Pages

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

‘Tôi không nghĩ kiều bào còn lấn cấn’

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/thumb/9/9c/DuongTrungQuoc.jpg/385px-DuongTrungQuoc.jpg

“Tôi không nghĩ kiều bào còn lấn cấn nhiều về chế độ chính trị, có lẽ chỉ còn ở một thế hệ nào đó do hoàn cảnh lịch sử. Nói đến Việt kiều luôn có hai mặt, nhưng mặt tích cực là cơ bản, ta cần có chính sách ứng xử thích hợp, khai thác mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực” – Nhà sử học Dương Trung Quốc.
Kiều bào trăn trở
- Được biết đi đến nước nào ông cũng tranh thủ tiếp cận với kiều bào ta ở nước sở tại, vậy ông quan tâm tìm hiểu thông tin gì nhiều nhất?
Tôi quan tâm trước hết đến đời sống của họ, không chỉ hiểu theo nghĩa cuộc sống gia đình, sự gắn kết của họ đối với Tổ quốc, sự gắn kết về tinh thần mà chắc là người Việt Nam xa xứ nào cũng có, và sự gắn kết đối với công cuộc xây dựng đất nước.
Tiếp xúc với bà con Việt kiều, tôi nhận thấy mỗi người, mỗi gia đình đều là một tiềm năng hướng về đất nước. Ta cần tìm cách thu hút họ về nước.

Nhà sử học Dương Trung Quốc (trái) tin rằng Việt Nam còn thu hút được người nước ngoài đến thì không lo không kéo được Việt kiều về. Ảnh: Chung Hoàng
- Vậy ông thấy đâu là những băn khoăn, trăn trở, lấn cấn nhất của kiều bào khi nghĩ về Việt Nam?
Trước hết là lối sống trong nước khác nhiều với lối sống họ đã quen ở nước ngoài, trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ công dân – nhà nước… Số đông họ cũng đã có quốc tịch nước sở tại. Sự khác biệt này là đương nhiên, nhưng nó đem lại sự phiền toái, khó khăn khiến họ e ngại.
Họ cũng rất trăn trở làm thế nào để đóng góp tốt cho Tổ quốc. Ai cũng muốn đóng góp và đều nhận thấy Việt Nam là nơi có nhiều cơ hội để đóng góp. Nhưng khi trở về, họ vấp phải nhiều khó khăn. Có không ít bài học, trường hợp khiến họ nản lòng. Có không ít người về nước làm ăn mà thất bát. Có những người muốn về tham gia cống hiến lâu dài thì cũng chỉ được thời gian đầu…
Ví dụ điển hình là chính sách nhà cửa. Chính sách của Nhà nước thì thông thoáng, nhưng trong từng trường hợp cụ thể thì cực kỳ phức tạp. Nhìn chung, chính sách pháp luật ta đã có đủ, nhưng trên thực tiễn không phải không có những vấp váp.
Tôi không nghĩ kiều bào còn lấn cấn nhiều về chế độ chính trị, có lẽ chỉ còn ở một thế hệ nào đó do hoàn cảnh lịch sử. Nói đến Việt kiều luôn có hai mặt, nhưng mặt tích cực là cơ bản, ta cần có chính sách ứng xử thích hợp, khai thác mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực.
Việc này cần nỗ lực từ cả hai phía, không chỉ kiều bào mà trước hết là từ phía ta. Nhưng tôi nghĩ, ta còn thu hút được người nước ngoài khi cho họ thấy Việt Nam là đất lành, màu mỡ, nhiều triển vọng, thì có gì phải lo không kéo được người Việt Nam ở nước ngoài về.
Ứng xử tôn trọng
- Nói về kiều bào, ta nói nhiều đến những đóng góp về kiều hối mà còn chưa đề cập đúng mức đến sự đóng góp về tri thức, trí tuệ?
Đúng là kiều hồi đem lại cho nước ta một nguồn lực kinh tế không nhỏ, góp phần giải quyết khó khăn cho một bộ phận dân cư. Nhưng điều ta mong muốn hơn cả là hơn là sự đóng góp của họ trong lĩnh vực kinh tế, hiểu theo nghĩa đầu tư và chất xám. Đây là một nguồn lực to lớn, ta phải biết thu hút bằng những chính sách tốt.
Khi đất nước còn vô cùng khó khăn gian khổ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi được rất nhiều kiều bào về cống hiến lâu bền cho đất nước, sao ta không học ngay bài học đó, đâu cần đi tìm đâu xa.
Bên cạnh những chế độ chính sách bảo đảm đời sống vật chất, điều quan trọng hơn đối với người trí thức, những người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, chính là tinh thần, cách ứng xử, sự tôn trọng thực sự. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, vấn đề chủ yếu là ở trang thiết bị, nhưng với đội ngũ khoa học xã hội nhân văn thì phức tạp hơn. Những vướng mắc về nguyên lý, khái niệm, lập trường khiến ta không dễ tạo cho họ một môi trường đóng góp thực sự.
- Tiếp xúc với kiều bào, ông có lo ngại các thế hệ người Việt sau này, những người trẻ, khó giữ được mối liên hệ với đất nước?
Tôi nghĩ không có gì đáng lo ngại quá nhưng mong muốn các cháu luôn gắn bó với quê hường thì rất lớn. Ta phải quan tâm nhiều hơn nữa, đặc biệt là đầu tư cho quảng bá văn hóa ra nước ngoài.
Về việc này, Nhà nước đã có nhiều cố gắng, ví dụ xây dựng các nhà văn hóa , trung tâm văn hóa ở một số nước lớn. Tôi cũng đã tham gia một vài sinh hoạt văn hóa ở đó. Nhưng như vậy vẫn là yếu so với các quốc gia khác.
Văn hóa là yếu tố gắn kết, trong đó rất quan trọng là ngôn ngữ. Tôi đã gặp không ít gia đình Việt kiều nhiều năm xa Tổ quốc nhưng vẫn giữ được nếp nhà, gia phong. Nhưng với sự phát triển tự nhiên, các cháu rất dễ bị mất ngôn ngữ.
Nhìn vết thương lịch sử theo cách khác
Ngày nay trong thế giới phẳng, con người đi đến nơi này nơi kia là chuyện bình thường, nhưng trong các thế kỷ trước chuyện này không đơn giản. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gắn liền với những biến cố lịch sử.
Những luồng di dân đầu tiên là trong Thế chiến thứ I, với việc người Pháp huy động dân thuộc địa ở Đông Dương tham gia chiến tranh ở châu Âu. Năm 1954 có biến cố sau Hiệp định Genève, nhiều tầng lớp người dân Hà Nội và một số tỉnh di cư ra nước ngoài, chủ yếu là sang Pháp. Với cuộc can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, cùng với luồng du học sinh sang Pháp theo truyền thống, còn có nhiều người sang Mỹ. Cuối cùng là biến cố năm 1975, có một cộng đồng rất lớn người Việt Nam sang Mỹ và nhiều nước khác.
Có thể nói đó là những vết thương trong lịch sử. Nhưng đến bây giờ, ta cần có một cái nhìn khác. Kiều bào chính là nguồn lực của đất nước. Nếu ta biết khai thác, gắn kết, đó sẽ là một nguồn lực vô cùng to lớn về số lượng và đặc biệt là về tiềm lực mà họ có thể đóng góp cho đất nước.
Chung Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét