Hồng Phúc chuyển ngữ
“Cách thức quản lý nền kinh tế của chính phủ cũng được cho là góp phần làm cho công nhân lo lắng nhiều hơn. Các khoảng chi tiêu tài chính phung phí vào cuối năm ngoái đã góp phần làm tăng mức lạm phát lên đến 18%, nhưng chính phủ đã không tăng lương tối thiểu của công nhân.”
HÀ NỘI – Dấu hiệu cải cách kinh tế của Việt Nam vẫn còn dang dở bởi lạm phát tiếp tục ở mức hai con số, nền kinh tế tăng trưởng chậm, và tình trạng bất ổn lao động vẫn gia tăng. Trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hồi đầu tháng rằng này phải duy trì “tăng trưởng nhanh và bền vững”, thì các câu hỏi đang được đặt ra là liệu Việt Nam có thể đạt cả hai mục đích đó trong bối cảnh bất ổn kinh tế và tài chính toàn cầu như hiện nay hay không?
Giá tiêu dùng đã tăng hơn 17% so trong tháng Giêng 2012 so với cùng kỳ năm trước, cho thấy tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức cao nhất tại khu vực châu Á. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế cũng bắt đầu giảm dần, từ 6,8% trong năm 2010 xuống còn 5,9% năm 2011. Trong khi các nước lân cận giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng, làm chỗ dựa cho nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái đang kéo dài ở Hoa Kỳ và châu Âu, thì mức lạm phát tăng cao tại Việt Nam sẽ hạn chế các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ tại nước này. Tỷ lệ lãi suất tại Việt Nam hiện nay là 15%.
Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế tại Việt Nam, ghi nhận trong một bài báo gần đây rằng chính phủ đã đầu tư khoảng 253 nghìn tỷ đồng (12,3 tỷ USD) vào 22 doanh nghiệp nhà nước hồi năm ngoái, với nỗ lực bơm tiền nhằm kích thích nền kinh tế. Số đầu tư này nhiều hơn gấp ba lần so với việc cắt giảm 81 nghìn tỷ đồng trong chi tiêu mà nhà nước đã công bố nhưng không bao giờ được Quốc hội thực hiện.
Trong khi đó, ngân hàng trung ương ước tính tổng tín dụng đã tăng lên 7% hồi năm ngoái, nhưng các nhà phân tích độc lập tin rằng con số này trên trên thực tế thì cao hơn rất nhiều. Trong khi chính phủ đẩy mạnh chi tiêu thì tiền đồng (VNĐ) giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ, xuống đến 7% trong thời điểm mà nhiều nguồn tiền tệ khác trong khu vực lại được tăng giá cao so với USD. Thống đốc Ngân hàng trung ương Nguyễn Văn Bình đã cảnh báo tiền đồng có thể tiếp tục suy yếu trong năm 2012.
Cho đến nay quá trình cải cách, trình chuyển đổi nền kinh tế có định hướng của Việt Nam sang nền kinh tế thị trường đã được ca ngợi rộng rãi. Từ năm 1986, khi cái gọi là Đổi mới lần đầu tiên được đưa ra, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo đã cải thiện đáng kể so với những nước tương tự, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 7% và số lượng những người sống với mức thu nhập một đô la hoặc ít hơn mỗi ngày giảm từ 63% năm 1993 xuống còn 22% vào năm 2006.
Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng ở khu vực và cả quốc tế, với các công ty đa quốc gia như Intel và Canon chiếm số lượng lớn vốn đầu tư tại đây. Trong năm 2010, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 10 tỷ USD khi có nhiều nhà sản xuất thành lập các nhà máy tại đây để tận dụng lợi thế giá lương thấp và nguồn lao động trẻ.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế như Phạm Chi Lan cho rằng những thành quả kinh tế trong một thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng vừa qua vẫn không đủ để giải quyết các vấn đề mà Việt Nam đang đối mặt, trong khi các nhà phân tích khác thì cho rằng lạm phát đã vượt xa mức độ tiền lương hiện nay và có nguy cơ dẫn tới các bất ổn xã hội. “Việt Nam đã thất bại trong việc đóng góp thành quả cho người dân của mình, cũng như là các thành viên khác trong cộng đồng WTO,” bà Lan đã viết trong một bài báo gần đây trên Việt Nam Financial Review.
Đặc biệt, bà đã nêu ra điểm một phân tích quan trọng về thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp, chủ yếu là các công nhân không có tay nghề cao mà trước đây họ không biết nhiều về các luật lệ liên quan đến lao động nhưng bây giờ họ bắt đầu lên tiếng kêu gọi thiết lập các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của họ để tránh tình trạng lạm dụng bởi các nhà tư bản chủ nghĩa.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì trong 11 tháng đầu năm 2011, trong cả nước có gần 900 cuộc đình công, tăng hơn gấp đôi số lượng so với cùng kỳ năm 2010. Bộ phát hiện ra rằng phần lớn các cuộc đình công đã xảy ra vì các doanh nghiệp “đã không tôn trọng các luật lao động”.
Hiện nay có khoảng từ 1,3 đến 1,5 triệu người gia nhập vào lực lượng lao động tại Việt Nam, hầu hết trong số họ đều trong lĩnh vực sản xuất. Thời điểm này, khi xuất khẩu bị chậm lại do kinh tế suy yếu ở Mỹ và châu Âu, thì chính phủ đã cẩn thận hơn trong việc ngăn chặn các đột biến có thể xảy ra vì tỷ lệ nạn thất nghiệp có thể tăng cao, dẫn đến bất ổn lao động.
“Sự cần thiết để đáp ứng nhu cầu của lực lượng lao động công nghiệp được các cơ quan có thẩm quyền xem như là một ưu tiên quan trọng, nhất là trong thời điểm khủng hoảng và lạm phát như hiện nay có thể đe dọa cuộc sống của những công nhân yếu đuối đó,” ông Đỗ Tạ Khánh, chuyên gia quản lý dự án tại Viện Nghiên cứu châu Âu (IES) tại Việt Nam, nói với Asia Online.
IES gần đây đã tiến hành một cuộc khảo sát chung tại các huyện công nghiệp Hải Dương, Hà Nội và Vĩnh Phúc, và đã phỏng vấn 745 công nhân làm việc trong các công ty nước ngoài, công ty cổ phần và doanh nghiệp tư nhân liên quan đến các hoạt động trong hàng may mặc, ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ ô tô. Cuộc nghiên cứu tìm hiểu những thách thức khác nhau mà các cơ quan chức năng Việt Nam cần phải nhanh chóng giải quyết để tránh các cuộc đình công trong tương lai và giảm thiểu nguy cơ lan rộng ra.
Theo cuộc khảo sát, hầu hết công nhân – đặc biệt là phụ nữ và người lao động di cư trong trong ngành may mặc và các doanh nghiệp tư nhân khác – đều không nhận thức được các quyền và nghĩa vụ cơ bản của họ trong quan hệ lao động. Và họ cũng không biết nhiều về pháp luật, cũng như các quy định về tình trạng đình công hoặc các thủ tục để yêu cầu công đoàn can thiếp khi có sự cố. Trong một số trường hợp, đặc biệt là trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công nhân phải trả tiền để được nhận vào làm và thường bị buộc phải làm thêm giờ vượt quá giới hạn cho phép là 200 giờ trong một năm.
Cách thức quản lý nền kinh tế của chính phủ cũng được cho là góp phần làm cho công nhân lo lắng nhiều hơn. Các khoảng chi tiêu tài chính phung phí vào cuối năm ngoái đã góp phần làm tăng mức lạm phát lên đến 18%, nhưng chính phủ đã không tăng lương tối thiểu của công nhân. Gần 63% các công nhân được phỏng vấn bởi IES cho biết họ đã làm việc thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, trong khi 32,2% khác, đặc biệt là các công nhân làm việc trong những công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đã phải làm thêm giờ vì họ bị bắt buộc.
Dù bằng cách nào đi nữa, khi giá cả tăng nhanh hơn so với tiền lương, thì giới lao động Việt Nam đang ngày phải vất vả hơn. Trong bốn năm qua, các nhà bình luận và các nhà hoạch định chính sách ở các nước phát triển và các nước đang phát triển đổ lỗi cho các lực lượng thị trường quốc tế đã gây ra các tai ương kinh tế trong nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, trong trường hợp của Việt Nam, cuộc khảo sát cho thấy vấn đề kinh tế tại đây là do lỗi nội bộ hơn là các yếu tố bên ngoài.
Trong khi nhiều người Việt Nam nhận ra rằng đất nước có nhiều tiềm năng lớn, nhưng trên thực tế chỉ có một nhóm nhỏ người có mối quan hệ với Đảng Cộng sản cầm quyền mới được hưởng và khai thác những tiềm năng đó. Dù xã hội Việt Nam được xem là ổn định nhưng kết hợp với giá cả tăng nhanh, việc cải cách và sự hấp dẫn đầu tư tại đây đã không còn là ưu điểm.
__________
* Roberto Tofani là một nhà báo tự do và phân tích gia chuyên về khu vực Đông Nam Á. Ông cũng là người đồng sáng lập PlanetNext (www.planetnext.net), một hiệp hội các nhà báo với khái niệm “thông tin cho sự thay đổi”.
© 2012 Bản tiếng Việt TCPT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét