Những ngày cuối cùng của năm Tân Mão khép lại bằng sự kiện mới làm rúng động dư luận, rúng động đến cả tầng lớp lãnh đạo của đảng CSVN. Đó là việc anh Đoàn Văn Vươn bị dồn đến đường cùng và buộc phải phản ứng lại nhà cầm quyền tham nhũng thối nát. Tuy nhiên, vụ Đoàn Văn Vươn chỉ là một trong rất nhiều sự kiện mới của năm Tân Mão, một năm có rất nhiều sáng kiến mới của những người yêu nước được áp dụng trong đấu tranh bất bạo động. Áp dụng những sáng tạo này, một mặt quần chúng yêu nước đã duy trì được ngọn lửa đấu tranh luôn luôn bừng sáng trong các cuộc xuống đường sôi động; mặt khác, những hình thái sinh động trong cách thể hiện lòng yêu nước của những người đấu tranh đã khiến nhà cầm cầm quyền phải vô cùng lúng túng trong cách đối phó. Lúng túng đến nỗi nhiều lần họ đã phải vi phạm ngay cả hiến pháp và luật pháp của chế độ. Lúng túng đến nỗi nhiều lần họ đã phải lộ diện bản chất bán nước hại dân mà họ luôn luôn che dấu.
Sự kiện chính của năm Tân Mão phải kể đến là một chuỗi liên tục những cuộc biểu tình yêu nước dưới nhiều hình thức, và kéo dài suốt gần 3 tháng. Xuống đường biểu tình yêu nước bất chấp sự đàn áp của công an đã từng diễn ra và bị công an dập tắt vào cuối năm 2007. Tuy vậy, ngọn lửa yêu nước vẫn âm ỉ trong tim những người yêu nước để bừng sáng trở lại vào mùa hè vừa qua. Nếu lấy những cuộc biểu tình cuối năm 2007 làm mốc để so sánh, người ta thấy rõ sự lớn mạnh và trưởng thành của phong trào dân chủ. Chính sự sáng tạo trong các hình thái đã khiến cho những cuộc xuống đường trong năm 2011 của những người yêu nước khác hẳn những cuộc biểu tình tương tự trước đây, và qua đó nhiều điểm son đã được ghi nhận.
Về nhân sự. Trước tiên và đáng chú ý là sự xuất hiện đông đảo, thường xuyên của những khuôn mặt trí thức thế hệ lớn tuổi, hoặc đàn anh, những bậc thức giả soi sáng cho niềm tin và đem lại sự ấm áp. Đó là Ts Nguyễn Quang A, Gs Nguyễn Huệ Chi, Nhà Văn Nguyên Ngọc, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện, v.v… Sát cánh với lớp đàn anh vừa kể là sự góp mặt của rất đông những người thế hệ trẻ với tinh thần quyết liệt. Một số những khuôn mặt mới và nổi bật là: Nguyễn Văn Phương, Trịnh Kim Tiến, Phương Bích, Bùi Hằng, “Người bị đạp mặt” Nguyễn Chí Đức, Ls Lê Quốc Quân, Bs Phạm Hồng Sơn… và nhiều nhiều nữa.
Về chiến thuật: Phong trào đối kháng áp dụng đấu tranh bất bạo động ngày một nhuần nhuyễn và hiệu quả hơn. Thường trực phải đối đầu với bạo lực và hiểm nguy, những người yêu nước đã liên tục có thêm những sáng kiến mới để áp dụng, hầu ứng phó hiệu quả với tình thế, đồng thời làm hình ảnh những người yêu nước “đẹp hơn, sáng hơn”:
- Chiếc áo dài thướt tha với băng choàng “Hoàng Sa Trường Sa” của những nữ lưu can đảm Trịnh Kim Tiến và Bùi Hằng đã là những hình ảnh làm xao động và bồi hồi trong lòng người Việt khắp 5 châu.
- Chiếc nón lá của Bùi Hằng với những chữ Hoàng Sa – Trường Sa bị bàn tay thô bạo của công an xé nát đã tạo nên biết bao căm phẫn trong lòng người dân Việt, cũng như sự khinh bỉ đối với những kẻ bán nước.
- Tiếng đàn vĩ cầm của nghệ sĩ Tạ Trí Hải dẫn đầu đoàn biểu tình ôn hoà, trật tự, tạo nên hình ảnh nổi bật và trái ngược với những toán công an thô bạo, những nhóm “quần chúng bức xúc” của nhà cầm quyền lúc nào cũng lăm le đàn áp quăng quật người dân. Tương tự, tiếng vĩ cầm của nghệ sĩ lớn tuổi Tạ Trí Hải và tiếng đàn tây ban cầm của người thanh niên tên Ngọc trong những buổi tối tâm tình bị công an bắt giải tán, đã tô đậm thêm sự vô lý, vô luật của nhà cầm quyền Hà Nội.
- Các cuộc biểu tình của những người yêu nước ngay trên xe bus của công an cho thấy nỗi sợ hãi mà chế độ đã cố công trùm lên toàn xã hội từ hàng chục năm qua nay đang mất dần và mất nhiều hiệu quả.
- Hình ảnh dân chúng lũ lượt kéo tới bao vây trụ sở công an, đòi phải thả những người bị bắt, không những chỉ thể hiện sự quyết tâm không bỏ rơi đồng đội, mà còn cho thấy mọi người đã nhận thức được, rằng ý thức đoàn kết là điều cần thiết để xoá bỏ sự sợ hãi.
- Các cuộc đối chất với công an một cách bình tĩnh và thuyết phục của những người biều tình bị bắt ngay tại đồn công an là sự kiện không ai ngờ có thể diễn ra. Biết đâu trong những công an có trách nhiệm “làm việc” với người biểu tình bị bắt lại chẳng có người còn chút lương tri, nhận thức ra được sự thật hiển nhiên giữa những người yêu nước và đám lãnh đạo đảng Cộng Sản bán nước… để một ngày nào đó họ trở thành “bạn” của những người đấu tranh khi có cơ hội.
- Những hình ảnh “rất nóng” do chính người biểu tình chụp cảnh công an trấn áp, đạp mặt người biểu tình, bắt người biểu tình quẳng lên xe như những con lợn,…được nhanh chóng đưa lên mạng internet toàn cầu là một nét mới khác của các cuộc biểu tình, đã góp công rất lớn trong việc tranh thủ dư luận quần chúng cũng như dư luận thế giới.
- Cuốn phim của ông André Menras Hồ Cương Quyết, một người Việt gốc Pháp, nói lên nỗi khổ nhục oan ức và tuyệt vọng của những goá phụ ngư dân tại Lý Sơn bị Trung Cộng sát hại. Công trình này của ông Hồ Cương Quyết đã bị nhà cầm quyền ở Sài Gòn cấm trình chiếu. Phải chăng vì nó lột trần bản chất “hèn với giặc, ác với dân” của lãnh đạo CSVN?
- Lần đầu tiên giới trí thức Việt Nam đã gửi thư yêu cầu nhà nước CSVN phải “làm rõ” công hàm Phạm Văn Đồng. Đây là văn kiện nền tảng mà Bắc Kinh dùng để biện minh cho hành động xâm lược của họ. Trong suốt những năm qua, nhà cầm quyền CSVN CHỈ DÁM NÓI VỚI DÂN VIỆT rằng văn bản đó vô giá trị. Còn khi sang Tàu, các quan chức CSVN chỉ rặt tung hô 16 chữ vàng, 4 tốt và thề hứa sẽ kiên quyết trấn áp những người biểu tình dám phản đối Bắc Kinh xâm lược.
- Lần đầu tiên đại diện trí thức Việt Nam, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, trong thư viết cho chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã nói thẳng với nhà nước CSVN rằng : “85 triệu dân ở trong nước không phải là những con bò, mà là những con người. Họ biết sống, họ biết suy nghĩ và họ biết quyền của họ. Chứ còn hiện nay, chúng tôi bị đối xử như những con bò”.
*****Đối phó với phong trào yêu nước đầy sáng tạo như vừa nêu, nhà cầm quyền CSVN vẫn giở những trò cũ là đàn áp, bắt bớ, hù dọa, thậm chí liên tục bao vây, canh gác tư gia của nhiều nhà dân chủ; dù rằng trước những than phiền của nhân dân về nạn trộm cướp, bạo lực hoành hành, công an vẫn nại cớ là….thiếu người.
Tuy vậy, công bằng mà nói thì trong những trò cũ đó cũng có những cái mới … phá kỷ lục về mức tồi tệ:
- Sau một thời gian dài im lặng, lần đầu tiên tờ báo của đảng CSVN đã phải thừa nhận là đã có những cuộc biều tình yêu nước của người dân. Nhưng vì “biểu tình” là từ ngữ vô cùng cấm kỵ đối với đảng, nên ban tuyên giáo trung ương đã phải cố gò ép ra một số chữ nghĩa lố bịch. Điều này ngay lập tức đã tạo nên một làn sóng cười chê từ trong ra ngoài nước
- Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ Trưởng Quốc Phòng, bộ phận có trách nhiệm bảo vệ biên cương của đất nước, người trước đây đôi lúc có những phát biểu ra vẻ cứng rắn đối với Trung Cộng, đã sang tận Bắc Kinh để cam kết với quan thầy rằng: “Cương quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn”.
- Nhà cầm quyền Hà Nội đã phải dùng đến một bản “thông báo” trái pháp luật, với con dấu treo, không có chữ ký (vì không ai dám ký), để làm căn bản cho việc đàn áp các cuộc biểu tình yêu nước.
- Những thủ thuật đàn áp các cuộc biểu tình yêu nước thì đại loại vẫn như cũ. Nhưng đạp mặt người yêu nước hẳn phải là một “sáng kiến mới”.
- Đại Tá Phạm Thanh Hoá, Chính Ủy Hải Quân Vùng 4, tức vùng đang có nhiều hành động gây hấn từ “nước lạ – tàu lạ”, đã quầy quậy lắc đầu về việc ngư dân Việt bị hải quân Trung Cộng bắn, cướp, bắt, giết rằng: “cái đấy không thuộc Hải Quân. Là cảnh sát chứ không phải Hải Quân. Không liên quan đến Hải Quân”. Còn phía cảnh sát, đúng hơn là công an biên phòng, cho đến nay vẫn chỉ quan sát … trên bờ, trong khi các quan chức khác tiếp tục khuyến khích ngư dân ra khơi “để góp phần bảo vệ tổ quốc”.
- Ông Nguyễn Duy Chiến, với chức vụ Phó Ban Đàm Phán Biên Giới, có trách nhiệm bảo quản đất đai của tổ tiên, đã “dạy dỗ” sinh viên rằng việc Trung Cộng cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam là hành động “yêu cho roi cho vọt” (của ’cha mẹ Bắc Kinh’).
- Trước những áp lực của quần chúng yêu nước, lần đầu tiên (ít nhất là trong gần 40 năm qua) một trong những người thuộc hàng lãnh đạo cao cấp nhất của đảng CSVN, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải đăng đàn mạnh miệng tuyên bố “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam”, cũng như phải nhắc đến chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Nhưng đồng thời ông ta cũng nói dối trắng trợn về cái gọi là “sự phản đối của chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam” trước sự xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc vào năm 1974. Về điều này trong tài liệu“Chủ Quyền Trên Hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, tác giả là ông Lưu Văn Lợi, nguyên Trưởng Ban Biên Giới , có đoạn viết rõ như sau: “Chính phủ Cách mạng lâm thời ở vị thế khó lên án Trung Quốc, vì lúc đó là đồng minh chính trị của họ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.” (*)
- Cũng do những áp lực của quần chúng yêu nước, Báo Đại Đoàn Kết hồi tháng 7/2011 công khai đăng ý kiến kêu gọi “cần vinh danh những người con đất Việt đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974”.
- Điểm “sáng tạo” sau cùng trong năm qua của nhà nước CSVN là lá cờ “6 sao” được dùng công khai trên hệ thống truyền hình toàn quốc và trong buổi tiếp đón “chuẩn Chủ Tịch Trung Quốc” Tập Cận Bình. Hiện có 2 nguồn tranh cãi về tên của ngôi sao thứ sáu này. Nguồn thân cận hơn với Bắc Kinh cho biết ngôi sao đại diện cho Tỉnh Quảng Nam (theo sau Quảng Đông, Quảng Tây). Nguồn còn lại khẳng định đó là Khu Tự Trị Việt Nam (giống như Khu Tự Trị Tây Tạng và Khu Tự Trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương
*****Nhìn lại những sự kiện mới nêu trên, hay có thể gọi là những điểm “sáng tạo” của cả hai phiá đang đối đầu: quần chúng yêu nước và nhà cầm quyền bán nước, chúng ta có thể tin tưởng trong năm Rồng 2012, những “Con Rồng cháu Tiên” của nước Việt sẽ có nhiều sáng kiến hơn nữa trong các hình thức đấu tranh bất bất bạo động, để dòng người yêu nước đứng lên ngày càng lớn nhanh và mạnh hơn nữa, hầu đẩy nhà cầm quyền vào vị trí ngày càng lúng túng hơn nữa, với những “sáng kiến” đối phó tệ hại hơn năm cũ.
Trong tinh thần đó xin gửi đến các nhà yêu nước Việt Nam hai câu đối cho ngày tết
Nhâm Thìn:
Xuân Tân Mão tự do đứng dậy!
Tết Nhâm Thìn dân chủ vùng lên!
Xuân Tân Mão tự do đứng dậy!
Tết Nhâm Thìn dân chủ vùng lên!
— -
Ghi chú:
(*) “Chủ Quyền Trên Hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (Sách tham khảo), Lưu Văn Lợi, Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia Hà Nội, 1998, trang 133, 134 (http://namkyluctinh.org/a-sachsuvn/Gendreau-HoangSaTruongSa[1].pdf)
Trích: “Trong năm 1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã tỏ rõ lập trường công nhận sự tồn tại tranh chấp, và nhắc lại rằng “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc” và kêu gọi đối thoại …. một bài trên báo Le Monde (Thế giới) các ngày 27 và ngày 28-0-1974 viết “ở Paris, đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hội nghị La Cell St-Cloud đã bác bỏ đề nghị của Sài Gòn ra một nghị quyết chung lên án việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, vì theo ông loại tranh chấp này phải được giải quyết bằng thương lượng”.
“Thật ra sự bất đồng là ở phương pháp hơn là nội dung,Chính phủ Cách mạng lâm thời ở vị thế khó lên án Trung Quốc, vì lúc đó là đồng minh chính trị của họ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét