do khó vay vốn ngân hàng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Trung Quốc phải dựa vào những nguồn tín dụng “đen” và từ đó đi tới kết cục phá sản. Tín dụng đen ở Trung Quốc rất khó triệt hạ một phần vì chính sách siết chặt tín dụng của chính phủ khiến doanh nghiệp thiếu vốn hoạt động. Kinh doanh khó khăn cũng khiến một số doanh nghiệp tham gia hoạt động tín dụng đen với tư cách người cho vay để tìm lợi nhuận.
Trước tình hình này, chính phủ Trung Quốc chỉ đạo ngân hàng trung ương nước này tiến hành “nới lỏng tín dụng có mục tiêu”, theo đó các ngân hàng nhỏ, chuyên cung cấp tín dụng cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ được hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc so với các ngân hàng lớn. Ngoài ra, Trung Quốc quyết định bơm thêm 1,000 tỉ nhân dân tệ cho các doanh nghiệp sản xuất; giảm thuế giá trị gia tăng từ mức 17% hiện nay để doanh nghiệp có thể đẩy nhanh việc tiêu thụ sản phẩm thu hồi vốn.
Kinh tế Nhật hồi phục nhờ xuất khẩu và tiêu dùng tăng trưởng mạnh, tuy nhiên Nhật vẫn còn chịu nhiều thách thức khi đồng yên mạnh và triển vọng kinh tế toàn cầu u ám.
-So với quý 2/2011, GDP Nhật quý 3/2011 tăng trưởng 1.5% sau 3 quý suy giảm liên tiếp, mức tăng trưởng đúng với dự báo của giới chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2010, GDP Nhật tăng trưởng 6% so với dự báo 6.1%.
-Tiêu dùng cá nhân, yếu tố đóng góp khoảng 60% vào kinh tế Nhật, tăng trưởng 1% trong quý 3/2011, đúng với dự báo.
-Bộ Tài Chính Nhật công bố xuất khẩu Nhật tháng 10/2011 hạ 3.7% so với cùng kỳ. Các chuyên gia dự báo về mức hạ 0.3%.
-Tháng 10/2011, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật tăng lên mức 4.5%, cao hơn nhiều so với dự báo 4.2% của giới chuyên gia. Tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật tăng lần đầu tiên trong 3 tháng, như vậy thêm nhiều dấu hiệu cho thấy quá trình phục hồi sau động đất của Nhật đang chậm lại.
Ngày 16/11/2011, Ngân Hàng Trung Ương Nhật hạ dự báo tăng trưởng kinh tế, khẳng định kinh tế Nhật sẽ chỉ tăng trưởng ở tốc độ vừa phải. Kinh tế Nhật có thể lại suy giảm trong quý 4 năm nay do tác động từ trận lụt kéo dài tại Thái Lan và tốc độ tăng trưởng đi xuống ở các nền kinh tế mới nổi.
Khủng hoảng nợ châu Âu và những yếu tố gián đoạn gây ra bởi lũ lụt ở Thái Lan đe dọa tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế tại khu vực Ðông Nam Á, áp lực nới lỏng chính sách lên chính phủ các nước tăng cao hơn. Các Ngân hàng Trung ương tại Châu Á, từ Thái Lan cho đến Philippines, có thể sẽ chuẩn bị hạ lãi suất. IMF cảnh báo các nền kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương vẫn đang đứng trước những thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không ổn định. Morgan Stanley hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Châu Á (ngoại trừ Nhật) xuống mức 6.9% trong năm 2012 từ mức 7.3% trước đó. Trong tháng 11/2011, Indonesia hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục còn Ngân hàng Trung ương Singapore trong tháng 10/2011 tuyên bố sẽ hạn chế sự tăng giá quá mức của đồng đôla Singapore.

Thái Lan vẫn chưa thể phục hồi

Theo số liệu thống kê mới nhất thì nhập khẩu của Thái Lan trong tháng 10/2011 chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn đáng kể so với mức tăng 12.9% trong tháng 9/2011. Ðầu tư của khu vực tư nhân cũng bị tác động mạnh, với doanh số bán xe tải loại nhỏ - một trong những chỉ số biểu hiện mức độ hoạt động của nền kinh tế - giảm 41.8%, so với mức tăng 25.7% trong tháng trước đó.
Thuế giao dịch bất động sản và chỉ số của ngành chế tạo trong tháng 10/2011 sụt giảm lần lượt 17% và 34.5%, trong lúc sản lượng công nghiệp của Thái Lan cũng xuống dốc, do trận lũ lụt kéo dài đã buộc hàng ngàn nhà máy phải ngừng sản xuất. Còn lượng du khách đến Thái Lan chỉ tăng khiêm tốn 7%, so với mức tăng 22.7% của tháng 9/2011. Trong quý 4 năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp của Thái Lan dự kiến cũng sẽ tăng và chiếm khoảng 1.8-2.3% lực lượng lao động. Tình trạng nợ của các hộ gia đình dự báo là cũng tăng.
Ủy ban chính sách tiền tệ của BOT trong tháng 11 cũng đã phải cắt giảm lãi suất xuống 3.25% lần đầu tiên trong 11 tháng qua và không loại trừ khả năng sẽ cắt giảm thêm nếu thấy cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế.

Tác động lên Việt Nam?

Những khó khăn của kinh tế thế giới đã tác động làm tăng thêm những bất ổn kinh tế vĩ mô cho Việt Nam, đặc biệt là tình trạng lạm phát. Ðồng thời những bất ổn về nợ công đã làm cho vai trò trú ẩn của vàng và các ngoại tệ mạnh lại được tăng cường hơn nữa, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới đều tìm đến hai loại tài sản này để có được sự an toàn cần thiết, điều này kéo theo hệ lụy là sự đóng băng trên hai thị trường là bất động sản và thị trường chứng khoán. Do đó, từ bất ổn vĩ mô đã phát hiện nhu cầu cải cách cơ cấu thể chế là điều cần thiết cho Việt Nam hiện nay để thoát khỏi những khó khăn này trong ngắn hạn và đạt phát triển bền vững trong dài hạn.
Khi tốc độ phục hồi kinh tế thế giới chậm lại, triển vọng trung hạn đối với xuất khẩu của Việt Nam sẽ kém thuận lợi hơn. Ðặc biệt là khi mãi lực mua hàng kém đi cho toàn châu Âu, xuất khẩu sang châu lục này sẽ giảm sút lớn nếu thiếu chính sách phản ứng kịp thời.
Với cơ cấu sản xuất hiện có luôn đưa đến nhập siêu cao và từ đó áp lực thường trực trên cán cân thanh toán quốc tế và tỷ giá, đã đến lúc Việt Nam phải nghĩ đến việc tái cấu trúc nền kinh tế để giải quyết vấn đề nhập siêu hầu có tốc độ tăng trưởng bền vững hơn. Các nền kinh tế khác ở Ðông Á, sau khi có cùng vấn đề nhập siêu và thất thu cán cân vãng lai cao ở 1-2 thập niên đầu của chu kỳ tăng trưởng nhanh, thường đạt được mức xuất siêu đáng kể sau đó để có tăng trưởng bền vững do không bị áp lực của cán cân thanh toán và sau đó còn có thể tăng nhanh quỹ dự trữ ngoại hối như một gối đệm (cushion) tài chính vững chắc.
Ngoài ra, khủng hoảng nợ tại châu Âu cũng đang làm thức tỉnh toàn thế giới về nhu cầu duy trì tính ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường thắt chặt hoạt động tài khóa để giảm bớt nợ công nếu không thật cần thiết cho nhu cầu tăng trưởng bền vững.
Việt Nam cũng không là trường hợp ngoại lệ trong việc cần áp dụng thêm kỷ luật tài khóa, nhất là trong bối cảnh của món thâm hụt kép (twin deficit) càng ngày càng lớn cho các cán cân tài khóa và ngoại thương.
Khi nói riêng về nợ công, trước hết cần duy trì và thông báo các số thống kê đầy đủ và chính xác hơn về các món nợ này gồm nợ của chính phủ và của cả các xí nghiệp công do chính phủ bảo lãnh.
Mới đây con số tổng nợ công được thông báo sơ khởi đã tăng rất nhanh lên mức 56% của GDP cho năm 2011 và có thể là 60% cho hai năm tới. Nhưng trong các con số này chỉ kể đến nợ công của chính phủ trung ương và các tỉnh. Nếu kể thêm cả các món nợ của các doanh nghiệp nhà nước được bảo lãnh của chính phủ theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, con số nợ công này sẽ lên đến trên 100% GDP tức là ở mức báo động lớn.
Tác động của cơn khủng hoảng nợ công Âu châu và sự chậm lại của kinh tế toàn cầu không thể nào xấu hơn lúc này, khi hệ thống ngân hàng VN đang gặp nhiều khó khăn thanh khoản đáng kể và mới bị Standard&Poor's xếp vào hạng có mức rủi ro cao nhất, và khi Vinashin và 20 công ty liên hệ mới bị một consortium ngân hàng quốc tế kiện ở London và đe dọa dẫn đến một tình trạng đáng lo ngại trên thị trường trái phiếu quốc tế cũng như các đầu tư FDI và FII nếu uy tín tài chính quốc gia trở nên xấu hơn.




Các yếu tố liên hệ đến cơn bão

Kinh tế toàn cầu: Kinh tế toàn cầu trong thời kỳ nguy hiểm, Tốc độ phát triển đã giảm xuống, Rủi ro sụt giá; tìm tài sản trú ẩn (vàng, ngoại tệ mạnh).
Khu vực Châu Âu: Tăng trưởng chậm, rủi ro suy thoái; Khủng hoảng nợ quốc gia và Ngân hàng; Rủi ro sụt giá tăng mạnh; khối Euro có thể đổ vỡ.
Các nước Châu Á mới nổi: Vẫn phát triển ổn định; Kìm nén nhu cầu tiêu dùng nội địa; Chưa có rủi ro sụt giá, lạm phát giá lương thực đe dọa.
Việt Nam: Bất ổn KT vĩ mô, đặc biệt là lạm phát và nợ xấu NH; Tình trạng liên kết của nền tài chính: dân giữ vàng và ngoại hối, tình trạng đóng băng của Thị Trường Chứng Khoán và thị trường Bất Ðộng Sản; Từ bất ổn vĩ mô, phát hiện nhu cầu cải cách cơ cấu.

Khủng hoảng nợ Châu Âu trước ngã ba đường của các giải pháp để lựa chọn

Thứ nhất là khả năng phát hành công trái Châu Âu theo hình thức lấy tiền của nước mạnh để san sẻ cho các quốc gia yếu hơn. Tuy nhiên, Ðức lại cho rằng điều này sẽ không khuyến khích động lực kinh tế mà sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại từ các nước không có một chính sách tài khóa nghiêm minh.
Thứ hai là cải cách vai trò và chính sách của Ngân hàng trung ương của khối Eurozone ECB. Theo ý nhiều quan sát viên, ECB nên hành động như “người cho vay cuối cùng” và cam kết mua không giới hạn số lượng nợ của các nước đang lâm nguy thay vì cứu trợ mang tính nhỏ giọt.
Thứ ba là Pháp ủng hộ việc ECB mua tự do trái phiếu Chính phủ của các nước đang gặp khủng hoảng tài chính thì Ðức lại phủ quyết với lý do động thái này sẽ đẩy nhanh lượng cung tiền Euro ra thị trường dẫn tới gia tăng lạm phát.
IMF không đủ nguồn vốn dự trữ để hỗ trợ toàn khối các nước Âu Châu có thể bị khó khăn, nhất là Ý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét