Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

LHQ cân nhắc biện pháp chống Syria

Người biểu tình ở Syria
Tình hình bạo lực ngày càng gia tăng ở Syria
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vừa họp bàn dự thảo nghị quyết chống lại chính phủ Syria.
Các nhà hoạt động và Liên đoàn Ả Rập đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn sau khi xảy ra một làn sóng bạo lực trong tuần này khiến hàng chục người thiệt mạng.

Anh, Pháp và Đức đã soạn dự thảo nghị quyết cùng với các quốc gia Ả Rập, theo đó họ ủng hộ kêu gọi của Liên đoàn Ả Rập đòi Tổng thống Bashar al-Assad phải chuyển giao quyền lực.
Nga, quốc gia đồng minh của ông Assad, nói họ sẽ không ủng hộ dự thảo này.
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vitaly Churkin, nói với các phóng viên sau cuộc họp ở New York rằng dự thảo nghị quyết này không thể chấp nhận được, nhưng Moscow sẵn sàng tiếp tục tham gia đàm phán.

Ông nói Nga đã chỉ rõ các lằn ranh, là nghị quyết này không thể chứa đựng bất kỳ đe dọa trừng phạt hay cấm vận vũ khí nào cả.
Dự thảo "không những bước qua các lằn ranh của chúng tôi mà còn chứa đựng nhiều yếu tố mới mà chúng tôi không chấp nhận được về vấn nguyên tắc," hãng AFP dẫn lời ông Vitaly Churkin nói.
Phóng viên BBC tại Liên Hiệp Quốc, Barbara Plett, nói rằng Nga sẽ không ủng hộ bất kỳ biện pháp nào liên quan tới thay đổi chế độ ở Syria.
Phóng viên chúng tôi nói Moscow cũng quan ngại về cảnh báo sẽ đưa ra các biện pháp khác trong trường hợp Syria không tuân thủ nghị quyết, vì lo rằng điều này có thể mở cửa cho sự can thiệp của bên ngoài.
Nga và Trung Quốc đã phủ quyết dự thảo nghị quyết chống Syria vào cuối năm ngoái.
Các nước phương Tây hy vọng rằng sự ủng hộ của Liên đoàn Ả Rập đối với dự thảo lần này sẽ làm giảm sự phản đối từ phía Nga.

'Quá chậm trễ'

Bản dự thảo hiện nay, được Morocco trình bày trước Hội đồng Bảo an, nói chung ủng hộ kế hoạch của Liên đoàn Ả Rập đưa ra hồi đầu tuần kêu gọi ông Assad phải trao quyền lực cho người khác để trong vòng hai tháng có thể thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc với phe đối lập.
Bản dự thảo nghị quyết kêu gọi thêm trừng phạt nếu chính phủ Syria không tuân thủ lời kêu gọi chuyển giao quyền lực.
Hội đồng Bảo an chưa tiến hành bỏ phiếu cho dự thảo trong tuần này.
Biểu tình bên ngoài LHQ
Nga tuyên bố sẽ không ủng hộ việc trừng phạt và cấm vận vũ khí
"Bây giờ mới có khả năng là Hội đồng Bảo an cuối cùng cũng đưa ra một lập trường rõ ràng về Syria. Điều này thật quá chậm trễ,'' Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói.
Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc, Gerrard Araud, mô tả tình hình ở Syria là một cuộc khủng hoảng lớn.
"Đất nước đang dần chìm sâu vào nội chiến. Chúng tôi đang cố sức tìm kiếm một giải pháp chính trị", ông nói.
"Liên đoàn Ả Rập đang đưa ra giải pháp. Phản ứng của chúng tôi chỉ đơn giản là ủng hộ giải pháp này, nhưng ngoài ra còn có giải pháp nào nữa đâu."
Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc, Bashar Ja'afari, thì tỏ ra giận dữ với các quốc gia soạn thảo nghị quyết lần này.
"Họ bàn về đất nước chúng tôi mà không hề hỏi ý kiến chúng tôi, không cho chúng tôi biết các quan ngại và nhận xét của họ," ông nói.
"Họ đang hành xử như thể chúng tôi là thuộc địa, và chúng tôi phải tuân theo ý nguyện của họ. Họ sai lầm rồi và sẽ chỉ thất vọng mà thôi."

‘Bạo lực leo thang’

Cuộc họp của Liên Hiệp Quốc diễn ra trong lúc bạo lực gia tăng trên khắp Syria, với thông tin từ các nhà hoạt động cho hay đã có 135 người thiệt mạng trong vòng hai ngày qua.
Tướng Mustafa al-Dabi, người đứng đầu phái đoàn giám sát của Liên đoàn Ả Rập, nói bạo lực đã tăng lên "một cách đáng kể" trong những ngày gần đây.
Hồi đầu tuần trước, cũng chính Tướng Mustafa al-Dabi đã tuyên bố rằng sự giám sát của Liên đoàn Ả Rập đã giúp giảm bạo lực ở Syria.
Lực lượng đối lập đã thiết lập nhiều trạm gác tại một số nơi trong thủ đô, và phóng viên của BBC cho biết lực lượng trung thành với ông Assad có vẻ khó duy trì được quyền kiểm soát.
Liên Hiệp Quốc thừa nhận không thể nắm được số người chết, ước tính vào khoảng hơn 5.400 người kể từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu hồi cuối tháng Ba năm 2011.
Chính phủ Bassad nói rằng họ đang đấu tranh chống lại "những kẻ khủng bố và các băng nhóm có vũ trang" và cho biết khoảng 2.000 binh lính của họ đã thiệt mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét